Open top menu
Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2020

Metro Bến Thành - Suối Tiên là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên tại TP.HCM với chiều dài 19,7km. Toàn tuyến có 14 nhà ga và Depot Long Bình, trong đó đoạn đi ngầm dài 2,6 km và đi trên cao 17,1 km. Có 3 ga đi ngầm là Bến Thành, Nhà hát Thành phố và Ba Son. 11 ga còn lại đi trên cao gồm Văn Thánh, cầu Sài Gòn, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Khu Công nghệ cao, Suối Tiên, Bến xe Miền Đông mới (ga Long Bình).

Vườn hoa đẹp lộng lẫy trước Nhà hát thành phố

Khởi công dự án

Tháng 11/2019, UBND TP.HCM ban hành quyết định số 4856/QĐ-UBND về Phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng tuyến đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) với tổng mức đầu tư gần 44.000 tỉ đồng.

Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 8/2012, dự kiến đưa vào vận hành năm 2021. Như vậy, sau gần 10 năm xây dựng với kinh phí hàng chục nghìn tỉ đồng, khi đi vào hoạt động, tuyến metro số 1 được xem là một dấu ấn lịch sử về kinh phí đầu tư, công sức, thời gian và trí tuệ của chính quyền và người dân thành phố, mang dấu ấn to lớn trong việc phát triển đô thị của TP. HCM, góp phần để TP.HCM sánh vai và nâng tầm với các thành phố lớn trong khu vực.

Góc view nhìn thẳng ra Nhà hát Thành phố bây giờ thay đổi đẹp đến không ngờ

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAURT) toàn dự án metro số sẽ đạt 85% khối lượng công việc trong năm nay. Toàn bộ các hoạ tiết, màu sắc tường, ánh sáng… trong nhà ga ngầm đầu tiên vừa hoàn thành trên tuyến Metro Bến Thành- Suối Tiên được thiết kế theo lối kiến trúc của Nhà hát Thành phố. Đây là điểm nhấn đặc biệt của các nhà ga ngầm, mỗi nhà ga sẽ mang một kiến trúc riêng theo từng địa danh. Hiện không gian ngầm tầng B1 tại ga Nhà hát Thành phố (Quận 1) đã cơ bản hoàn thiện. Đây là hạng mục đầu tiên của dự án nhà ga ngầm thuộc tuyến Metro được hoàn thành và hoàn thành trước tiến độ gần 100 ngày so với kế hoạch ban đầu của nhà thầu. Nhà ga này với các hạng mục thiết kế hiện đại, mang kiến trúc riêng như sảnh đợi, khu vực bán vé, thu phí tự động, thang máy, lối ra, khu mua sắm... Để có được những thành quả hơn mong đợi ấy, toàn bộ công nhân, kỹ sư, thiết kế… của Việt Nam và Nhật Bản đã nỗ lực thi công xuyên mùa dịch Covid-19.

Điểm nhấn Ga ngầm nhà hát Thành phố

Ga ngầm Nhà hát TP hiện có 5 vị trí có thể tiếp cận đi xuống, gồm đoạn trước cửa Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, khu vực đường Lê Lợi, khu vực Sài Gòn Square và khách sạn Rex- tất cả đều là những vị trí xung quanh Nhà hát TP.

Không gian của nhà ga Nhà hát TP được thiết kế khá rộng từ khu vực bán vé, đi dạo tham quan, đi tàu… với chiều dài 190m, rộng 26m.

Toàn cảnh đường Nguyễn Huệ và Lê Lợi nhìn từ khách sạn Rex

Toàn bộ ga ngầm gồm 4 tầng, riêng tầng B1 đã hoàn thiện cơ bản, 3 tầng còn lại đang xây dựng. Từ tầng B1 này hành khách sẽ di chuyển thông tới tầng B2 và B4, cả 2 tầng này là sân ga, nơi tàu dừng, đỗ để đón trả khách. Còn tầng B3 được thiết kế để trang thiết bị cho nhân viên ga, trung tâm kiểm soát thảm họa, khu vực nghỉ ngơi và các phòng thiết bị điện, máy điều hòa không khí và hệ thống thông gió, phòng cơ điện (hệ thống bơm nước thải), các ống thông gió của nhà ga.

Việc đi lại giữa các tầng khi đi tàu được thiết kế thuận tiện cho hành khách, đặc biệt có vạch kẻ nổi bật dành người khiếm thị. Ngoài ra còn có thang máy, thang cuốn và thang bộ kết nối giữa các tầng. Đặc biệt lối đi cho khách tham quan nhà ga khá rộng rãi (khoảng 6 mét), người dân có thể thoải mái đi dạo dưới không gian như một sân khấu hiện đại giữa lòng đất trung tâm Sài Gòn.

Toàn cảnh trước Nhà hát Thành phố

Trước đó, ngày 26/4/2020, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM cùng đơn vị thi công đã trao trả toàn bộ mặt bằng, không gian khu vực Ga Nhà hát Thành phố (Quận 1) của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên.

Ngay sau khi được tháo gỡ rào chắn để xây ga ngầm Metro, người dân Sài Gòn đã vô cùng bất ngờ và choáng ngợp trước khung cảnh đẹp như trong mơ của một trong những tuyến đường đắc địa nhất khu trung tâm thành phố Lê Lợi - Đồng Khởi - Nguyễn Huệ, với ngập tràn cây xanh, hai bên hông đường được tráng nhựa mới và đặc biệt hầm đi bộ thông trực tiếp với ga ngầm B1 từ Nhà hát Thành phố tới Ba Son cũng gần như hoàn thiện.

