Theo Bộ Tài chính, ngày 29/5, Chính phủ đã có nghị quyết số 84/NQ-CP về việc các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19; tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không bị tác động rất lớn của đại dịch.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã nghiên cứu xây dựng dự thảo nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Cụ thể, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay bằng 70% mức thuế quy định tại nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 đang có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2020.
Thời gian giảm thuế được Bộ Tài chính đề xuất kể từ ngày nghị quyết mới có hiệu lực thi hành, kể từ ngày ký, cho đến hết ngày 31/12/2020.
Với phương án giảm 30%, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay sẽ giảm từ 3.000 đồng xuống còn 2.100 đồng/lít, tức là giảm 900 đồng/lít.
Theo tính toán, số giảm thu ngân sách Nhà nước ước tính khoảng 87,33 tỷ đồng/tháng. Tuy nhiên, việc giảm thuế BVMT sẽ góp phần giúp doanh nghiệp vận tải hàng không giảm bớt gánh nặng tài chính, duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường, việc hạn chế nhập cảnh được dự báo vẫn phải kéo dài thời gian thực hiện.
Nghị quyết này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và được áp dụng đến hết ngày 31/12/2020. Kể từ ngày 1/1/2021, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay tiếp tục áp dụng theo quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 về Biểu thuế bảo vệ môi trường.
Hiện tại, Việt Nam đã bước đầu kiểm soát được dịch, tuy nhiên tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, rất nhiều ngành, nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt là ngành vận tải do việc hạn chế đi lại cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh bị gián đoạn. Một trong những ngành vận tải ảnh hưởng nặng nề nhất là vận tải hàng không.
Chỉ tính riêng Vietnam Airlines, theo báo cáo của Vietnam Airlines thì tính đến hết quý II/2020, số chuyến bay toàn giảm 32,7 nghìn chuyến bay, giảm 88,2% so với kế hoạch; khách vận chuyển giảm khoảng 5,67 triệu khách, giảm 89,3% so với kế hoạch; quy mô sản lượng của Vietnam Airlines tháng 4/2020 còn khoảng 2% so với kế hoạch.
Theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, dự báo thị trường vận chuyển năm 2020, nếu dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 6/2020, có tính đến hủy toàn bộ các chuyến bay đi, đến Hàn Quốc, tổng thị trường chỉ đạt 61,2 triệu khách, giảm 22,6% so 2019. Trong đó, các hãng Việt Nam vận chuyển được 10,4 triệu khách quốc tế (giảm 41,2%) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5 %), tổng vận chuyển chỉ đạt 45,7 triệu khách (giảm 17% so cùng kỳ).
Như vậy, để góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không nói chung và các doanh nghiệp hàng không nói riêng trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19, góp phần giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp, đồng thời vẫn phù hợp với quy định, đề xuất phương án giảm thuế BVMT đối với nhiên liệu bay là một trong những giải pháp cần thiết.
Minh Tuệ (t/h)
0 nhận xét