Mới đây, người dân của 2 xã Hồng Kỳ và Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội lại tiếp tục dựng lều bạt, không cho xe rác của Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) lưu thông vào Khu xử lý chất thải Nam Sơn.
Sự việc trên đã khiến một lượng lớn rác thải sinh hoạt của người dân Thủ đô Hà Nội bị dồn ứ tại nhiều điểm tập kết rác đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe của người dân Hà Nội.
Rác thải nội thành ùn ứ sau khi người dân chặn rác vào khu xử lý rác Nam Sơn. |
Được biết, khu xử lý chất thải Nam Sơn ngày tiếp nhận, xử lý khoảng 5.800 tấn rác từ 20 khu vực tại TP Hà Nội. Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm 2 lần bãi rác Nam Sơn phải dừng hoạt động do người dân chặn xe chở rác vào khu xử lý.
Vụ chặn rác từ tối ngày 13/7/2020, đã khiến khoảng 18 nghìn tấn rác đã không được xử lý, rác ứ đọng nhiều nơi. Dự án phân luồng xử lý rác thải cũng đã được đưa ra, tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp tình thế khi khu xử lý chất thải Cầu Diễn và khu xử lý chất thải Xuân Sơn Sơn Tây cũng sắp quá tải.
Trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ TN&MT sáng ngày 20/7/2020, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường – Ông Hoàng Văn Thức đánh giá đây là nội dung rất nóng trong các năm gần đây.
“Vấn đề về rác thải sinh hoạt vẫn là vấn đề nhức nhối, từ trung ương đến các cấp chính quyền địa phương hiện nay đang đau đầu để đưa ra bài toán xử lý. Việc bà con chặn xe vào bãi rác Nam Sơn vừa qua là một trong những trường hợp rất cụ thể và điển hình. Tuy nhiên, Hà Nội đã xử lý rất tốt”.
Theo ông Thức, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mấy năm qua thỉnh thoảng có sự việc người dân phản đối. Thứ nhất là do vị trí đặt quy hoạch khu xử lý chất thải có vấn đề. Theo kết quả điều tra năm 2019 của Tổng Cục Môi trường trong cuộc tổng rà soát, điều tra các khu xử lý rác thải sinh hoạt tại 63 tỉnh thành trong cả nước cho thấy sự không phù hợp về quy hoạch.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường – Ông Hoàng Văn Thức trao đổi tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ TN&MT sáng nagyf 20/7/2020. |
Cụ thể, “có bãi rác thì đảm bảo quy định cách khu dân cư 500m, nhưng có bãi rác chỉ có cách mấy trăm mét thôi, khi hoạt động gây ô nhiễm mùi, nước có vấn đề, người dân có ý kiến đề nghị chính quyền có biện pháp di dời”.
Thứ hai, liên quan đến công nghệ xử lý. Qua đợt tổng kiểm tra, rà soát vừa rồi, Phó Tổng cục trưởng cho biết, trong toàn quốc có 71% thực hiện chôn lấp hợp vệ sinh và không hợp vệ sinh, còn lại tỷ lệ của các giải pháp khác rất thấp, công nghệ đốt chiếm 13%...
Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có trao đổi với các địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn, có lượng rác thải phát sinh nhiều như Hà Nội. TP. HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ… nên khuyến khích áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại như đốt phát điện hoặc công nghệ thu hồi năng lượng.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu để xây dựng cùng các bộ ngành địa phương trình Chỉ thị về một số giải pháp cấp bách trong xử lý chất thải rắn. Trong đó, tập trung xử lý chất thải sinh hoạt.
Thứ ba là vấn đề nguồn lực. Hiện nay lĩnh vực xử lý rác thải đã thu hút được nguồn lực xã hội hóa, các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân trong nước tham gia. Tuy nhiên, nguồn lực liên quan quy hoạch, phải giải quyết bài toán từ quy hoạch, công nghệ cho đến nguồn lực.
Phó Tổng Cục trưởng tin tưởng rằng, việc dự án nhà máy điện rác có công suất xử lý 4.000 tấn/ngày tại Nam Sơn đang được Hà Nội đầu tư với công nghệ hiện đại, xử lý mùi tốt…sau khi hoàn thành sẽ giải quyết được vấn đề này.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, KTS. Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường trực Ban chấp hành Hội Kiến trúc sư Hà Nội lại cho rằng, để giải quyết vấn đề cần phải lập quy hoạch tích hợp đa ngành theo luật quy hoạch mới, có chiến lược phát triển kinh tế tuần hoàn.
Theo KTS. Trần Huy Ánh, phương pháp chôn lấp rác thải rất thô sơ vốn không phù hợp với không gian đô thị ngày càng chật hẹp, gạt từng mét đất để làm bất động sản. Do đó, cần phải du nhập, tiếp cận phương pháp, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế không rác thải thì mới là tiến bộ. Theo đó, rác thải có thể tái chế làm phân bón, vật liệu xây dựng, xi măng… Việc chôn lấp rác chỉ là biện pháp tạm thời.
0 nhận xét