Open top menu
Thứ Ba, 21 tháng 7, 2020

Hội nghị các Quan chức cao cấp 18 nước tham gia Cấp cao Đông Á (EAS)

Tối 20/7, Hội nghị các Quan chức cao cấp 18 nước tham gia Cấp cao Đông Á (EAS) đang diễn ra theo hình thức trực tuyến. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam chủ trì hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh kết quả của cuộc họp các Đại sứ các nước thành viên Cấp cao Đông Á (EAS) đầu tiên trong Năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, diễn ra tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN, Jakarta, Indonesia hồi tháng 2 đầu năm. Cuộc họp đã hoan nghênh chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng”, các ưu tiên của Việt Nam nhằm thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN, đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững, phát huy vai trò của ASEAN trong cộng đồng quốc tế, mở rộng và nâng tầm quan hệ với đối tác, góp phần củng cố hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển trong khu vực. Các nước cũng bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam và ASEAN trong việc hiện thực hóa các ưu tiên này.

“Năm nay đánh dấu 15 năm thành lập Cấp cao Đông Á (EAS) (2005 - 2020). Trong bối cảnh khu vực và toàn cầu đang có nhiều biến đổi nhanh chóng, các nước trong cơ chế EAS cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa để chủ động tăng cường hợp tác, nhằm ứng phó hiệu quả với các thách thức mới nổi khó lường; đồng thời tận dụng các cơ hội để tăng trưởng bền vững, tạo môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực”- Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam chủ trì hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Tại hội nghị, các đại biểu cũng ghi nhận và đánh giá cao kết quả tích cực các hoạt động hợp tác nhằm thực hiện quyết định của Lãnh đạo cấp cao được thể hiện thông qua các Tuyên bố cấp cao Đông Á từ năm 2005 đến nay cũng như Kế hoạch Hành động Manila (2018-2022)...; đồng thời chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 10 và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 15 vào cuối năm nay.
Cấp cao Đông Á (EAS) được thành lập năm 2005 và hiện có 18 nước thành viên, bao gồm 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác của ASEAN, gồm có Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga và Mỹ./.

100 đại biểu dự Hội nghị trực tuyến Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á

Diễn ra trong 2 ngày 21-22.7 tại phòng họp A1, trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo hình thức họp trực tuyến, Hội nghị Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á được xem là Hội nghị quan trọng mà nước chủ nhà của SEA Games 31 - Việt Nam được tổ chức nhằm chuẩn bị cho việc đăng cai tổ chức Đại hội.

Tuy nhiên phiên họp lần này diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt khi cả thế giới vẫn đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Tuy Việt Nam đã khống chế được đại dịch nhưng nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới vẫn phải đối phó với dịch bệnh làm chao đảo thế giới này. Vì thế phiên họp đã được nước chủ nhà tổ chức theo hình thức họp trực tuyến.

Theo Điều lệ của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF), các quốc gia đăng cai SEA Games sẽ tổ chức các phiên họp Hội nghị Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á trước, trong thời gian chính thức Đại hội để thảo luận, thông qua các vấn đề liên quan đến công tác chuẩn bị, tổ chức SEA Games và một số vấn đề khác có liên quan đến hoạt động của thể thao Đông Nam Á.

Với tư cách là nước chủ nhà của SEA Games 31 năm 2021, việc tổ chức Hội nghị Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á là hoạt động có ý nghĩa quan trọng nhằm khẳng định trách nhiệm của Việt Nam đối với các quốc gia thành viên SEAGF.

Việt Nam sẽ tổ chức SEA Games 31 trên tinh thần đoàn kết, cao thượng của thể thao

Bên cạnh đó, việc tổ chức Hội nghị lần này nhằm báo cáo các vấn đề liên quan đến công tác chuẩn bị, tổ chức SEA Games 31 năm 2021 của Việt Nam; thông qua số môn thể thao, nội dung thi đấu của SEA Games 31 và Điều lệ của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á. Trên cơ sở thảo luận, thông qua số môn thể thao, nội dung thi đấu, công tác chuẩn bị SEA Games 31 và Điệu lệ của SEAGF, để từ đó kiến nghị, đề xuất các giải pháp để tổ chức thành công SEA Games 31.

Dự kiến Hội nghị sẽ có sự tham dự của hơn 100 đại biểu (trong đó có khoảng hơn 30 đại biểu quốc tế chính thức và gần 70 đại biểu khác là người đại diện một số ban chức năng, đại biểu đại diện nước chủ nhà, thư ký, cán bộ giúp việc và quan sát viên. Thành phần họp trực tuyến tại Việt Nam gồm 1 chủ tọa, 5 đại diện và tổ giúp việc.

Ngày 21.7, sẽ diễn ra 3 phiên họp của các Ban: Ban Thể thao và Luật, Ban Y học, Ban Phụ nữ và Thể thao. Ngày 22.7, sẽ diễn ra 2 phiên họp của Ban chấp hành SEAGF và Phiên họp Hội đồng SEAGF.

