Open top menu
Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2020

Guardian hôm 17/6 dẫn lời lãnh đạo Liên Hợp Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và quỹ bảo Quỹ bảo tồn hoang dã thế giới (WWF) nhận định, các đại dịch như Covid-19 là hậu quả từ hành vi hủy hoại môi trường tự nhiên của con người nhưng bị phớt lờ qua hàng thập kỷ.

"Chúng ta đã chứng kiến nhiều dịch bệnh xuất hiện trong những năm qua, như Zika, Aids, Sars, Ebola, tất cả có nguồn gốc từ các loài động vật trong tình thế chịu sức ép to lớn về môi trường sống", Giám đốc phụ trách y tế và môi trường của WHO Maria Neira nói.

Bà Inger Andersen, giám đốc điều hành Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc, tuyên bố, đại dịch Covid-19 là "lời cảnh báo khẩn cấp dành cho hoạt động kinh tế của con người", khi đa phần người dân các nước vẫn mang tư duy sự thịnh vượng của nhân loại không phụ thuộc vào sức khỏe của thiên nhiên.

Các quan chức Liên Hợp Quốc, WHO và WWF có chung nhân định sự bùng phát các dịch bệnh là biểu hiện sinh động cho quan hệ mất cân bằng nguy hiểm giữa con người và thiên nhiên, và hành vi phá hủy môi trường của con người "đe dọa tới sức khỏe của chính nhân loại".

Trong một báo cáo mới phát hành: “COVID-19: lời kêu gọi khẩn cấp bảo vệ con người và thiên nhiên”, WWF xác định rằng những yêu tố môi trường thúc đẩy sự xuất hiện các bệnh dịch bắt nguồn từ động vật bao gồm: buôn bán và tiêu thụ các loài động vật hoang dã có nguy cơ cao, thay đổi mục đích sử dụng đất dẫn đến rừng bị phá và đất bị biến đổi, mở rộng nông nghiệp, thâm canh không bền vững và chăn nuôi.

Rất nhiều nhà khoa học và các nhà lãnh đạo tầm cỡ trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã cảnh báo về nguy cơ của một đại dịch toàn cầu. WEF xếp các đại dịch và các bệnh truyền nhiễm là những mối nguy cơ lớn nhất trên toàn cầu trong một thập kỷ vừa qua, gây ra “một mối đe doạ khẩn cấp đối với cuộc sống của con người”.

Marco Lambertini, Tổng Giám đốc của WWF Quốc tế, phát biểu: “Chúng ta cần phải khẩn trương thừa nhận sự liên quan giữa tàn phá thiên nhiên và sức khoẻ của loài người, nếu không chúng ta sẽ sớm trải qua một đại dịch tiếp theo. Chúng ta phải chấm dứt buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã, ngăn chặn mất rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, cũng như sản xuất thực phẩm phải bền vững. Tất cả những hành động này sẽ giúp ngăn chặn các mầm bệnh xâm nhập con người, đồng thời giải quyết những nguy cơ toàn cầu đối với xã hội của chúng ta như mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu. Không còn gì để tranh cãi, minh chứng khoa học đã rõ ràng, chúng ta cần dựa vào thiên nhiên chứ không chống lại thiên nhiên. Khai thác thiên nhiên không bền vững đã trở thành một mối nguy cơ lớn đối với tất cả chúng ta”.

Con người chính là thủ phạm

Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát bệnh tật Mỹ ước tính 3 trong 4 bệnh truyền nhiễm mới, và gần như toàn bộ các đại dịch đã được ghi nhận, đều là từ động vật lây cho người.

Chẳng hạn SARS là từ cầy hương, MERS do lạc đà, trong khi virus Hendra lây từ ngựa và virus Nipah từ lợn sang người. HIV bắt đầu lây sang con người cách đây hơn một thế kỷ từ một con tinh tinh. Chủng virus cúm A "nhảy" từ chim hoang dã sang lợn, rồi sang người, còn loài gặm nhấm lây truyền bệnh sốt Lass ở Tây Phi.

Hiện vẫn chưa xác định động vật nào đã lây virus SARS-CoV-2 cho người, với dơi hay tê tê nằm trong số các "nghi phạm". Vấn đề ở đây không phải đổ lỗi cho động vật, mà lỗi là ở chính con người chúng ta.

Nhiều nhà nghiên cứu bệnh lây từ động vật sang người đều nhấn mạnh: chính xã hội và hành vi của con người mới phải chịu trách nhiệm chính cho việc lây lan bệnh mới từ thú sang người.

"Phải có tiếp xúc mới có lây nhiễm và chính ảnh hưởng của con người lên hệ thống tự nhiên đã tăng sự tiếp xúc giữa người và động vật" - Hume Field, chuyên gia thú y từng góp phần truy nguồn gốc virus Hendra ở Úc và SARS ở Trung Quốc, nhận xét.

