Thứ tư, 02/11/2022 10:30 (GMT+7)
-Từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố Hà Nội tổ chức 900 đoàn thanh tra, kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm của 4.493 bếp ăn tập thể trường học và khu công nghiệp.
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn gốc thực phẩm, đơn vị cung cấp các suất ăn cho học sinh.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 4.350 bếp ăn tập thể trường học, trong đó có 3.911 trường tự tổ chức nấu ăn, còn lại ký hợp đồng với các nhà thầu cung cấp dịch vụ ăn uống.
Từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố tổ chức 900 đoàn thanh tra, kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm của 4.493 bếp ăn tập thể trường học và khu công nghiệp. Qua đó, các đoàn kiểm tra đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 10 cơ sở với số tiền 132 triệu đồng.
Để bảo vệ sức khỏe của học sinh, ngoài việc kiểm tra điều kiện thực tế tại các bếp ăn bán trú, thành phố Hà Nội còn đặc biệt quan tâm đến việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm được đưa vào chế biến các bữa ăn tại bếp ăn của các trường học. Trong tháng 10, Đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn bán trú của Trường Tiểu học xã Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ). Trung bình mỗi ngày, tại đây có 450 học sinh ăn bán trú. Kiểm tra các suất ăn cung cấp cho học sinh và qua thực đơn, đoàn kiểm tra tiếp tục truy xuất tại đơn vị cung ứng suất ăn cho nhà trường. Qua kiểm tra trên thực tế tại cơ sở cung ứng suất ăn, đoàn kiểm tra đã phát hiện không ít tồn tại, như: Bếp ăn của cơ sở chưa bảo đảm quy trình một chiều, không có lưới chống côn trùng…
Hiện tại, 63/63 trường công lập thuộc quận Long Biên có bếp ăn tập thể triển khai mô hình “Nâng cao năng lực tự quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học”. Theo đó, các trường đã thành lập và duy trì hoạt động của Tổ tự giám sát an toàn thực phẩm, có phân công nhiệm vụ cho từng thành viên để kiểm tra, giám sát nguồn gốc và chất lượng thực phẩm được đưa vào bếp ăn tập thể trường học. Đồng thời, các trường phải thực hiện việc công khai nguồn gốc, nguyên liệu thực phẩm và bản cam kết an toàn thực phẩm.
Tại Trường Tiểu học Gia Thụy (quận Long Biên) có 1.700 học sinh ăn bán trú/ngày cho thấy, nhà trường và cơ quan chuyên môn luôn sát sao trong quá trình nấu ăn, truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Bếp ăn cung cấp các suất ăn cho học sinh đã tuân thủ các quy định về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, như: Bố trí khu vực chế biến bảo đảm nguyên tắc một chiều; có phân khu thức ăn chín - sống riêng biệt; nhân viên chế biến được trang bị đầy đủ khẩu trang, găng tay, mũ; việc lưu mẫu thức ăn, kiểm thực 3 bước được thực hiện đúng quy định… Ngoài ra, nhà trường cũng đã xuất trình đầy đủ hồ sơ pháp lý, các giấy tờ chứng minh nguồn gốc thực phẩm.
Trước mỗi năm học mới, cơ quan chức năng của quận Long Biên cũng đã tổ chức rà soát các đơn vị cung cấp thực phẩm, lựa chọn các nhà thầu đáp ứng đầy đủ các quy định để tổ chức bếp ăn bán trú cho học sinh, phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tổ chức tập huấn triển khai các biện pháp chuyên môn về an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường học.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong đề nghị các quận, huyện, thị xã cần tăng cường kiểm tra các bếp ăn tập thể, bếp ăn trường học theo phân cấp vì với số lượng bếp ăn tập thể khá lớn trên địa bàn thành phố.
Qua kiểm tra, giám sát tại các nhà trường, cơ quan chức năng ở địa phương nếu phát hiện các vi phạm, không chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm, có thể yêu cầu nhà cung cấp dừng ngay việc cung ứng thực phẩm, suất ăn đối với bếp ăn tập thể, bếp ăn trường học đó.
Còn với nhà trường và ban giám hiệu nhà trường phải bảo đảm những thực phẩm được đưa vào bếp ăn trường học đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; đơn vị cung cấp phải chấp hành đầy đủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm.
An Hạ (T/h)
0 nhận xét