Thực hiện Quyết định số 19 ngày 17/3/2009 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc chủ động thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, và Chỉ thị số 27 ngày 23/3/2018 Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu về công tác quản lý, bảo vệ môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, để có điều kiện tổ chức xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật, đặc biệt là chất thải rắn công nghiệp ngày càng gia tăng theo tốc độ công nghiệp hóa, Sở TN&MT đã trình UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quy hoạch Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên.
Đồng thời, Sở TN&MT cũng đã nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư xử lý chất thải rắn trên đại bàn tỉnh theo mô hình xã hội hóa. Với sự nỗ lực của việc ban hành triển khai thực hiện các chính sách nêu trên, đến nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có điều kiện để xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp, chất thải hầm cầu phát sinh trên địa bàn tỉnh. Việc hình thành và vận hành Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên (thị xã Phú Mỹ) được Trung ương đánh giá cao vì đây là một trong những địa phương đã mạnh dạn đầu tư hệ thống quản lý chất thải rắn có quy mô lớn đầu tiên trong cả nước.
Bên cạnh đó, để khắc phục ô nhiễm môi trường, Sở TN&MT đã tham mưu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đầu tư Trạm tiếp nhận dữ liệu quan trắc tự động. Đến nay, Trạm đã tiếp nhận được dữ liệu quan trắc nước thải, khí thải tự động đối với 27 /33 cơ sở. Trong đó, về quan trắc tự động khí thải có 12 cơ sở, về quan trắc tự động nước thải có 15 cơ sở. Hiện còn 06 cơ sở chưa truyền số liệu đều có lý do cụ thể như: đối với Khu công nghiệp (KCN) Phú Mỹ 1, KCN Đông Xuyên đang trình UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt kinh phí từ ngân sách để đầu tư; KCN Cái Mép, Đất Đỏ 1, Phú Mỹ II, Phú Mỹ III chưa có đủ nước thải để vận hành hệ thống xử lý nước thải ổn định.
Sở TN&MT cũng đã tham mưu UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đầu tư 03 trạm quan trắc tự động nước thải sông Thị Vải (02 trạm) và sông Chà Và (02 trạm); đầu tư trạm quan trắc tự động nước mặt các hồ cấp nước sinh hoạt của tỉnh như: hồ Sông Ray, hồ Đá Đen, hồ Sông Hỏa. Đồng thời, đang triển khai đầu tư 03 trạm quan trắc tự động các hồ cấp nước sinh hoạt tại hồ Châu Pha, An Hải và nước suối Chà Răng chảy về hồ Đá Đen; 03 trạm quan trắc không khí xung quanh tại Khu xử lý rác thải tập trung Tóc Tiên, TP. Bà Rịa và TP. Vũng Tàu.
Ông Đặng Sơn Hải - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Đối với nước thải phát sinh từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngoài các KCN, cụm công nghiệp tập trung chủ yếu hoạt động vào các lĩnh vực chế biến hải sản, du lịch, khách sạn, chăn nuôi và từ các bệnh viện, trung tâm y tế, cụ thể như: nước thải từ hoạt động kinh doanh du lịch đã qua xử lý 70%; nước thải phát sinh từ các bệnh viện, trung tâm y tế qua hệ thống xử lý khoảng 96%; nước thải tại các cơ sở chế biến hải sản đã qua hệ thống xử lý khoảng 88%...
Còn đối với việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt phát sinh tại 7/8 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện Côn Đảo) đã được thu gom, chôn lấp hợp vệ sinh tại khu chôn lấp của Công ty TNHH KBEC Vina trong Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên với khối lượng trung bình khoảng 800 tấn/ngày, chiếm khoảng 92%; đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường đạt tỷ lệ thu gom, xử lý là 98%; chất thải rắn nguy hại đã được thu gom và chuyển cho 07 công ty xử lý tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên, một phần chuyển cho các đơn vị vận chuyển về các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM xử lý, đạt tỷ lệ 87%.
Tập trung xử lý các “điểm nóng”
Ông Lê Ngọc Linh - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay: Bảo vệ môi trường được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, do vậy, thời gian qua, cả hệ thống chính trị đã tập trung lãnh đạo, định hướng thực thi công tác bảo vệ môi trường. Điều này thể hiện qua ý chí quyết tâm, tìm kiếm những giải pháp phù hợp nhằm giải quyết các tồn tại, xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn thân thiện môi trường. Tuy nhiên, trong thời gian qua nhiều “điểm nóng” về môi trường vẫn chưa được xử lý triệt để gây nhiều bức xúc cho người dân.
