Thứ bảy, 05/11/2022 11:16 (GMT+7)
-Đến nay, Bắc Kạn có 155 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên, trong đó có một sản phẩm 5 sao quốc gia, 11 sản phẩm 4 sao, 143 sản phẩm 3 sao cấp tỉnh.
Nhờ thực hiện Đề án OCOP, từ năm 2018 đến nay, sản xuất nông nghiệp hàng hóa của tỉnh Bắc Kạn đã có những chuyển biến tích cực, đã thực sự chuyển đổi tư duy từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa.
Đến nay, Bắc Kạn có 155 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên, trong đó có một sản phẩm 5 sao quốc gia, 11 sản phẩm 4 sao, 143 sản phẩm 3 sao cấp tỉnh. Nhiều năm liền, Bắc Kạn đứng thứ hai cả nước (sau Quảng Ninh) về số lượng sản phẩm OCOP. Điển hình như Hợp tác xã Tài Hoan, huyện Na Rì, doanh thu năm 2021 đạt 21 tỷ đồng, tạo việc làm cho 20 lao động chính thức và 500 thành viên liên kết; sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Mới nhất, trong tháng 10, Hợp tác xã Thanh Tâm, huyện Chợ Đồn đã xuất khẩu lô sản phẩm rượu OCOP 3 sao đầu tiên sang thị trường Nhật Bản.
Sự dẫn đường từ Chương trình OCOP đã mang lại những khởi sắc cho xây dựng nông thôn mới khi thu nhập của chủ thể chính là người dân từng bước ổn định và nâng cao. Phần lớn các hợp tác xã tại Bắc Kạn đã có một hoặc nhiều sản phẩm OCOP, được tiêu thụ rộng rãi trên cả nước và xuất khẩu.
Đáng mừng nhất là sau khi thực hiện Đề án OCOP, nhiều sản phẩm hàng hóa đã trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng như: Miến dong, tinh bột nghệ... Một số sản phẩm đã được ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tạo ra các dòng sản phẩm giá trị cao như: Trịnh Năng gừng, Trịnh Năng Curcumin, Vicumax - Nano curcumn, 15 sản phẩm tham gia OCOP sản xuất theo chuỗi giá trị. 100% các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP có bao bì hoàn chỉnh, phù hợp, tiện dùng, đáp ứng các quy định của Nhà nước về nhãn hàng hóa có thể lưu thông ngoài thị trường...
Để thực hiện được những kết quả như vậy, Tỉnh Bắc Kạn đã ban hành chỉ đạo thực hiện đề án: “Mỗi xã, phường một sản phẩm giai đoạn 2018-2020”. Hơn 1.000 buổi tuyên truyền, 90 hội nghị tập huấn, 2.000 cuốn Sổ tay thành lập và hoạt động Hợp tác xã; 2.100 Sổ tay chính sách Hợp tác xã; 11.300 cuốn tài liệu giới thiệu chủ trương, chính sách của Đảng về kinh tế tập thể; 8.000 tờ gấp tuyên truyền... đã giúp nông dân hiểu rõ về đề án.
Bắc Kạn tổ chức dạy nghề cho hơn 6.840 lao động nông thôn; trong đó, nhiều lao động là thành viên các hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia đề án OCOP. Giai đoạn 2018-2020, tỉnh có 41 dự án nâng cao năng lực sản xuất cho các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP. Tỉnh đầu tư hơn 84 tỷ đồng từ nhiều chương trình để phát triển sản phẩm OCOP, trong đó, hỗ trợ chủ thể tham gia đề án hơn 34 tỷ đồng.
Khi thực hiện OCOP, Bắc Kạn đã tập trung nghiên cứu phát triển, hoàn thiện sản phẩm, xây dựng mẫu mã, tiêu chuẩn chất lượng, tổ chức sản xuất và xúc tiến thương mại. Các sản phẩm được lựa chọn phát triển đa dạng từ đồ uống, thảo dược, vải may mặc đến đồ lưu niệm, nội thất, trang trí, sản phẩm du lịch nông thôn... Khi triển khai, đã có rất nhiều chủ thể tham gia sản xuất như: Hợp tác xã, tổ hợp tác, công ty TNHH, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, hộ sản xuất, kinh doanh... Để bảo đảm chương trình đạt hiệu quả, hằng năm, tỉnh đều tổ chức sơ kết, đánh giá những kết quả phát triển và thương mại hóa sản phẩm, từ đó phân hạng để có giải pháp hỗ trợ xúc tiến thương mại hoặc cải tiến sản phẩm cho phù hợp.
Bắc Kạn đã triển khai nhiều hợp phần, trong đó các hợp phần quan trọng là hình thành và tái cơ cấu các tổ chức kinh tế tại cộng đồng, dưới dạng hợp tác xã và doanh nghiệp; nghiên cứu và phát triển sản phẩm; xúc tiến thương mại và đào tạo nguồn nhân lực tại cộng đồng tham gia OCOP. Nhà nước đóng vai trò tạo sân chơi, hỗ trợ chính sách, thông tin thị trường và xúc tiến thương mại.
Phát huy những kết quả đạt được, hiện nay, tỉnh Bắc Kạn đang tiến hành xây dựng Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” tỉnh Bắc Kạn (OCOP) giai đoạn 2021-2025 để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm thế mạnh của địa phương.
0 nhận xét