Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm triển lãm của họa sĩ Ngô Mạnh Lân
Chiều tối nay 6/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm triển lãm tranh ký họa “Nét thời gian” của Nghệ sĩ Nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Họa sĩ Ngô Mạnh Lân đang diễn ra tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội.
Triển lãm trưng bày hơn 200 bức ký họa của họa sĩ Ngô Mạnh Lân sáng tác từ những năm 50 của thế kỷ trước. Những bức tranh ký họa của họa sĩ Ngô Mạnh Lân phản ánh những chặng đường sáng tác quan trọng nhất của tác giả, đồng thời cũng là những tư liệu lịch sử bằng tranh quý giá ghi lại những dấu ấn lịch sử, văn hóa của đất nước, từ chiến dịch Điện Biên Phủ cho đến cuộc kháng chiến chống Mỹ và cuộc sống thời bao cấp ở nước ta trước đây.
Các bức ký họa được thể hiện bằng bút chì, bút máy, bút que, mực nho và màu nước… là một trong những thành tựu đặc sắc nhất của phong trào “nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa”. Đây được coi là thể loại tranh hoàn toàn của Việt Nam, do người Việt Nam sáng tạo ra để thích ứng với điều kiện lịch sử đặc biệt của mình.
Thăm triển lãm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ xúc động và ấn tượng về những tác phẩm gắn liền với sự nghiệp kháng chiến cứu quốc của dân tộc và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thủ tướng cho rằng, những tác phẩm của họa sĩ Ngô Mạnh Lân đều mang tính nhân văn sâu sắc, lạc quan và hướng đến tương lai đất nước, thể hiện đời sống phong phú của người lính và cuộc sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số. Thủ tướng nhấn mạnh, những tác phẩm của họa sĩ Ngô Mạnh Lân sẽ mãi mãi là tài sản quý giá cho những người yêu nghệ thuật và đáng được các thế hệ sau này học tập, noi gương.
Triển lãm ký họa “Nét thời gian” của họa sĩ Ngô Mạnh Lân được tổ chức đúng vào những ngày kỷ niệm cách mạng Tháng Mười Nga, với một số tranh được vẽ ở nước Nga, nơi họa sĩ đã từng học từ những năm 50 của thế kỷ trước, đồng thời cũng hướng tới kỷ niệm lần thứ 75 ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Năm 1997, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và Giải thưởng nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
Khó bố trí cho hàng ngàn cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính
Theo báo cáo Bộ Nội vụ gửi các đại biểu Quốc hội trước thềm phiên chất vấn người đứng đầu Bộ này, tổng hợp từ các tỉnh, thành phố cho thấy có 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã (trong đó có 7 tỉnh thực hiện sắp xếp cả đơn vị hành chính cấp huyện).
Giai đoạn 2019 - 2021, có 19 huyện phải sắp xếp lại, tuy nhiên các tỉnh, thành đề nghị chỉ tiến hành sắp xếp 9 huyện; còn 10 huyện đề nghị chưa sắp xếp đợt này. Trong số đó, có 4 huyện đặc thù về vị trí địa lý do nằm cách biệt nên không thể sắp xếp được như: Cô Tô (Quảng Ninh), Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Tân Phú Đông (Tiền Giang). Ngoài ra, có 1 huyện thuộc tỉnh Quảng Ninh đề nghị sắp xếp theo diện khuyến khích.
Như vậy, có 18 đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp (bao gồm 9 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 1 đơn vị thuộc diện khuyến khích sắp xếp và 8 đơn vị liền kề có liên quan đến sắp xếp).
Dự kiến, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện giảm là 6 đơn vị. Trong đó: tỉnh Cao Bằng giảm 3 huyện (20,08%), tỉnh Quảng Ngãi giảm 1 huyện (7,14%), tỉnh Quảng Ninh giảm 1 huyện (7,14%), tỉnh Hòa Bình giảm 1 huyện (6,67%); các tỉnh Yên Bái, Điện Biên có điều chỉnh địa giới để sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện nhưng không giảm được số lượng đơn vị hành chính cấp huyện.
Có 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Ảnh minh họa: Mạnh Tú/TTXVN |
Trong giai đoạn này, có 631 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp. Tuy nhiên, các tỉnh, thành đề nghị chỉ tiến hành sắp xếp đối với 553 đơn vị; chưa sắp xếp 78 đơn vị. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố còn đề nghị sắp xếp 118 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện khuyến khích.
Cùng với 401 đơn vị liền kề có liên quan đến sắp xếp, tổng số xã sắp xếp trong đợt này là 1.072. Sau khi sắp xếp, dự kiến số lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm là 564, trong đó có những tỉnh giảm nhiều như: Hòa Bình giảm 59/210 đơn vị (28,09%), Cao Bằng giảm 38/199 đơn vị (19,10%), Phú Thọ giảm 52/277 đơn vị (18,77%), Hà Tĩnh giảm 46/262 đơn vị (17,56%), Thanh Hóa giảm 76/635 đơn vị (11,97%)...
