Kể từ ngày 01/01/2021 khi mà Luật Lao động mới chính thức có hiệu lực thì trong một năm giáo viên sẽ được nghỉ bao nhiêu ngày gồm nghỉ việc riêng, nghỉ hè, nghỉ phép, nghỉ bảo hiểm xã hội,…
Bài viết này sẽ thông tin đến quý bạn đọc những thông tin trên.
Giáo viên được nghỉ hè 8 tuần
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 84/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục.
Theo đó, thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 8 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm.
Trước đây giáo viên được nghỉ hè là 02 tháng, hiện nay với quy định mới giáo viên được nghỉ hè 8 tuần thay cho nghỉ phép hàng năm, do đó giáo viên không có ngày nghỉ phép trong năm như các lao động khác mà chỉ được nghỉ các ngày khác như nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng,…theo quy định
Các ngày nghỉ lễ, tết
Theo Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019, từ năm 2021 người lao động có tất cả 11 ngày nghỉ lễ, tết và hưởng nguyên lương, gồm:
Tết Dương lịch: Nghỉ 01 ngày (01/01 dương lịch); Tết Âm lịch: 05 ngày.
Nhưng từ năm 2021, lịch nghỉ Tết Âm lịch do Thủ tướng quyết định, tùy vào điều kiện thực tế của từng năm;
Ngày Chiến thắng: Nghỉ 01 ngày (Ngày 30/4 dương lịch);
Ngày Quốc tế lao động: Nghỉ 01 ngày (ngày 01/5 dương lịch);
Quốc Khánh: Nghỉ 02 ngày (ngày 02/9 dương lịch và ngày 01 ngày liền kề trước hoặc sau) tăng 1 ngày so với quy định trước đây;
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: Nghỉ 01 ngày (Ngày 10/3 âm lịch).
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet) |
Các ngày nghỉ việc riêng được hưởng nguyên lương
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019, người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:
Bản thân kết hôn: nghỉ 03 ngày; Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.
Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
Ngoài ra người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.
Bên cạnh người lao động nghỉ làm nhưng vẫn hưởng nguyên lương được nêu trên, người lao động nghỉ làm nhưng vẫn hưởng nguyên lương theo các trường hợp dưới đây:
Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. (Theo khoản 4 Điều 137 Bộ Luật lao động 2019)
Trong trường hợp nghỉ do phải ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. (Theo khoản 1 Điều 99 Bộ Luật lao động 2019)
Nghỉ thai sản
Điều 139. Nghỉ thai sản Luật Lao động 2019 quy định:
Lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng; thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 02 tháng.
Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương sau khi thỏa thuận với người sử dụng lao động.
Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng nhưng người lao động phải báo trước, được người sử dụng lao động đồng ý và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động.
Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Lao động nam khi vợ sinh con, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi, lao động nữ mang thai hộ và người lao động là người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Các ngày nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội
Bên cạnh đó theo Luật Bảo hiểm xã hội – Luật số 58/2014/QH13, Nghị định 115/2015/NĐ – CP và Thông tư số 59/2015/TT BLĐTBXH về chế độ nghỉ thai sản dành cho vợ, chồng có vợ sinh con thì số ngày nghỉ được hưởng nguyên lương như sau:
“Khi vợ sinh con, chồng được nghỉ: 05 ngày trong trường hợp sinh thường, 07 ngày khi sinh mổ, sinh đôi thì nghỉ 10 ngày, sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc, sinh đôi trở lên có phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày”
(Lưu ý thời gian nghỉ của chồng được tính trong thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con, quá 30 ngày kể từ thời điểm vợ sinh sẽ không giải quyết chế độ nghỉ trên)
Căn cứ tại Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về nghỉ ốm đau như sau:
Tại Điều 26. Thời gian hưởng chế độ ốm đau
Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;
Nếu người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau:
Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần;
Hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau quy định tại điểm a khoản này mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
Bùi Nam/Giáo dục Việt Nam
0 nhận xét