Sáng 26/4/2019, người dân tổ dân phố Lại Bằng 2, phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế kéo nhau xuống bờ sông Bồ chuẩn bị cắm cọc trên sông, cản tàu hút cát.
"Một nhóm ra xóm ngoài xin tre. Một nhóm anh em về lấy xe tải chạy lên mỏ, mua đá hộc về đổ kè. Chị em lấy cuốc, thuổng mở đường, xe chở đá về còn chạy xuống sát bờ sông", ông Lành đứng trên mô đất cao, phân công việc cho mọi người trong làng. Bên dưới, người dân tay cầm rựa, cuốc, thuổng... đầy đủ các độ tuổi, đứng ken đặc bờ sông.
Cuộc phân công chỉ kéo dài 10 phút. Nhóm người đi chặt tre leo lên chiếc xe tải đang nổ máy chực sẵn, chạy ra xóm ngoài. "Chúng tôi đang cần một lượng lớn tre để cắm cọc, cản tàu hút cát trên sông. Nhà anh chị nếu không dùng đến số tre này thì cho chúng tôi xin hoặc bán lại", ông Lành dẫn đầu, mở lời với các nhà.
"Cứ chặt đi. Chúng tôi ủng hộ", chủ những rặng tre trả lời. Nhóm thanh niên người cầm rựa, người cầm cưa máy nhảy vào. Chỉ một lúc, những thân tre đã vạt nhánh, chặt khúc chất đầy thùng.
Trong bến, nhóm người khác xẻ khoảnh đất, mở đường. 30 phút sau, chuyến xe chở đá hộc đầu tiên tiến về. Con đường cũng vừa được chị em phụ nữ dọn xong, chiếc xe chạy thẳng xuống bờ sông.
8 khối đá có giá 800 ngàn đồng, người đi mua đá báo cáo. Ông Lành họp mọi người lại. Đổ kè này cũng mất mấy trăm khối đá, nếu mua hết thì tốn rất nhiều tiền. Ông đề nghị dân làng huy động thuyền, lên thượng nguồn nhặt đá cuội về đổ kè. Ngay lập tức, 20 chiếc thuyền nổ máy tiến lên thượng nguồn nhặt đá.
Làm được hơn một ngày, chính quyền phường Hương Vân xuất hiện can ngăn. "Chúng tôi sai chính quyền cứ bắt. Dân ở đây chấp nhận đi tù", đám đông người dưới nước, kẻ trên cạn ồ lên, la hét.
Đó chỉ là hoạt cảnh đầu tiên trong một cuộc chiến 14 ngày giữ đất của dân xóm Bồ. Và đó cũng chỉ là "trận cọc" đầu tiên mà người dân Thừa Thiên dựng lên trong tiếng gầm của những con tàu hút cát.
Sông Bồ là con sông có phụ lưu nhỏ ở Thừa Thiên Huế. Từ thành phố Huế, đi trên quốc lộ 1A theo hướng Bắc chừng 15 km, sẽ nhìn thấy dòng sông. Từ thượng nguồn đến khi đổ ra đầm phá Tam Giang, một số nơi gọi tên đoạn này là "Sông Sịa".
Từ đây, rẽ trái, đi chừng mười cây số sẽ đến Hương Vân. Điểm kết của con đường chạy dọc sông về hướng Tây, lên thượng nguồn, có một tổ dân phố nhỏ, gọi là xóm Bồ.
Các đời trước của xóm Bồ là cư dân vạn đò. Họ di cư đến đây, khai đất làm nhà, mưu sinh bằng đánh cá. Chiến tranh, người dân tản mát, mảnh đất thành bãi mìn. Đến đầu thập kỷ 80, sạch bom mìn, ông Lành và những người dân trở lại dựng làng sinh sống đến hôm nay.
