Thứ hai, 31/10/2022 17:18 (GMT+7)
-Ngày ấy - những năm 80 của thế kỷ trước - đêm Hà Nội vui mà không ồn ào, thanh đạm mà không tẻ nhạt.
Văn hoá nói chung của người Việt mình, của người thủ đô thì đã có quá nhiều người bàn. Ở đây chỉ xin khoanh lại một khoảng thời gian về đêm. Có lẽ đã qua lâu rồi những ban đêm Hà Nội thật thơ mộng, êm đềm và tao nhã.
Ngày ấy - những năm 80 của thế kỷ trước - đêm Hà Nội vui mà không ồn ào, thanh đạm mà không tẻ nhạt. Những cặp tình nhân đèo nhau bằng xe đạp hoặc dạo bộ trên những nẻo phố khuya; những công nhân vào ca đêm, những nhân viên quét rác ban đêm để tránh bụi vào ban ngày. Khi đó, cơ quan của họ gọi là Công ty Vệ sinh. Sau này mới đổi thành Công ty Môi trường đô thị. Cái tên trước nghe nôm na, dễ hiểu. Cái tên sau quả là hay hơn, có vẻ khoa học hơn.
Vậy nên khi máy bay giặc Mỹ oanh tạc Hà Nội vào những năm tháng khốc liệt nhất khiến người dân thủ đô phải đi sơ tán, nhà thơ Tố Hữu mới có hai câu thơ thật hay: “Đường sấu lâu rồi im tiếng guốc. Xuân về táo rụng, nhớđàn em”. Và ông cũng có bài thơ rất nổi tiếng giành cho những người làm nghề quét rác có tên Tiếng chổi tre, một thời được đưa vào sách giáo khoa môn văn ở trường phổ thông.
Đêm Hà Nội ngày trước, người ta đi xem xi-nê, sân khấu ở các rạp ra về, ngót bụng, tạt vào quán hoặc ăn phở gánh rong trên đường. Thú vị sao những gánh phở như thế này. Có khi đêm đã về khuya, tới gần 24 giờ, vẫn văng vẳng tiếng rao: “- Phở!” Nhưng vì phải rao to mà thành tiếng “Phớ”.
Ngày ấy, những cái tên rạp chiếu bóng như Tháng 8 (một thời gọi là Ma-zet-tich), Kinh Đô, Bắc Đô, Mê Linh, Long Biên, Đại Đồng, Thái Bình Dương, Kim Đồng và rạp hát như Kim Phụng, Chuông Vàng, Kim Lan (một thời gọi là Lạc Việt) đêm nào cũng đông khán giả. Rồi các đoàn kịch Trung ương, Hà Nội luôn sáng đèn.
Tại nhà hát lớn, hầu như đêm nào cũng hoạt động, không đơn ca độc tấu thì diễn kịch. Người ta phải xếp hàng nhiều giờ mới mua được tấm vé vào xem. Trong rạp, nhà hát, im phăng phắc, chỉ nghe thấy tiếng cười rộ, vỗ tay hoặc tiếng khóc sụt sịt nơi khán phòng của người thưởng thức ứng với nội dung vở diễn. Không có việc nhai kẹo cao su, tí tách cắn hạt dưa, hạt bí hoặc bất cứ hành vi khiếm nhã nào.
Đường phố vừa đủ ánh sáng để nhìn thấy mọi thứ. Cũng vì khi trước, điện chưa dồi dào như bây giờ và việc kinh doanh cũng chưa “hoành tráng” để các cửa hiệu phải bật đèn sáng trưng.
Công viên chỉ có các cặp uyên ương tình tự và người già đi hóng mát. Luôn có người đeo băng đỏ để giữ gìn an ninh. Thấy những hiện tượng chướng tai gai mắt hoặc hành vi xâm hại hoa, cỏ, cây xanh, họ liền tuýt còi, ngăn cản. Khi ấy, ban đêm vào công viên, người ta không có nỗi lo sợ, bởi không có nạn trấn lột, xin đểu, mại dâm, tiêm chích ma túy của những kẻ nghiện.
Hiện tại, đêm Hà Nội sao đây? Rất dễ nhận thấy: Luôn thừa sự ồn ào, huyên náo, thậm chí là nhộn nhạo, bát nháo mà thiếu sự thanh lịch, thú vị thực sự. Các quán nhậu ăn uống quá nhiều, gần như hoạt động thâu đêm, nhất là ở các khu vực gần ga, bến xe, bệnh viện.
Sân khấu, chiếu phim và mọi hoạt động nghệ thuật khác thưa thớt, nhường chỗ cho ka-ra-ô-kê, vũ trường. Có nhiều khu vực, tiếng ồn không bao giờ ngừng. Đã xa rồi cái thời tối tối “em vẫn đạp xe trên phố, anh vẫn tìm âm thanh mới”.
Vỉa hè và cả một phần lòng đường bị lấn chiếm, còn đâu để các lứa đôi dạo bộ? Đêm không bao giờ tịch mịch, yên ắng nữa mà hối hả chẳng kém bất cứ lúc nào. Đến tới 2-3 giờ sáng, vẫn nhiều sự lộn xộn. Ca-ve rời các vũ trường, quán bar, dân nhậu vẫn nhồm nhoàm vừa uống, vừa chửi thề, nói tục.
Ấy là chưa kể đám thanh niên choai choai, tóc nhuộm đủ màu, thỉnh thoảng đua xe gây nên những tiếng động kinh hoàng. Dẫu các lực lượng chức năng đã cố gắng hết mình để giữ bình yên cho cuộc sống, song người dân vẫn luôn thấy sự bất an luôn rình rập.
Dẫu biết ngày nay đã khác nhiều. Toàn xã hội đang phát triển theo hướng hiện đại. Mọi sự không thể như trước. Dân số cũng tăng gấp bội. Thủ đô lại chứa đựng nhiều người dân ở mọi miền đất nước đến làm ăn, sinh sống. Người đông ắt là phát sinh nhiều phức tạp.
Thời kinh tế thị trường phải khác thời bao cấp. Ta mở cửa cho thế giới vào hợp tác, đầu tư làm ăn. Đó là một chủ trương đúng đắn để đất nước và thủ đô phát triển. Đã mở cửa thì ngoài ánh sáng, dĩ nhiên phải có cả bụi bẩn lọt vào nhà. Không thể nhấm nháp quá khứ để dẫm chân tại chỗ, tụt hậu so với khu vực và thế giới.
Nhưng lẽ nào vì vậy mà kéo lùi những giá trị văn hoá tinh thần mà ở đây, chỉ nói trong phạm vi những ban đêm? Không thể không ghi nhận rất nhiều nỗ lực, cố gắng của các cơ quan chức năng trong việc duy trì trật tự, an ninh thủ đô. Không thể không thấy rõ nhiều sự phát triển mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực của đời sống người Hà Nội trong những năm qua.
Song, cũng không thể không bận tâm tới những ban đêm còn chưa được văn hóa để xứng với đất ngàn năm văn vật, từng có những truyền thống rất tốt đẹp hàng bao đời. Việc nới rộng giờ hoạt động ban đêm đến 2 giờ sáng cho các nhà hàng gần đây của Hà Nội là cần thiết, góp phần phát triển du lịch của thủ đô.
Tuy nhiên rất dễ đóng góp vào sự lộn xộn nếu không có biện pháp quản lý trật tự chặt chẽ để văn hóa đêm luôn được duy trì, phát huy hết mọi đặc điểm thú vị riêng./.
0 nhận xét