Open top menu
Thứ Tư, 11 tháng 11, 2020

Trong trả lời chất vấn ĐBQH mới đây, giải pháp lấy nước sông Hồng pha loãng để xử lý ô nhiễm tại các dòng sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch và ô nhiễm ở Hà Nam một lần nữa được nhắc tới. Theo đó, giải pháp trước mắt, vẫn là điều tiết trạm bơm, xử lý nước thải ô nhiễm sông Tô Lịch và sẽ vận hành trạm cống Thanh Liệt, trạm bơm Yên Sở, trong đó có việc đưa nước thải pha loãng ra sông Hồng cũng như hút nước sông Hồng pha loãng đối với giai đoạn ô nhiễm ở Hà Nam.

Một đoạn kênh thoát nước ùn ứ đầy rác thải của sông Tô Lịch. Ảnh: VnE.

Giải pháp trên một lần nữa khiến các chuyên gia lo lắng, bởi câu chuyện lấy nước sông Hồng pha loãng xử lý ô nhiễm từng được bàn tới nhiều lần nhưng không nhận được sự đồng thuận của giới chuyên môn.

Ông Nguyễn Xuân Hảo - Phó Giám đốc Sở TN-MT Hà Nam khẳng định ngay, lấy nước sông Hồng pha loãng không xử lý được ô nhiễm cho Hà Nam.

"Bổ cập nước sông Hồng giải quyết ô nhiễm tại Hà Nam chỉ là giải pháp tình thế, không hiệu quả. Bởi, lấy nước sông Hồng pha loãng nước sông Tô Lịch, sông Đáy, sông Nhuệ đoạn Hà Nam nhưng sau đó nước thải sinh hoạt trong dân cư, khu công nghiệp vẫn tiếp tục xả thải chảy ra các sông, rồi nước ô nhiễm lại từ các sông lại chảy ra sông Hồng, sau đó lại lấy nước sông Hồng bơm ngược lại các sông, cứ lòng vòng như vậy chỉ làm nước thải chạy vòng quanh, không giải quyết được ô nhiễm.

Quan trọng nhất là phải kiểm soát được nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư, nhà máy, khu công nghiệp đang thải trực tiếp ra sông.

Và điều đầu tiên là phải kiểm soát triệt để được nước thải từ Hà Nội đổ ra các sông, nếu chưa kiểm soát được tình trạng ô nhiễm ở Hà Nội thì không có giải pháp nào xử lý triệt để được ô nhiễm cho Hà Nam", ông Hảo nói.

Tương tự, GS.TS Trần Hiếu Nhuệ - nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nước và Công nghệ Môi trường cũng cho rằng, muốn xử lý được ô nhiễm của Hà Nam thì phải xử lý được tình trạng ô nhiễm của Hà Nội trước. Để làm được như vậy cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, một giải pháp lấy nước sông Hồng pha loãng xử lý ô nhiễm là không thể.

Như vậy, việc đầu tiên là phải nhìn xem khi nào nhà máy xử lý nước xả thải Yên Xá sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động? Khi đó, có lấy nước từ Yên Xá bơm vào sông Tô Lịch được không?

"Mục tiêu đặt ra là đưa nước thải qua trạm xử lý Yên Xá, sau đó lấy nước thải từ trạm Yên Xá bơm vào Hồ Tây rồi bơm ngược vào các dòng sông, làm loãng nước sông trước khi chảy ngược về trạm xử lý Yên Xá.

Tính toán là như vậy nhưng tới nay trạm xử lý nước xả thải Yên Xá vẫn đang dở dang, chưa hoàn thành, nếu vậy việc lấy nước sông Hồng pha loãng xử lý ô nhiễm cho Hà Nam có hiệu quả không hay "tiền mất tật vẫn mang", việc này phải tính toán cho kỹ", vị chuyên gia nhắc nhở.

Riêng với Hà Nam, vị chuyên gia cho biết sông Châu Giang nối với cống ra sông Hồng, hiện đang bị bít lại từ nhiều năm trước, nếu lấy nước sông Hồng pha loãng xử lý ô nhiễm cho Hà Nam thì phải đồng bộ và rất tốn kém.

"Như vậy, câu chuyện đặt ra ở đây là chúng ta có tiền để làm không?", vị chuyên gia đặt câu hỏi.

Bày tỏ mối lo ngại khác, GS.TS Ngô Đình Tuấn, Hội Môi trường và Tài nguyên nước Việt Nam nhắc lại việc lấy nước sông Hồng pha loãng xử lý ô nhiễm đoạn Hà Nam sẽ có nguy cơ giống như lấy nước sông pha loãng để xử lý sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy, có thể làm ô nhiễm các dòng sông và các tỉnh phụ cận.

GS.TS Ngô Đình Tuấn cho biết, việc lấy nước của một dòng sông pha loãng sự ô nhiễm của dòng sông khác là điều ai cũng có thể nghĩ tới đầu tiên, nhưng sở dĩ không làm là vì có quá nhiều điều lo ngại cho sự ô nhiễm của các vùng phụ cận.

“Việc lấy nước sông Hồng pha loãng nước sông Tô Lịch thoạt nghe có vẻ đơn giản nhưng lại là bài toán rất khó. Bởi phải tính toán xem lấy nguồn nước từ đâu, đưa vào từ vị trí nào và lượng đưa vào là bao nhiêu. Các tính toán phải phù hợp, vừa đủ để không khiến cho dòng chảy bị thay đổi, gây áp lực lên các khu vực khác” – ông Tuấn cho biết.

Cũng theo ông Tuấn, những đề xuất lấy nước sông Hồng để xử lý ô nhiễm các dòng sông ở Hà Nội bị phản ứng là vì nhiều lý do:

Thứ nhất, bản thân nước hồ Tây cũng đang bị ô nhiễm. Khi lấy nước sông Hồng bổ cập cũng chưa thể giải quyết được sự ô nhiễm của nước hồ Tây. Từ đó, một khu vực nước ô nhiễm đổ ra khu vực có sự ô nhiễm lớn hơn chỉ là giải pháp tình thế ban đầu, không đạt được hiệu quả lâu dài.

Thứ hai, khi pha loãng nước sông Tô Lịch sẽ làm lưu lượng nước ở sông Tô Lịch lên cao, đẩy nước về các sông xung quanh như sông Nhuệ, sông Đáy và có khi là chảy ngược ra chính sông Hồng. Khi đó, nước ở các sông này cũng bị ô nhiễm theo.

Như vậy, các vùng như Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình… lại chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc pha loãng nước sông Tô Lịch.

Do đó, việc lấy nước sông Hồng pha loãng xử lý ô nhiễm ở Hà Nam cũng phải được nhìn nhận lại, bởi giải pháp này không giúp giải quyết triệt để ô nhiễm cho Hà Nam khi tình trạng ô nhiễm ở Hà Nội chưa được xử lý.

Mặt khác, việc xử lý nước thải lòng vòng như vậy chẳng khác nào đẩy ô nhiễm từ Hà Nam sang các tỉnh khác, chắc chắn các địa phương khác sẽ không muốn như vậy.

Thái Bình/Báo Đất Việt

Let's block ads! (Why?)

Tagged
Different Themes
Written by Lovely

Aenean quis feugiat elit. Quisque ultricies sollicitudin ante ut venenatis. Nulla dapibus placerat faucibus. Aenean quis leo non neque ultrices scelerisque. Nullam nec vulputate velit. Etiam fermentum turpis at magna tristique interdum.

0 nhận xét