Động vật hoang dã vẫn luôn chứa nhiều loại virus trong cơ thể. Chẳng hạn dơi, được xem là "siêu miễn dịch" và "ổ virus khổng lồ" khi mang trong cơ thể nhiều mầm bệnh không gây hại cho bản thân chúng nhưng lại có tác hại lớn nếu lây sang vật chủ khác.

Theo Washington Post, nuôi dưỡng, săn bắt động vật không phải là con đường duy nhất để xảy ra lây bệnh từ thú sang người, mà việc chúng ta ngày càng "chia sẻ không gian" với động vật hoang dã và xâm phạm thế giới tự nhiên đó cũng có thể là nguyên nhân bùng phát dịch bệnh.

Quá trình khai hoang mở đất bằng cách phá rừng hoặc khai phá các hệ sinh thái vốn chưa bị con người "làm phiền" sẽ đẩy động vật có mầm bệnh vốn đang ở yên trong hoang dã ra ngoài.

Hành động khẩn cấp

Nguồn gốc của Covid-19 vẫn còn là những câu hỏi bỏ ngỏ, nhưng các bằng chứng sẵn có đều cho thấy đây là một loại bệnh bắt nguồn từ động vật, có nghĩa là xuất phát từ động vật hoang dã và lây truyền sang con người.

Chính phủ Trung Quốc đã ban hành một lệnh cấm toàn diện đối với việc tiêu thụ động vật hoang dã vào 24/2 vừa qua. WWF hoàn toàn ủng hộ lệnh cấm này và hiện nay Quốc hội Nhân dân Trung Quốc đang hỗ trợ việc sửa đổi luật hiện hành về bảo vệ động vật hoang dã. Nếu được thực thi đầy đủ, Luật Bảo vệ Động vật hoang dã của Trung Quốc sẽ là một trong những bộ luật mạnh mẽ và nghiêm ngặt nhất thế giới. Các chính phủ khác cần có những hành động mạnh mẽ tương tự và đóng cửa các thị trường động vật hoang dã có nguy cơ cao, chấm dứt hoàn toàn nạn buôn bán này.

Tuy nhiên, giải quyết vấn đề buôn bán và tiêu thụ các loài động vật hoang dã có nguy cơ cao một cách riêng lẻ không thể ngăn chặn đại dịch tiếp theo. Hệ thống sản xuất thực phẩm không bền vững trên toàn cầu của chúng ta đang lấy đi những không gian tự nhiên ở quy mô lớn, các hệ sinh thái tự nhiên bị phân mảnh và gia tăng các tương tác giữa động vật hoang dã, động vật nuôi và con người. Từ năm 1990, khoảng 178 triệu héc-ta rừng đã bị chặt phá, tương đương với diện tích của Libya, quốc gia có diện tích lớn thứ 18 trên thế giới. Hàng năm, khoảng 10 triệu héc-ta rừng vẫn tiếp tục bị mất đi do chuyển đổi đất nông nghiệp và cho các mục đích sử dụng đất khác.

Một thảm kịch cũng đang diễn ra tại Brazil khi một làn sóng phá rừng ngày càng dâng cao do chính phủ liên bang cắt giảm việc thực thi pháp luật. Sự cắt giảm này xảy ra sau khi tỷ lệ phá rừng trong tháng 4 tăng 64% so với hai năm trước.

Khủng hoảng Covid-19 cho thấy rằng cần có những thay đổi có tính hệ thống để giải quyết những nguyên nhân môi trường khiến đại dịch xảy ra. WWF ủng hộ cách tiếp cận “Một sức khỏe” trong đó nhấn mạnh mối liên kết giữa sức khỏe con người, động vật và môi trường chung cho cả hai và muốn cách tiếp cận này được cân nhắc trong các quyết định về động vật hoang dã và thay đổi mục đích sử dụng đất, trong tất cả các quyết định kinh doanh và hoạt động tài chính, đặc biệt khi liên quan tới vấn đề sức khỏe toàn cầu.

Ông Lambertini nói tiếp: “Trong thảm kịch, chúng ta nhận thấy một cơ hội để hàn gắn mối quan hệ của chúng ta và thiên nhiên và giảm thiểu rủi ro về các đại dịch trong tương lai. Nhưng một tương lai tốt đẹp phải bắt đầu từ những quyết định của các chính phủ, doanh nghiệp và người dân ngay từ hôm nay. Các nhà lãnh đạo toàn cầu phải hành động khẩn cấp để thay đổi mối quan hệ của chúng ta với thế giới tự nhiên. Chúng ta cần một Thỏa thuận mới về Thiên nhiên và Con người trong đó đặt mục tiêu phục hồi thiên nhiên vào năm 2030 và bảo đảm sức khỏe cũng như sinh kế của con người trong dài hạn”.

Minh Tuệ (t/h)

Tagged
Different Themes
Written by Lovely

Aenean quis feugiat elit. Quisque ultricies sollicitudin ante ut venenatis. Nulla dapibus placerat faucibus. Aenean quis leo non neque ultrices scelerisque. Nullam nec vulputate velit. Etiam fermentum turpis at magna tristique interdum.

0 nhận xét