Open top menu
Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2019

Theo báo Tuổi trẻ, tại cuộc họp ứng phó với bão số 6 do Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức sáng 10/11, ông Mai Văn Khiêm, giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết trưa qua (9/11) bão Nakri đã đạt cấp độ cực đại ở cuối cấp 11 đầu cấp 12, sau đó có xu hướng giảm dần.

"Hầu hết mô hình, trung tâm dự báo đều nhận định bão giảm dần cường độ khi đi vào đất liền, và thống nhất đi vào đất liền vào nửa đêm đến rạng sáng 11/11.

Lúc 8h30 ngày 10/11, bão cách bờ biển các tỉnh Nam Trung Bộ khoảng 250km, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 13 và đang di chuyển theo hướng Tây với vận tốc khoảng 10-15km/h.

Dự kiến sau 22h hôm nay đến rạng sáng 11/11, bão sẽ đổ bộ vào các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới", ông Khiêm nhận định.

Có thể sơ tán trên 44.500 hộ dân

Đến nay, các địa phương đã lên kế hoạch di dời tổng cộng 44.503 hộ/181.188 người tại các khu vực nguy hiểm ven biển, trên đảo, các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở đất (Quảng Ngãi: 13.227 hộ/ 47.883 người; Bình Định: 14.456 hộ/ 68.006 người; Phú Yên: 8.904 hộ/ 31.601 người; Khánh Hòa: 7.916 hộ/ 33.698 người);

Đến 6h sáng nay tỉnh Phú Yên đã di dời 152 hộ/693 người ở khu vực có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở đến nơi trú tránh an toàn, chằng chéo 752 phương tiện và 200 nhà dân, 4 trường học, đưa 155 thuyền máy lên bờ. Tỉnh Bình Định sơ tán dân khu vực trọng điểm, đặc biệt các hộ dân tại khu vực kè Nhơn Hải.

Không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm

Trước nguy cơ bão số 6 giật cấp 11 đổ bộ trong đêm nay (10/11), Phó Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài nhấn mạnh, các bộ ngành, địa phương cần nêu cao tinh thần chủ động, tránh chủ quan, lơ là trong ứng phó.

Bên cạnh tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung Công điện số 1512/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương cần khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 5 để sẵn sàng ứng phó với bão số 6.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm những giờ tới là di dời, sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực ven biển, cửa sông, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu; kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm.

Ông Trần Quang Hoài, phó Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, kết luận cuộc họp ứng phó với bão sáng 10/11 - Ảnh: Tuổi trẻ.

Rà soát công tác đảm bảo an toàn cho tàu thuyền, lồng bè thủy sản tại các khu neo đậu, tránh trú (kể cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch). Tổ chức kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, đặc biệt là các công trình hư hỏng, đang thi công và các hồ đã đầy nước, hồ nhỏ.

Bên cạnh đó, bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là trên các tuyến đường ven biển, các cầu vượt biển, khu vực qua các ngầm tràn, khu vực bị ngập sâu; các khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở để sẵn sàng khắc phục ngay khi có sự cố.

Ông Trần Quang Hoài cũng đề nghị các bộ ngành, các địa phương cân nhắc, dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung toàn lực cho công tác chỉ đạo ứng phó với bão số 6, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cơn bão có thể gây ra.

Bộ GTVT ra công điện khẩn ứng phó với bão số 6

Bộ GTVT vừa có công điện khẩn gửi các đơn vị liên quan về ứng phó với cơn bão số 6 tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Để chủ động ứng phó với cơn bão số 6 và diễn biến phức tạp của mưa bão, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 6 để chủ động phòng tránh. Đài thông tin Duyên hải thường xuyên cập nhật, xử lý thông tin và thông báo kịp thời diễn biến, hướng di chuyển của bão cho tàu thuyền biết để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.

"Cục Hàng hải VN chỉ đạo các cảng vụ hàng hải hướng dẫn tàu thuyền khi rời cảng biết tình hình và hướng di chuyển của cơn bão để các tàu biết khi hành trình không đi vào vùng nguy hiểm; phối hợp hướng dẫn nơi neo đậu, tránh trú an toàn và có các biện pháp đảm bảo an toàn về người, phương tiện khi có tình huống xảy ra. Đồng thời chỉ đạo Trung tâm phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam điều động các tàu SAR đến chốt ở các vị trí dự kiến có khả năng bị ảnh hưởng lớn nhất và chuẩn bị sẵn sàng để tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có lệnh", Bộ GTVT chỉ đạo.

Bộ GTVT cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN chủ động duy tu, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ, các công trình thoát nước luôn thông thoát, hệ thống báo hiệu đầy đủ, rõ ràng. Công tác khắc phục hậu quả mưa, bão và đảm bảo giao thông thông suốt, phải đảm bảo an toàn cho người, thiết bị thi công, cho các hạng mục công trình. Tập trung vật tư, thiết bị và nhân lực để chủ động khắc phục hậu quả do mưa, bão gây ra trên các tuyến quốc lộ. Kiểm tra mức độ hư hỏng tại các bến phà, cầu phao, các khu vực đường xung yếu, các cầu yếu... để kịp thời sửa chữa, khắc phục đảm bảo giao thông thông suốt trong thời gian nhanh nhất, cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí bị ngập nước, ngầm tràn, đoạn đường bị đứt, sạt lở; Kiên quyết không cho phép người và phương tiện đi vào những vị trí này.

Cục Đường thuỷ nội địa VN kịp thời sửa chữa, bổ sung phao tiêu, biển báo bị hư hỏng do mưa, bão gây ra; Kiểm kê, rà soát phương tiện phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn như tàu, thuyền, ca nô, phao, bè, cọc neo, trụ neo và phao neo, đảm bảo sẵn sàng ứng cứu.

"Các sở GTVT phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, Cục Quản lý đường bộ và các đơn vị quản lý và sửa chữa đường bộ, đường sắt... tiến hành khắc phục sự cố do mưa, bão gây ra; phân luồng, đảm bảo giao thông khắc phục hậu quả bước 1 trên các quốc lộ ủy thác và đường địa phương", Bộ GTVT chỉ đạo.

P.V (tổng hợp)

Tagged
Different Themes
Written by Lovely

Aenean quis feugiat elit. Quisque ultricies sollicitudin ante ut venenatis. Nulla dapibus placerat faucibus. Aenean quis leo non neque ultrices scelerisque. Nullam nec vulputate velit. Etiam fermentum turpis at magna tristique interdum.

0 nhận xét