Thứ sáu, 12/01/2024 19:02 (GMT+7)
-Theo dõi MTĐT trên
Nhiều năm nay, người dân sinh sống quanh Nhà máy chế biến mủ cao su Thuận Dung của Công ty TNHH cao su Thuận Lợi đặt tại xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú, Bình Phước khổ sở vì nước thải từ nhà máy hôi thối suốt ngày đêm.
Con suối thối nhức đầu. Nước suối lúc nào cũng đục ngầu màu nâu đậm. Hôi thối suốt ngày đêm. Đây là 1 trong 2 đường thoát nước thải từ Nhà máy chế biến mủ cao su Thuận Dung. Dòng nước thải đã khoét 1 rãnh sâu 3m, xuyên qua vườn cao su. Vị trí này có độ sâu phải 5m. Những cây cao su cũng không thể trụ nổi, trơ rễ, bật gốc. Nước thải ở đây khá đậm đặc. Còn đây là 1 dòng thải khác, nó chính là con suối tự nhiên ngày xưa.
Phía trên con suối là bể chứa nước thải của nhà máy mủ cao su, còn bên dưới có 2 đường thoát nước thải, đường nào thì nước cũng đậm đặc và hôi nồng nặc.
Nhà máy chế biến mủ cao su Thuận Dung của Công ty TNHH cao su Thuận Lợi đặt tại xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú, Bình Phước. Nhà máy nằm trên sườn 2 quả đồi, ở giữa có 1 khe suối thoát nước tự nhiên, thế rồi công ty này cho xây dựng 1 đường đê lớn, nối 2 sườn đồi lại, cũng chặn luôn dòng suối nhỏ.
Đầu nguồn thì có nhiều hồ chứa nước thải không được lót đáy, cây cỏ um tùm, khó phân biệt ranh giới.
Hoạt động, xây dựng, cải tạo cả chục năm nay, giờ không ai biết được đây là dòng suối thoát nước thải hay nước thải đã tạo ra dòng suối này.
Khi hỏi người dân thì ai cũng tỏ ra chán nản, buồn bã vì thực tế này diễn ra nhiều năm mà không được giải quyết dứt điểm. Người dân cho biết, tình trạng xả nước thải gây mùi hôi thối năm nào cũng được báo chí phản ánh, có nhiều đoàn kiểm tra tới lui, ngó nghiêng, nhưng nước thải thì vẫn y nguyên.
Năm 2017, quyết tâm thực hiện chủ trương phát triển kinh tế không đánh đổi môi trường, tỉnh Bình Phước quy định các nhà máy chế biến mủ cao su, nước thải phải đạt cột A. Hàng loạt công ty kêu khó, khiến tỉnh Bình Phước phải gia hạn thêm 2 năm để chuẩn bị. Tiếp tục chấp nhận để xả thải quy chuẩn cột B.
Nước thải đạt cột A là nước có thể dùng sinh hoạt được, còn cột B thì chỉ dùng tưới tiêu.
Người dân thì không hiểu cột A, cột B là gì, chỉ biết, đến gần dòng suối cũng chẳng muốn huống hồ động vào nước suối. Cua cá cũng chẳng còn để mà bắt, hoặc nếu có bắt được cua cá thì cũng chẳng ai liều mạng mà ăn.
Quy định xử lý nước thải đúng quy chuẩn là trách nhiệm của nhà máy. Giám sát và kiểm tra nhà máy là trách nhiệm của nhiều cơ quan chuyên trách khác nhau. Cơ quan báo chí, người dân thì năm nào cũng phản ánh. Nhưng thực trạng nước thải không thay đổi mà còn ngày càng nặng nề hơn.
Không lẽ tất cả đều phải "bó tay", phải chấp nhận đánh đổi. Phải để những quy định, những chủ trương tốt đẹp vì môi trường, cuộc sống mãi chỉ nằm trên giấy?
0 nhận xét