Lạng Sơn đề xuất phương án đầu tư 7.609 tỷ đồng xây cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng
Ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn vừa ký công văn số 663/UBND – KT gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư để bổ sung hoàn thiện phương án đầu tư Dự án thành phần 2 – xây dựng đoạn tuyến cao tốc đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng, thuộc Dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Công văn số 4327/VPCP-CN ngày 1/6/2020 của Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành và bổ sung thêm phương án phân kỳ quy mô đầu tư (ngoài 2 phương án tỉnh Lạng Sơn đã đề xuất trước đó) theo đề nghị của Bộ GTVT.
Cụ thể, UBND tỉnh Lạng Sơn sẽ thực hiện GPMB và đầu tư nền đường, công trình trên tuyến theo quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh với bề rộng nền đường 22m; mặt đường phân kỳ đầu tư thành 2 đoạn.
Do tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng chậm triển khai nên viện việc kết nối giữa cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn lên Tp. Lạng Sơn và cửa khẩu Hữu Nghị vẫn bằng Quốc lộ 1 quy mô 2 làn xe. |
Trong đó, đoạn từ Km44+750 (Chi Lăng) - Km17+420 (nút giao với Quốc lộ 4B thuộc thành phố Lạng Sơn), dài 27,3km, quy mô xây dựng 4 làn xe, bề rộng mặt đường 16 m; đoạn từ Km17+420 (thành phố Lạng Sơn) - Km1+800 (cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị), dài 15,7km, quy mô xây dựng 2 làn xe, bề rộng mặt đường 12,5m. Với phương án phân kỳ như trên, tổng mức đầu tư Dự án còn khoảng 7.609 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư BOT là 1.609 tỷ đồng; vốn vay ngân hàng thương mại là 2.000 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 1.000 tỷ đồng; vốn ngân sách trung ương là 3.000 tỷ đồng.
Thời gian thu phí hoàn vốn cho Dự án dự kiến khoảng 19 năm 5 tháng.
Lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, với phương án đầu tư như trên đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển đường cao tốc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thuận lợi, tiết kiệm chi phí và an toàn trong quá trình khai thác khi thực hiện đầu tư hoàn chỉnh mặt đường, làn dừng xe khẩn cấp ở giai đoạn sau.
Để đảm bảo phương án tài chính, UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, cân đối nguồn vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2021 - 2025 với số tiền khoảng 3.000 tỷ đồng hỗ trợ cho Dự án cao tốc đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng.
An Giang chi 165 tỷ đồng xử lý sạt lở QL 91
UBND tỉnh An Giang vừa có quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình Xử lý sạt lở sông Hậu bảo vệ QL 91 đoạn qua huyện Châu Phú với tổng mức đầu tư 165 tỷ. Nguồn vốn đầu tư từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2019 và nguồn vốn ngân sách trung ương bổ sung hoặc nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
Dự án được thực hiện từ năm 2020 đến 2021, do Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông tỉnh An Giang làm chủ đầu tư. Sau khi hoàn thành, dự án ngăn chặn và giảm thiểu hiện tượng sạt lở đường bờ, bảo vệ cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ giúp giao thông trên QL 91 được thông suốt và liên tục, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội, du lịch của địa phương và khu vực.
Hiện trường vụ sạt lở xảy ra vào ngày 23/5 |
Dự án cũng tạo ổn định bờ sông trong giai đoạn cấp thiết, đảm bảo an toàn dân cư phía trong QL 91, ổn định tinh thần, đời sống của người dân hiện sinh sống trong khu vực sạt lở. Đồng thời, dự án sẽ tạo tiền đề phát triển cơ sở hạ tầng trong vùng ổn định và phát triển bền vững đời sống vật chất và tinh thần góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội cho dân sinh khu vực.
Theo ông Nguyễn Phú Tân, Giám đốc Sở GTVT tỉnh An Giang, quy mô dự án gồm 2 hạng mục là xử lý khẩn cấp sạt lở nghiêm trọng đoạn qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú và gia cố phòng, chống sạt lở.
Đối với hạng mục 1, ngành chức năng tiến hành gia cố bao tải cát ổn định đường bờ dài 160m, thả bao tải cát chuyển tiếp tạo mái ở đoạn chuyển tiếp thượng, hạ lưu theo phương song song dòng chảy để tạo thuận dòng cho công trình. Đồng thời, gia cố thảm đá bảo vệ tại vị trí trung tâm sạt lở với chiều dài 85m. Hạng mục này đã thực hiện trong giai đoạn khẩn cấp năm 2019 và đã nghiệm thu ngày 13/4/2020.
Đối với hạng mục 2, ngành chức năng sẽ thực hiện việc gia cố phòng, chống sạt lở với tổng chiều dài tuyến 1.350m (từ vị trí xử lý sạt lở đoạn qua xã Bình Mỹ hướng về thượng lưu và hạ lưu sông Hậu). Trong đó, tiếp tục thi công thảm đá kết nối hạng mục 1 với hạng mục 2, đồng thời thực hiện thả bao tải cát đến cao trình +0.5 và gia cố mặt bằng thảm đá, đặt trên lớp vải địa kỹ thuật tại đoạn phạm vi ngoài sạt lở khẩn cấp có chiều dài 1.190m.