Bên cạnh hầu hết các địa phương đã triển khai thực hiện tốt chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, đến nay vẫn còn 9 tỉnh, thành phố chưa gửi hồ sơ đề án về Bộ Nội vụ để thẩm định, có 11 tỉnh, thành phố sau khi được Bộ Nội vụ tổ chức thẩm định, nhưng chưa hoàn thiện hồ sơ đề án để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề án. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đến nay vẫn chậm so với lộ trình kế hoạch đề ra.
Nếu không tính 4 huyện đảo, cù lao do có yếu tố đặc thù nằm biệt lập nên không thực hiện sắp xếp thì các địa phương chỉ tiến hành sắp xếp 9/15 đơn vị hành chính cấp huyện (đạt 60% so với số lượng các đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp) là chưa quyết tâm thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện.
Nhiều đơn vị hành chính mới hình thành sau khi sắp xếp vẫn chưa bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định, nhưng nhiều địa phương chưa lý giải rõ các yếu tố đặc thù mà không thể sắp xếp thêm đơn vị hành chính cùng cấp khác liền kề.
Về sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức sau khi sáp nhập, Bộ Nội vụ cho biết, theo số liệu báo cáo của 38/45 tỉnh, thành phố thực hiện sắp xếp, dự kiến sau khi sắp xếp, tại các huyện mới hình thành sẽ bố trí đúng quy định 681 cán bộ, công chức; số cán bộ dôi dư là 385 người sẽ giải quyết trong vòng không quá 5 năm.
Đối với cấp xã, dự kiến sau khi sắp xếp, tại các xã mới hình thành sẽ bố trí đúng quy định 8.296 cán bộ, công chức cấp xã; số dôi dư là 9.234 người. Trong đó, số sẽ giải quyết ngay sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 4.649 người, gồm nghỉ hưu đúng chế độ: 1.299 người; nghỉ theo chế độ tinh giản biên chế: 1.230 người; tuyển dụng, tiếp nhận thành công chức cấp tỉnh, cấp huyện: 314 người; bố trí sang các xã khác còn thiếu chỉ tiêu là 1.743 người. Số dôi dư còn lại là 4.585 người sẽ giải quyết trong vòng không quá 5 năm theo quy định (trong đó, tập trung giải quyết từ nay đến năm 2021).
Đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, dự kiến sau khi sắp xếp, tại các xã mới hình thành sẽ bố trí đúng quy định 4.883 người; số dôi dư là 5.886 người.
Bộ Nội vụ đánh giá, khó khăn lớn nhất là việc sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư. Theo báo cáo của nhiều địa phương, sẽ tồn đọng một số lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư do chưa sắp xếp, bố trí, giải quyết ngay được (385 cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện; 4.585 cán bộ, công chức cấp xã). Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức cấp xã không ủng hộ việc sáp nhập, có tư tưởng trì hoãn do lo lắng sẽ ảnh hưởng đến công việc và vị trí công tác sau khi sắp xếp.
Nguyên nhân là do khi nhập từ 2 - 4 đơn vị hành chính để hình thành 1 đơn vị hành chính mới, số lượng đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư sẽ rất lớn. Mặt khác, trong điều kiện Chính phủ mới ban hành Nghị định số 34/2019/CP-NĐ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố theo hướng tại mỗi đơn vị hành chính cấp xã giảm 2 cán bộ, công chức cấp xã; giảm từ 7 - 9 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, trong khi số lượng những người nghỉ hưu đúng tuổi, thực hiện tinh giản biên chế chưa nhiều, nên các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp, giải quyết đối với những người dôi dư.
Bộ Nội vụ sẽ thẩm định các đề án và báo cáo Chính phủ chậm nhất trước ngày 30/11 này. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các hồ sơ đề án còn lại trong tháng 12/2019.
Mít tinh kỷ niệm 102 năm Cách mạng tháng Mười vĩ đại
Trong hôm nay, 7/11, các hoạt động kỷ niệm 102 năm Cách mạng Tháng mười Vĩ đại đồng thời được tổ chức ở nhiều thành phố khác của nước Nga.
Chiều 7/11, vào lúc 16h, giờ Moscow (tức 20h Hà Nội), tại thủ đô Moscow, Liên bang Nga sẽ diễn ra lễ diễu hành và mít tinh kỷ niệm 102 năm Cách mạng Xã hội chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại. Hoạt động này do Đảng Cộng sản Liên bang Nga tiến hành.
Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên bang Nga, phái đảng cộng sản Nga ở Đuma quốc gia, Các Ủy ban khu vực và thành phố Moscow của Đảng Cộng sản Liên bang Nga, Phong trào ủng hộ quân đội, Hội các sĩ quan Liên Xô, Phong trào phụ nữ toàn Nga "Niềm hy vọng Nga", Đoàn thanh niên Cộng sản Lê-nin, các phong trào và tổ chức xã hội cánh tả khác sẽ tổ chức lễ diễu hành long trọng và mít tinh kỷ niệm 102 năm cuộc Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa Tháng Mười Vĩ đại.
