Thứ tư, 09/11/2022 12:06 (GMT+7)
-Thế giới của các ông bố, bà mẹ bây giờ không chỉ là những đứa trẻ. Thế giới ấy thu gọn trong chiếc điện thoại di động cầm tay với đủ các chức năng và nguồn thông tin vô cùng phong phú
Nghe thì có vẻ vô lý, nhưng thực tế việc trẻ nhỏ đang bị cô đơn đến tột cùng khi ở trong chính ngôi nhà của mình cùng với cha mẹ đang là vấn đề đáng báo động. Cuộc sống xã hội phát triển, thời đại công nghệ thông tin bùng nổ đã thu hẹp khoảng cách giữa con người với con người trên khắp thế giới lại thật gần. Nhưng nó lại vô tình đẩy trẻ em vào một thế giới khác rất xa vòng tay cha mẹ, tạo ra những khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình. Vì đâu nên nỗi ?
Mỗi người một thế giới riêng
Thế giới của các ông bố, bà mẹ bây giờ không chỉ là những đứa trẻ. Thế giới ấy thu gọn trong chiếc điện thoại di động cầm tay với đủ các chức năng và nguồn thông tin vô cùng phong phú. Từ đó, người ta có thể thoả mãn mọi nhu cầu, từ học tập nâng cao trình độ, giải quyết công việc cho đến giao lưu bạn bè, giải trí, bán hàng… Chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng như có một thứ ma thuật mà cả ngày con người sử dụng không bao giờ thấy chán. Sau giờ cơm tối, thay bằng việc cùng con học tập, ôn bài và trò chuyện, vợ chồng anh Trung, chị Nguyệt nhanh nhanh chóng chóng lên phòng, mỗi người áp mặt vào một chiếc điện thoại chẳng ai nói với ai. Họ không cãi nhau, cũng không hờn dỗi. Đơn giản chỉ là 2 người quay lưng vào nhau, mà mỗi người chìm vào một thế giới.
Khoảng cách không gian của họ chỉ chừng 20cm, nhưng khoảng cách giữa hai tâm hồn đã thì không thể nào đo nổi. Những đứa con của anh chị trở nên thừa thãi, chúng chẳng thể nào tìm cách gì để có thể gây sự chú ý từ chính bố mẹ mình. Sau những lần gọi bị cáu, bị quát và trả lời qua loa đại khái của bố mẹ, lâu dần chúng cũng thành quen.
Để không bị các con thỉnh thoảng lại gọi, hỏi, làm phiền cắt đứt mạch công việc trong thế giới riêng ấy, anh Trung chị Nguyệt cũng sắm cho mỗi đứa con một chiếc điện thoại cũ. Kể từ đó, mỗi người đều có thể tự do với “thế giới” của mình.
Thương cho những đứa trẻ
Dù biết rằng bố mẹ rất bận, nhưng chúng không thể không được quan tâm. Nhiều lần bị bố mẹ phớt lờ những nhu cầu tình cảm, cậu bé Tít đã tự cào rách tay mình rồi lăn đùng giãy giụa trước sân ăn vạ. Những tưởng bố mẹ sẽ bỏ điện thoại ra khỏi tay để chạy đến dỗ dành, nào ngờ cậu ăn ngay một trận đòn nhừ tử. Thất vọng và bất lực, Tít không biết phải làm sao. Cậu bé 7 tuổi đã ước mơ mình được trở thành chiếc điện thoại để được bố mẹ quan tâm, để ý mỗi ngày. Tâm lý hụt hẫng đó không chỉ xảy ra với một mình bé Tít. Hà Mi – cô bé 5 tuổi mếu máo hoảng hồn chạy về nhà với vết trợt xước da và cái quần rách gối. Em còn chưa hoàn hồn bởi tung tăng chơi ngoài ngõ bị một chú chó hung giữ đuổi theo. Tưởng đâu vẻ mặt sợ sệt cùng vết thương chảy máu ấy được bố mẹ chạy ra vỗ về an ủi, nào ngờ bố đủn mẹ, mẹ đủn bố không ai muốn dừng lại vì họ đang đánh giở một ván cờ đến đoạn gay cấn trên điện thoại thông minh.
