Ngày 10/10/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Báo Giáo dục thành phố, và một số cơ quan có liên quan tổ chức khai mạc chương trình tư vấn hướng nghiệp với chủ đề “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 13, năm học 2020 – 2021.
Buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 của trường Trần Văn Giàu. (Ảnh: giaoduc.net.vn) |
Các thành viên trong Ban tư vấn nhiệt tình giải đáp thắc mắc của học sinh. (Ảnh: SGGP) |
Chương trình này nhằm tư vấn hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 của các trường, định hướng học tập, cơ hội nghề nghiệp, giúp học sinh có sự lựa chọn phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân, kinh tế gia đình.
Năm học này, chương trình dự kiến sẽ thực hiện tại khoảng hơn 300 trường trung học phổ thông ở phía Nam, như tại tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Bến Tre…bao gồm cả hơn 100 trường nằm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Bằng hình thức hỏi đáp, trao đổi, tư vấn, các em học sinh sẽ có sự lựa chọn đúng đắn về nghề nghiệp trong tương lai, xác định mục tiêu và kế hoạch học tập phù hợp.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Hiếu – Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đây là một hoạt động rất thiết thực, không chỉ hỗ trợ hiệu quả ngành giáo dục thành phố thực hiện tốt công tác hướng nghiệp ở bậc trung học phổ thông, mà còn đem lại cơ hội cung cấp thông tin các ngành nghề, tuyển sinh chính thống từ các giảng viên, chuyên gia có uy tín.
“Mỗi học sinh phải tranh thủ tận dụng, coi chương trình như là một kênh để tìm hiểu thêm nhiều thông tin hữu ích, giúp cho bản thân chọn được ngành nghề phù hợp” – ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.
Ngay sau lễ khai mạc, các học sinh lớp 12 của trường trung học phổ thông Trần Văn Giàu, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh đã được các chuyên gia tư vấn trực tiếp về các ngành nghề đang thu hút học sinh, tiêu chí lựa chọn, và nhiều vấn đề khác liên quan đến nghề nghiệp.
Học sinh khối 12 đặt câu hỏi tại buổi tư vấn hướng nghiệp sáng 10-10-2020. (Ảnh: SGGP) |
Học sinh khối 12 chăm chú theo dõi thông tin tại ngày hội tư vấn hướng nghiệp. (Ảnh: SGGP) |
Tại buổi tư vấn, Nguyễn Phạm Mỹ Tâm, học sinh lớp 12A11, Trường THPT Trần Văn Giàu, đặt câu hỏi về triển vọng nghề nghiệp của các ngành đào tạo ngoại ngữ. Đáp lại băn khoăn này, ThS. Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng Phòng tư vấn tuyển sinh và truyền thông, Trường Đại học Công nghệ TPHCM cho biết, trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển, ngoại ngữ là một trong những công cụ phát triển hàng đầu. Trong đó, học sinh không nên quan niệm “học ngành gì sẽ ra làm nghề đó” mà thay vào đó, các em có thể cùng học một ngành đào tạo nhưng làm nhiều nghề khác nhau. Đơn cử, cùng tốt nghiệp ngành Ngữ văn Anh, cử nhân ra trường có thể phụ trách nhiều công việc như giáo viên ngoại ngữ, biên phiên dịch, quan hệ quốc tế, giao dịch văn phòng… Vì vậy, sau khi xác định ngành học, học sinh cần dựa vào đam mê, sở thích, năng lực bản thân để tự rèn luyện thêm các kỹ năng phát triển nghề nghiệp phù hợp.
Còn Mai Nguyễn Hồng Hạnh, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Trần Văn Giàu quan tâm vấn đề vì sao ngày càng có nhiều cử nhân ra trường không tìm được việc làm dù các bạn đều chọn những ngành “hot”, từng được giới thiệu nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường.
Giải đáp thắc mắc này, ThS. Phạm Doãn Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM bày tỏ, thị trường lao động không quy định “ngành hot” mà chỉ có những “cá nhân hot” trong từng ngành nghề lao động. Do vậy, không nên có suy nghĩ học ngành quản trị kinh doanh sau khi tốt nghiệp sẽ làm giám đốc, cán bộ quản lý mà nên nhìn rộng hơn là có thể đảm nhận bất kỳ vị trí nào từ nhân viên đến các vị trí quản lý. Tương tự, không nên hiểu tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin chỉ có một con đường là lĩnh vực công nghệ mà có thể làm các công việc kinh doanh, bán hàng liên quan đến sản phẩm công nghệ.
Ngoài ra, nhiều câu hỏi khác liên quan đến sự “đóng băng” của lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu du học, liên kết đào tạo trong và ngoài nước của các bạn học sinh cũng được các chuyên gia giải đáp đầy đủ.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, trong giai đoạn 2020-2030, nhu cầu nhân lực đã qua đào tạo sẽ chiếm khoảng 85% thị trường lao động. Trong đó, 2 nhóm ngành nổi bật là Công nghệ - Kỹ thuật (chiếm tỷ trọng 35%) và Kinh tế - Tài chính – Ngân hàng – Pháp luật – Hành chính (chiếm khoảng 33%)./.
0 nhận xét