Hàng loạt những lời kêu gọi và khẩu hiệu đã được Đảng cộng sản Liên bang Nga đưa ra, như “Vinh quang Tháng Mười Vĩ đại!”, “Lê-nin! Tháng Mười! Chủ nghĩa xã hội! Chiến thắng”; “ Giai cấp vô sản toàn thế giới, hãy liên kết lại!”, “Chủ nghĩa xã hội-tương lai của nhân loại!”, “Dưới cờ đỏ Tháng Mười-tiến lên chủ nghĩa xã hội!”, “Tháng Mười Vĩ đại-cái nôi của chính quyền nhân dân và chủ nghĩa xã hội”; “Chính quyền cho nhân dân, tài sản cho người lao động”...
Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười không chỉ lập nên nhà nước công-nông đầu tiên trên thế giới, mà còn là tiền đề cho thắng lợi của Liên Xô trong cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít và thành lập nên phe xã hội chủ nghĩa, từ đó là trụ cột và nguồn ủng hộ cho phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.
Anh Vladimir Isakov, Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nga, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Đoàn thanh niên cộng sản Lê-nin cho rằng, nói về ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười có thể là vô tận.
“Đây là sự kiện vĩ đại không chỉ trong lịch sử của đất nước chúng tôi mà của cả nhân loại. Những gì viết trong sách vở, trong lý thuyết lần đầu tiên đã được thực hành thành công, lần đầu tiên trên thế giới Cách mạng Xã hội chủ nghĩa đã thắng lợi ở Nga. Lần đầu tiên mọi người có thể thoát khỏi xiềng xích tư bản. Mỗi người hiểu rằng có thể đấu tranh cho quyền của mình, tự do của mình”, anh Vladimir Isakov nói.
Ông Moliev, Đảng viên Đảng cộng sản Nga khẳng định, dù trải qua thời gian, có nhiều thay đổi, nhưng cuộc sống vẫn đang hướng về chủ nghĩa cộng sản: "Năm 1917, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, của Lê-nin, chính quyền đã về tay nhân dân. Những thành quả của Cách mạng Tháng Mười, của thời đại Xô viết đã được chứng minh qua thời gian. Cuộc sống hiện nay vẫn đang hướng về chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội. Dù chúng tôi đã xoay thế nào, chính quyền hiện nay hành động ra sao, thì chúng tôi vẫn sẽ đi đến tương lai tươi sáng đã được định hình vào năm 1917, dưới sự lãnh đạo của Lê-nin”.
Trải qua hơn một thế kỷ, nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới vẫn trân trọng những giá trị của Cách mạng Tháng Mười.
VinFast đưa gần 400 xe phục vụ VIP tham dự hội nghị ASEAN 2020
VinFast vừa tổ chức lễ ký kết và bàn giao xe phục vụ Hội nghị ASEAN 2020 với Tiểu ban Vật chất - Hậu cần thuộc Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020. Theo thỏa thuận, VinFast sẽ lần lượt bàn giao 393 xe ô tô từ nay đến tháng 9.2020, cho Tiểu ban Vật chất - Hậu cần, Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 sử dụng để đưa đón đại biểu trong thời gian đến Việt Nam tham dự Hội nghị. Tất cả các xe này đều đáp ứng các yêu cầu về an ninh, an toàn và tiêu chuẩn lễ tân đối ngoại của Bộ Ngoại giao.
Lễ ký kết bàn giao xe VinFast phục vụ Hội nghị ASEAN 2020 |
Ngoài việc tài trợ xe, VinFast cũng sẽ chịu trách nhiệm cung cấp các dịch vụ liên quan đảm bảo xe luôn hoạt động trong điều kiện tốt nhất theo khung dịch vụ chuẩn của VinFast trong suốt quá trình tham gia sự kiện. Các lái xe quân đội do Tiểu ban Vật chất - Hậu cần huy động từ Bộ Quốc phòng đảm nhận vai trò lái xe phục vụ Hội nghị ASEAN 2020 cũng được VinFast tập huấn trước khi tham gia nhiệm vụ.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 chia sẻ: “Việc VinFast tham gia tài trợ phương tiện đi lại cho các khách mời đến Việt Nam tham dự các Hội nghị trong khuôn khổ Năm ASEAN 2020 bằng một thương hiệu “Made in Vietnam” là hành động thiết thực thể hiện sự chung sức của khối doanh nghiệp, doanh nhân với Chính phủ vào các hoạt động đối ngoại của quốc gia, xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam năng động, sáng tạo”.
Năm 2020, trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức khoảng 150 hội nghị các cấp tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long, Đà Lạt… Thành phần tham dự là các lãnh đạo, thành viên chính phủ, các quan chức cấp cao của 10 quốc gia ASEAN và các nước đối tác. Hội nghị đầu tiên trong chuỗi sự kiện này là Hội nghị Quan chức Kinh tế ASEAN, diễn ra từ ngày 27-29/11/2019 tại Hạ Long (Quảng Ninh), do Bộ Công Thương chủ trì.
Dự kiến sẽ có 16 chiếc VinFast Lux A2.0 được sử dụng tại Hội nghị này để đưa đón đại biểu.
P.V (tổng hợp)
0 nhận xét