Open top menu
Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2020

Đề xuất xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nối Tiền Giang, Bến Tre trị giá 5.174 tỷ đồng

Bộ Giao thông vận tải vừa đề nghị Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.

Cầu Rạch Miễu 2 được xây dựng cách cầu Rạch Miễu hiện hữu khoảng 3,8 km về phía thượng lưu cầu cũ với điểm đầu giao cắt giữa Quốc lộ 1 với đường tỉnh 870 thuộc tỉnh Tiền Giang; điểm cuối kết nối với Quốc lộ 60 tại đường dẫn cầu Hàm Luông thuộc tỉnh Bến Tre. Tổng chiều dài nghiên cứu của dự án khoảng 17,5 km, trong đó cầu Rạch Miễu 2 vượt luồng chính sông Tiền có bề rộng mặt cầu 17,5m đáp ứng quy mô 4 làn xe cơ giới. Dự kiến kết cấu cầu chính dạng dây văng, cầu dẫn dùng nhịp giản đơn.

Tổng mức đầu tư dự án là 5.175,451 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng là 705 tỷ đồng, chi phí xây dựng là 3.271,5 tỷ đồng sử dụng 100% vốn ngân sách Trung ương theo Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Đầu tư công.

Hiện dự án đã được bố trí 9.000 triệu đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Bộ Giao thông vận tải. Do vậy, Bộ Giao thông vận tải xác định đây là công trình quan trọng cấp bách của ngành và sẽ ưu tiên cân đối, bố trí phần còn lại 5.166.451 triệu đồng để hoàn thành dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và báo cáo Chính phủ, Quốc hội chấp thuận để triển khai thực hiện.

Quốc lộ 60 là trục hành lang ven biển kết nối các tỉnh duyên hải phía Nam với TP. HCM và các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, đây là tuyến trục dọc có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của khu vực. Hiện nay, Quốc lộ 60 đoạn từ Trung Lương đến cầu Hàm Luông đã được đầu tư cơ bản đường cấp III đồng bằng với quy mô 4 làn xe. Tuy nhiên, cầu Rạch Miễu hiện tại nằm cửa ngõ trung tâm của TP. Mỹ Tho và Bến Tre chỉ được đầu tư với quy mô 2 làn xe. Mặt khác, từ khi cầu Cổ Chiên đưa vào sử dụng thì lưu lượng phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 60 tăng đột biến, cầu Rạch Miễu hiện tại trở thành nút thắt giao thông, thường xuyên ùn tắc giao thông (nhất là vào các giờ cao điểm), không đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong khu vực. Do đó, việc đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 là hết sức cần thiết.

Sẽ cấm lưu thông hoàn toàn qua cầu Thăng Long để sửa chữa

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết đã thông báo mời thầu. Một tuần nữa sẽ có kết quả đấu thầu qua mạng và sau đó sẽ làm các thủ tục để chọn nhà thầu.

Tổng mức đầu tư của dự án là gần 270 tỷ đồng. Dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho biết, để đảm bảo điều kiện thi công và tránh những vấn đề thời tiết mưa, nắng gây bất lợi trong quá trình thực hiện dự án, toàn bộ cầu Thăng Long sẽ được lập mái che bằng tôn.

"Để đảm bảo yêu cầu thi công sửa chữa mặt cầu Thăng Long, Tổng cục Đường bộ sẽ cấm lưu thông hoàn toàn qua cây cầu này, đóng cửa toàn bộ cầu Thăng Long. Chúng tôi đã xây dựng phương án tổ chức giao thông, phân luồng các phương tiện di chuyển qua cầu Nhật Tân" - ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết.

Cầu Thăng Long khánh thành vào năm 1985, với 2 tầng đi chung cả đường sắt và đường bộ, mặt cầu đã được thảm lại toàn bộ tầng 2 bằng công nghệ của Mỹ từ năm 2009. Tuy nhiên đến nay, lớp bê tông nhựa mặt cầu đã bị xô dồn, nứt ngang mặt do độ dính bám giữa bê tông nhựa mới và bản thép phía dưới không đạt yêu cầu gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, diện tích mặt cầu phải sửa chữa những năm qua khoảng trên 10.500 m2, tương đương khoảng 40% diện tích mặt cầu. Tình trạng này đã diễn ra trong thời gian dài, nhưng ngành Giao thông vận tải vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để sửa chữa dứt điểm.

Phát hiện quả bom gần cầu Long Biên, cấm tàu thuyền qua lại

Đêm 16/6, người dân đánh cá trên sông Hồng đã phát hiện vật thể nghi là bom tại vị trí Km183+800 và thông báo cho đơn vị quản lý bảo trì tuyến sông Hồng. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc đã cử người kiểm tra hiện trường, đồng thời thông báo cho lực lượng chức năng tại địa phương.