Để xử lý các “điểm nóng” về môi trường, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Kế hoạch số 54 về việc thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ để phòng ngừa, cải thiện và khắc phục ô nhiễm tại các "điểm nóng" môi trường trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong năm 2019. Theo đó, có 6 “điểm nóng” môi trường cần được tập trung xử lý trong năm 2019. Tại Kế hoạch, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, ban ngành trong việc tập trung xử lý điểm nóng môi trường.
Thực hiện Kế hoạch trên, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tăng cường phối hợp với các ngành chức năng tập trung xử lý các “điểm nóng” về môi trường. Theo đó, đối với hoạt động chăn nuôi heo, Sở TN&MT đã tổ chức kiểm tra các trang trại nuôi heo thuộc thẩm quyền quản lý cấp tỉnh (diện tích chuồng trại trên 1.000m2). Căn cứ kết quả kiểm tra, Sở TN&MT đã trình UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kết luận kiểm tra. Trong đó, yêu cầu các trang trại phải hoàn thành cải tạo, đầu tư công trình bảo vệ môi trường trước và kiến nghị UBND tỉnh xử lý theo quy định; xây dựng Tiêu chí xác định các cơ sở gây ô nhiễm môi trường cần di dời ra khỏi khu dân cư, đô thị và được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành tại Quyết định số 1611 ngày 19/6/2018.
Cùng với đó, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã phối hợp với các Sở, ngành liên quan rà soát, yêu cầu tất cả các trang trại đang hoạt động nằm trong vùng quy hoạch nhưng gây ô nhiễm môi trường phải thực hiện biện pháp khắc phục ô nhiễm và xử lý môi trường theo quy định; tập trung khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố di dời các trang trại chăn nuôi vào vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung; chấm dứt chăn nuôi trong các khu dân cư, khu đô thị,… hoặc cơ sở đang gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Đối với hoạt động chế biến hải sản xã Tân Hải, thời gian qua, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với các ngành chức năng cưỡng chế 09 cơ sở vi phạm về xây dựng và xả thải gây ô nhiễm môi trường; bố trí di dời 04 cơ sở được phép hoạt động ở Tân Hải về khu chế biến hải sản tập trung tại Lộc An; tăng cường quản lý, giám sát hoạt động sản xuất của 09 cơ sở chế biến hải sản, trong đó có 03 cơ sở chế biến surimi, 06 cơ sở chế biến bột cá, đang được phép hoạt động tại khu vực xã Tân Hải.
Với hoạt động của các nhà máy luyện, cán thép tại KCN Phú Mỹ I, II (thị xã Phú Mỹ), hiện nay có 06 nhà máy luyện thép là Nhà máy thép Miền Nam, Tung Ho, Vinakyoei, Posco SS Vina, Pomina 2, Pomina 3; và một số nhà máy cán thép như: Nhà máy tôn Hoa Sen, thép tấm lá Thống Nhất, thép tấm lá Phú Mỹ, thép Posco VN đang hoạt động tại KCN Phú Mỹ I, II nằm gần khu dân cư; Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với Ban Quản lý các KCN và các cơ quan liên quan kiểm tra, kết nối, xử lý sự cố chia sẻ dữ liệu quan trắc nước thải và khí thải tự động, liên tục của các cơ sở sở trên từ trạm Trung tâm để theo dõi, phục vụ công tác quản lý.
Đồng thời, Sở TN&MT cũng đã yêu cầu các các cơ sở trên phải lắp đặt thiết bị lấy mẫu tự động để lấy và lưu mẫu nước khi một trong những thông số được giám sát vượt ngưỡng quy chuẩn cho phép; lắp đặt camera tại vị trí cửa xả thải của hệ thống xử lý nước thải và trong nhà trạm, ngoài nhà trạm tại vị trí cửa xả; thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng để hệ thống luôn được hoạt động ổn định, cung cấp hình ảnh rõ ràng, kết quả đo có độ chính xác cao…
Ngoài ra, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng trong việc giữ gìn, bảo đảm vệ sinh môi trường, góp phần xây dựng môi trường tại địa phương luôn xanh - sạch - đẹp.
0 nhận xét