Cuộc sống người dân vùng này trông vào dòng sông. Mùa lụt, nước sông ngập trắng một vùng. Nước rút đi, phù sa đọng lại, dày 20-30 cm. Những vườn thanh trà đặc sản có hương vị đặc trưng, ngọt bùi nhờ phù sa sông.
Đã có thời, việc đi lại của người dân hai bên bờ không cần đến ghe thuyền. Người dân xóm Bồ hay cư dân làng Cổ Bi (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền) chỉ cần băng qua những bãi nổi mùa nước cạn là sang được bờ bên kia.
Bờ sông bên xóm Bồ những ngày bình yên. Ảnh: Nguyễn Đắc Thành. |
Nhưng đến đầu năm 2016, bước ngoặt cho số phận của khúc sông xảy đến: doanh nghiệp tư nhân Tuấn Hải được chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế cấp phép khai thác cát.
Ông Lành vẫn nhớ ngày hôm đó, đang đứng thể dục nhìn xuống, những chiếc sà lan, thuyền máy tấp nập chạy lên thượng nguồn sông Bồ. Ông không mấy bận tâm. Ông nghĩ chắc chính quyền lại cấp phép cho một đơn vị nào đó khai thác cát để phục vụ công trình nhà nước.
Năm 2005, khi xây Nhà máy Thủy điện Hương Điền nằm ở thượng nguồn sông Bồ, những bãi cát lộ thiên giữa lòng sông được cấp phép cho nhà đầu tư thủy điện. Sau khi thủy điện hoàn thành, việc khai thác cát cũng dừng hẳn. Ông Lành nghĩ lần này cũng thế.
Nhiều tháng sau đó, người dân xóm Bồ không bận tâm đến những chiếc xà lan dưới sông. Ai cũng nghĩ đơn giản: "Chắc họ đang hút cát phục vụ cho công trình nhà nước, xong việc họ lại đi thôi".
Vợ chồng bà Hoa đến sinh sống ở xóm Bồ đã mấy chục năm. Đến sớm, nhưng đất đai ít. Một mảnh đất ở bãi Sọc - thượng nguồn sông Bồ, vợ chồng bà trồng lạc, sắn. Khi sức khỏe yếu, bà chuyển sang trồng keo, tràm.
Tháng 2/2018, một vạt đất sát bờ sông lở, đổ ầm xuống nước ngay trước mặt bà Hoa. Bà lấy đá ném, nói vọng xuống những chiếc sà lan bên dưới: "Mấy ông hút cát răng mà sạt lở đất tui hết ri".
Chiếc sà lan xê dịch ra, bà Hoa không nói gì nữa. Một tuần sau, bà cùng chồng lên thăm lại mảnh đất. Sạt lở đã ăn sâu vào thửa đất của bà hơn lần trước.
"Bây có đưa máy ra ngoài không?", bà Hoa quát lớn. Ông chồng giương chiếc ná lên, bỏ đá vào bắn. Viên đá không đủ sức bay đến chiếc sà lan.
Từ ấy, khi rảnh bà thường chạy lên nhìn mảnh đất. Keo tràm trồng hơn một năm cuộn trong đống đất cát, đổ xuống sông. Thấy có người, nhóm hút cát đánh sà lan ra. Nhưng bà cũng không có sức ngồi đó canh cả ngày. Hễ bà đi, những chiếc sà lan lại dịch sát vào bờ, hút cát.
Sự thay đổi của bờ sông đoạn qua Xóm Bồ từ 2017-2019. Các đoạn "biến mất" rộng từ 5-10 mét. |
Hàng xóm gợi ý: "Đất đai sạt lở như vậy răng bà không làm đơn gởi lên chính quyền". Bà Hoa nghe theo, về bàn với chồng, viết đơn. Nhà đông con nhưng đi làm ăn xa cả. Đêm tối, chồng bà ra quán mua quyển vở ô-li, cầm đi quanh xóm, nhờ người viết đơn.
