Tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải tại cửa biển Sa Cần, huyện Bình Sơn- hạ nguồn sông Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi xảy ra nghiêm trọng hàng chục năm qua. Mong muốn hồi sinh một “vùng biển chết”, một dự án môi trường cộng đồng huy động hàng trăm tình nguyện viên và người dân địa phương tham gia đã dần trả lại vẻ đẹp vốn có của cửa biển Sa Cần. Quan trọng hơn, dự án này tạo sự lan tỏa, góp phần thay đổi thói quen và nhận thức của người dân ứng xử tử tế hơn với môi trường biển.
Dự án "Tử tế với Sa Cần" dần thay đổi thói quen và nhận thức của người dân. |
Trong hai ngày 5 và 6/6, một “chiến dịch” mang tên “trận đánh cuối cùng với rác” với sự tham gia tự nguyện của hàng trăm người ở nhiều độ tuổi khác nhau. Trẻ nhỏ đến người già, thanh niên, phụ nữ, cán bộ công nhân viên chức, tình nguyện viên ở khắp nơi hội tụ tham gia thu gom rác thải dọc bờ biển thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Tất cả hướng tới mục tiêu sớm trả lại biển xanh, cát trắng vốn có cho người dân nơi đây.
Ông Lê Tấn Của, (75 tuổi) ở xóm Tân Khương, thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn rất hào hứng khi cùng mọi người tham gia dọn rác ven bãi biển: "Tôi đã già rồi nhưng vẫn hô hào bà con ra đây dọn sạch sẽ rác thải, quyết tâm giữ bãi biển sạch".
Sau gần một năm phát động và triển khai thực hiện, Dự án "Tử tế với Sa Cần" do một nhóm tình nguyện viên tỉnh Quảng Ngãi sáng lập và kêu gọi sự chung tay góp sức của hàng trăm lượt người tham gia. Hàng chục tấn rác thải ken dày, chôn vùi dưới cát biển hàng chục năm qua được mọi người cùng với phương tiện cơ giới đào bới, thu gom đưa đi tiêu hủy. Ban đầu chỉ là lời kêu gọi trên mạng xã hội Facebook, nay Dự án nhận được sự ủng hộ nhiệt tình cả về vật chất và tinh thần của cộng đồng. Nhiều tình nguyện viên tham gia chỉ mong góp phần công sức của mình làm sạch môi trường biển.
Bạn Nguyễn Thị Bích Trâm, một tình nguyện viên tham gia Dự án “Tử tế với Sa Cần” chia sẻ: "Nhìn thấy bà con tích cực hồi sinh bãi biển, chúng tôi cũng chung tay với bà con và mong rằng cộng đồng cùng góp sức để Sa Cần lấy lại bờ biển đẹp vốn có".
Hàng trăm lượt tình nguyện viên tham gia dự án "Tử tế với Sa Cần". |
Để tiến hành thu gom rác thải tại cửa biển, nhóm "Tử tế với Sa Cần" đã khảo sát thực tế, vận động các mạnh thường quân tặng bà con địa phương thùng đựng rác, phương tiện thu gom rác; thành lập tổ thu gom rác; tuyên truyền người dân phân loại rác tại nguồn… Quan tâm đến người dân địa phương từ những điều nhỏ nhất đã từng bước tạo thay về đổi nhận thức của mọi người trong việc ứng xử tử tế với môi trường biển, không xả rác thải bừa bãi xuống sông, biển…
Ông Dương Duy Din, Trưởng thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn bộc bạch, dự án tạo sức lan tỏa, thay đổi đáng kể nếp nghĩ và sinh hoạt của người dân. Ông Din phấn khởi cho biết, so với một năm trước, bãi biển Sa Cần, thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh đã sạch đẹp hơn nhiều.
"Chúng tôi rất cảm kích tấm lòng của các tình nguyện viên. Nhiều người đã tự hỏi, mình là những người con quê hương tại sao mình không làm mà lại những người ở đâu mà họ vẫn đến quê hương mình dọn dẹp".
Ông Nguyễn Thanh Vũ, Chủ tịch UBND xã Bình Đông, huyện Bình Sơn cho rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường tại cửa biển Sa Cần rất trầm trọng. Chính quyền địa phương các xã vùng hạ lưu sông Trà Bồng đã nhiều lần ra quân, vận động người dân thu gom rác thải ven biển. Tuy nhiên địa phương mong muốn mọi người cùng chung tay không xả rác bừa bãi.
"Thời gian qua UBND xã Bình Đông cũng đã phát động phong trào thu gom rác. Tuy nhiên, do xã Bình Đông nằm ở hạ lưu. Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi mong muốn các xã trên thượng nguồn phải ý thức hơn, bỏ rác đúng nơi quy định, không xả xuống sông ảnh hưởng đến hạ lưu. Trách nhiệm của địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền người dân", ông Vũ nói.
Đang công tác tại Đài PTTH Quảng Ngãi, nhà báo Huỳnh Văn Thương- sáng lập viên đồng thời điều hành Dự án "Tử tế với Sa Cần" chia sẻ, là người con địa phương, anh rất bất ngờ trước tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại cửa biển Sa Cần. Dự án "Tử tế với Sa Cần" xác định người dân là trung tâm, từ đó tập trung vận động mọi người cùng tham gia với các tình nguyện viên. Từ đó, người dân địa phương nhận ra rằng, chính họ là người mang lại hạnh phúc cho chính mình khi giữ gìn bãi biển và môi trường biển quê mình.
Cửa biển Sa Cần dần được hồi sinh. |
Nhà báo Huỳnh Văn Thương cho biết: "Mọi người cùng chung tay thì dự án sẽ bền vững hơn. Trong dân bắt đầu hình thành một cái nếp. Những người thực hiện dự án đã chuyển giao cách làm cho người dân và tự người dân vận hành".
Từ thành công của Dự án "Tử tế với Sa Cần", nhóm tình nguyện viên tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục phát triển, triển khai Dự án "Tử tế với sông Trà Bồng". Đây là bước phát triển mới để nhân rộng, áp dụng đồng loạt cho các địa phương dọc lưu vực sông Trà Bồng nhằm giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm môi trường biển ở tỉnh Quảng Ngãi./.
Theo VOV
0 nhận xét