Hiện nay, tỉnh Quảng Bình có cảng cá Nhật Lệ (TP Đồng Hới) và cảng cá Sông Gianh (huyện Bố Trạch) do Ban Quản lý các Cảng cá tỉnh thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Gần đây, hệ thống các cảng cá này vừa xuống cấp, vừa chật chội, cát bồi lấp, hôi hám… gây khó khăn cho việc cập bến của các tàu thuyền.
Cảng cá sông Gianh chật chội, thường xuyên gây quá tải cho tàu thuyền |
Được biết, cảng cá Sông Gianh được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2001, với tổng vốn đầu tư 19 tỉ đồng từ nguồn dự án ADB do Bộ Thủy Sản (nay sáp nhập Bộ NN-PTNT) làm chủ đầu tư. Cảng có diện tích 22.000m2, được thiết kế cho khoảng 30 chiếc tàu công suất từ 150 CV, dài từ 12m trở xuống cập cảng trong một ngày. Thời gian gần đây, số lượng tàu của ngư dân thường xuyên cập cảng cá Sông Gianh tăng mạnh, gây tình trạng quá tải, khó khăn cho tàu thuyền ra vào cảng. Đặc biệt, do cảng được xây dựng quá lâu nên xảy ra tình trạng xuống cấp, hư hỏng.
Tàu bà con ngư dân đang neo đậu ở cảng cá Nhật Lệ ngày một xuống cấp, mất an toàn |
Cảng cá Nhật Lệ có tổng diện tích 4,5ha, được đầu tư xây dựng từ năm 2000, với số tiền 20 tỉ đồng từ nguồn vốn biên giới hải đảo. Trung bình mỗi năm, cảng đón khoảng từ 2.000 đến 2.500 lượt tàu thuyền ra vào với khoảng 9.000 tấn hàng được bốc lên, xuống tàu. Hiện khu neo đậu, bốc dỡ hàng hóa tại cảng rất chật chội, chỉ đáp ứng được khoảng 20% lượng tàu cá cập cảng.
Còn tại cảng cá Sông Gianh, trung bình mỗi năm có tới 7.000 lượt tàu ra vào với số lượng hàng hóa được bốc xếp lên xuống từ 9.000 đến 12000 tấn/năm. Tuy nhiên, trên cảng thì xuống cấp, dưới nước thì bị cát bồi lấp nghiêm trọng, gây khó khăn cho lượng lớn tàu thuyền ra vào, đe dọa an toàn cho tàu thuyền ngư dân.
Theo quan sát của phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam, bề mặt bê tông trên các mặt cầu tàu, chỗ neo đậu đã bong tróc, trụ và sàn cầu nhiều chỗ sắt bị bung ra. Nhà cửa, sân bãi, đường ra cảng cũng sụt lún nhiều nơi gây trở ngại cho việc ra vào, vận hành, bốc dỡ hàng hóa lên - xuống tàu. Tại cảng cá Nhật Lệ, tình trạng xuống cấp, ô nhiễm cũng đang diễn ra rất nghiêm trọng hơn. Hệ thống xử lý nước thải hoàn toàn bị tê liệt dẫn đến tình trạng ngập úng trong mùa mưa. Ngoài ra, tại 2 cảng cá Sông Gianh và cảng Nhật Lệ thường xuyên diễn ra tình trạng ô nhiễm vì nạn rác thải và nước rửa cá phát sinh mùi hôi, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Ông Nguyễn Văn Sơn, một chủ tàu ở huyện Bố Trạch - than phiền tàu của ông thường đánh bắt ở các vùng biển xa và ngư trường Hoàng Sa. Khi khai thác xong thường về cập cảng cá Sông Gianh để bán hải sản và tiếp nhiên liệu. “Cảng cá dù lớn nhưng thường xuyên bị quá tải, mỗi lần cho tàu cập cảng là phải đợi nhiều giờ liền, thậm chí cả ngày trời mới cập vào cảng để bán hải sản và tiếp nhiên liệu. Khi cập cảng thì thủy triều xuống không thể ra khơi được, còn neo đậu một chỗ cũng rất lo vì cảng xuống cấp lỡ như gặp sự cố thì không biết làm cách nào”.
Ông Nguyễn Trung Sơn, Trưởng ban Quản lý Cảng cá Sông Gianh, thừa nhận tình trạng cảng cá ngày một xuống cấp trầm trọng và quá tải gây khó khăn cho tàu thuyền ngư dân mỗi lần ra vào cập cảng. “Có đợt cao điểm, hàng chục lượt tàu cá ngư dân xếp hàng chờ cập cảng, ảnh hưởng đến việc bốc dỡ hàng hóa lên xuống tàu. Các loại xe tải cung cấp nguyên liệu, lương thực cho tàu cá hoặc xe thu mua hải sản phải đậu ngoài khu vực cầu cảng để trung chuyển, hết sức bất tiện”.
Còn ông Trần Đăng Thảo - Phó Giám đốc BQL các cảng cá tỉnh Quảng Bình cho biết hiện cảng cá Nhật Lệ và cảng Gianh xuống cấp, lại chật chội nên chỉ đáp ứng từ 20%-30% tàu thuyền vào neo đậu, bốc dỡ hàng hóa. Còn lại, đa số các tàu cá đều phải neo đậu, bốc dỡ hàng ở các “bến cóc” gây khó khăn cho việc thống kê, kiểm soát tàu cá cũng như hàng hóa bốc dỡ của bà con”.
Ngư dân mong muốn, trước thực trạng đó UBND tỉnh Quảng Bình cần tu sửa, cần xây dựng lại các hệ thống cảng cá mới hoặc nạo vét tại khu vực các chân cầu cảng để tăng thêm số lượng tàu cập bến, để góp phần phát triển hậu cần nghề cá, trú tránh bão cũng như quản lý tàu thuyền trên địa bàn tỉnh được thuận lợi và phát triển.
0 nhận xét