Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội dự buổi gặp mặt nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV
Chiều ngày 10/6 tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Nhóm nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV tổ chức gặp mặt nữ đại biểu Quốc hội đang dự Kỳ họp thứ 9 nhằm trao đổi một số thông tin về tình hình cán bộ nữ hiện nay và cung cấp thông tin về hoạt động kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Tham dự buổi gặp mặt có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Nhóm nữ Đại biểu Quốc hội khóa XIV Tòng Thị Phóng; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng lãnh đạo Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội và các Bộ, ban ngành Trung ương cùng hơn 130 nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Báo cáo tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, kể từ Quốc hội khóa I năm 1946, đội ngũ cán bộ nữ đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hiện Quốc hội Việt Nam có 2 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội là nữ, cùng nhiều đại biểu Quốc hội nữ đảm nhiệm các vị trí trọng trách ở Trung ương và địa phương.
Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV đạt 26,72% và đến nay là 27,1%, cao hơn so với trung bình của khu vực Châu Á và toàn thế giới; tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đạt 26,5% (tăng 1,37% so với nhiệm kỳ trước), có 18 tỉnh, thành phố có tỷ lệ từ 30% trở lên, trong đó có 9 tỉnh đạt trên 35%; cấp huyện đạt 27,9% (tăng 3,2% so với nhiệm kỳ trước), 16/63 tỉnh, thành có tỷ lệ từ 30% trở lên, trong đó có 4 tỉnh đạt trên 35% ; cấp xã đạt 26,6% (tăng 4,9% so với nhiệm kỳ trước), 14/63 tỉnh, thành có tỷ lệ đạt từ 30% trở lên.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu dự buổi gặp mặt. |
Trong các nhiệm kỳ Quốc hội, các nữ đại biểu Quốc hội luôn thể hiện trí tuệ, tài năng và bản lĩnh của những người phụ nữ tiêu biểu, đại diện cho tiếng nói của nhân dân. Các nữ đại biểu Quốc hội ở bất kỳ cương vị, cơ quan công tác, địa phương nào đều cố gắng học tập nâng cao trình độ, trau dồi bản lĩnh, rèn luyện kỹ năng, phấn đấu giữ vững phẩm chất người đại biểu nhân dân, gần gũi, gắn bó với cử tri, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến với Quốc hội. Đóng góp của các nữ đại biểu Quốc hội đã góp phần hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, tạo sự đồng thuận trong xã hội, đem lại hiệu quả tích cực trong sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh của đất nước.
Bên cạnh những thành tích đạt được, vẫn còn những rào cản hạn chế sự tham gia của phụ nữ trong chính trị: Một số quy định hiện hành hạn chế cơ hội thăng tiến của phụ nữ; tình trạng kết hợp các cơ cấu khác như trẻ tuổi, ngoài Đảng, dân tộc thiểu số của ứng cử viên nữ nhiều hơn ứng cử viên nam, song tỷ lệ trúng cử thấp hơn; quan niệm “nam trưởng, nữ phó” vẫn tồn tại, là rào cản đối với phụ nữ, đặc biệt là trong bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo chủ chốt, đứng đầu; thiếu hụt các dịch vụ xã hội hỗ trợ; một bộ phận phụ nữ vẫn còn tự ti, chưa tin tưởng vào khả năng và năng lực của mình; ngại thử thách, phấn đấu…
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cảm ơn Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức cuộc gặp mặt; đồng thời cho biết, hoạt động của Hội với Nhóm nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV có nhiều cải tiến. Bên cạnh đó, các hoạt động của Quốc hội đã luôn đồng hành cùng Chính phủ, đây cũng chính là cơ hội để các nữ đại biểu có cơ hội được rèn luyện và tiếp cận với những vấn đề vĩ mô của đất nước. Kết quả này có được là do sự quan tâm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh đạo, đặc biệt là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, trong quá trình hoạt động, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam được đánh giá cao trên nghị trường quốc tế. Các hoạt động trong ngoại giao Nghị viện đều có sự tham gia của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam, trong đó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đã tham gia chủ trì thành công nhiều diễn đàn quốc tế với những sáng kiến đã được áp dụng trong thực tiễn.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã luôn đồng hành, có những chính sách động viên, phát hiện nguồn, đào tạo bồi dưỡng cán bộ nữ. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp với các nữ đại biểu Quốc hội trong xây dựng luật pháp, giám sát, quyết định những vấn đề lớn của đất nước; mong rằng với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ ngày càng chăm lo, củng cố xây dựng Hội Phụ nữ vững mạnh toàn diễn, là nòng cốt trong đào tạo bồi dưỡng phụ nữ Việt Nam.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện và phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Nhóm Nữ nghị sỹ Quốc hội, kịp thời chia sẻ thông tin về tình hình, về những vấn đề của phụ nữ Việt Nam nói chung, về hoạt động Hội nói riêng để các nữ nghị sỹ có thêm thông tin về tâm tư nguyện vọng, nhu cầu của phụ nữ làm cơ sở cho việc đề xuất chính sách, giám sát một cách có hiệu quả những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ và trẻ em theo lộ trình xây dựng luật của Quốc hội.
