Để doanh nghiệp treo băng rôn lên án, BQL Khu kinh tế bị kiểm điểm
Ngày 25/4, UBND tỉnh Gia Lai đã ký văn bản 919 đề nghị BQL KKT tỉnh kiểm điểm trách nhiệm vì để vụ việc Công ty TNHH MTV Sinh học Minh Hoàng Gia Lai (Minh Hoàng Gia Lai) treo băng rôn trên tường rào tại khu công nghiệp Trà Đa nhằm lên án chính đơn vị này. Đồng thời, BQL KKT tỉnh hướng dẫn Công ty Minh Hoàng Gia Lai thực hiện đúng phạm vi ranh giới đất đã thuê, xây dựng công trình phải đảm bảo các quy định của pháp luật.
Được biết, BQL KKT tỉnh chỉ mới kiểm điểm trách nhiệm mà chưa làm việc với Công ty và các cơ quan liên quan để xử lý hoạt động xây dựng và các nội dung khác có liên quan (nguyên nhân phát sinh vụ việc).
Do vậy, UBND tỉnh yêu cầu BQL KKT tỉnh chủ động phối hợp với Sở Xây dựng, Công an tỉnh… sớm xử lý dứt điểm vụ việc, đảm bảo ổn định an ninh trật tự trên địa bàn. Tỉnh yêu cầu BQL KKT tỉnh báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 30/4.
Doanh nghiệp treo nhiều băng rôn lên án BQL KKT tỉnh Gia Lai. Ảnh: Tuấn Anh. |
Trước đó Báo NNVN đã đưa tin, Công ty Minh Hoàng Gia Lai đang triển khai thi công xây dựng dự án nhà máy phân bón tại khu công nghiệp Trà Đa và có đấu nhờ điện của Công ty phát triển hạ tầng khu kinh tế Trà Đa (thuộc BQL KKT tỉnh).
Ngày 24/3, đoàn kiểm tra BQL KKT phát hiện một số sai phạm Công ty Minh Hoàng Gia Lai đang thi công tại lô C1-2. Cụ thể, hàng rào trước mặt xây móng đá hộc vượt 3,3m so với kích thước cho thuê; Đào móng hàng rào mặt bên, san dọn mặt bằng, rào lưới B40 ngoài phạm vi khu đất đã cho thuê.
BQLKKT đã yêu cầu Công ty Minh Hoàng Gia Lai thi công đúng hồ sơ thiết kế, và tháo dỡ các hạng mục xây dựng ngoài phạm vi ranh giới trước ngày 31/3 nhưng công ty không thực hiện.
Đến ngày 1/4, BQL KKT Gia Lai quyết định không cho Công ty Minh Hoàng Gia Lai đấu nhờ điện trong quá trình chờ đấu nối với Điện lực TP Pleiku.
Không đồng tình với cách giải quyết của BQL KKT tỉnh, Công ty Minh Hoàng Gia Lai đã cho treo 6 băng rôn với các nội dung: Cán bô BQL KKT vi phạm pháp luật nghiêm trọng tại các điều 178,179, 356... của Bộ luật Hình sự 2015; Cán bộ BQL KKT lợi dụng chức vụ quyền hạn phá hoại tài sản của doanh nghiệp...
Đến sáng 3/4, ông Hoàng Minh Phương (đại diện Công ty Minh Hoàng) cùng 2 nhân viên mang theo 2 băng rôn và một số dàn máy vi tính để bàn tới trụ sở BQL KKT tỉnh Gia Lai lớn tiếng chửi bới nhân viên, cán bộ, lãnh đạo của BQL KKT Gia Lai. Chỉ đến khi lực lượng công an có mặt thì trật tự mới được vãn hồi.
Đến tối ngày 4/4, Công ty Minh Hoàng Gia Lai mới cho tháo dỡ băng rôn, đồng thời BQL KKT mở điện lại để doanh nghiệp tiếp tục triển khai thi công xây dựng công trình.
Vụ việc chưa dừng lại, sáng ngày 9/4, Công ty Minh Hoàng Gia Lai chính thức gửi đơn tố cáo BQL KKT lên các cơ quan ban ngành của tỉnh Gia Lai.
Diễn biến mới nhất về đền bù tái định cư ở khu đô thị Thủ Thiêm
Tối 24/4, trong cuộc họp về tình hình kinh tế xã hội TPHCM quý I/2020, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo các công việc về khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Trong đó, Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo phải xử lý dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo tập trung đông người; thực hiện nghiêm kết luận của Thanh tra TPHCM về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp lệnh trong quy hoạch, quản lý xây dựng tại khu đô thị Thủ Thiêm.
Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo, trong quý 2 năm nay tập trung thực hiện chính sách đền bù tái định cư bổ sung trong khu đất diện tích 4,39 ha thuộc khu phố 1 (phường Bình An, Quận 2, TPHCM).
Toàn cảnh khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2, TPHCM). |
“Yêu cầu bổ sung nghĩa vụ tài chính đối với một số dự án, đồng thời đẩy nhanh tiến độ một số dự án đang triển khai, triển khai đấu thầu dự án, đấu giá một số khu đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm theo quy định”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Trước đó, UBND TPHCM đã trình HĐND TPHCM về chính sách bồi thường, hỗ trợ theo phương án hoán đổi nền đất, căn hộ cho 331 hộ dân có nhà đất bị thu hồi trong khu 4,3 ha thuộc khu phố 1 (phường Bình An, quận 2).
