Open top menu
Thứ Hai, 22 tháng 6, 2020

Mới đây nhất là vào khoảng hơn 19h tối 20/6, chiếc xe khách loại 45 chỗ đang di chuyển trên đường Vành đai 3 trên cao đoạn gần Công viên Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội) thì bất ngờ bốc cháy.

Phát hiện có cháy, tài xế vội rời khỏi xe nên may mắn thoát chết. Thời điểm xảy ra hỏa hoạn trên xe không có hành khách.

Vụ cháy tuy không gây tổn thất về người nhưng do ngọn lửa bốc nhanh, lớn đã thiêu rụi ô tô chỉ còn trơ khung. Thông tin bước đầu cho biết, chiếc xe ô tô này vừa được đưa đi sửa chữa về.

Chiếc xe bị cháy trên đường Vành đai 3. Ảnh: Otofun.

Vào trưa cùng ngày, trên Quốc lộ 1A, đoạn qua cầu Nguyệt Viên (xã Hoằng Quang, TP. Thanh Hóa, Thanh Hóa), đã xảy ra vụ xe giường nằm chở 20 người bốc cháy dữ dội khi đang đi trên đường.

Trước đó, trưa 10/6, một xe khách giường nằm đang chạy theo hướng Bắc Kạn - Cao Bằng bất ngờ bị bốc cháy tại khu vực Đèo Gió. May mắn toàn bộ hành khách được sơ tán kịp thời tuy nhiên, vụ cháy đã gây ách tắc giao thông nghiêm trọng trên đèo.

Khoảng 10h ngày 18/6, một xe khách giường nằm bất ngờ bốc cháy trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn qua huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Chiếc xe phát cháy từ phần đuôi và chỉ sau ít phút đã bị thiêu rụi, chỉ còn trơ lại khung sắt.

Nguyên nhân do đâu?

Theo Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), trong tổng số vụ cháy xe Viện trưng cầu giám định thì một nửa nguyên nhân các vụ cháy do sự cố về điện, 20% sự cố về kỹ thuật, 15% do quấn rơm rạ tiếp xúc với ống xả... Nhưng trên hết, sự bất cẩn của lái xe và việc bỏ qua những quy định an toàn góp phần dẫn đến những nguyên nhân trên.

Một số chuyên gia cho rằng, việc lắp thêm các thiết bị điện ngoài thiết kế cho xe là một trong những nguyên nhân chính gây ra cháy xe. Theo thiết kế, các thiết bị này nằm ngoài sự kiểm soát của xe, dẫn đến quá tải cho hệ thống điện khi sử dụng dễ gây cháy nổ. Còn có thể do sử dụng dây điện kém chất lượng hoặc các mối nối “bất cẩn” cũng dẫn đến nguy cơ chập cháy cao.

Nguyên nhân gây cháy xe thứ 2 là do yếu tố con người. Nhiều người có thói quen “lười” bảo dưỡng xe hoặc không để ý đèn cảnh báo, “tiếc” một số tiền nhỏ để rồi lãnh hậu quả to lớn, khiến “xế cưng” tiềm tàng nguy cơ cháy nổ. Các chi tiết phụ tùng hư hại, gỉ sét,… không được khắc phục và bảo dưỡng kịp thời sẽ làm giảm khả năng vận hành của xe, thậm chí biến chiếc xe trở thành “miếng mồi béo bở” cho “bà hỏa”.

Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng, nguyên nhân gây cháy nổ trên các dòng xe khách, đặc biệt xe giường nằm đó chính là sự có mặt của nhiều vật liệu dễ cháy trên xe như xốp cách nhiệt, đệm mút, chăn, gối. Khác với xe khách ghế ngồi thường có thiết kế thoáng rộng, xe khách giường nằm có hệ thống giường đệm san sát nên khả năng cháy lan rất cao. Do thiết kế đặc thù, hầu hết các xe giường nằm chỉ có 1 cửa lên xuống khiến cho việc thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn thêm khó khăn.

Xe giường nằm chở 20 người bốc cháy dữ dội tại Thanh Hóa.

Người điều khiển phương tiện cần chú ý những gì?

Trước tình trạng liên tiếp xảy ra các vụ cháy xe, mới đây, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có những lý giải nguyên nhân và đưa ra các khuyến cáo đối với chủ xe và người lái ô tô, xe máy.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Trưởng phòng chất lượng xe cơ giới - VAQ (Cục đăng kiểm Việt Nam) cho biết, sau một thời gian dài tạm lắng, thời gian gần đây các vụ cháy xe ô tô, xe máy đã xuất hiện trở lại. Các vụ cháy đang được cơ quan chức năng tích cực xem xét, xác định nguyên nhân.

Hiện nay, thời tiết đang ở cao điểm của nắng nóng nên nguy cơ cháy rất cao, nhất là đối với các xe đường dài phải liên tục vận hành trong điều kiện nhiệt độ cao (xe khách giường nằm, xe khách chạy liên tỉnh…).

Để ngăn ngừa, hạn chế việc cháy xe, Cục Đăng kiểm Việt Nam khuyến cáo chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện cần đặc biệt lưu ý các vấn đề sau:

1.Thận trọng, không chủ quan khi chở hàng hóa trong hầm hàng, khoang hành lý, đặc biệt khi chở xe máy phải đảm bảo không còn nhiên liệu rò rỉ có thể gây cháy.

2.Thận trọng khi đi qua khu vực có các chất dễ cháy như rơm rạ, rác nilon… Thực tế đã cho thấy nhiều trường hợp cháy xe do đi qua các khu vực phơi nhiều rơm rạ.

3.Chú ý bảo dưỡng xe định kỳ đảm bảo xe luôn ở tình trạng kỹ thuật tốt, đặc biệt không nên độ chế, lắp thêm các thiết bị vào hệ thống điện của xe (đèn, loa, tủ lạnh…) không đúng hướng dẫn của nhà sản xuất xe;

4.Kiểm tra tình trạng xe trước mỗi chuyến đi, không bơm lốp quá căng. Hạn chế vận hành xe liên tục trong thời gian dài dưới điều kiện nhiệt độ cao (cần có thời gian nghỉ phù hợp).

5.Sử dụng nhiên liệu đạt chuẩn tại các cây xăng, trạm nhiên liệu hợp pháp; không sử dụng nhiên liệu không rõ nguồn gốc.

Minh Tuệ (t/h)

Tagged
Different Themes
Written by Lovely

Aenean quis feugiat elit. Quisque ultricies sollicitudin ante ut venenatis. Nulla dapibus placerat faucibus. Aenean quis leo non neque ultrices scelerisque. Nullam nec vulputate velit. Etiam fermentum turpis at magna tristique interdum.

0 nhận xét