ASEAN tăng cường hợp tác giảm thiểu tác động của dịch COVID-19
Hội nghị đặc biệt của các Bộ trưởng ASEAN phụ trách Phúc lợi xã hội và Phát triển (AMMSWD) nhằm giảm thiểu tác động của dịch COVID-19 đến các nhóm dễ bị tổn thương tổ chức theo hình thức trực tuyến diễn ra ngày 10/6. Hội nghị có sự tham dự của 10 Bộ trưởng phụ trách Phúc lợi và Phát triển xã hội của các nước thành viên ASEAN và Tổng thư ký ASEAN.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội nghị trực tuyến. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN |
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung đánh giá cao nỗ lực của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Ban Thư ký ASEAN trong việc tổ chức Hội nghị này. Đây thực sự là một sáng kiến đúng thời điểm và có ý nghĩa, góp phần triển khai kết quả của Hội nghị Cấp cao ASEAN và ASEAN+3 trực tuyến đặc biệt về dịch COVID-19 cũng như Tuyên bố Chủ tịch về Ứng phó chung của ASEAN trước dịch COVID-19.
Chia sẻ với Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đại dịch COVID-19 tác động đến tất cả người dân trong xã hội, trong đó người lao động, người nghèo, người yếu thế là những nhóm bị tổn thương nhiều nhất. Để kịp thời hỗ trợ, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra gói hỗ trợ an sinh xã hội chưa từng có trong tiền lệ với tổng kinh phí hơn 62 nghìn tỷ đồng (khoảng 2,7 tỷ đô la Mỹ), hỗ trợ khoảng 20 triệu người thuộc 7 nhóm đối tượng.
“Đây là gói hỗ trợ an sinh xã hội toàn diện, thể hiện tính nhân văn của Chính phủ trong việc trong việc chăm lo tới đời sống của người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế với hàng trăm nghìn người như người già, người ốm đau, người giảm sâu thu nhập, người không có thu nhập ổn định, người lao động đứt bữa… được nhận hỗ trợ trực tiếp”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi.
Cùng quan điểm với các Bộ trưởng ASEAN, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhận định về những bất ổn kinh tế lâu dài sẽ kéo theo gia tăng bất ổn xã hội. Do đó các nước thành viên ASEAN cần tiếp tục nỗ lực, tăng cường hợp tác liên ngành ở cấp quốc gia và khu vực trong hiện thực hóa bản Tuyên bố chung của Hội nghị cũng như thúc đẩy an sinh xã hội, ứng phó sẵn sàng với những khủng hoảng, thảm họa và dịch bệnh để đảm bảo những người dễ bị tổn thương và bị thiệt thòi không ai bị bỏ lại phía sau.
Với sự quan tâm của Lãnh đạo Cấp cao và các hành động chính sách ở cấp khu vực, ASEAN sẽ sớm cùng nhau vượt qua thời điểm khó khăn này, khôi phục kinh tế và xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, ông Đào Ngọc Dung tin tưởng.
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng ASEAN cũng chia sẻ những chính sách, chương trình liên quan đến an sinh và phúc lợi xã hội cũng như các hỗ trợ của từng quốc gia cho người dân, đặc biệt là cho các nhóm dễ bị tổn thương chịu ảnh hưởng bởi tác động của dịch COVID-19. Các nước cũng đề xuất những khuyến nghị về thúc đẩy an sinh và phúc lợi xã hội trong khu vực.
