Chất lượng không khí đang gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân Hà Nội
Chất lượng không khí (CLKK) trên địa bàn TP Hà Nội trong tuần này có xu hướng xấu đi so với tuần trước đó, tất cả các ngày trong tuần AQI các trạm ở mức trung bình và kém, không có ngày nào AQI ở mức tốt. Chỉ số AQI dao động từ 58 - 197.
Tại các trạm quan trắc không khí nền đô thị như Trung Yên 3, Kim Liên, Tân Mai, Mỹ Đình và Tây Mỗ, trong tuần qua CLKK cũng có chiều hướng xấu đi. Cụ thể, không có trạm nào có CLKK ở mức tốt, có 5 ngày CLKK ở mức kém tại trạm Trung Yên 3, chiếm 71,4% còn lại ở mức trung bình, 4 trạm còn lại đều có 57,1% số ngày có AQI ở mức kém.
Tại 2 điểm quan trắc đặt ở UBND phường Minh Khai và Phạm Văn Đồng, là 2 khu vực chịu nhiều tác động từ các phương tiện giao thông. Trong tuần này, CLKK tại 2 trạm tiếp tục có xu hướng tương tự nhau. Số ngày AQI chạm mức trung bình tại cả 2 trạm chỉ chiếm 14,3%, còn lại ở mức kém. Chỉ số cao nhất lần lượt là 197 và 186.
Đối với các trạm quan trắc nội đô như Hàng Đậu, Hoàn Kiếm và Thành Công, CLKK của tuần này có xu hướng giống nhau.
Cụ thể, số ngày CLKK ở mức kém và trung bình đều tương đồng chiếm lần lượt 71,4% và 28,6% số ngày trong tuần. Tuy nhiên trong tuần này, AQI của trạm Hàng Đậu lên khá cao, chỉ số AQI cao nhất của trạm này là 186 (tương đương trạm giao thông Phạm Văn Đồng).
Có thể thấy, CLKK và điều kiện thời tiết trong tuần qua có sự liên hệ chặt chẽ với nhau. Trong tuần vừa rồi, thời tiết chủ yếu là khô hanh, ít gió, sự chênh lệch nhiệt độ ngày đêm khá lớn là điều bất lợi cho việc khuếch tán các chất gây ô nhiễm có trong không khí, dẫn đến chỉ số CLKK thường xuyên ở mức cao, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân Thủ đô.
Để góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, người dân cần hạn chế đốt rác, giảm thiểu đun nấu bằng than tổ ong. Rác cần được thu gom và xử lý theo quy định, người dân không tự ý đốt rác thải tại nơi mình sinh sống.
Hơn chục năm không xử lý xong "núi rác" lộ thiên
Hàng chục nghìn tấn rác thải sinh hoạt dồn ứ, để lộ thiên suốt nhiều năm mà không được xử lý, môi trường bị ô nhiễm là câu chuyện đang xảy ra ở huyện Thanh Liêm, Hà Nam.
Ước tính, tại đây có tới hơn 60.000 tấn rác không được chôn lấp, xử lý hợp vệ sinh. Do vậy, dù cách xa hàng trăm mét, nhưng nhiều hộ gia đình vẫn thường xuyên bị tra tấn bởi mùi hôi rất đặc trưng của rác thải.
Theo UBND xã Thanh Thủy, "núi rác" tồn tại cách đây đã hơn chục năm. Rác ở đây là rác thải sinh hoạt của toàn tỉnh Hà Nam. Chịu trách nhiệm xử lý rác thời đó là Công ty môi trường Ba An. Do không có đủ năng lực nên đơn vị này đã để rác tồn đọng. Hơn 3 năm trước, đã có lần, người dân địa phương tập trung lập chốt để ngăn cản không cho các xe ô tô chở thêm rác về đây.
Đại diện công ty Công ty môi trường Thanh Thủy cho biết mới vào tiếp quản nhà máy rác được gần 3 năm. Trong số 170 tấn rác thải của 2/3 tỉnh Hà Nam mà công ty đang xử lý hàng ngày, rác tiếp nhận từ huyện Thanh Liêm chỉ có khoảng 20 tấn. "Núi rác" nằm ngay sát nhà máy nên đã khiến không ít người dân địa phương cho rằng trách nhiệm xử lý núi rác này thuộc về Công ty môi trường Thanh Thủy.
