Hiện nay trên cả nước có hơn 6.500 hồ chứa nước đa mục tiêu, sử dụng cho các mục đích thủy điện, thủy lợi, cấp nước nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, du lịch cảnh quan và các mục đích khác. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội, việc khai thác, sử dụng nguồn nước cũng được đẩy mạnh đầu tư, trong đó đã hình thành rất nhiều hồ chứa trên thượng lưu các con sông, bao gồm cả hồ chứa nước chuyên phục vụ cấp nước và các hồ khai thác đa mục tiêu, mang lại hiệu quả to lớn về kinh tế - xã hội.
Mặc dù vậy, hiện nay nhiều chức năng của hồ chứa không được thực hiện đầy đủ, một số hồ sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt đang bị lấn chiếm và bị ô nhiễm do cơ chế quản lý và giám sát hồ lỏng lẻo, hành lang bảo vệ vệ sinh của hồ chứa cấp nước bị xâm phạm, chất lượng nước trong hồ suy giảm. Bên cạnh đó, do biến đổi khí hậu, lũ quyét, xói lở… làm thể tích dự trữ nước hồ giảm rõ rệt; các hoạt động kinh tế và mất rừng đầu nguồn làm cho hàm lượng chất rắn lơ lửng, các chất hữu cơ và dinh dưỡng trong nước hồ tăng lên, rong tảo phát triển gây nguy cơ phú dưỡng… là những nguy cơ tiềm tàng đối với việc khai thác nước hồ để cấp nước sinh hoạt tập trung.
Theo PGS. TS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường, để bảo vệ môi trường nước hồ và khai thác một cách hợp lý, bền vững, đảm bảo an toàn nguồn cung cấp nước, cần thiết phải có một cơ chế quản lý và giám sát hồ chặt chẽ, ngăn ngừa các rủi ro ô nhiễm và giảm sút chất lượng nước hồ.
Xuất phát từ tình hình thực tế và thực hiện nhiệm vụ do Bộ Xây dựng giao, năm 2018, nhóm đề tài thuộc Viện nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường đã lựa chọn 3 đối tượng hồ chứa cấp nước sinh hoạt thuộc 3 miền Bắc, Trung, Nam có đặc điểm cấu tạo hồ và quản lý vận hành khác nhau để nghiên cứu điển hình, bao gồm hồ Cao Vân (Quảng Ninh), hồ Bộc Nguyên (Hà Tĩnh) và hồ Đá Đen (Bà Rịa - Vũng Tàu). Mục tiêu nghiên cứu nhằm đề xuất được giải pháp tổng hợp (thể chế, kỹ thuật, tài chính…) để kiểm soát ô nhiễm nguồn nước hồ chức phục vụ cấp nước sinh hoạt an toàn và đề xuất một số biện pháp kỹ thuật phù hợp để khai thác và xử lý nước hồ chứa trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Trong công trình nghiên cứu, nhóm đề tài cũng đã thu thập số liệu về các hồ chứa nước có cấp nước sinh hoạt trên cả nước để xây dựng các báo cáo tổng quan về quản lý hồ chứa nước cho cấp nước sinh hoạt, đặc điểm của các hồ chứa, biến đổi chất lượng nước và các nguy cơ rủi ro của nguồn nước hồ chứa. Nhóm tác giả cũng đã xây dựng các giải pháp tổng hợp quản lý nguồn nước hồ chứa để cấp nước cho đô thị, bao gồm khái quát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến quản lý hồ chứa nước và cấp nước an toàn, bảo vệ nguồn nước, các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, các chế tài quản lý hồ chứa nước và cấp nước an toàn…
Đánh giá về các kết quả thực hiện đề tài của nhóm tác giả, các chuyên gia phản biện của Hội đồng nhất trí về tính cần thiết cũng như mục tiêu nghiên cứu của đề tài. Theo đó, nhóm đề tài đã thực hiện đầy đủ các nội dung của nhiệm vụ nghiên cứu, thu thập và tổng hợp số liệu phong phú, tin cậy, phương pháp nghiên cứu kết hợp lý luận và thực tiễn, đề xuất hợp lý các giải pháp kỹ thuật để ngăn ngừa các nguy cơ đối với nguồn nước của các hồ chứa phục vụ cấp nước sinh hoạt…, kết quả của đề tài có ý nghĩa thực tiễn cao.
Bên cạnh đó, các chuyên gia phản biện và các thành viên Hội đồng cũng kiến nghị nhóm tác giả rút gọn tài liệu hướng dẫn kỹ thuật để các đối tượng sử dụng dễ đọc, dễ vận dụng, làm rõ thêm mục tiêu và đối tượng nghiên cứu, đề xuất việc tổ chức thực hiện, rà soát và chỉnh sửa một số thuật ngữ chuyên ngành.
PGS.TS Mai Thị Liên Hương,Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá về nỗ lực, sự nghiêm túc của nhóm tác giả của đề tài cấp Bộ "Nghiên cứu giải pháp tổng hợp để kiểm soát ô nhiễm nguồn nước hồ chứa nhằm mục đích cấp nước an toàn cho đô thị và khu dân cư" - mã số RD21-17, do Viện nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trườn Việt Nam trong việc thực hiện đề tài này, các số liệu phong phú, nghiên cứu công phu, đảm bảo tính khoa học và thực tiễn, đồng thời đề nghị nhóm tác giả tiếp thu ý kiến của Hội đồng, rà soát và chỉnh sửa báo cáo tổng hợp và tài liệu hướng dẫn kỹ thuật theo hướng rút gọn và cô đọng hơn./.
0 nhận xét