Vừa qua, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử nhận được phản ánh của người dân tại xã Hồng Vân và xã Hồng Trung (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) về việc một đoạn suối A Lin đang bị cát tặc ngày đêm “cày xới” để khai thác cát, sỏi, điều này đã khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn. Nghiêm trọng hơn thực trạng đó làm ảnh hưưởng đến sinh thái của con suối vốn khá nổi tiếng ở huyện miền núi này.
Suối A Lin (hay còn được gọi là Đăq Pling) là một con suối khá nổi tiếng ở huyện miền núi A Lưới (TT - Huế), bắt nguồn từ chân dãy Trường Sơn, chảy qua địa bàn các xã Hồng Trung, Hồng Vân, Hồng Bắc trước khi đổ vào sông A Sáp. Tuy nhiên, theo người dân địa phương, trong thời gian gần đây không hiểu vì lí do gì mà đã có nhiều đơn vị ngang nhiên đưa máy móc vào lập đường cày xới ở con suối này để khai thác cát, sỏi mà không hề thấy cơ quan chức năng đến can thiệp, xử lý.
Một đoạn suối A Lin đã bị “cát tặc” băm nát. |
Qua tìm hiểu của PV được biết, gần khu vực bị khai thác cát, sỏi mà người dân phản ánh đang có dự án nhà máy thủy điện A Lin B1 chặn suối A Lin được xây dựng tại hai xã Hồng Vân, Hồng Trung (A Lưới) và xã Phong Xuân (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) do Công ty CP Thủy điện Trường Phú làm chủ đầu tư trong đó có gói thầu đập dâng, đập tràn cụm đầu mối A Lin 3 đã được khởi công tháng 9/2015.
Để khai thác tận thu cát, sỏi lòng hồ dự án thủy điện A Lin B1, Công ty Trường Phú đã có tờ trình và được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp phép khai thác tận thu cát, sỏi lòng hồ dự án thủy điện A Lin B1 làm vật liệu xây dựng thông thường tại khu vực suối A Lin thuộc 2 xã Hồng Vân và Hồng Trung để phục vụ thi công hạng mục đập dâng A Lin 3 vào năm 2016, thời hạn cấp phép 11 tháng.
Đến ngày 20/10/2018, UBND tỉnh TT - Huế có văn bản về việc gia hạn thời hạn khai thác cát, sỏi cho Công ty CP Thủy điện Trường Phú.
Hiện trường nham nhở, nhiều hố nước sâu hoắm do việc khai thác cát, sỏi để lại. |
Theo công văn này, vị trí cho phép đơn vị khai thác cát, sỏi tại bãi bồi suối A Lin thuộc địa phận giáp ranh hai xã Hồng Vân và Hồng Trung (A Lưới), được giới hạn bởi các tọa độ: M1 - 1.807.520, 514.554; M2-1.807.360, 514.799; M3-1.807.524, 514.790; M4-1.807.762, 514.869; M5-1.807.802, 514.815.
Diện tích mỏ cát là 6,02ha; khối lượng cát, sỏi khai thác 19.000m3, công suất khai thác hơn 2.272 m3/tháng; phương thức khai thác từ thượng lưu vệ hạ lưu suối A Lin, phương ngang từ trái sang phải, chiều sâu khai thác từ 0,9 – 1,5m; thiết bị khai thác gồm máy đào, máy ủi, máy sàn.
Tuy nhiên, theo người dân địa phương, chính vì nên đơn vị đã lợi dụng việc được cấp phép tận thu khoáng sản để tiến hành khai thác ngoài lộ giới cho phép để lấy cát, sỏi phục vụ công trình.
Một con đường được mở ra ở giữa con suối để vận chuyển cát, sỏi. |
Ghi nhận của PV tại suối A Lin, có một đoạn khoảng hơn 2km từ đập A Lin 3 qua các thôn Lê Triêng 1 và thôn Đụt - Lê Triêng 2 (xã Hồng Trung) thì khu vực đã bị cày xới nghiêm trọng, việc khai thác cát bằng máy móc đã để lại hiện trường nham nhở với nhiều hố sâu, đống đá sạn khiến cho dòng chảy của con suối bị ảnh hưởng, nước suối luôn trong tình trạng bị cạn kiệt, vàng đục.
Một người dân sống tại Đụt - Lê Triêng 2, xã Hồng Trung (A Lưới) cho biết, việc khai thác cát ở đoạn suối này đã diễn ra từ nhiều tháng nay. Doanh nghiệp đã đưa máy xúc, ô tô vào làm đường đi múc cát rồi chở ra đổ khu vực đập A Lin 3.
Trước thực trạng trên, trao đổi với PV, ông Lê Văn Chanh - Chủ tịch UBND xã Hồng Trung cho biết, theo công văn gia hạn của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và căn cứ các mốc tọa độ thì vị trí mỏ cát Công ty Trường Phú được cấp thuộc hai thôn Tà Ay, xã Hồng Trung và thôn A5 xã Hồng Vân. Còn vị trí khai thác cát tại suối A Lin nói trên thì cách vị trí được cấp giấy phép gần 10 km.
0 nhận xét