Nhiều người lao động nghèo ởHà Nội vẫn trắng đêm "đội" giá rét để mưu sinh, ghi nhận tại chợ Long Biên đêm 16-12. |
Hà Nội những ngày rét đậm tràn về, trời lạnh cắt da thịt, nhiệt độ có thời điểm xuống mức dưới 12 độ C. Sau giờ tan sở, ai cũng chạy đua với cái rét để về thật nhanh với ngôi nhà ấm áp.
Tuy nhiên, ở đâu đó giữa Hà Nội còn có những người lao động, những người vô gia cư... vẫn đang phải "đội" giá rét, bất chấp thời tiết khắc nghiệt vào thời điểm giữa đêm để mưu sinh, làm việc vì một cái tết "ấm" sắp tới.
23h đêm 16-12, dọc theo phố Cầu Giấy, nhiệt độ thấp kèm theo những cơn gió thổi mạnh càng tạo cảm giác buốt giá hơn. Chị Nguyễn Thị Bích (48 tuổi, Thường Tín, Hà Nội) với dáng người nhỏ thó, một mình đạp xe dọc tuyến đường Cầu Giấy - Đường Bưởi để nhặt ve chai, thùng bìa carton bị bỏ lại ven đường hoặc trong các thùng rác.
Chị Nguyễn Thị Bích thâu đêm lạnh nhặt vỏ chai nhựa, thùng bìa carton trên phố Hà Nội |
Mỗi ngày công việc của chị Bích bắt đầu từ 10h sáng cho tới gần 1h đêm mới được về nhà. Chị cho biết ngày nào may mắn nhặt được nhiều vỏ chai nhựa, hoặc được mọi người cho các thùng carton thừa thì thu nhập sẽ được khoảng 150.000-200.000 đồng.
"Trời rét này làm tới đêm muộn vất vả lắm, những vẫn phải làm cháu ạ, bởi vì nhà cô có 2 đứa con đang đi học. Một đứa lớn năm nay đang học đại học năm 3, một đứa học lớp 11, mình vất vả một chút nhưng các con đi học đầy đủ là hạnh phúc lắm rồi", chị Bích rơm rướm nước mắt chia sẻ.
Được biết chồng chị Bích mắc bệnh tâm thần, không có khả năng lao động, vì vậy mọi chi phí sinh hoạt của các con và gia đình, đều do chị cáng đáng.
Anh Nông Sùng (35 tuổi, người dân tộc Tày, Cao Bằng) làm công nhân tại một công trình đang xây dựng trên đường Nguyễn Thái Học (Ba Đình, Hà Nội). Công việc chính của anh Sùng hằng ngày là chùi rửa các xe chở bêtông từ công trường thật sạch sẽ trước khi các xe này lưu thông ra đường.
Anh Sùng phải làm việc từ 20h tối đến 6h sáng hôm sau, mỗi ngày được trả 200.000 đồng tiền công, kể cả ngày mưa rét |
Mỗi ngày, anh Sùng phải làm việc từ 20h tối đến 6h sáng hôm sau, được trả 200.000 đồng tiền công. Những ngày Hà Nội rét đậm, với đặc thù công việc thường xuyên tiếp xúc với nước, anh Sùng đã phải trang bị cho mình một chiếc áo mưa để tránh rét, ướt.
"Trời lạnh này chùi rửa xe vất vả lắm, có hôm về ướt hết cả người, vừa đi vừa run, làm cả đêm cũng chỉ được 200.000 đồng thôi thôi, tuy nhiên vì nuôi vợ con ở quê nên mình phải cố gắng, bây giờ có việc làm là may lắm rồi", anh Sùng nói.
Là công nhân vệ sinh môi trường trên khu vực đường Lê Duẩn (Hoàn Kiếm, Hà Nội), gần 12h đêm, mặc cái lạnh chị Nguyễn Thị Phượng (48 tuổi, Gia Lâm) vẫn cần mẫn quét, hót những đống rác ven đường cho lên xe.
Làm việc tới tận 2h sáng, chị Phương phải di chuyển hơn 20km về nhà trong đêm lạnh |
Chị Phượng cho hay mỗi ngày công việc của chị kết thúc lúc 2h sáng. Công nhân vệ sinh môi trường ngày các ít, lượng rác càng nhiều, khiến khối lượng công việc bây giờ gấp bốn lần so với ngày trước.
"Nhà mình tận bên Gia Lâm, làm việc cách nhà hơn 20km, 2h sáng mới được về, trời đã rét rồi đi qua cầu Vĩnh Tuy gió thổi lại càng buốt hơn, nhưng đã là công việc thì phải chấp nhận và cố gắng thôi", chị Phượng chia sẻ.
Một số hình ảnh người lao động Hà Nội trắng đêm "đội" giá rét mưu sinh:
Đêm muộn, giá lạnh nhưng các tài xế xe ôm vẫn chờ để chở khách, ghi nhận trên tuyến phố Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm) |
Những gánh hàng ngô, khoai nướng ven đường đắt khách hơn khi thời tiết Hà Nội trở rét |
Những ngô, khoai được của các bà, các cô vẫn đỏ lửa thâu đêm để bán hàng |
Những người lao động vất vả mưu sinh trắng đêm trong ngày Hà Nội đón rét đậm |
Những xe hàng chất đầy cao hơn đầu người đàn ông trưởng thành |
Trời rét vắng khách, người đàn ông sửa xe "dạo" trên đường Trần Quang Khải (Hoàn Kiếm) tranh thủ nhóm lửa để sưởi ấm |
Một công nhân điều tiết nước sạch trên đường Lê Duẩn, Hà Nội |
Một người vô gia cư đốt lửa sưởi ấm dưới chân tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội (đoạn chạy qua đường Kim Mã) |
Một người đàn ông vô gia cư khác ngồi mặc tấm áo mỏng manh trong đêm rét, ngồi trên đê Hồng Hà hướng ra đường Trần Quang Khải |
Theo Phạm Tuấn/Tuổi trẻ
0 nhận xét