Theo kết luận số 1483 năm 2018 của Thanh tra Chính phủ, khu đất trên nằm ngoài ranh quy hoạch dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm và việc TPHCM thu hồi nhà đất của người dân trước kia để thực hiện dự án là sai.
Xử lý tình trạng xây dựng không phép, sai phép ở Đà Lạt
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản gửi UBND TP Đà Lạt về việc xử lý hành vi vi phạm lĩnh vực xây dựng trên địa bàn TP Đà Lạt.
Theo phản ánh của cơ quan chức năng và nhân dân, thời gian qua, trên địa bàn TP Đà Lạt để xảy ra tình trạng xây dựng công trình không phép, sai phép được cấp tại các phường, xã (đặc biệt là khu vực đường Hà Huy Tập, Bà Triệu, Nguyễn Chí Thanh, Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng, Đống Đa…).
Việc khắc phục hậu quả theo các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của các tổ chức, cá nhân chưa triệt để, ảnh hưởng tính nghiêm minh của pháp luật trong công tác quản lý trật tự đô thị.
Để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi xây dựng nhà, công trình không có giấy phép, sai phép, tỉnh Lâm Đồng đề nghị TP Đà Lạt khẩn trương yêu cầu các tổ chức, cá nhân tự giác tháo dỡ công trình xây dựng không có giấy phép hoặc sai phép trước ngày 20-5-2020.
Công trình xây dựng không có giấy phép đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng với diện tích sàn hơn 1.300m² trên đường Hoa Phượng Tím không bị phát hiện, xử lý kịp thời. Hiện đang chờ cưỡng chế. Ảnh: ĐOÀN KIÊN |
Trường hợp tổ chức, cá nhân không chấp hành thì thực hiện đầy đủ hồ sơ, thủ tục thực hiện cưỡng chế, phá dỡ các công trình vi phạm, báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng trước ngày 30-5-2020.
Trước đó, Báo SGGP phản ánh tình trạng xây dựng không phép, sai phép đối với nhiều công trình ở TP Đà Lạt. Nhiều công trình thuộc các dự án du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn không có giấy phép hoặc xây sai phép hàng ngàn mét vuông.
Theo UBND TP Đà Lạt, trong tháng 5, địa phương sẽ tổ chức cưỡng chế đối với một loạt công trình vi phạm trật tự xây dựng.
TP Vũng Tàu: Nhiều cơ sở đối phó khi bị kiểm tra về vấn đề bảo vệ môi trường
Ngày 24/4, Ông Trần Đình Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu đã dẫn đầu đoàn công tác với sự tham gia của các phòng ban chuyên môn do UBND TP. Vũng Tàu phân công đã tiến hành khảo sát tại một số điểm nóng về ô nhiễm môi trường và xây dựng trái phép trên địa bàn Phường 12, thành phố Vũng Tàu.
Theo thống kê từ Phòng Tài nguyên Môi trường TP Vũng Tàu, trên địa bàn Phường 12 có khoảng hơn 50 công ty, doanh nghiệp tư nhân cùng các cơ sở nhỏ lẻ hoạt động trong lĩnh vực chế biến hải sản, trong đó có 23 công ty do tỉnh quản lý, hơn một nửa còn lại do thành phố quản lý.
Đoàn công tác của TP Vũng tàu khảo sát các điểm nóng về ô nhiễm môi trường và xây dựng trái phép trên địa bàn phường 12. |
Tiến hành khảo sát, Đoàn công tác thành phố do ông Trần Đình Khoa - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu chỉ đạo đã phát hiện nhiều cơ sở chỉ đối phó khi có lực lượng chức năng kiểm tra về vấn đề bảo vệ môi trường.
Theo đó, các cơ sở chế biến hải sản thường xuyên sử dụng nước biển để rửa hải sản rồi thải trực tiếp ra môi trường khiến các khu đất xung quanh bị nhiễm mặn. Khu vực bên trong và xung quanh khu nhà xưởng của các cơ sở chế biến hải sản bốc mùi hôi thối; người lao động làm việc trong môi trường ẩm thấp, không bảo đảm vệ sinh môi trường; dòng chảy ở các kênh, rạch chậm, nước sủi bọt, hết sức mất vệ sinh.
Trong lĩnh vực trật tự xây dựng trên địa bàn Phường 12, Đoàn kiểm tra cũng phát hiện tình trạng người dân tự ý xây dựng hạ tầng, làm đường nội bộ, dựng trụ, cắm mốc, phân lô bán nền với số lượng lớn trên đất nông nghiệp.
Kết thúc buổi khảo sát địa bàn, ông Trần Đình Khoa cho biết, tình trạng ô nhiễm môi trường và xây dựng trái phép, phân lô bán nền trên địa bàn Phường 12 cũng như một số địa bàn khác trong thành phố đang có chiều hướng gia tăng.
Trước tình trạng này, Thành ủy thành phố Vũng Tàu sẽ ban hành chỉ đạo cũng như đôn đốc quá trình rà soát, chấn chỉnh; kiểm tra trách nhiệm của tất cả các cán bộ, công chức có trách nhiệm quản lý về xây dựng, đất đai, dân cư ở ngay trên địa bàn phường. UBND thành phố sẽ xem xét xử lý nghiêm các sai phạm.
P.V (tổng hợp)
0 nhận xét