UBND huyện Thanh Liêm xác nhận, "núi rác" lộ thiên là điểm đen về ô nhiễm. Cách đây hơn 2 năm, tỉnh Hà Nam đã tổ chức cuộc họp với Sở TN&MT và các sở ngành liên quan để bàn phương án xử lý. Tỉnh đã đồng ý về mặt chủ trương, giao cho Công ty Huy Hoàng xử lý núi rác lộ thiên.
UBND huyện Thanh Liêm cũng cho biết, kinh phí xử lý "núi rác" dự kiến lên tới vài chục tỷ đồng. Sau 2 năm, phương án xử lý rác vẫn chưa được trình Sở TN&MT nên cũng chưa thể biết chính xác đến bao giờ mới xóa sổ được "núi rác" lộ thiên.
Cháy rừng hoành hành ở Australia
Chính quyền Australia hôm 9/11 cho hay đã có khoảng 10 người chết và mất tích, hơn 150 ngôi nhà bị thiêu rụi trong lúc đám cháy rừng khủng khiếp lan khắp miền Đông của nước này.
Không chỉ khiến bầu trời chuyển sang màu đỏ cam, các đám cháy rừng ở Australia mạnh đến mức làm thay đổi cả thời tiết địa phương. Một số hình ảnh do người dân Australia đăng tải trên mạng xã hội cho thấy bầu trời khắp nơi chuyển thành màu đỏ, cam đáng sợ do lửa quá lớn, trong khi màn khói dày đặc bao trùm các con đường và khu dân cư trên một diện tích rộng.
Cháy rừng thường xảy ra ở các bang Queensland và New South Wales (NSW) của Australia trong mùa xuân và đầu mùa hè, nhưng nền nhiệt nóng kỷ lục và trận hạn hán năm nay khiến các khu vực này đang phải trải qua trận bão lửa kinh hoàng nhất trong lịch sử. Tính đến sáng ngày 9/11, có khoảng 70 đám cháy rừng lớn trên khắp bang NSW, trong đó 39 vị trí đã vượt tầm kiểm soát của con người. Điều đáng sợ là các đám cháy mạnh đến mức đã hình thành nên các đám mây lửa vốn không gây mưa nhưng có thể tạo ra sấm chớp. "Mây lửa rất nguy hiểm, xin cẩn thận đừng để bị kẹt ở ngoài đường" - Lực lượng cứu hỏa NSW (NSW RFS) cảnh báo người dân trên Twitter.
"Trong điều kiện gió mạnh và khô hạn tiếp tục duy trì, nhiều khả năng mức độ nghiêm trọng của lửa sẽ còn gia tăng" - ông Shane Fitzsimmons, thuộc NSW RFS, lo lắng.
Trả lời kênh CNN, ông Alex Beckton - một cư dân thị trấn Old Bar nằm trên bờ biển NSW - cho biết ông đã di tản gia đình đến một câu lạc bộ lướt sóng địa phương sáng sớm thứ bảy sau khi phun nước lên căn nhà với hy vọng lửa sẽ không cháy lan. "Đêm qua chúng tôi chứng kiến bầu trời chuyển sang màu đỏ cam. Tôi nghĩ nhiều người không thể ngủ được vì phải thức theo dõi tình hình suốt đêm" - ông Beckton cho biết.
Theo Đài Nine News của Australia, các đám cháy buộc nhà chức trách NSW phải đóng cửa nhiều đường giao thông và đường cao tốc, đồng thời khuyến cáo người dân không di chuyển nếu không thực sự cần thiết.
Khoảng 50 đám cháy khác cũng đang hoành hành bang Queensland lân cận, người dân một vài khu vực được yêu cầu di tản do lửa đã đe dọa đến khu vực dân cư. Đã có khoảng 10 người chết và mất tích, trong khi hơn 1.000 lính cứu hỏa đang ra sức khống chế ngọn lửa. Các nhà khoa học cảnh báo mùa cháy rừng ở Australia sắp tới sẽ kéo dài hơn và cường độ dữ dội hơn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
P.V (tổng hợp)
0 nhận xét