Hơn 400 doanh nghiệp tham dự VIETBUILD 2020
Gần 1.800 gian hàng của hơn 400 doanh nghiệp với nhiều thương hiệu lớn đến từ các quốc gia và khu vực tham gia triển lãm quốc tế về xây dựng (VIETBUILD 2020).
Đây là một trong những sự kiện đầu tiên của năm 2020 và sẽ được diễn ra ở bốn thành phố lớn, gồm: Thủ đô Hà Nội, TPHCM, TP.Đà Nẵng và TP.Cần Thơ.
Theo ban tổ chức, triển lãm Quốc tế VIETBUILD 2020 tại TPHCM lần này đã thu hút được sự tham gia của gần 1.800 gian hàng từ hơn 400 đơn vị với nhiều thương hiệu đến từ các quốc gia và khu vực tham dự, giới thiệu, trưng bày các sản phẩm đa dạng và phong phú của ngành Xây dựng - Vật liệu xây dựng - Bất động sản và Trang trí nội ngoại thất.
Đặc biệt, phần lớn các sản phẩm trưng bày tại triển lãm lần này đã được các doanh nghiệp nghiên cứu và đầu tư từ cuối năm 2019, đầu năm 2020 với các sản phẩm về vật liệu xây dựng và trang trí nội ngoại thất có mẫu mã mới, tính năng và chất lượng được nâng cao đáp ứng nhu cầu về nhà ở, xây dựng và vật liệu xây dựng ngày càng phát triển, gắn liền với sự phát triển bền vững, thân thiện môi trường.
Các doanh nghiệp cũng tập trung đầu tư các giải pháp công nghệ vào hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phát triển dịch vụ trong tình hình mới hậu Covid-19 và phát triển công nghệ kỹ thuật số toàn cầu.
VIETBUILD đã trở thành một thương hiệu lớn, là điểm hẹn chung cho các nhà doanh nghiệp ngành Xây dựng, đây là sân chơi bổ ích, thiết thực, đem lại nhiều hiệu quả cho các doanh nghiệp về xúc tiến thương mại và hợp tác đầu tư xây dựng.
Triển lãm diễn ra từ ngày 24 đến ngày 28/6/2020, do Trung tâm Thông tin – Bộ Xây dựng và Công ty Tổ chức Triển lãm Quốc tế Xây dựng VIETBUILD phối hợp tổ chức, thực hiện.
Sửa luật để thị trường bất động sản tăng tốc
Nay là năm thứ 5 Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực. 5 năm đó, với các quy định của bộ luật này, chỉ tính riêng tại TPHCM có 126 dự án nhà ở, sản xuất kinh doanh bị đứng hình. Nguyên nhân như sau, trong dự án có các rẻo đất là lối mòn, đường đi, kênh rạch… được gọi là đất công, chiếm khoảng 10%, nằm xen cài trong khu đất, theo quy định buộc phải đem ra đấu giá.
Theo các cơ quan chức năng TPHCM, việc đấu giá này là… bất khả thi, bởi thực tế, toàn bộ khu đất làm dự án đã được doanh nghiệp (DN) bỏ tiền túi ra mua, việc đấu giá các rẻo đất da beo, kênh, mương, rạch hay đường nội khu… nằm lọt thỏm trong khuôn viên dự án đó sẽ như thế nào; chưa kể khi tổ chức đấu giá có thể bị “chơi xấu” vì những DN khác nhảy vào bỏ giá cao hơn thực tế sẽ gây rối loạn. Chính vì vậy, TPHCM đã nhiều lần kiến nghị Bộ Xây dựng, Bộ TN-MT, rồi trình lên Thủ tướng Chính phủ để tìm kiếm các giải pháp khác thay thế. Vậy nhưng đã 5 năm vẫn chưa thấy hướng dẫn nào để các địa phương thực hiện, dẫn đến hàng ngàn dự án của các DN trên cả nước vướng mắc không thể triển khai, trong đó chỉ riêng TPHCM đã mắc kẹt 126 dự án - đó chỉ là con số thống kê từ năm 2015 - 2018.
- |
Vướng tiếp theo cũng liên quan đến đất công, nhưng là đất công “toàn phần”. Tại TPHCM có 158 dự án, mặt bằng kinh doanh có nguồn gốc đất công bị đình trệ không thể tiếp tục triển khai. Mặc dù các cơ quan chức năng đã rà soát và cho phép 124 dự án được vận hành trở lại bình thường từ năm 2019, thế nhưng đến nay vẫn chưa thật sự trở lại bình thường, vì chưa được tháo gỡ toàn bộ. Một dự án C. tại quận 4 đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, đã được chủ đầu tư xây dựng và bán căn hộ ra thị trường. Sau đó, các cơ quan chức năng tiến hành rà soát lại và hủy chủ trương đầu tư. Đầu năm 2020, dự án được thông báo cho phép triển khai trở lại, tuy nhiên cho đến nay vẫn lẩn quẩn ở bước “thủ tục pháp lý”! Một số dự án khác, mặc dù cơ quan chức năng cho biết là đã tháo gỡ nhưng hiện nay vẫn còn “làm thủ tục” trong khi người mua nhà dọn vào ở đã lâu, mong mỏi giấy chủ quyền.