Bà Hoa cầm tờ đơn lên phường Hương Vân từ sớm, chầu chực. "Mấy người hút cát làm sạt lở đất đai tui hết, tui nộp đơn nhờ chính quyền can thiệp", bà Hoa đưa đơn cho vị cán bộ đầu tiên mình gặp.
"Để con nhận đơn cho. Bà về đi, bọn con sẽ xem xét giải quyết", vị chức sắc nhận đơn, hứa xem xét.
Bà Hoa yên tâm, cảm ơn chính quyền rồi quay về: "Họ nhận đơn rồi ông ơi! Họ hứa sẽ xem xét, giải quyết cho mình".
Hai tháng sau ngày nộp đơn, vợ chồng bà Hoa vẫn không có hồi đáp gì từ chính quyền, mảnh đất càng ngày càng sạt lở. "Bà có nộp đúng nơi không. Răng không thấy họ trả lời, trả vốn chi hết", ông chồng băn khoăn.
"Răng không đúng được", bà Hoa gắt gỏng. Tờ đơn được gởi đi từ tháng 2/2019, đến nay đã tròn một năm. Mảnh đất bà trước đây 2 héc-ta, sạt lở mất một nửa diện tích. Chồng bà sau cơn bệnh nặng, chết khi chưa nhận được câu trả lời từ chính quyền.
Bờ sông qua xóm Bồ từ 2002-2019, một biển cát mênh mông đã biến mất. |
"Mình phải lập một đội tự quản thôi. Đêm hôm thay phiên nhau đi trực, chứ để tình hình như vậy thì mất đất hết", ông Lành đưa ra ý kiến với dân xóm. Đó là đầu năm 2019, ông đã thức trắng một đêm suy nghĩ, rồi triệu tập một cuộc họp.
"Liệu có khả thi không? Làm sao mình biết được bọn chúng khai thác trái phép để bắt? Mà bắt về liệu có chấm dứt được việc này không?", một loạt băn khoăn xuất hiện.
Ông Lành phân tích, khi được cấp phép khai thác ở mỏ nào thì giới hạn mỏ sẽ có các phao làm mốc. Chỉ cần bọn chúng khai thác bên ngoài phao là sai, mình có quyền giám sát. Bắt về được, đội tự quản sẽ gọi chính quyền lên xử lý.
Sau chỉ 20 phút, mọi người thống nhất lập tổ tự quản. Tổ hoạt động trên kinh phí bà con lối xóm đóng góp. Thanh niên, trai tráng được khuyến cáo hạn chế rượu bia khi đêm đến, đợi có lệnh ra thuyền đi tuần tra.
Đêm đầu tiên tổ tự quản ra đời, trời mưa phùn, gió lạnh. Ông Lành nhận cuộc gọi từ một người đánh cá. "Đang có thuyền hút cát ngoài phao ở khe Băng", giọng người đàn ông xen lẫn tiếng gầm rú của máy móc.
Chốc lát, 8 người đã có mặt ở bến sông. Mỗi người cầm một chiếc đèn pin. Không dụng cụ tự vệ.
Họ nhảy lên thuyền, nhắm thẳng hướng lên khe Băng. Sau 15 phút, một công trường khai thác cát đèn điện sáng trưng hiện lên. Bên ngoài phao, một chiếc thuyền đang hút cát. Ông Lành ra hiệu cho thuyền mình chạy chậm lại, tấp dần vào.
"Các ông hút cát ngoài phạm vi cho phép rồi, tôi đề nghị các ông dừng ngay, đổ cát lại xuống sông", ông Lành tay cầm đèn pin chiếu thẳng vào chiếc thuyền hút cát, thông báo.
Nhóm người hút cát trên thuyền tắt máy. Tổ tuần tra nhảy lên chiếc thuyền. "Các anh vi phạm vùng khai thác rồi", ông Lành thông báo một lần nữa.
Những người hút cát không nói điều gì, chăm chăm nhìn tổ tuần tra. Bên trong phao, chiếc sà lan cũng tắt máy, dừng hoạt động. Nhóm người trên sà lan kéo ra đứng sát bên mạn, nhìn sang.
