Open top menu
Thứ Tư, 22 tháng 3, 2023

Hữu Việt - Thái Cảnh -  Thứ tư, 22/03/2023 07:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Do chưa quy hoạch được khu vực tập kết, xử lý rác thải tập trung, cộng với ý thức chưa cao của người dân, nên chính quyền 2 xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thực (TP Móng Cái) mãi “loay hoay” với việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn.

tm-img-alt
Bãi rác tự phát được hình thành ngay phía sau Trường TH-THCS xã Vĩnh Trung từ nhiều tháng nay gây ô nhiễm môi trường.

Dọc tuyến đường xuyên đảo Vĩnh Thực từ khu vực cảng Vạn Gia đến khu Cống Cách (thôn 4, xã Vĩnh Trung) và khu Đầu Tán (thôn 1, xã Vĩnh Thực), hàng chục bãi rác tự phát. Rác tập kết hai bên vệ đường, rác đổ trên đồng ruộng, trên đê, bờ mương, mép biển... Rác đổ ngay ở những nơi được chính quyền địa phương đặt biển “Cấm đổ rác”.

tm-img-alt
Cạnh biển "Cấm đổ rác" nhưng lại đầy rác bên đường trục xã, gần khu vực cảng Vạn Gia (thuộc thôn 3, xã Vĩnh Thực).

Nằm ngay phía sau Trường TH-THCS và UBND xã Vĩnh Trung là một bãi rác chình ình từ nhiều tháng nay luôn trong tình trạng cháy dở, bốc mùi hôi thối. Theo phản ánh của người dân, do khu vực này có một vùng trũng, tiện cho việc vùi lấp, nên từ nhiều tháng nay, nhất là dịp giáp Tết Nguyên đán, một số hộ dân đã tự ý mang rác thải sinh hoạt tập kết tại đây. Ban đầu chỉ là một vài túi nhỏ, sau đó là đến các bao tải rác. Cứ thế, chỉ sau một thời gian ngắn, khu vực này đã trở thành bãi tập kết rác ngay cạnh trường học, khu dân cư. Thỉnh thoảng, chính quyền địa phương lại cho người ra xử lý bãi rác này bằng hình thức đốt.

Anh Nguyễn Văn Th (người dân sống gần khu vực này) cho biết: Do không đốt hết, rác ở đây ngày một nhiều lên, ruồi nhặng nhiều, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng tới đời sống của người dân khu vực xung quanh, nhất là đối với các cháu học sinh của Trường TH-THCS xã. Tôi đã nhiều lần chứng kiến cảnh xe chở rác, vật liệu xây dựng đổ vào khu vui chơi của trẻ em trong xã.

tm-img-alt
tm-img-alt
Mặc dù đã có biển "Cấm đổ rác" nhưng người dân vẫn đổ rác tại khu vực thuộc thôn 3, xã Vĩnh Thực, giáp ranh với xã Vĩnh Trung.

Từ UBND xã đến khu vực Cống Cách (thôn 4, xã Vĩnh Trung), phóng viên được người dân chỉ cho rất nhiều đống rác ngổn ngang. Từ rác sinh hoạt đến những bao vỏ hàu, vỏ hà và mảnh xốp nuôi trồng, khai thác thủy sản. Bà Q (người dân thôn 4) phàn nàn: Ở đây chỗ nào người dân cũng có thể vứt rác một cách bừa bãi. Sáng ra đi làm, tiện xe họ mang theo túi rác vứt dọc vệ đường, hoặc mép biển. Tối đến, họ mang rác ra bờ bụi, ao đầm, bờ đê vứt. Chỉ vài ngày không có người đốt là hình thành những đống rác. Chính quyền địa phương cũng nhiều lần tuyên truyền, nhắc nhở, nhưng “đâu vẫn đóng đó” do việc thu gom, vận chuyển rác thải tại đây còn nhiều bất cập. Người dân chưa đồng thuận, chưa thống nhất với việc đóng góp kinh phí để thực hiện thu gom, vận chuyển rác.

tm-img-alt
Rác được đổ ngay sát mép biển trên đường từ UBND xã đến thôn 4, xã Vĩnh Trung.