Trên đây là hai vướng mắc tiêu biểu làm cho thị trường bất động sản TPHCM “trầm lắng” suốt 5 năm qua. Có hai bức tranh giống nhau đến kỳ lạ: một bên, các dự án bị vướng luật, mặc dù các DN, hiệp hội kêu cứu, thường xuyên tổ chức hội nghị tiếp xúc giữa cơ quan công quyền với chủ đầu tư; một bên, trong quãng thời gian đó có Nghị định 167 về việc sắp xếp lại - xử lý tài sản công và Luật Tài sản công được ban hành, nhưng đều không giải quyết rốt ráo các vướng mắc.
Thừa Thiên Huế lên kế hoạch cải tạo, xây mới Khu chung cư Đống Đa
Trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng tại Khu chung cư Đống Đa (TP Huế), tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết sẽ tiến hành cải tạo, xây dựng lại công trình mới nhằm đảm bảo an toàn, tính mạng cho người dân. Đồng thời giao quyền cho người dân tự lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Khu chung cư Đống Đa (phường Phú Nhuận, TP Huế) bao gồm 5 dãy nhà A, B, C, D, E (từ 2 đến 5 tầng). Khu chung cư là nơi sinh sống của 219 hộ gia đình, cá nhân, trong đó gồm nhiều cán bộ, nguyên cán bộ, người lao động đang làm việc tại các cơ quan đơn vị đóng trên địa bàn TP Huế. Khu chung cư được xây dựng trong khoảng thời gian năm 1977-1991.
Sau hàng chục năm sử dụng, đến nay, các khu nhà thuộc Khu chung cư Đống Đa đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, công năng hết sức lạc hậu. Cùng với đó, trong quá trình sinh hoạt, việc các cá nhân, hộ gia đình tùy tiện đập phá, dỡ bỏ các bức tường, kết cấu chịu lực tại khu nhà A cũng như các khối nhà khác đã làm mất an toàn chịu lực công trình, có thể dẫn đến nguy cơ sụp đổ toàn bộ tòa nhà.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có chủ trương cải tạo đợt 1 Khu chung cư Đống Đa. Trong đó, tập trung vào 3 dãy nhà A, B, C (các dãy nhà được xây trước trong tổng số 5 dãy nhà thuộc khu chung cư), với diện tích khu đất hiện trạng là 8.664 m2. Đây là dãy nhà được bao quanh bởi 3 trục đường Đống Đa, Lê Hồng Phong và Võ Văn Tần, cùng một phần vị trí thuộc vào khu đất ký hiệu B1 thuộc đồ án Quy hoạch chi tiết trục đường Đống Đa - Lý Thường Kiệt.
Tuy vậy, do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan, tiến độ thực hiện công tác này chưa đảm bảo yêu cầu.
Để có cơ sở cải tạo, xây dựng lại chung cư Đống Đa, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao Sở Xây dựng thực hiện việc điều tra, khảo sát và kiểm định chất lượng các khối nhà chung cư. Và đến ngày 12/5/2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Công văn số 3906/UBND-XD kết luận kiểm định chất lượng hiện trạng của Khu chung cư Đống Đa.
Kết quả kiểm định cho thấy, hiện trạng dãy nhà A có mức độ nguy hiểm cấp độ D với khả năng chịu lực của kết cấu chịu lực không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, nhà xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể.
Dãy nhà B, C, D có mức độ nguy hiểm cấp độ C với khả năng chịu lực của một bộ phận kết cấu không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ.
Dãy nhà E có mức độ nguy hiểm cấp độ B, khả năng chịu lực của kết cấu cơ bản đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường, cá biệt có cấu kiện ở trạng thái nguy hiểm, nhưng không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực, công trình đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường.
Căn cứ vào kết quả kiểm định trên, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành kế hoạch tiến hành cải tạo, xây dựng lại các dãy nhà A, B, C để tái định cư tại chỗ cho các hộ dân. Đối với các dãy nhà D, E, tỉnh sẽ tiến hành cải tạo, xây dựng lại khi các dãy nhà này không còn đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng theo quy định.
P.V (tổng hợp)
0 nhận xét