Cùng chung cảnh ngộ, chị Thoa không khỏi bực dọc khi đang nấu ăn, dọn dẹp mà đứa con một tuổi khóc nhẹo nhệch vì có dấu hiệu tè dầm. Một tay còn đầy dầu rửa bát đang giữ thằng lớn đánh đu níu sườn đòi mẹ bế, một tay bồng con nhỏ vừa tè ướt hết chiếu chăn. Tối mùa đông lạnh cắt da cắt thịt, để con bị ướt lâu thì thương, mà gọi ông chồng hỗ trợ pha cho chậu nước ấm kịp rửa ráy thay đồ cho con mà nhất định ổng bắt đợi vì đang xem nốt trận đá bóng trên ti vi.
Cực chẳng đã, chị ném tọt đống bát đĩa ra vườn, âm thanh loảng xoảng kêu thật to với ước mong giá ông chồng tức giận, chạy ra đấu khẩu có lẽ vẫn hơn sự vô cảm, dồn hết cả sự chú ý vào chiếc vô tuyến lạnh lùng.
Sau 6 tháng ở nhà nghỉ thai sản, chị Tâm phát hiện đứa con gái lớn mắt mờ, đi khám mới biết cháu bị cận và loạn thị nặng. Thì ra, suốt thời gian bận rộn với đứa con mới đẻ, chị đã bất đắc dĩ “quẳng” cho con cái điện thoại để con ngồi im cho mẹ trông em. Cám cảnh đứa lớn gào khóc, đứa nhỏ bỉm sữa quay cuồng không người hỗ trợ, chị đành chuyển điện thoại cho con lớn như một giải pháp nhờ người trông trẻ. Con trở nên ngoan và chỉ ngồi một chỗ, chị tha hồ làm mọi việc chăm em. Chỉ đến khi thấy con bé đờ đẫn, mắt cứ bám sát điện thoại dần mới giật mình. Giọt nước mắt ân hận muộn màng khi nhìn ánh mắt thơ ngây vô tội của con phải che đi bằng lớp kính nặng nề dày cộp.
Uớc mơ giản dị của những đứa trẻ bị bỏ rơi cảm xúc
Ngồi bên chiếc hộp giấy vuông vắn nhỏ xinh có chứa những “điều em muốn nói”, cô giáo Thương đã lần lượt nâng niu, cẩn thận mở từng mẩu giấy bên trong. Bàn tay cô nâng đỡ, gấp, mở rất cẩn thận nhẹ nhàng dường như chỉ sợ con gió lạ vô tình tạt qua thổi bay mất các giấc mơ bé nhỏ, hoặc sợ sự bất cẩn của mình làm rách vụn những tâm tư.
Nụ cười cô nở thật tươi trước những lời của học trò chân, thành giản dị: “Cô ơi! Sao cô hiền thế? Sao cô không đánh chúng em…?” Và rồi, cũng chính gương mặt ấy mắt ướt long lanh, cô bối rối và giật mình, thương các học trò nhiều lắm! “Đi làm về đến nhà là bố em chỉ nghịch điện thoại chứ chẳng hỏi han gì đến em, nếu bất chợt có chuông điện thoại reo, bố mẹ sẽ lập tức nghe máy nhưng lúc em hỏi bài hay có việc gì quan trọng muốn nói thì bố mẹ không quan tâm. Em muốn được bố em dạy học”.
“Bố mẹ em chỉ thích chơi trò chơi trên điện thoại di động chứ không muốn chơi cùng em. Em chỉ muốn mình cũng là chiếc điện thoại” .
"Em muốn bố mẹ em cùng đánh cầu, đá bóng mỗi khi em tan học về, muốn bố chơi với em những lúc nào rảnh rỗi".
“Có một hôm nhà em bị mất điện, bố mẹ em không mở được máy tính nên cả nhà em cùng quây quần ăn cơm tối và trò chuyện. Em ước ngày nào cũng mất điện”.
Những điều tưởng chừng như hiển nhiên phải có lại trở thành ước mơ với các học trò của cô lúc này. Chúng quá ngây thơ, nhưng thực sự chúng luôn biết và cảm nhận được, sự vô cảm của cha mẹ đã đẩy con cái đến những cảm xúc tiêu cực bất thường.
Chợt nhớ đến câu chuyện của câu bé nọ: “Chuyện kể về người cha không có thời gian chơi với con. Cậu bé hỏi: Bố được trả bao nhiêu tiền cho một giờ làm việc? Và sau đó, đứa con đã tìm mọi cách tiết kiệm tiền, thậm chí vay thêm, để có đủ 20 đô mua 1 giờ rảnh rỗi của bố”.
