Phú Yên quyết liệt thu hồi đất vàng giao, cho thuê sai
“Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên vừa có công văn, tiếp tục yêu cầu UBND tỉnh thực hiện việc thu hồi thông báo thỏa thuận địa điểm, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trung tâm thương mại, giải trí, nhà hàng, khách sạn Phú Khánh Việt (gọi tắt là dự án Phú Khánh Việt) tại 80 Nguyễn Huệ, TP Tuy Hòa”. Chiều 6/11, ông Lê Thanh Nghiêm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Phú Yên, cho biết như trên.
Theo ông Nghiêm, từ phản ánh của báo chí, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên thành lập tổ công tác do lãnh đạo UBKT Tỉnh ủy làm trưởng đoàn với sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng liên quan tiến hành kiểm tra các vụ việc vi phạm trong giao, cho thuê các lô đất vàng ở TP Tuy Hòa không qua đấu giá hoặc đấu giá chưa đúng quy định tại một số dự án, trong đó có dự án Phú Khánh Việt.
Ông Nghiêm thông tin: Năm 2003 UBND tỉnh quyết định cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại 80 Nguyễn Huệ cho Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco) để xây dựng nhà máy thuốc lá.
Đầu năm 2011, Nhà máy thuốc lá Khatoco Phú Yên di dời ra khỏi nội thành do ô nhiễm môi trường và tỉnh cho phép Khatoco đầu tư dự án trung tâm thương mại - khách sạn tại khu trên.
Tuy nhiên, suốt nhiều năm liền Khatoco không triển khai thực hiện dự án và tỉnh lại cho phép Khatoco tồn tại gian hàng giới thiệu sản phẩm, làm dịch vụ giải khát, sử dụng đất trên không đúng mục đích, vi phạm Luật Đất đai.
Đến năm 2016, Khatoco xin chuyển chủ đầu tư dự án trung tâm thương mại - khách sạn sang Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Phú Khánh Việt (gọi tắt là Công ty Phú Khánh Việt).
Tháng 8/2016, UBND tỉnh ban hành quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trung tâm thương mại, giải trí, nhà hàng, khách sạn Phú Khánh Việt của Công ty Phú Khánh Việt.
Tháng 6/2017, UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi 5.315 m2 đất tại 80 Nguyễn Huệ và cho Công ty Phú Khánh Việt thuê để thực hiện dự án. Hình thức cho thuê đất là trả tiền hằng năm với thời hạn 50 năm.
Xử lý nhà hàng xây không phép, lấn chiếm đất rừng phòng hộ
Ngày 6/11, UBND TP Đà Lạt cho biết, vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh Lâm Đồng về kết quả kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm tại khu vực nhà hàng Trên Đỉnh Đồi Trăng. Theo đó, khuôn viên nhà hàng này hiện đang sử dụng tổng diện tích hơn 6.184m2. Trong đó, đất nằm ngoài quy hoạch lâm nghiệp là 4154,8m2 và trong quy hoạch đất lâm nghiệp hơn 2.184m2.
Qua kiểm tra hiện trạng, đoàn kiểm tra liên ngành TP Đà Lạt lập biên bản ghi nhận, tại khuôn viên nhà hàng, chủ đầu tư đã tiến hành xây dựng, cải tạo mở rộng 13 hạng mục công trình, với tổng diện tích xây dựng hơn 2.736m2; các công trình này đều đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng trước năm 2019. Kiểm tra nguồn gốc các công trình, cơ quan chức năng xác định, khu vực nhà hàng xây dựng không có giấy phép với tổng diện tích hơn 2.279m2; lấn chiếm đất rừng phòng hộ hơn 1.884m2, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang đất phi nông nghiệp không được cơ quan có thẩm quyền cho phép; xây dựng bốn khối công trình trái phép, tổng diện tích hơn 747m2, trong đó xây dựng trên đất lâm nghiệp 410m2.
Theo Quyết định số 704/QĐ-TTg, ngày 12-5-2014, của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, các thửa đất này thuộc quy hoạch đất du lịch hỗn hợp và đất công viên cảnh quan; còn theo Quyết định số 681/QĐ-UBND, ngày 3-4-2014, của UBND tỉnh Lâm Đồng, các thửa đất này thuộc quy hoạch đất trụ sở khác; không phù hợp đất ở để được phép xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ.
Cơ quan chức năng xác định, chủ thể vi phạm về lĩnh vực đất đai, xây dựng và quản lý bảo vệ rừng… tại khu vực nhà hàng Trên Đỉnh Đồi Trăng là ông Nguyễn Minh Tiến (SN 1983, ngụ TP Đà Lạt).
Thị trường bất động sản cao cấp New York có dấu hiệu giảm tốc
Theo một báo cáo gần đây của StreetEasy, hơn một phần tư trong số 16.242 căn hộ chung cư được xây dựng trong thành phố kể từ năm 2013 vẫn chưa bán được.
