Open top menu
Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2020

5 người chết, hơn 10.000 nhà tốc mái do mưa đá, lũ quét

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai vừa có báo cáo nhanh về tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc trong các ngày 22-24/4.

Mưa đá kèm theo lũ quét, sạt lở đất đã khiến 5 người chết. Cụ thể, tại Lai Châu có 2 người chết do mưa lớn làm sập nhà, bị lũ cuốn trôi; Hà Giang có 1 người chết do cây đổ, đè vào người; Sơn La có 1 người chết do đá lăn vào nhà đổ tường; Yên Bái có 1 người chết do sét đánh. Ngoài ra, còn có 1 người mất tích tại Lai Châu do bị lũ cuốn trôi.

Mưa lũ khiến 2 người chết và 1 người mất tích tại Lai Châu

Mưa lớn, lốc sét làm 25 người bị thương; khiến 10.330 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Về thiết hại nông nghiệp, ước tính có 919 ha lúa bị đổ gãy; 2.710 ha hoa màu bị đổ, dập nát; 652 ha cây ăn quả bị hư hỏng; 32 công trình phụ, hội trường, nhà văn hóa bị hư hại.

Ước tính tổng thiệt hại lên tới 130,6 tỷ đồng.

Theo Trung tâm dự báo KTTV quốc gia, trong hôm nay, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (lượng mưa phổ biến từ 20-40mm/24h, có nơi trên 60mm/24h).

Vùng đồng bằng và Đông Bắc Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, mưa rào và giông. Các tỉnh Trung Trung Bộ cục bộ có mưa vừa, mưa to. Trong mưa giông đề phòng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa lớn ở các tỉnh Tây Bắc và Việt Bắc Bắc Bộ còn có thể kéo dài đến ngày mai.

Ngoài ra, các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở và ngập úng cục bộ.

Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai yêu cầu các tỉnh khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất; thông tin kịp thời đến người dân và cộng đồng để chủ động các biện pháp ứng phó phù hợp với mưa lớn kèm theo giông, lốc, sét, mưa đá, lũ, lũ quét, sạt lở đất và gió mạnh trên biển; tổ chức khắc phục hậu quả thiên tai.

Xử lý một trang trại chăn nuôi heo xả thải ra môi trường

Sáng 25/4, Công an TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đang phối hợp với các đơn vị chức năng hoàn tất hồ sơ để xử lý một chủ trang trại nuôi heo có hành vi xả thải trực tiếp ra môi trường.

Trước đó, chiều 24/4, một tổ công tác của Công an TP.Buôn Ma Thuột đã tiến hành kiểm tra trang trại nuôi heo của gia đình ông Trần Văn Dắn, 48 tuổi, tại tổ dân phố 7, phường Ea Tam, TP.Buôn Ma Thuột.

Thời điểm này, trang trại của ông Dắn đang chăn nuôi 136 con heo trên diện tích khoảng 200m2.

Cơ quan chức năng kiểm tra trang trại chăn nuôi heo của ông Trần Văn Dắn.

Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện, nước thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi được ông Dắn cho chảy từ chuồng trại xuống hầm biogar qua hệ thống ống nhựa.

Thế nhưng, thời gian gần đây, hầm biogar bị hỏng nên toàn bộ nước thải được xả trực tiếp ra một con suối gần đó gây ô nhiễm.
Theo cơ quan chức năng, hành vi này của ông Dắn đã vi phạm các quy định của pháp luật về lĩnh vực bảo vệ môi trường. Mặt khác, quy định của Luật chăn nuôi năm 2018, việc chăn nuôi trong khu dân cư cũng đã bị cấm.

Được biết, ông Dắn đã xây dựng trang trại chăn nuôi heo từ năm 2010.

Lốc xoáy, mưa đá khiến hàng trăm gốc chôm chôm, sầu riêng ở Đồng Nai gãy đổ

Chiều 25/4, lốc xoáy và mưa đá đã xảy ra trên địa bàn huyện Thống Nhất (Đồng Nai) khiến hàng trăm gốc sầu riêng, chôm chôm, bưởi, điều gãy đổ.