Đã hơn 60 tuổi, ông Đặng Văn Sinh, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn 4, xã Vĩnh Trung, vẫn thường xuyên mang chổi, máy thổi để dọn vệ sinh khu vực nhà văn hóa thôn và một số khu vực đường thôn. Nhưng chỉ cá nhân ông Sinh và một vài người dân có ý thức, thì việc dọn dẹp vệ sinh môi trường cả thôn là rất khó. Nhất là đối với vấn đề rác thải, vệ sinh đường làng, ngõ xóm.

Rất nhiều đống rác hình thành dọc tuyến đường thôn, đường lên đê, cạnh đồng ruộng. Đường thôn nhiều lúc ngổn ngang phân trâu, bò. Khi được hỏi về việc tuyên truyền cho người dân đối với việc đóng góp kinh phí thu gom, vận chuyển rác, cũng như nâng cao ý thức trong việc tập kết rác thì ông Sinh từ chối trả lời...

tm-img-alt
tm-img-alt
Những bãi rác tự phát dọc đường trục xã thuộc khu vực thôn 4, xã Vĩnh Trung.

Còn tại Vĩnh Thực, hiện nay trên địa bàn xã đã có 1 tổ thu gom rác thải ở khu vực cảng Vạn Gia. Mặc dù chính quyền địa phương đã “quy hoạch” 3 điểm tạm thời để tập kết, xử lý rác thải bằng hình thức đốt, chôn lấp, nhưng dọc tuyến đường trục chính trên địa bàn xã vẫn có không ít bãi rác tự phát. Nhiều đống rác trước cửa nhà các hộ dân được đốt âm ỉ khói. Nhiều bãi rác vẫn len lỏi bên vệ đường, những bãi đất trống, bờ ao, bờ ruộng. Một vài đống rác được hình thành ngay cạnh biển “Cấm đổ rác”.

tm-img-alt
Rác được đổ trên đê số 2, thôn 4, xã Vĩnh Trung.

Dẫn phóng viên đi xem 2 điểm tập kết rác tạm thời từ trung tâm xã ra khu vực Đầu Tán (thôn 1, xã Vĩnh Thực), ông Hoàng Văn Biển, công chức địa chính xã Vĩnh Thực, cho biết: Sau rất nhiều lần các phòng, ban chức năng của thành phố ra khảo sát, xã đã lựa chọn được 3 điểm xa khu dân cư để người dân tập kết rác thải sinh hoạt. Việc xử lý rác tại những điểm tập kết tạm thời chỉ được xử lý bằng hình thức đốt, chôn lấp, cũng gây rất nhiều khó khăn cho địa phương. Bởi chỉ những ngày nắng to mới đốt được. Trong khi thời tiết tại đảo luôn ẩm ướt và bãi rác ngày một đầy lên. Cũng do xa khu dân cư, nên rất ít người dân có ý thức mang rác ra đổ tại các điểm tập kết tạm thời này. Rác ở đây chủ yếu là do tổ thu gom rác tại khu vực cảng Vạn Gia chuyển về và rác thải từ thôn 2 (khu vực trung tâm xã).

tm-img-alt
tm-img-alt
Rác thải từ phao xốp dùng trong nuôi trồng, khai thác thủy sản tại khu vực Cống Cách (thôn 4, xã Vĩnh Trung).

Cái khó của chính quyền địa phương

Sáng 22/2, sau khi họp với 4 thôn để bàn giải pháp thực hiện việc thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn, trao đổi với phóng viên về nội dung này, ông Nguyễn Xuân Hồng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trung, cho biết: Mặc dù trước đây tại 4 thôn của xã, mỗi thôn đã thành lập 1 tổ thu gom, vận chuyển rác thải, song do việc đa số hộ dân sinh sống dọc tuyến đường trục chính không chịu đóng góp kinh phí (mức 30.000 đồng/tháng) để duy trì hoạt động của các tổ, nên việc thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn xã gặp rất nhiều khó khăn. Xã đã rất nhiều lần tổ chức họp bàn, tuyên truyền đến người dân, nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Xã cũng đã lựa chọn 3 điểm tạm thời để tập kết rác thả,i nhưng do kinh phí cho việc thu gom, vận chuyển chưa được người dân đồng thuận, nên vẫn còn tình trạng người dân vứt rác bừa bãi.

tm-img-alt
Điểm tập kết, xử lý rác tạm thời trên địa bàn xã Vĩnh Trung.