Cuộc đối đầu giữa hai bên không căng thẳng, nhóm người trên chiếc thuyền hút cát biết sai, lặng im. Tổ tự quản buộc họ đổ cát xuống sông lại, kéo thuyền về. Khi cả hai thuyền vừa cập bến, công an phường Hương Vân đã có mặt, ghi nhận vụ việc. Tổ tự quản ra về. Họ không nắm việc chính quyền xử lý nhóm tàu hút ra sao.
Chuyến tuần tra lần thứ hai, anh em xóm Bồ tự gọi nhau rồi đi. Lần này, đông hơn, tổ kéo đi trên hai thuyền. Cũng tại bãi khe Băng, một chiếc thuyền khai thác ngoài phao, nhóm tuần tra tấp vào nhảy qua, khống chế, kéo cả thuyền lẫn cát về bến.
Chính quyền phường Hương Vân có mặt khi tổ kéo chiếc thuyền về. Họ đề nghị bàn giao chiếc thuyền để xử lý. "Đưa về các ông xử lý thế nào rồi ngày mai bọn nó cũng kéo lên hút cát lại", ông Lành gạt phắt.
Người dân lao vào, cột dây kéo chiếc thuyền lên, nằm nửa trên bờ, nửa dưới nước. "Chúng tôi giam thuyền ở đây, thay nhau trực, các ông liệu đem tiền để trả công cho dân", ông Lành tuyên bố với nhóm khai thác cát.
Sau 5 đêm, chủ thuyền đến gặp xin chuộc lại. Người dân xóm Bồ quyết định thả về, với điều kiện phải trả 3 triệu tiền công người dân đã xúc cát đổ xuống sông và canh giữ thuyền. Ông Lành bắt người chủ thuyền hứa "không khai thác cát nữa" nếu được thả. Chủ thuyền gật đầu đồng ý.
Nhưng lời hứa gió bay. Hai tháng tổ tự quản thành lập, các thành viên khẳng định có đến 10 trường hợp khai thác cát trái phép được bắt về, giao cho chính quyền, mọi chuyện vẫn tuần tự tái diễn.
Giọt nước tràn ly vào ngày 15/4/2019, một chiếc thuyền chở cát từ khe Băng chạy về, đến đoạn xóm Bồ, va vào lồng cá của người dân. Cả xóm chạy xuống vây bắt, nhưng bất thành.
Sự căm phẫn của cư dân xóm Bồ với cát tặc lên cao trào mới. Họ nghĩ, đã đến lúc cần hành động mạnh mẽ hơn.
Sáng 26/4/2019, giữa sông, dân xóm Bồ dựng một cây tre cao 10 mét, treo lá cờ Tổ quốc lên. Ông Lành cầm một cọc tre, ra sát bờ sông, cắm sâu xuống cát: "Bắt đầu từ điểm này, anh em cứ thế cắm ra".
Cọc tre liên tiếp được cắm xuống, gắn với nhau bằng thép. Thuyền chở đá về, phụ nữ, trẻ con đứng trên thuyền thả đá xuống những đoạn sâu đã được cắm cọc.
Hôm đó, đoạn sông chảy qua xóm Bồ như một công trường, tấp nập thuyền bè. Người dân xóm dưới, cách đó chừng 500 m, thấy cư dân xóm Bồ cắm cọc chặn tàu hút cát, họ í ới gọi nhau lên giúp sức, ủng hộ tiền bạc, vật lực.
Bà Hoa hôm ấy là một trong những người xắn tay vào thả đá xuống sông. "Bao nhiêu tài sản trút xuống sông rồi. Làng đi thì mình cùng đi. Tù thì tù hết", bà tóm tắt suy nghĩ của mình.
Người lớn tuổi ở lại trên bờ lo hậu cần. Một vài cái bếp dã chiến được dựng lên. Khói nghi ngút, nồi xoong bắc lên nấu bữa ăn phụ.