Bần thần liên tưởng tới câu chuyện của cậu bé nọ, cô Thương thoáng lướt facebook và bắt gặp dòng trạng thái đầy bất lực của cô em chồng: “Cần thuê người đóng vai làm bố đưa các con em đi chơi, lương thoả thuận, có thưởng nếu làm tốt! Vì chồng em quá bận rộn với các cuộc hẹn bạn bè, anh em, đối tác… mà về nghỉ lễ một tuần em vẫn chưa thấy mặt chồng đâu. Các con em cứ tị các bạn được bố đưa đi chơi, du lịch, về quê… nó bảo không cần học hành cho giỏi làm gì, chỉ thích ra công trường của bố để lái xe rùa vì như thế sẽ được ở cùng với bố”
Trẻ em mà! Chúng khát khao được ôm ấp, nâng niu, được quan tâm chơi đùa cùng bố mẹ mỗi ngày và thấy cuộc đời thật hạnh phúc. Ngược lại, sự thờ ơ vô cảm quá mức của cha mẹ khiến đứa trẻ thấy vô lý và quá khó hiểu. Chúng không biết mình đã làm gì mà không thể được bố mẹ quan tâm. Gào khóc, giãy giụa, tỏ ra rất đau, hay thậm chí cố tình phạm tội… cách làm đó khiến chúng bị tổn thương mà sao vẫn không đánh thức nổi sự quan tâm chú ý của những đấng sinh thành.
Hồi chuông báo động đến các bậc cha mẹ
Sự thiếu tương tác cảm xúc của các thành viên trong gia đình đã khiến nhiều đứa trẻ đang tuổi hồn nhiên trở nên lì lợm, ương bướng, thậm chí có nhiều trẻ mắc chứng tự kỷ. Bằng mọi cách gây sự chú ý của cha mẹ, nhiều đứa trẻ đã chuyển từ sự khó chịu ban đầu sang các hành động nghiêm trọng hơn như: Tự làm mình tổn thương, đánh nhau, bỏ học.
Vì không thể chia sẻ được với bố mẹ, nhiều trẻ đã tìm đến các tệ nạn ma tuý, mại dâm, hay tự tử như một sự giải toả tâm lý thất vọng, bất lực… gây hậu quả đáng tiếc. Cũng có nhiều trường hợp, việc thiếu tương tác cảm xúc đã khiến cho nhiều trẻ em thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc, dễ dàng nổi nóng, tức giận, gây ra các vấn đề bạo lực học đường, hoặc các hành vi xâm phạm thân thể, tính mạng người khác. Gióng lên hồi chuông đáng báo động sau các vụ việc liên quan đến phạm tội của trẻ vị thành niên, hoặc những biểu hiện rối nhiễu tâm lý tuổi học trò.
Một đứa trẻ được sống trong sự yêu thương, quan tâm sẽ hình thành đạo đức và nhân cách tốt. Các bậc cha mẹ hãy dành thời gian cho con hàng ngày để lắng nghe, chia sẻ và cùng con khôn lớn. Mỗi ngày dành cho con khoảng thời gian nhất định sau bữa ăn, hoặc bất cứ khi nào rảnh rỗi để làm bạn cùng con. Quan tâm và thấu hiểu những nhu cầu của trẻ. Thay bằng việc lăm lăm trong tay màn hình điện thoại, hãy dành thời gian chơi với con, và nhất định phải làm gương nếu muốn các con hạn chế dùng tivi, điện thoại.
Cuộc họp phụ huynh đầu năm trở nên trầm lặng sau khi cô Thương trao tận tay cho gia đình những bức thư “Điều em muốn nói”. Nhờ đọc được tâm tư của con mình mà nhiều người làm cha mẹ giật mình, thấy thương con và tự trách bản thân.
Vẫn biết vậy, mà nhịp sống quay cuồng, sự hấp dẫn của internet khó lòng tránh khỏi. Thật sự may mắn vì các con dám mạnh dạn nói ra kịp thời để bố mẹ có cơ hội sửa sai. Việc “cai điện thoại” không hề dễ. Nhưng vì quyết tâm không để con mình biến thành “khuyết tật tâm hồn” nên nhiều người đã kịp thức tỉnh.
Gió lạnh đầu mùa thổi ùm ùm trên gác nhỏ, cô Thương chợt mỉm cười khi trước mắt mình hiện lên dòng trạng thái dễ thương “gấu đã có, gió cứ về” – kèm theo đó là tấm ảnh cô em chồng cuộn tròn bên đống chăn ấm áp, ánh mắt lấp lánh nhìn chồng mở quyển truyện cổ tích đọc cho con nghe trước giờ đi ngủ.
Một chút thời gian mỗi ngày thôi mà gắn kết biết chừng nào!
0 nhận xét