Lốc xoáy và mưa đá xảy ra lúc 15h chiều trên địa bàn ấp 4, xã Lộ 25, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai và kéo dài nhiều giờ liền. Sau cơn mưa, gió vẫn tiếp tục giật mạnh, nhiều cây chôm chôm, sầu riêng tại đây gãy đổ la liệt.

Hàng trăm gốc sầu riêng, chôm chôm, bưởi điều... chuẩn bị thu hoạch bị bật gốc gãy đổ.

Đây là vườn cây ăn trái đang chuẩn bị thu hoạch, ước tính thiệt hại ban đầu từ 50 – 80%, khiến nhiều nhà vườn không khỏi xót xa. Ngoài ra, mưa lớn kèm theo lốc xoáy đã làm một số trang trại nuôi heo của người dân trên địa bàn bị tốc mái. Gió giật mạnh, nhiều tấm tôn bay xa hàng chục mét.

Chiều tối cùng ngày, chính quyền địa phương cùng các đơn vị chức năng cũng đã xuống hiện trường thống kê thiệt hại ban đầu, hỗ trợ người dân dọn dẹp cây ngã đổ, gia cố ổn định lại chuồng trại.

Hà Nội còn 4 trọng điểm phòng, chống lụt bão năm 2020

Cụ thể, tại trọng điểm số 1 (cống Cẩm Đình tại K1+700 đê Vân Cốc (huyện Phúc Thọ), sự cố mạch đùn, mạch sủi dưới cống Cẩm Đình là nghiêm trọng, xuất hiện ở cả thượng và hạ lưu cống khi có chênh lệch mực nước.

Trọng điểm số 2 là khu vực đê, kè, cống Xuân Canh - Long Tửu, tương ứng K0+000 - K2+000 đê Tả Đuống (huyện Đông Anh). Đây là khu vực đê sát sông, mái kè cũng là mái đê; trong khu vực còn có cống lấy nước Long Tửu là công trình liên tỉnh Hà Nội - Bắc Ninh, được xây dựng từ lâu (năm 1962), đáy cống thấp.

Nâng cấp cải tạo đê điều. (Ảnh minh họa)

Đặc biệt do ảnh hưởng của chế độ thủy lực phức tạp khu vực cửa vào sông Đuống, dòng chủ lưu chảy áp sát bờ tả, mái kè cũng là mái đê; đáy sông liên tục bị bào xói, xuất hiện nhiều hố xói sâu. Những năm gần đây, liên tục xảy ra sự cố đê, kè tại khu vực này, mặc dù hai bờ đã được gia cố kè hộ chân.

Trọng điểm số 3 là công trình cống Liên Mạc, tương ứng K53+450 đê hữu Hồng (quận Bắc Từ Liêm). Đây là một trong những cống lớn, xây dựng (năm 1938), đáy cống ở cao trình thấp, tường ngực bị thấm.

Trọng điểm số 4 tương ứng từ K22+500 đến K26+000 đê hữu cầu. Vị trí từ K22+678 đến K23+178 kè Hiệu Chân, hiện, đang được xử lý cấp bách khắc phục sự cố cần được xây dựng phương án bảo vệ; đồng thời, phải tổ chức theo dõi chặt chẽ, kịp thời ứng cứu, đảm bảo an toàn cho khu vực này.

Đáng ngại là khu vực đê, kè, cống Tân Hưng - Cẩm Hà, tương ứng K24+950 - K25+300 đê Hữu Cầu trong phạm vi chiều dài khoảng 100m tuyến đê có 3 cống qua đê. Trong đó, 2 cống có cao trình đáy thấp, những năm trước, đã có hiện tượng nứt ngang đê tại khu vực này, tuy đã được xử lý, song cần theo dõi chặt chẽ khi có lũ cao.

P.V (tổng hợp)

Tagged
Different Themes
Written by Lovely

Aenean quis feugiat elit. Quisque ultricies sollicitudin ante ut venenatis. Nulla dapibus placerat faucibus. Aenean quis leo non neque ultrices scelerisque. Nullam nec vulputate velit. Etiam fermentum turpis at magna tristique interdum.

0 nhận xét