Cũng theo ông Hồng, đối với rác thải là các loại phao xốp trong nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, xã đã cùng với Phòng Kinh tế thành phố khảo sát, thống kê các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn và đang thực hiện việc chuyển đổi từ phao xốp sang phao nhựa, nhất là đối với 18 hộ nuôi trồng thủy sản khu vực Cống Cách (thôn 4). Tuy nhiên, việc này cũng đang chậm do chất lượng của các phao nhựa thay thế từ đơn vị cung cấp chưa đảm bảo. Việc xử lý rác thải của xã hiện nay hoàn toàn là đốt và chôn lấp tạm thời. Xã đang chờ thành phố hoàn thiện quy hoạch, xây dựng lò đốt để việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác trên địa bàn đi vào “quy củ”.

tm-img-alt
Người dân chăn nuôi trâu, bò ngay sát đường trục chính, cách UBND xã Vĩnh Trung chỉ vài trăm mét.

Còn tại Vĩnh Thực, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Văn Viện phấn khởi khoe với phóng viên là vừa “xin” được từ thành phố 3 xe thu gom rác để vận hành tổ thu gom, vận chuyển rác tại thôn 2 (khu vực trung tâm xã) làm “tiền đề” nhân rộng ra thôn 1 và thôn 3. Trước đây, xã đã thành lập được các tổ thu gom, vận chuyển rác thải, nhưng các tổ này chỉ duy trì được khi người dân chưa phải đóng góp kinh phí. Còn từ cuối năm 2018 đến nay, khi người dân phải đóng góp kinh phí thì đã không duy trì được các tổ thu gom, vận chuyển rác.

Đối với 3 điểm tạm thời tập kết rác cũng chỉ là giải pháp tình thế của xã để giải quyết tình trạng người dân vứt rác bừa bãi trong thời gian qua. Về lâu dài, xã vẫn đang chờ quy hoạch của thành phố đối với khu vực tập kết, xử lý rác trên đảo Vĩnh Thực.

tm-img-alt
Điểm tập kết, xử lý rác tạm thời thuộc thôn 1, xã Vĩnh Thực.

Lãnh đạo 2 xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thực cũng cho biết thêm, mặc dù 2 xã đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới cách đây 3-4 năm và đang tập trung thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao thì vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn vẫn đang là vấn đề khó đối với địa phương trong việc hoàn thành và nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường.

tm-img-alt
3 chiếc xe thu gom rác được xã Vĩnh Thực đem về địa phương để vận hành tổ thu gom, vận chuyển rác tại thôn 2.

Theo báo cáo về công tác bảo vệ tài nguyên môi trường năm 2022 của TP Móng Cái, hiện nay thành phố đang tập trung triển khai xây dựng hạ tầng xử lý chất thải sinh hoạt bằng phương pháp đốt để phục vụ xử lý rác thải tại 2 xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thực. Ông Nguyễn Phúc Vinh, Phó Chủ tịch UBND TP Móng Cái, cho biết: Sau khi hoàn thành công tác quy hoạch chung, TP Móng Cái sẽ triển khai xây dựng hạ tầng xử lý chất thải sinh hoạt tại 2 xã đảo Vĩnh Thực, Vĩnh Trung. Đến thời điểm này thành phố đã lựa chọn được địa điểm, đang hoàn thiện quy hoạch và kêu gọi đầu tư khu vực xử lý rác thải trên địa bàn 2 xã.

Như vậy, trong khi chờ TP Móng Cái kêu gọi nhà đầu tư đối với hạ tầng xử lý chất thải, cấp ủy, chính quyền 2 xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thực cần có những giải pháp hữu hiệu trong tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp kinh phí duy trì vận hành các tổ thu gom, vận chuyển rác đến điểm tập kết rác tạm thời để đốt, chôn lấp, tránh tình trạng vứt rác thải bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường.

Adblock test (Why?)

Tagged
Different Themes
Written by Lovely

Aenean quis feugiat elit. Quisque ultricies sollicitudin ante ut venenatis. Nulla dapibus placerat faucibus. Aenean quis leo non neque ultrices scelerisque. Nullam nec vulputate velit. Etiam fermentum turpis at magna tristique interdum.

0 nhận xét