Như Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã phản ánh, lợi dụng việc nạo vét lòng hồ tại một dự án ở xã Thạch Bình (huyện Nho Quan, Ninh Bình), công ty Thành Nam (xã Phú Sơn, huyện Nho Quan) vận chuyển đất (nghi quặng silic, sét) tập kết trái phép tại bãi đất bỏ hoang của công ty Xi măng Phú Sơn (Nho Quan).
Theo phản ánh của nhiều người dân sống gần tỉnh lộ 447 xã Lạc Vân (huyện Nho Quan) nơi giáp ranh với nhà máy Phú Sơn bỏ hoang, hang ngày có nhiều xe chở đất dán logo Công ty Thành Nam vận chuyển đất vào khu vực bỏ hoang nhà máy xi măng Phú Sơn. Đồng thời, có nhiều xe tải cỡ lớn (howo- PV) chuyên chở đất từ khu vực này đi ra, việc vận chuyển diễn ra cả ngày đến 12h đêm, tình trạng ô nhiễm khói bụi, ô nhiễm tiếng ồn khiến người dân bức xúc.
Xe BKS 35C - 078.31 đi ra từ bãi tập kết khoáng sản không phép. |
Một người dân cho biết, các xe chở đất vào ra khu vực này gây bụi nhiều nên người dân phải dùng máy bơm và vòi nước tưới cho bụi giảm thiểu, và phía công ty phải trả tiền cho người dân.
Di chuyển nhằm hướng Gia Viễn Ninh Bình trên ĐT 447. |
Sau một thời gian ghi nhận, PV nhận thấy một số xe chở đất đi ra từ bãi khoáng sản không phép đi theo tuyến đường 447 theo chiều Nho Quan – Gia Viễn.
Điểm cuối cùng mà các xe này đến là cổng nhà máy Xi măng Vissai Ninh Bình (Lô C7 - KCN Gián Khẩu, Gia Viễn, Ninh Bình).Đoạn clip trên đã phần nào thể hiện và ghi nhận được hành trình di chuyển của xe BKS 35C- 078.31.
Điểm tập kết của xe BKS 35C 078.31 là phía trong nhà máy Vissai Ninh Bình. |
Theo một nguồn tin của PV cho biết, bãi tập kết đất trái phép ở nhà máy xi măng Phú Sơn gồm nhiều loại khoáng sản là nguyên liệu phụ trợ cho hoạt động sản xuất xi măng. Sau khi được xử lý (đánh tơi, phơi khô) số nguyên liệu này sẽ được bán lại cho một số công ty khác trên địa bàn huyện Gia Viễn (là đơn vị cung cấp cho một số nhà máy xi măng).
Nguồn gốc sản phẩm hàng hóa để làm nên những tấn xi măng thành phẩm của Vissai Ninh Bình này liệu có đảm bảo? |
Qua nhiều lần mua đi bán lại, số hàng hóa này sẽ từ không có nguồn gốc rõ ràng sẽ thành có nguồn gốc thông qua các hóa đơn mua đi bán lại. Với giá khoáng sản khoảng 70 nghìn đồng/tấn, trung bình một xe howo (chở khoảng 20 tấn), một ngày 1 đơn vị vận tải cung cấp cho nhà máy lên đến hai con số.
Trở lại câu chuyện xe chở khoáng sản từ bãi tập kết trái phép nêu trên, PV đã liên hệ với đại diện công ty Xi măng Vissai Ninh Bình. Vị đại diện này cho biết đơn vị không mua đất sét ở khu vực Nho Quan mà mua ở Hòa Bình.
Các cơ quan quản lý nhà nước cần phải làm rõ vụ việc này. |
Liên quan đến bãi tập kết đất trái phép ở Phú Sơn, một nguồn tin của PV cho biết, cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình đã vào cuộc xác minh thông tin.
Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.
0 nhận xét