Tới 9 giờ sáng, người dân đang cắm cọc, một chiếc sà lan chạy từ dưới lên, dân làng hô hoán. Ông Lành đứng trên chiếc thuyền, kêu gọi mọi người bình tĩnh. Nhóm 7 thanh niên xóm Bồ được chỉ đạo cầm thêm gậy tre, nhảy lên thuyền cùng ông Lành chạy ra chặn sà lan.
Chiếc sà lan chạy chậm lại, đến sát thuyền của dân làng thì dừng hẳn. Bốn người trên sà lan ở trần, mặc quần lửng, tay chân xăm trổ.
Nhìn nhóm người, trong đầu ông Lành nghĩ, nhỡ bọn này làm liều, nổi máu côn đồ lên thì sao. Nhưng giờ đã nhảy lên đây rồi, phải tìm cách đối thoại ôn hòa. Thanh niên cầm gậy chặt trong tư thế sẵn sàng. Bên trong, dân làng dừng cắm cọc, chăm chú nhìn ra giữa sông, la ó.
"Dân làng sợ mất đất, sạt lở sông, đang cắm cọc cản tàu hút cát qua lại. Tôi yêu cầu các ông quay sà lan lại, trở về"’, ông Lành nói. Phía sà lan trả lời rằng họ chỉ lên thượng nguồn mua cát của công ty Tuấn Hải, không hút cát.
"Trên bãi giờ không còn ai nữa hết, việc khai thác cát cũng dừng lại rồi. Các ông quay về đi", ông Lành nắm chặt gậy tre, nói.
Một chiếc thuyền trong bờ, chở thêm người chạy ra, ông Lành ra dấu quay lại. Nhóm người trên sà lan không nói gì, quay lưng đi. 5 phút sau, họ trở ra, đồng ý quay sà lan về.
Trong ngày cắm cọc thứ hai, chính quyền phường Hương Vân chạy lên can ngăn. Họ đề nghị bà con dừng lại, vì làm như vậy là "vi phạm giao thông đường thủy". "Nếu sau này sạt lở, trôi nhà trôi cửa thì ai chịu trách nhiệm", người dân cự cãi, phớt lờ thông báo của chính quyền.
Công việc hoàn thành sau 3 ngày cật lực. Cọc tre cắm đoạn nước sâu, ngăn tàu hút cát qua lại. Những chiếc thuyền nhỏ của người dân quanh vùng vẫn có thể chạy lướt qua ở đoạn nước cạn.
Thuyền nhỏ vẫn có thể đi qua bãi cọc. Ảnh: Nguyễn Đắc Thành. |
Bãi cọc hình thành, chính quyền phường Hương Vân lại khuyên người dân họp để tìm phương án giải quyết. "Chúng tôi không họp hành gì hết", người dân xóm Bồ ngắt lời chính quyền. Ông Lành lại lên tiếng khuyên can bà con nên đối thoại "xem cách giải quyết như thế nào".
Nghe lời ông Lành, người dân kéo nhau ra thuyền, chạy lên bãi cát của công ty Tuấn Hải. Dân xóm Bồ lớn bé, kéo đi hơn 100 người.
Những chiếc thuyền cập vào bãi cát, dân ùa lên . Bảo vệ bãi cát chạy ra ngăn cản. Một số thanh niên lao vào, định hơn thua với bảo vệ. Ông Lành can ngăn: "Họ sai kệ họ, cái gì rồi sẽ có pháp luật. Họ nói gì kệ đi. Mình nổi nóng, lao vào đánh là mình sai".
Đại diện của công ty Tuấn Hải xuất hiện. Một chiếc bàn được bê ra, đặt giữa khoảnh đất trống. Chính quyền thị xã Hương Trà; phường Hương Vân, đại diện dân cư xóm Bồ; đơn vị khai thác cát ngồi xuống.