Belarus bổ nhiệm đại sứ tại Mỹ sau hơn một thập kỷ bỏ trống

Ngày 20/7, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã bổ nhiệm Thứ trưởng Ngoại giao Oleg Kravchenko làm đại sứ nước này tại Mỹ sau 12 năm chức vụ trên bị bỏ trống.

Phát biểu sau khi được bổ nhiệm, tân Đại sứ Kravchenko nhấn mạnh tuy khác biệt về thể chế chính trị-quân sự nhưng Belarus và Mỹ có tiềm năng trở thành những đối tác quan trọng của nhau.

Ông Kravchenko nhấn mạnh tới một điểm mấu chốt trong quan hệ song phương, đó là đối thoại về những vấn đề có quan điểm khác biệt.

Theo ông Kravchenko, hai bên chia sẻ những lợi ích chung trong các lĩnh vực tài chính, đối thoại kinh tế và năng lượng, an ninh quốc tế, hợp tác giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Tân Đại sứ Belarus tại Mỹ Oleg Kravchenko. (Ảnh: TUT)

Tân Đại sứ Kravchenko khẳng định hai nước đều mong muốn duy trì bình thường hóa quan hệ ở mức ổn định.

Tân Đại sứ Kravchenko là quan chức ngoại giao từng có nhiều thời gian công tác tại Mỹ. Trong các năm 2007 và 2008, ông là Tham tán tại Đại sứ quán Belarus ở Mỹ.

Trong giai đoạn 2008-2014, ông là Đại biện lâm thời ở Mỹ và đến năm 2017, ông giữ chức Vụ trưởng Vụ Mỹ và Canada thuộc Bộ Ngoại giao Belarus.

Chức vụ Đại sứ Belarus tại Mỹ đã để trống 12 năm qua sau bê bối ngoại giao năm 2008 khiến hai bên rút đại sứ về nước và chỉ duy trì nhân viên đại sứ quán ở mức tối thiểu.

Quan hệ song phương đã ấm dần lên sau cuộc bầu cử Tổng thống Belarus năm 2015 và hai bên tuyên bố trao đổi đại sứ trong năm nay.

Theo các nguồn tin, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ chuyên trách các vấn đề châu Âu và Á-Âu Julie Fisher có thể là ứng cử viên cho cương vị Đại sứ Mỹ tại Belarus.

Trước đây, nhà ngoại giao này từng là phó đại diện của Washington tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Bà cũng từng làm việc tại Đại sứ quán Mỹ ở Gruzia, Ukraine và Nga.

Hơn 300 công dân Việt Nam mắc kẹt tại Đài Loan về nước an toàn

Ngày 20/7, các cơ quan chức năng Việt Nam, Văn phòng Kinh tế - Văn hoá Việt Nam tại Đài Bắc, hãng Hàng không Vietnam Airlines và các cơ quan chức năng Đài Loan (Trung Quốc) đã phối hợp thực hiện chuyến bay đưa hơn 300 công dân Việt Nam từ Đài Loan (Trung Quốc) về nước.

Hành khách trên chuyến bay là những người bị mắc kẹt do đại dịch COVID-19 và có hoàn cảnh đặc biệt như người cao tuổi, học sinh dưới 18 tuổi, lao động hết hạn hợp đồng, phụ nữ mang thai nhiều tháng, người bị bệnh nền, học sinh, sinh viên đã kết thúc chương trình học, người đi du lịch, thăm thân…

Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc đã tích cực, chủ động hỗ trợ, hướng dẫn công dân hoàn thành các thủ tục và cử cán bộ trực tiếp phối hợp với hãng Hàng không Vietnam Airlines hỗ trợ công dân tại sân bay.

Với mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho công dân, ngăn ngừa sự lây lan của đại dịch, hãng hàng không đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp về an ninh, an toàn và vệ sinh dịch tễ trong suốt hành trình chuyến bay. Ngay sau khi hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Tân Sân Nhất, những người tham gia chuyến bay đã được giám sát y tế và cách ly tập trung theo đúng quy định.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian tới, trên cơ sở diễn biến dịch bệnh trong nước và quốc tế, nguyện vọng về nước của công dân và năng lực cách ly tại các địa phương, các cơ quan chức năng Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các hãng hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các chuyến bay đưa công dân bị mắc kẹt do đại dịch ở nước ngoài về nước.

P.V (Tổng hợp)

Tagged
Different Themes
Written by Lovely

Aenean quis feugiat elit. Quisque ultricies sollicitudin ante ut venenatis. Nulla dapibus placerat faucibus. Aenean quis leo non neque ultrices scelerisque. Nullam nec vulputate velit. Etiam fermentum turpis at magna tristique interdum.

0 nhận xét