Nếu như bạn đi tha thẩn khắp Sao Paulo - thành phố lớn nhất ở Brazil, cũng là quốc gia có diện tích lớn nhất châu Nam Mỹ, rồi vào các cửa hàng, quán cà phê, khách sạn và muộn hơn trong các hộp đêm, bạn sẽ nghe thấy thường xuyên câu nói trên được lặp đi lặp lại:
“O Maior do Mundo!”. Ở đây bạn có thể thấy khu trung tâm thương mại to nhất hành tinh, đài phát thanh sóng trung mạnh nhất, hay nhiều dãy nhà chọc trời dài nhất…
Là nơi tập trung các ngành kỹ nghệ và trung tâm tiêu thụ đầu tiên ở Nam Mỹ, thành phố Sao Paulo rộng lớn có trên lãnh thổ của mình 26% các xí nghiệp và sản xuất ra tới 32% tổng sản phẩm công nghiệp của cả nước; còn các cơ sở kỹ nghệ thuộc bang trùng tên thì làm ra 53% sản lượng công nghiệp của toàn Brazil - quốc gia có nền kinh tế đứng hàng thứ 8 trên thế giới.
“Rừng” nhà chọc trời gần như… bất tận là cảnh quang gây ấn tượng ở Sao Paulo. |
Trong những giờ cao điểm, hàng đoàn ôtô chen chúc - chồng chéo nhau trên hơn 400km đường phố, bởi vì tại Sao Paulo cái gì cũng đạt tới độ quá mức rồi. Bằng chứng về điều này là 125 trạm kiểm tra khí tượng tự động tại đây, liên tục đo mức ô nhiễm bầu khí quyển của thành phố khổng lồ với những “lá phổi” bệnh hoạn.
Máy tính điện tử xử lý các thông số và báo lên bảng điện lập lòe sáng để mỗi người dân đều có thể biết được tình trạng ô nhiễm hiện tại mang đầy tính cảnh báo: từng khu phố, từng thời điểm và nhất là ở những vùng luôn vượt mức báo động…
Kỹ sư trưởng Roberto Godinho phụ trách việc kiểm tra toàn Sao Paulo cho biết: “Trước đây nhiều năm, nạn ô nhiễm công nghiệp rất bi đát. Một thời gian dài đã áp dụng các biện pháp hữu hiệu theo tinh thần của nghị định thư Kyoto và Thỏa thuận chung Paris nên tình hình đã trở nên khá hơn”. Nhưng đáp lại điều đó là không có một sự kiểm tra - chế tài nào đối với hơn 3 triệu chiếc xe hơi, chạy suốt ngày đêm khắp Sao Paulo.
Cũng cần phải thêm vào một sự thật nữa, rằng không phải cả vùng đô thị lớn nhất châu Nam Mỹ này đều có hệ thống dẫn nước. Đa phần các khu phố ngoại ô mọc lên một cách lén lút bất hợp pháp, không chú ý giữ gìn việc bảo đảm vệ sinh môi trường nói chung…
Được thành lập vào đầu năm 1554 với cái tên “cúng cơm” là Paul the Apostle hòng tôn vinh sứ đồ Saint Paul (11-66 trước Công nguyên), thành phố Sao Paulo cùng những “kỷ lục” hàng đầu thế giới không ngừng biến đổi từng ngày.
Thường du khách thập phương nói rằng Sao Paulo không phải là một đô thị lẻ loi duy nhất, mà là một chuỗi các thành phố tập hợp lại. Có những đường phố thơ mộng gợi nhớ về xứ Thụy Sĩ, như đại lộ Paulista với các Câu lạc bộ thượng lưu chen vai thích cánh; rồi những khu phố của người giàu, nơi mà hàng chục nghìn nhân viên bảo vệ da màu (ở Sao Paulo người ta gọi họ một cách miệt thị là “o macaco” - con vượn) ngày đêm giữ gìn sự yên tĩnh cho các ông bà chủ.
Nơi mà những kẻ giàu thậm chí chiếm trọn cả con phố, dựng barie - điều mà nhà chức trách đã cấm vì cản trở sự tự do lưu thông và đã cưỡng chế dẹp bỏ đi, nhưng gần đây lại lác đác xuất hiện trở lại. Còn những khu nhà ổ chuột thì nằm đầy rẫy quanh Sao Paulo, dưới các gầm cầu hay trong các khu nhà hoang phế là cả nửa triệu người vô gia cư…
Giới hữu chức thành phố từng chính thức khuyến cáo, rằng 55% số nhà cửa hiện nay là không bảo đảm điều kiện sống bình thường, nhưng… mặc kệ, từng đoàn người từ khắp các miền thôn quê Brazil vẫn lũ lượt đổ về “vùng đất hứa” Sao Paulo mỗi ngày, hòng tìm kế sinh nhai... Trong cái “rừng đá và bê tông trải hun hút” này con người ta cần phải tồn tại, một điều không dễ chút nào, với mức lương tháng tối thiểu tương đương 10 USD - thật là ít ỏi.
Tối đến, nếu không có người thông thạo dẫn đường, tốt nhất là bạn đừng có bén mảng tới các khu vực lạ. Trung bình cứ một tiếng rưỡi đồng hồ ở Sao Paulo lại có một vụ án mạng, và số vụ thường tăng vào dịp cuối tuần. Dân chúng giết nhau để cướp của, giết do tự ái, vì ghen tuông, say xỉn, hay đơn giản hơn bởi đủ mọi lý do “tế nhị” khác…
“Người ta gây án mạng nhằm kiếm chút đồ ăn, hoặc ít tiền mua thuốc phiện”, một viên chức cảnh sát địa phương cho biết. Tốt hơn cả - nếu dư tiền, bạn hãy thử đến Madam Satan - quán bar kiêm hộp đêm nhiều tầng nổi tiếng nhất thành phố, nơi tụ tập của giới thương buôn quốc tế cũng như giới nhà giàu bản địa.
Chủ tiệm rượu trứ danh này luôn tuân thủ tập tục “cố hữu” là mọi sự đều cho phép của Sao Paulo, thậm chí có lần ông ta còn cho cả một chú bò tót lực lưỡng giống Argentina ngang nhiên trấn giữ lối vào quầy tiếp tân, cùng tấm biển quảng cáo “gây sốc” ngoài cửa, ghi: “Miễn phí trọn đêm cho bất cứ thực khách nào vận trang phục màu đỏ”.
Theo CAND
0 nhận xét