“Hiện tại, Chủ đầu tư đang kiểm tra, đối chiếu các điều kiện và năng lực nhà thầu để lựa chọn nhà đầu tư thi công các hạng mục còn lại theo dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt”, Giám đốc Sở GTVT tỉnh An Giang cho biết.
Trước đó, cuối tháng 7/2019, bề mặt QL91, đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, xuất hiện nhiều vết rạn nứt, có xu hướng mở rộng. Ngày 1/8, tại vị trí nói trên, 85m đường QL91 ăn sâu vào 1/2 mặt đường bị sụp hoàn toàn bị xuống sông Hậu.
Trong lúc địa phương đang thực hiện các hạng mục ngăn chặn sạt lở thì đến 6h ngày 23/5/2020, cách vị trí sạt lở nói trên 137m về phía hạ lưu xuất hiện vết răn nứt ăn sâu vào 1/3 mặt đường, chiều dài khoảng 20m, cách mép bờ sông 7,5m. Đến rạng sáng 27/5, 40m đường, bề rộng 1/3 mặt đường tại vị trí rạn nứt đã sụp hoàn toàn xuống sông Hậu. Ngay sau vụ sạt lở, UBND huyện Châu Phú đã di dời khẩn cấp 27 hộ dân.
Thí điểm vận chuyển khách du lịch bằng ô tô 2 tầng tại Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu
Thủ tướng vừa có ý kiến đối với đề nghị của Bộ Giao thông vận tải về việc thí điểm triển khai dịch vụ vận chuyển khách du lịch bằng xe ô tô 2 tầng thoáng nóc.
Theo đó, Thủ tướng đã đồng ý thí điểm triển khai dịch vụ vận chuyển khách du lịch bằng xe ô tô 2 tầng thoáng nóc tại các tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn các địa phương triển khai hoạt động thí điểm, trong đó lưu ý tính toán kỹ lộ trình tuyến đường khai thác, số lượng phương tiện hoạt động trên một tuyến, tần suất chạy xe, quy hoạch các điểm dừng, đón trả khách, đồng thời khẩn trương tổng kết, đánh giá hoạt động thí điểm, làm cơ sở xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Chuẩn bị triển khai dịch vụ vận chuyển khách du lịch bằng ô tô 2 tầng tại Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét, xử lý về việc mở thêm cổng kết nối cho các doanh nghiệp thuận tiện trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế.
Liên quan đến dịch vụ vẩn chuyển khách du lịch bằng xe ô tô 2 tầng thoáng nóc, trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc việc thí điểm triển khai dịch vụ này và dịch vụ vận chuyển hành khách kết nối từ trung tâm đô thị đến các cảng hàng không bằng xe ô tô khách 16-45 chỗ ngồi chất lượng cao tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Kiên Giang, Thành phố Hồ Chí Minh.
Được biết, việc thí điểm dịch vụ vận chuyển hành khách du lịch bằng ô tô 2 tầng, thoáng nóc sẽ tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân, tăng cường an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu tham quan du lịch của khách du lịch trong nước và quốc tế, tiến tới tăng cường mức độ hấp dẫn và phát triển du lịch...
Hà Nội đề xuất xây dựng cầu Đuống mới
Sở GTVT Hà Nội vừa có văn bản báo cáo UBND thành phố Hà Nội về đề xuất chuẩn bị đầu tư dự án nâng cấp tĩnh không cầu Đuống, tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng của Bộ GTVT.
Theo đó, để chuẩn bị cho việc nâng cấp tĩnh không cầu Đuống, tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng, Bộ GTVT đề xuất 2 phương án.
Phương án 1: Xây dựng cầu đường sắt mới tại vị trí cầu tương ứng với nghiên cứu của tuyến đường sắt đô thị số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi). Theo phương án này, cầu mới vừa có tĩnh không bảo đảm thông thuyền, vừa phù hợp với thiết kế của tuyến đường sắt trong tương lai. Cùng với đó sẽ xây dựng mới cầu đường bộ cách cầu hiện tại về phía hạ lưu khoảng 100m. Quy mô đầu tư khoảng 2.550 tỷ đồng.
Cầu Đuống hiện tại |
Phương án 2: Cải tạo cầu Đuống hiện có để nâng tĩnh không bảo đảm khả năng thông thuyền (theo tiêu chuẩn cao 9,5m, rộng 50m). Đồng thời, xây dựng mới cầu đường bộ cách cầu hiện tại về phía hạ lưu khoảng 100m. Quy mô đầu tư dự án là hơn 1.200 tỷ đồng.
Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, hiện tại, cầu Đuống có khổ thông thuyền nhỏ (tĩnh không khoảng 2,8m, bề rộng thông thuyền khoảng 26m). Việc xây dựng nâng cấp cầu để đảm bảo hoạt động của tuyến giao thông đường thủy trên sông Đuống theo tiêu chuẩn cấp 2 là cần thiết.
Theo Sở GTVT Hà Nội, dự án đầu tư xây dựng cầu Đuống mới và đường nối đầu cầu đến địa phận tỉnh Bắc Ninh thuộc danh mục công trình trọng điểm của TP Hà Nội, xác định đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Trong cả 2 phương án, Bộ GTVT đề nghị UBND thành phố Hà Nội khẩn trương bố trí nguồn lực để thực hiện đồng thời dự án xây dựng cầu Đuống mới.
P.V (tổng hợp)
0 nhận xét