Bộ TN&MT kiểm tra công tác quản lý chất thải rắn tại tỉnh Lạng Sơn
Ngày 26/6, Đoàn Kiểm tra theo Quyết định số 1330/QĐ-BTNMT ngày 29/5/2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường do ông Nguyễn Kim Tuyển – Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường) làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn về công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.
Báo cáo với Đoàn kiểm tra, Phó Giám đốc Sở TN&MT Lạng Sơn Ngô Viết Hải cho biết, mỗi ngày tại khu vực đô thị thuộc các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 215,5 tấn rác thải, trong đó thu gom, xử lý hơn 207,5 tấn, chiếm 96,3%. Trên địa bàn các huyện, thành phố có 15 tổ chức thực hiện thu gom, xử lý rác thải. Chất thải rắn sinh hoạt hiện nay chủ yếu được thu gom tại các đô thị và một phần tại các xã lân cận (khu vực nông thôn).
Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh được thu gom vào các thùng đựng rác sau đó sử dụng xe vận chuyển rác đến trạm trung chuyển và đưa về các cơ sở xử lý rác thải (bãi chôn lấp, lò đốt). Rác thải khu vực nông thôn được thu gom một phần bởi các đơn vị thu gom, xử lý rác, phần lớn còn lại được các tổ đội, hộ gia đình thu gom, tự xử lý bằng đốt hoặc chôn lấp. Tỷ lệ thu gom, xử lý ước đạt 50%.
Theo quy hoạch quản lý chất chải rắn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, toàn tỉnh có 7 bãi chôn lấp chất thải rắn. Hiện nay 5 bãi đang hoạt động, 1 bãi đang tạm dừng hoạt động và 1 bãi không hoạt động. 5 bãi rác hiện nay đang hoạt động đều nằm trong quy hoạch. Việc quản lý, vận hành các bãi rác hiện nay đã bàn giao cho doanh nghiệp quản lý.
UBND tỉnh cũng đã phê duyệt đầu tư dự án cơ sở hạ tầng, lắp đặt trạm cân điện tử, nhà điều hành, đường điện vào các bãi xử lý rác ở các huyện: Lộc Bình, Đình Lập, Văn Quan, Bắc Sơn và các đơn vị đã hoàn thành việc đầu tư theo quy định. Tuy nhiên, các bãi rác tại huyện có công suất nhỏ, chỉ đảm bảo việc xử lý rác tại địa phương trong thời gian từ 7 đến 10 năm. Trên địa bàn tỉnh hiện chưa có nhà máy xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt nào đi vào hoạt động.
Nắng nóng bất thường, 65 tỉnh của Pháp báo động da cam
Theo Météo-France dự báo, nhiệt độ ở nhiều nơi sẽ tăng lên hơn 40 độ C vào cuối tuần này, có nơi lên 47 độ C, một hiện tượng chưa từng xảy ra vào tháng sáu kể từ năm 1947. Cảnh báo được ban bố bắt đầu từ Paris và vùng phụ cận sau đó đến các khu vực phía đông và nam.
Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Edouard Philippe cho biết: "Chúng ta phải cảnh báo rằng những năm tới nhiệt độ sẽ còn tăng cao hơn nữa".
Nắng nóng khiến chính quyền tỉnh Essonne và Val-de-Marne, ngoại ô Paris, thông báo đến các phụ huynh học sinh cho đóng cửa hàng chục trường học, nhất là các trường mẫu giáo và tiểu học, bắt đầu từ hôm nay, 26/6, cho đến hết tuần.
Do nắng nóng, Bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer quyết định hoãn và chuyển kỳ thi tốt nghiệp THCS (cấp II) vào ngày 27 và 28-6 sang ngày 1 và 2-7 tới.
Để giảm thiểu ô nhiễm, chính quyền đã quyết định cho phép đỗ xe miễn phí tại Paris bắt đầu từ ngày 25/6 và giảm tốc độ xe lưu thông ở phía đông-nam Paris. Ngày 26/6, chỉ những xe có vi-nhét chống ô nhiễm (Crit'Air) 0-1-2 (xe không gây ô nhiễm theo thứ tự tính từ 0 đến 5 được dán trên kính xe) mới được lưu thông trên đường ở Paris.
Cháy hàng chục ha rừng phòng hộ ven biển Phú Yên
Tin tức trên báo Nhân dân cho biết,vụ cháy xảy ra lúc 13 giờ, chiều 26-6, tại khu vực rừng phòng hộ ven biển Từ Nham thuộc xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Sau khi phát hiện đám cháy, UBND thị xã Sông Cầu đã chỉ đạo các địa phương xã, phường ven biển và các lực lượng chức năng huy động hàng trăm người tham gia chữa cháy.
Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng kết hợp gió to, đám cháy lan rất nhanh. Thị xã Sông Cầu kịp thời huy động thêm thiết bị, nhân lực, gồm: năm xe chữa cháy của công an và tăng cường lực lượng tham gia.
Sau bốn giờ tích cực chữa cháy, đến 17 giờ chiều cùng ngày, vụ cháy rừng đã được dập tắt, ước diện tích rừng bị cháy khoảng 25 ha.
Ông Đào Mỹ, Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, cho biết, thiệt hại của vụ cháy chưa thể thống kê chính xác, lực lượng chức năng đang khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân. Rừng bị cháy là rừng phi lao chắn cát ven biển đã trồng nhiều năm.
EuroCham khuyến nghị xem xét lại việc cấm xe máy
Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) cho rằng cần xem xét thêm các giải pháp hiệu quả hơn để giải quyết ùn tắc giao thông, ô nhiễm và xét đến nhu cầu của người dân tại các thành phố lớn của Việt Nam.
Trước những đề xuất về việc giới hạn và cấm xe máy tại các thành phố lớn ở Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo, EuroCham nhận định rằng hướng tiếp cận này không được xem là giải pháp hiệu quả để cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và giảm thiểu tai nạn giao thông tại các thành phố lớn.
Bên cạnh đó, việc cấm xe máy có thể tạo ra nhiều khó khăn, bất tiện cho người dân ở khu vực thành thị, báo cáo của EuroCham trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2019 cho biết.
Quy định cấm được đề xuất cũng có thể gây thách thức lớn cho ngành sản xuất xe máy, vốn đã đầu tư dài hạn vào Việt Nam nhằm phát triển thị trường trong nước và quốc tế, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
EuroCham đề xuất cơ quan quản lý nên xem xét thêm các giải pháp hiệu quả hơn nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông trong các thành phố lớn,
Bên cạnh đó, cần xét đến nhu cầu của người dân nhằm đề xuất quy hoạch tổng thể khả thi, giảm thiểu tối đa tác động đến đời sống hàng ngày và công việc của người dân và tránh hệ quả tiêu cực về kinh tế.
Một trong những biện pháp có thể được thực hiện ngay lập tức để cải thiện tình hình là tập trung quản lý hoặc cấm xe máy cũ, vốn là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí.
P.V (tổng hợp)
0 nhận xét