Sau sự mở rộng nhanh chóng của thị trường bất động sản cao cấp tại thành phố New York của Mỹ, trong những năm gần đây, doanh số bán nhà ở hạng sang đã bắt đầu chậm lại, gây lo ngại cho các chủ sở hữu, đồng thời đánh đi tín hiệu bi quan về “sức khỏe” của nền kinh tế.
Dọc theo khu vực phía Nam Công viên Trung tâm (Central Park) của thành phố New York, một số tòa nhà sang trọng đã mọc lên hoặc đang được xây dựng, trong đó có Central Park Tower, được coi là tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, theo một báo cáo gần đây của StreetEasy, hơn một phần tư trong số 16.242 căn hộ chung cư được xây dựng trong thành phố kể từ năm 2013 vẫn chưa bán được.
Giá trung bình của các căn hộ chưa bán được tại Manhattan có giá khoảng 2,3 triệu USD.
Báo cáo trên chỉ ra rằng mức lãi suất cho vay thấp kỷ lục hồi năm 2012 tại Mỹ đã đẩy nhanh sự phát triển của các khu chung cư cao cấp.
Năm 2013, chỉ 1.338 căn hộ trong các tòa nhà chung cư mới được hoàn thành, song đến năm 2018, con số này đã tăng gần gấp ba lần với 3.807 căn hộ được đưa ra thị trường.
Tuy nhiên, sự bùng nổ căn hộ cao cấp ở thành phố New York đã không phù hợp với thị hiếu vì giá cả thậm chí vượt xa tầm với của người mua nhà trung bình.
Jonathan Miller, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của công ty bất động sản Miller Samuel Inc., nhận định có quá nhiều tòa nhà được xây dựng trong một khoảng thời gian ngắn nhắm vào một thị trường nhỏ-phân khúc chung cư cao cấp.
Bên cạnh đó, sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu, một phần do cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc, dường như cũng đã phủ bóng lên thị trường bất động sản cao cấp.
Bình Dương công bố các dự án nhà ở được bán nhà ở hình thành trong tương lai
Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương vừa công bố danh sách các dự án nhà ở được bán nhà ở hình thành trong tương lai được cập nhật đến tháng 10/2019.
Cụ thể, các dự án nhà ở được bán nhà ở hình thành trong tương lai được cập nhật đến tháng 10/2019 bao gồm: 586 căn hộ dự án Nhà ở xã hội Khu Chung cư Thạnh Tân, phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An do Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Thạnh Tân làm chủ đầu tư; 527 căn hộ dự án Chung cư Frist Home, phường Hưng Định tại thị xã Thuận An do Công ty TNHH Tổ chức nhà quốc gia Bình Dương làm chủ đầu tư; 400 căn hộ dự án Chung cư Him Lam Phú Đông tại phường An Bình, thị xã Dĩ An do CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam làm chủ đầu tư; 638 căn nhà dự án Khu nhà ở dịch vụ đa năng Sen Hồng, phường An Bình, thị xã Dĩ An do CTCP Dịch vụ Thương mại Xây dựng Hỷ Địa làm chủ đầu tư; 220 căn hộ dự án Chung cư Eco Xuân - Block B phường Lái Thiêu, thị xã Thuận Ando Công ty TNHH MTV Setia Lái Thiêu làm chủ đầu tư; 44 căn nhà dự án Khu nhà ở DFG giai đoạn 1, phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một do Công ty TNHH Becamex Tokyu làm chủ đầu tư; 692 căn nhà dự án Khu dân cư Mỹ Phước 4 - Khu A, phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát do CTCP Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi làm chủ đầu tư...
Theo quy hoạch, không gian vùng trung tâm TP. Hồ Chí Minh sẽ bao gồm: Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên (Bình Dương); Biên Hòa, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành và một phần huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai). Trong đó, TP. Hồ Chí Minh là đô thị hạt nhân trung tâm vùng; TP. Bình Dương là đô thị động lực phía Bắc; TP. Biên Hòa - Long Thành - Nhơn Trạch là vùng đô thị động lực phía Đông.
Do đó, thị trường bất động sản khu vực này trong thời gian qua thu hút rất nhiều nhà đầu tư, có thể kể đến một số dự án đầu tư nổi bật của Nhật Bản như: Dự án kinh doanh bất động sản Khu đô thị Tokyu Bình Dương của Tập đoàn Tokyu, với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD; Dự án sản xuất các thiết bị linh kiện điện tử Công ty TNHH Wonderful Saigon Electrics (do Tập đoàn Sun-S) đầu tư với tổng vốn 450 triệu USD; Dự án Trung tâm thương mại AEON Mall Bình Dương do Công ty TNHH AEON Mall Việt Nam đầu tư với tổng vốn 95 triệu USD...
Riêng quý III/2019, tỉnh Bình Dương đón thêm 7.300 căn hộ đến từ 7 dự án phân bố tại Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một như Skyview, Eco Xuân Lái Thiêu, Stown Gateway, Happy One, Opal Boulevard… Những dự án này đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương.
P.V (tổng hợp)
0 nhận xét