Chủ nhật, 09/01/2022 19:51 (GMT+7)
-Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự Lễ phát động Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi và trao giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất.
Ngày 9/1, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Lễ phát động Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi và trao giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất. Buổi lễ có sự tham dự của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.
Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, văn học giúp con người xích lại gần nhau, biết san sẻ yêu thương nhau. Chủ tịch nước đánh giá cao Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức lễ phát động Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi, trao giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất; hoan nghênh và ủng hộ chiến lược của Hội Nhà văn Việt Nam nhằm tạo ra những tác phẩm văn chương xuất sắc cho trẻ em cũng như mang những tác phẩm văn chương ấy đến với trẻ em, đặc biệt là trẻ em miền núi và vùng sâu vùng xa.
Chủ tịch nước cho biết, văn học đích thực là nguồn suối trong lành, tươi mát trong tâm hồn, rũ bỏ bụi bẩn và mệt nhọc của cuộc sống. Sáng tác văn học thiếu nhi là một chủ đề thú vị và ý nghĩa, cần được khuyến khích và lan tỏa mạnh mẽ bởi con người cần được gieo những hạt giống tâm hồn, không ngừng ước mơ nuôi dưỡng những khát khao, tôi rèn ý chí hoài bão ngay từ khi còn nhỏ cho đến khi trưởng thành và văn học chính là nguồn dưỡng khí nuôi tâm hồn, hướng thiện, lành mạnh, vị tha, giàu lòng nhân ái; đồng thời hun đúc ý chí, nghị lực vươn lên của con người, nhất là đối với thế hệ trẻ, thanh thiếu niên, nhi đồng.
"Sáng tác cho thiếu nhi khó nhưng vô cùng thú vị và ý nghĩa… Những gì trong tâm hồn thiếu nhi hôm nay chính là bản thiết kế quan trọng cho chân dung những công dân Việt Nam trong tương lai. Sáng tác cho thiếu nhi có ý nghĩa rất lớn lao", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Chủ tịch nước kêu gọi các nhà văn Việt Nam, toàn xã hội hãy vì tương lai của dân tộc dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em. Các nhà văn trẻ hãy tiếp bước các thế hệ đi trước, viết bằng nét đẹp văn hóa dân tộc mình, bằng tâm thế của thời đại mình, bằng lương tri, bản lĩnh của con người Việt Nam.
"Tôi luôn mong ước một ngày không xa Việt Nam sẽ có nhà văn đạt giải thưởng Nobel văn chương, mang đến niềm tự hào cho đất nước. Tôi có niềm tin mạnh mẽ vào tất cả các nhà văn, tác giả trẻ hôm nay", Chủ tịch nước gửi gắm tới các nhà văn.
Chủ tịch nước mong muốn, Hội Nhà văn Việt Nam trên cơ sở chiến lược phát triển đất nước, các cơ quan có chức năng cần tạo ra một không gian sáng tạo để nhà văn sáng tạo nhưng không được làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, dân tộc và của Đảng; quan tâm và sớm khôi phục lại các trại sáng tác với những cách làm phong phú, tạo ra không gian tốt, hệ sinh thái tốt cho sự ra đời của các tác phẩm mới; đề nghị các cơ quan và nhà trường tạo không gian cho các em sáng tạo, nhất là các cuộc thi sáng tác trong trường học để các em được cất lên tiếng nói, thể hiện ước mơ, hoài bão của mình.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam đã cảm ơn sự khích lệ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Ông khẳng định, sau hôm nay chắc chắn trong trái tim của mỗi nhà văn "sẽ nhận thêm trách nhiệm lớn lao, sâu sắc hơn hôm qua và nhiều cảm hứng hơn hôm qua" để thực hiện sứ mệnh gieo vào lòng con người sự tử tế, khát vọng và trách nhiệm với dân tộc mình, đưa nước Việt giàu mạnh, đầy kiêu hãnh và là một dân tộc của lương tri.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết, trong diễn từ của nhà văn Toni Morrison - nhà văn Mỹ đoạt Nobel năm 1993, bà kể về một nhà tiên tri có khả năng nhìn thấy tương lai. Một hôm có những đứa trẻ đứng trước bà, chúng nhìn bà với ánh mắt đầy thách thức và đe doạ rồi cất tiếng: "Này bà tiên tri, bà là một mụ già có khả năng nhìn thấy tương lai, vậy bà hãy nói cho chúng ta biết, con chim chúng ta đang cầm trong tay, chết hay đang sống". Bà tiên tri rùng mình trước câu hỏi của những đứa trẻ và ngước đôi mắt. Bà nhìn thấy tương lai của những đứa trẻ ấy. Những đứa đặt câu hỏi đầy tính thách thức và độc ác. Qua những đứa trẻ bà nhìn thấy tương lai của thế giới. Bà đau đớn vô cùng bởi biết rõ rằng, nếu bà nói con chim còn sống, những đứa trẻ ngay lập tức sẽ giết chết con chim trong tay chúng để minh chứng bà đã sai. Nhưng điều hãi hùng hơn, là chúng minh chứng quyền được độc ác của chúng.
"Số phận con chim kia phụ thuộc vào tình yêu thương của những đứa trẻ, cũng giống như số phận thế gian chúng ta đang sống phụ thuộc vào lòng yêu thương con người và sự chia sẻ của nhân loại. Những đứa trẻ xuất hiện trước mắt bà tiên tri là sự xuất hiện của cái ác đang đe doạ tinh thần của nhân loại", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.
Ông Thiều cho rằng, câu chuyện của nhà văn Toni Morrison cảnh báo sự bạo lực xâm lấn tâm hồn trẻ thơ và nhà văn cũng gửi đi thông điệp: Tất cả những người có lương tâm và vì con người đều có thể trở thành nhà tiên tri của dân tộc mình. Bởi, qua tâm hồn những đứa trẻ hôm nay. Họ có thể nhìn thấy số phận của dân tộc họ ngày mai.
"Chỉ có thể làm cho tương lai tốt đẹp, khi thấu hiểu hiện tại và chuẩn bị cho tương lai dân tộc mình bằng cách chuẩn bị cho hiện tại với một trách nhiệm cao cả nhất và ngập tràn tính nhân văn. Khi chúng ta đặt văn hoá lên tầm cao của đời sống nghĩa là chúng ta thấu hiểu con đường đi tới hạnh phúc của dân tộc. Đây chính là lý do Hội Nhà văn tổ chức Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi để kêu gọi các nhà văn hãy viết những tác phẩm đẹp nhất, nhân văn nhất cho trẻ em. Đó cũng là lý do Hội Nhà văn tổ chức để các tác giả trẻ sáng tác, noi gương các thế hệ nhà văn đi trước, mở ra giá trị nhân văn mới trong một thời đại mới", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.
0 nhận xét