Công ty TNHH Siam City Cement Việt Nam là đơn vị sản xuất xi măng và quản lý chất thải, thành lập vào năm 1994. Năm 2017, công ty này đã chuyển đổi thành công thương hiệu từ Holsim sang INSEE. Hiện Công ty có hơn 1.000 nhân viên làm việc tại nhà máy Hòn Chông, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang với tổng công suất sản xuất 6,1 triệu tấn/năm.
Là một trong những đơn vị sản xuất xi măng hàng đầu Việt Nam, tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, thời gian qua, công ty này có nhiều báo cáo chưa rõ ràng trong hoạt động và sản xuất kinh doanh, cố tình kê khai khối lượng đá vôi hàng năm không đúng với khối lượng thực tế khai thác tại mỏ để giảm bớt số tiền thuế tài nguyên phải đóng, làm thất thu ngân sách trên 2 tỷ đồng.
Nhà máy xi măng INSEE |
Cụ thể, tại mỏ đá Cây Xoài - Bãi Voi, Công ty đã khai thác vượt công suất theo giấy phép khai thác khoáng sản được cấp vào các năm từ 2011 đến 2017, hành vi này vi phạm các quy định của pháp luật. Năm 2017, sau khi có Đoàn thanh tra của Tổng cục Khoáng sản - Bộ Tài Nguyên và Môi trường về trực tiếp làm việc tại Nhà máy thì hành vi vi phạm này mới bị phát hiện. Tuy nhiên, điều làm nhiều người bất ngờ là hành vi gian dối của Công ty Siam City Cement Việt Nam đã quá rõ ràng nhưng Đoàn thanh tra của Tổng cục lại không áp dụng bất cứ biện pháp xử phạt bổ sung nào.
Trả lời về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giải trình tại văn bản số 214/BTNMT-ĐCKS ngày 12/6/2019, cho rằng hành vi vi phạm nêu trên của công ty này là có lý do khách quan. Theo đó, tại mỏ Khoe Lá có hàm lượng MgO cao hơn so với yêu cầu công nghệ được cho là tiên tiến, hiện đại của Nhà máy trong quá trình phối trộn đá vôi chính phẩm với đá phí nguyên liệu. Chính vì thế, Công ty đã tăng công suất, tăng tỷ lệ phối trộn đá vôi khai thác tại mỏ núi Cây Xoài - Bãi Voi.
Rõ ràng, giải trình của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, đây chỉ là sự biện hộ, nếu không muốn nói là bao che, dung túng cho hành vi vi phạm những quy định về luật khai thác khoáng sản; vi phạm Điều 33/TB Nghị định số 142/2013/NĐ-CP do Chính phủ ban hành; cũng như thực hiện trái với Thông tư số 152/2015/TT-BTC ngày 02/10/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế tài nguyên.
Chính vì vậy, Thanh tra Chính phủ đã tính lại khối lượng đá vôi đã khai thác từ 2011 đến 2017 để làm căn cứ tính thuế tài nguyên tại kết luận số 602/KL-TTCP ngày 27/4/2020. Theo đó, tổng số tiền thuế tài nguyên chênh lệch so với số tiền thuế tài nguyên mà Siam City Cement Việt Nam đã kê khai và buộc phải nộp trả lại ngân sách Nhà nước là trên 2,2 tỷ đồng. Đồng thời, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng có Thông báo số 33/TB-VPCP ngày 17/3/2020 chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường phải có trách nhiệm khấu trừ khối lượng khoáng sản vượt công suất vào trữ lượng khoáng sản khai thác được cấp phép và giảm thời hạn khai thác của công ty này để tránh thất thoát ngân sách nhà nước.
Hành vi gian dối nộp thuế tài nguyên của Công ty Siam City Cement Việt Nam đã vi phạm các quy định của pháp luật cần phải được chế tài, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cẩn trọng kiểm tra, rà soát khối lượng khai thác của Công ty năm 2018 và các năm tiếp theo để tránh thất thu thuế, bảo đảm sự công bằng cho tất cả các đơn vị được phép khai thác tài nguyên quốc gia.
0 nhận xét