Sáng 17/6, lực lượng Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô, Ban Chỉ huy Quân sự quận Long Biên, UBND và Ban Chỉ huy Quân sự phường Ngọc Thụy đã kiểm tra thực tế hiện trường và xác định vật thể nói trên là quả bom sót lại từ thời chiến tranh chống Mỹ.

Hiện, các cơ quan quân sự, cơ quan chức năng đang lên phương án để xử lý quá bom nói trên. Tại hiện trường, hiện có lực lượng chức năng bố trí phương tiện thủy, lực lượng tổ chức canh gác khu vực trên để bảo đảm an ninh, an toàn.

Đoạn luồng chạy tàu nghi còn sót bom nằm cách cầu Long Biên khoảng 800m về phía thượng lưu. Khu vực trên có hai luồng chạy tàu, gồm luồng bờ trái và bờ phải sông Hồng. Luồng nghi có quả bom là luồng bờ trái, đoạn luồng Tứ Liên - Trung Hà, vị trí nghi có bom tại Km 183+800, cách tim luồng khoảng 30 m, sâu khoảng hơn 2m, thuộc địa phận phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội.

Hiện tại, cơ quan quản lý đường thủy đã tiến hành cấm luồng, cấm tàu thuyền qua lại để bảo đảm an toàn, phục vụ việc xác minh, trục vớt, xử lý bom, các phương tiện thủy chỉ được lưu thông bên phía bờ phải. Đoạn luồng bị cấm đã bố trí các phao cấm luồng theo đúng quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, tại vị trí nghi có bom có thả phao báo hiệu theo quy định.

Chưa thể có 100% mặt bằng metro số 2 trong tháng 6

Trong các cuộc họp về tiến độ giải phóng mặt bằng tuyến metro số 2, ông Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, luôn yêu cầu các quận có tuyến metro số 2 đi qua phải cơ bản bàn giao mặt bằng trong tháng 6.

Tuy nhiên, đến nay dự kiến khả năng bàn giao mặt bằng cho tuyến metro số 2 chỉ đạt khoảng 60%.

Đại diện Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết trong tháng 6 các quận không thể bàn giao 100% mặt bằng như dự kiến.

Theo MAUR, đến thời điểm này, dự kiến trong tháng 6 các quận sẽ bàn giao khoảng 60% diện tích mặt bằng.

Trong đó, một số quận đã xong thủ tục bồi thường và bắt đầu nhận bàn giao mặt bằng từ người dân. Điển hình, trong hôm nay (19-6), UBND quận Tân Bình sẽ bàn giao khu đất xung quanh ga Tân Bình và ga ngầm khu đường Phạm Văn Bạch cho MAUR.

MAUR cho biết về nguyên tắc, đơn vị chỉ nhận bàn giao mặt bằng sạch từ các quận thì mới tiến hành khởi công dự án. Nếu trong tháng 6 các quận không thể bàn giao 100% mặt bằng thì MAUR cũng chưa thể khởi công dự án theo dự kiến.

Theo MAUR, quận 3 là một trong những địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng nhanh, song khâu cập nhật giá đất hiện nay hơi chậm khiến các quận khác bị ảnh hưởng.

MAUR cũng lường trước trường hợp các quận không thể bàn giao mặt bằng 100% thì đơn vị sẽ không thể tiến hành thủ tục song song khác (bao gồm công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, điện nước, viễn thông).

Tuy nhiên, MAUR cho hay nếu nhà ga nào ổn thì sẽ tiến hành di dời hạ tầng kỹ thuật trước. Đồng thời, đơn vị này sẽ tiến hành công tác đấu thầu và triển khai đồng bộ từ quý III-2020.

Sang quý III-2021, MAUR sẽ tiến hành ký hợp đồng với các nhà thầu chính, sau đó chính thức khởi công các hạng mục chính.

Trước đó, UBND các quận cũng hứa theo tiến độ đến tháng 6 sẽ xong các thủ tục và tiến hành bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, việc bàn giao mặt bằng còn nhiều khó khăn. Thủ tục chi trả bồi thường trong tháng 6 sẽ xong nhưng việc bàn giao thì có thể kéo dài hơn.

Đại diện UBND quận 12, đơn vị có tuyến metro số 2 đi qua, cho biết tiến độ giải phóng mặt bằng của quận sẽ cố gắng hoàn thiện, bàn giao mặt bằng cho MAUR trong tháng 6 này.Hiện quận này đã làm việc với tất cả trường hợp bị ảnh hưởng bởi tuyến metro số 2, về cơ bản các hộ dân đều đồng tình.

P.V (tổng hợp)

Tagged
Different Themes
Written by Lovely

Aenean quis feugiat elit. Quisque ultricies sollicitudin ante ut venenatis. Nulla dapibus placerat faucibus. Aenean quis leo non neque ultrices scelerisque. Nullam nec vulputate velit. Etiam fermentum turpis at magna tristique interdum.

0 nhận xét