Đại diện thị xã Hương Trà khẳng định họ không có thẩm quyền giải quyết, sẽ báo cáo lên tỉnh, tỉnh sẽ ra giải quyết, đối thoại với bà con. Lãnh đạo phường Hương Vân mong bà con thông cảm, "về đi kẻo nắng". Họ hứa thuyền, sà lan sẽ rút đi ngay trong buổi chiều.
Dân không nghe. "Nắng mấy người dân cũng chịu, bao giờ các anh đưa thuyền về người dân sẽ về", những tiếng nói vọng vào bàn nghị sự.
"Đề nghị anh phải viết một biên bản, các anh đã vi phạm. Những khối cát đang còn trên bãi này, các anh phải đổ xuống sông, trả lại mặt bằng cho dòng sông, không được chở về", ông Lành nắm tay, nhấn mạnh xuống bàn.
Đại diện công ty Tuấn Hải hứa sẽ nghỉ khai thác, đưa thuyền về. Biên bản viết: "Chính quyền địa phương sẽ báo cáo lên tỉnh. Sẽ ra đối thoại với dân. Doanh nghiệp ngưng khai thác, đưa ghe thuyền về hết...".
Bãi cọc trên sông Bồ. Ảnh: Nguyễn Đắc Thành. |
Sau cuộc đối mặt với Tuấn Hải, chính quyền thị xã còn đề nghị bà con họp thêm một lần nữa. Nhưng không có đại diện tỉnh, dân xóm Bồ đến nhà cộng đồng rồi lại bỏ về: "Không có tỉnh chẳng giải quyết được vấn đề gì cả, chúng tôi về còn bận mùa".
Trong thời gian "đình chiến", phía doanh nghiệp có ý định di chuyển số cát đã hút. Khoảng hai tuần sau cuộc gặp, một cuộc điện thoại báo về lúc 6 giờ tối, nói "có một vài chiếc xe tải, một chiếc xe múc đang xúc cát ở trên bãi chở đi". Cư dân xóm Bồ, trong nhập nhoạng tối, lấy xe máy, đèo nhau chạy lên bãi cát.
Đám đông kéo vào bãi. Những chiếc xe tải chở cát đã vội thoát đi. Tài xế xe múc cố thủ trong cabin. Bên ngoài người dân la hét. Một số thanh niên có ý định leo lên phá cabin, ông Lành vội can.
"Giờ tối rồi, tôi đề nghị anh lái xe về làng, rồi nói chuyện. Nếu anh không nghe, dân phá xe, tôi không can ngăn nữa", ông Lành đu người lên xe, nói vọng vào trong cabin với tài xế.
Cuộc hộ tống hôm đó, có một số người bên phía chính quyền. Chiếc xe đi được một đoạn, phía chính quyền đưa ra ý kiến thả xe ở đây cũng được, nhưng người dân không chịu.
"Thả ở đây, nó quay trở lại xúc cát, ai chịu trách nhiệm, ai thức mãi mà trực", lần thứ tư trong vòng hai tuần, ông Lành gạt phăng ý kiến của chính quyền.
Chiếc xe và người dân về đến đoạn giáp đường vào làng. Ông đề nghị tài xế ra khỏi cabin nói chuyện. Đó là cách duy nhất ông có thể "đảm bảo tính mạng" cho anh ta.
Tài xế xe múc bước ra, mặt tái xanh. "Giờ chú cam kết không tái diễn, và đưa xe ra khỏi làng, đi càng xa càng tốt, dân sẽ tha", ông Lành cầm chiếc đèn pin, chiếu vào ngực người tài xế, nói. Dân bên dưới người quay phim, người phát trực tiếp lên mạng xã hội. Nửa đêm, chiếc xe múc lăn bánh rời đi.
Cuộc đấu tranh có kết quả sau 14 ngày. Chính quyền tỉnh phản ứng khá nhanh trước thông tin từ Hương Vân. Ngay sau kỳ nghỉ lễ, ngày 9/5/2019, Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế đem máy móc, ra đo độ sâu lòng sông. Ông Lành cùng người dân xóm Bồ đi theo giám sát.