Hội nghị cũng đã thảo luận và nhất trí thông qua Tuyên bố chung về giảm thiểu tác động của dịch COVID-19 đến các nhóm dễ bị tổn thương trong ASEAN. Nội dung bản Tuyên bố nhấn mạnh việc đảm bảo an sinh xã hội và tăng cường khả năng phục hồi cho người nghèo và các nhóm dễ bị tổn thương trong và sau đại dịch COVID-19.
Phó thủ tướng yêu cầu nghiên cứu lịch nghỉ hè để kích cầu du lịch
Bộ Lao động, Bộ Giáo dục và Bộ Văn hóa được giao nhiệm vụ nghiên cứu lịch nghỉ lễ 2/9 và nghỉ hè của học sinh để phù hợp với mục tiêu kích cầu du lịch.
Đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam gửi đến 3 bộ có liên quan. Các bộ phải đề xuất kế hoạch nghỉ lễ và nghỉ hè của học sinh cho phù hợp với mục tiêu kích cầu du lịch, báo cáo Thủ tướng trước ngày 20/6.
Theo chức năng được giao, Bộ LĐTB&XH phụ trách kế hoạch nghỉ lễ 2/9, Bộ GD&ĐT phụ trách lịch nghỉ hè của học sinh và Bộ VHTT&DL đảm trách việc phát triển ngành du lịch nội địa.
Chính phủ đang thực hiện nhiều biện pháp kích cầu du lịch nội địa sau khủng hoảng Covid-19. Ảnh minh họa: Quang Ngọc. |
Để có thể đạt được mục tiêu kép là tiếp tục phòng chống dịch hiệu quả, từng bước phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh và du lịch, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm quan điểm “kiên quyết ngăn chặn nguồn lây nhiễm từ bên ngoài để giữ ổn định cho bên trong phát triển”, đồng thời hỗ trợ ngành du lịch vượt qua khó khăn.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ VHTT&DL chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị sẵn sàng mở cửa du lịch quốc tế ngay khi đủ điều kiện, đồng thời chuẩn bị tổ chức Hội nghị du lịch toàn quốc dự kiến vào đầu tháng 8.
Đối với các doanh nghiệp du lịch, nhất là doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh du lịch cộng đồng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ VHTT&DL có văn bản đề nghị các địa phương chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp bằng các giải pháp như cắt giảm phí, lệ phí, giá vé tham quan...
Trong thời gian phòng chống dịch Covid-19, du lịch là ngành chịu tác động tiêu cực, nặng nề nhất. Đây là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước với 40.000 doanh nghiệp du lịch, tỷ lệ đóng góp trực tiếp vào GDP là 9,2%, tạo ra khoảng 4,5 triệu việc làm trực tiếp và hàng triệu lao động phụ thuộc.
Sri Lanka ấn định thời điểm bầu cử Quốc hội
Ngày 10/6, Ủy ban bầu cử Sri Lanka thông báo nước này sẽ tổ chức bầu cử Quốc hội vào ngày 5/8 tới, chậm 3 tháng so với kế hoạch do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Sri Lanka tại Colombo, ngày 3/1/2020. Ảnh: AFP/TTXVN |
Chủ tịch Ủy ban bầu cử Sri Lanka Mahinda Deshapriya cho hay diễn tập bầu cử sẽ diễn ra vào cuối tuần này để đánh giá các biện pháp y tế mới tại các điểm bỏ phiếu và trung tâm kiểm phiếu. Theo kế hoạch ban đầu, bầu cử Quốc hội Sri Lanka đáng lẽ diễn ra vào ngày 25/4, song đã bị hoãn lại do dịch COVID-19. Theo số liệu chính thức, Sri Lanka đã ghi nhận tổng cộng 11 ca tử vong và gần 2.000 ca mắc COVID-19.
Sri Lanka đang dỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế, song vẫn duy trì lệnh giới nghiêm vào buổi tối. Dự kiến các trường học sẽ mở lại trong tháng này và các du khách nước ngoài sẽ được phép tới đây từ ngày 1/8 tới.
P.V (tổng hợp)
0 nhận xét