Chờ đợi một không gian xanh

Khi các hạng mục xây dựng ga và đường hầm đi bên dưới đường Lê Lợi của tuyến metro số 1 sắp hoàn thành, trả lại mặt bằng cho thành phố, theo nhiều kiến trúc sư, TP.HCM nên triển khai làm thêm nhiều hạng mục có tính chất điểm nhấn cho cả khu vực.

Theo KTS Nguyễn Trường Lưu- Chủ tịch Hội KTS TP.HCM, đường Nguyễn Huệ nói riêng và toàn khu vực bao gồm cả đường Lê Lợi, Đồng Khởi… giống như phòng khách của TP.HCM, do vậy, nó luôn cần được làm mới để thu hút người dân và du khách. KTS Nguyễn Trường Lưu nói: “Thành phố nên chọn một số tượng nghệ thuật ngoài trời trưng bày ở đây để tạo thêm tính nghệ thuật cho không gian. Nếu được thiết kế và tổ chức tốt, tôi nghĩ đó có thể là những điểm nhấn mà người dân, du khách có thể tham gia các hoạt động như vẽ tranh, chụp ảnh, biểu diễn nghệ thuật ngay cả vào ban ngày. Thành phố nên cho phép một số nhà hàng, khách sạn mở các quán cà phê hay quán ăn nhẹ ở đây”.

GS-TS Nguyễn Trọng Hòa- Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM nêu ý kiến: “Bước đầu, đường đi bộ Nguyễn Huệ đã tạo được dấu ấn tốt với đông đảo người dân. Nếu TP.HCM nghiên cứu đầu tư thêm mảng xanh, các không gian nghệ thuật và một số công trình kiến trúc có ấn tượng, tuyến đường đi bộ này sẽ còn hấp dẫn hơn, nhất là khi mặt đường Lê Lợi đang được “trả” lại cho thành phố. Kết hợp với việc tổ chức lại không gian của tuyến đường Lê Lợi với tuyến đường Nguyễn Huệ, TP.HCM sẽ có đường một quảng trường - phố đi bộ đẹp, ấn tượng như nhiều đô thị lớn khác trên thế giới.

KTS Khương Văn Mười, Phó Chủ tịch Hội KTS TP.HCM góp ý: “Việc TP.HCM sau khi thực hiện chỉnh trang tuyến đường Nguyễn Huệ, có kế hoạch bắt tay vào chỉnh trang tiếp trục Lê Lợi và các tuyến đường xung quanh là hết sức cần thiết. Bởi thực tế thời gian qua đã chứng minh, đường đi bộ Nguyễn Huệ đã trở thành địa chỉ yêu thích của nhiều người dân và du khách.

Việc mở rộng, nâng cấp cả khu vực sẽ không chỉ làm cho nơi đây thêm hấp dẫn mà còn là động lực tốt, góp phần cho sự tăng trưởng của thành phố, nhất là du lịch.

Sau khi metro số 1 được hoàn thành, hoàn trả hết mặt bằng đường Lê Lợi, TP.HCM nên hoàn chỉnh thiết kế không gian kiến trúc cảnh quan của toàn bộ trục đường Lê Lợi, hướng tới việc định hình toàn bộ không gian công cộng kết hợp với không gian ngầm, thương mại dịch vụ dọc hai bên đường.

Khu vực này, được chỉnh trang và làm đẹp hơn nữa, tôi tin rằng không chỉ là điểm nhấn kiến trúc cho thành phố mà còn góp phần giúp thành phố phát triển kinh tế, xã hội”.

Ông Vũ Văn Điệp - Giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng (Sở Xây dựng TP.HCM) cho biết: "Sau khi Sở Xây dựng nhận bàn giao mặt bằng từ Ban đường sắt đô thị, đơn vị đã cho cải tạo và tái lập khu vực này thành một mảng không gian xanh, được trồng cỏ và hoa, cây kiểng để phục vụ cho thành phố chào mừng lễ kỉ niệm 30/4. Đây chỉ là công trình tạm, sau đó UBND TP.HCM sẽ cho họp và lên kế hoạch, thiết kế lại các khu vực này để làm lại một không gian mới đẹp hơn cho thành phố".

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP. HCM chia sẻ, sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan triển khai tăng tốc thi công các hạng mục tiếp theo của dự án như lắp đặt hệ thống đường ray, hệ thống cơ điện, thông tin tín hiệu … trên toàn tuyến và lắp đặt trang thiết bị, hoàn thiện tại các nhà ga, đảm bảo hoàn thành 85% khối lượng dự án trong năm 2020, hướng tới mục tiêu phấn đấu đưa dự án vào vận hành và tiến tới vận hành khai thác cuối năm 2021.

Tagged
Different Themes
Written by Lovely

Aenean quis feugiat elit. Quisque ultricies sollicitudin ante ut venenatis. Nulla dapibus placerat faucibus. Aenean quis leo non neque ultrices scelerisque. Nullam nec vulputate velit. Etiam fermentum turpis at magna tristique interdum.

0 nhận xét