Cán bộ dùng máy tiến hành đo, độ sâu dòng sông được thông báo. Ông Lành và người dân móc gạch vào sợi dây cước, kẹp cùng chiếc thước thả xuống dòng sông, đo lại. Kết quả đúng như cán bộ đo, ông Lành đồng ý, chiếc thuyền tiếp tục tiến sâu vào bãi khe Băng.
Khu vực mỏ khe Băng và bãi bồi Lại Bằng sau khi đo đạc có độ sâu trung bình từ 9 đến 16 m, nơi sâu nhất lên đến 24,5 m, vượt nhiều lần so với hồ sơ được cấp phép.
Kết quả đo đạc được gởi đi cho các cấp chính quyền. Ngày 24/5/2019, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra quyết định xử phạt Công ty Tuấn Hải 1,6 tỷ đồng; tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản; công ty phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả san lấp, cải tạo, phục hồi môi trường. Đó là mức phạt lớn chưa từng có tại Huế.
Ngày 16/6/2019, thanh niên xóm Bồ được cắt cử bơi thuyền, đầm mình dưới nước tháo cọc. Hàng cọc tre dài chưa đến 50 m đã hoàn thành sứ mệnh. Cuộc sống cư dân yên bình trở lại. Những tiếng máy gầm rú mỗi đêm giờ đã lùi xa, bây giờ chỉ là những tiếng đò máy đánh bắt cá của dân ven sông.
Sà lan hút cát lậu bị chìm trong cuộc đụng độ với người dân Huế, tháng 4/2020. Ảnh: Võ Nhân. |
Nhưng "trận cọc xóm Bồ" không phải là chương cuối trong cuộc chiến chống cát tặc trên những dòng sông Huế. Ở hạ lưu sông Bồ, đầu năm 2020, người dân tổ dân phố Thanh Lương 2, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà bắt đầu thả những thân tre dài ra bờ sông để ngăn tàu hút cát.
Ngày 9/4/2020, một vụ đụng độ diễn ra. Rạng sáng, tổ tự quản của người dân phát hiện một đoàn thuyền hút cát đang gầm rú trên sông. Các thuyền hút nhanh chóng bỏ chạy; người lái sà lan chở cát cũng bỏ chạy mà quên tắt máy. Chiếc sà lan chìm xuống lòng sông.
Từ đầu tháng 9/2017, thanh niên, trai tráng thôn Hạ, xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy ban đêm phải bỏ nhà, ra ngủ ở các lán trại dã chiến, canh trực, xua đuổi cát tặc.
Chỉ một tháng trước khi dân xóm Bồ cắm cọc, ngày 27/3/2019, ông Hoàng Trọng Niệm, ở phường Thủy Biều, thành phố Huế bị nhóm cát tặc chém trọng thương ở đầu, nhập viện khi ông ra canh giữ vườn thanh trà.
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế nghe tin, đích thân lên bệnh viện thăm nạn nhân, biểu dương tinh thần chống lại vấn nạn khai thác cát trên sông Hương.
"Tôi sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đối tượng. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo xử lý mạnh với tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn", Chủ tịch tỉnh hứa với ông Niệm ngay tại bệnh viện.
Dân Hương Xuân vót cọc cắm sông ngăn tàu cát, tháng 5/2020. Ảnh: Võ Nhân. |
Án phạt 1,6 tỷ đồng mà ủy ban tỉnh áp lên Tuấn Hải chưa làm những dòng sông hạ nhiệt. Tháng 5/2020, dân Thanh Lương 2 vớt sà lan, rồi tổ chức một "trận cọc" mới, quy mô hơn cả dân xóm Bồ. Lần này, họ xây cả một cây cầu tre chắn ngang dòng sông, ngăn những con tàu hút cát.
Theo Vnexpress
0 nhận xét