Thứ tư, 07/09/2022 09:18 (GMT+7)
-Có một nghịch lý: Nơi người dân cần nước sạch chưa có để dùng, địa phương được đầu tư công trình cấp nước tiêu chuẩn lại không phát huy hiệu quả.
Nước sạch, nguồn tài nguyên có hạn và đang có nguy cơ giảm sút trầm trọng do chính những hoạt động thiếu ý thức của con người. Việc quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn nước không chỉ là việc làm đem lại lợi ích cho mỗi gia đình, mà quan trọng hơn là góp phần làm chậm quá trình suy kiệt trữ lượng và chất lượng nguồn tài nguyên quý giá này.
Theo khuyến cáo của các ngành chức năng, mỗi người dân chỉ cần có những hành động nhỏ là có thể góp phần vào việc bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Đó là chỉ sử dụng một lượng nước vừa đủ cho vệ sinh cá nhân, cho sinh hoạt hàng ngày. Nếu có thể hãy tái sử dụng lại nước đã qua sử dụng một lần (như nước rửa rau lần cuối, có thể dùng để rửa sơ qua các vật dụng làm bếp trước khi rửa lại bằng nước sạch).
Tuy nhiên, có một nghịch lý: Nơi người dân cần nước sạch chưa có để dùng, địa phương được đầu tư công trình cấp nước tiêu chuẩn lại không phát huy hiệu quả. Hệ quả là tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đứng thứ 11/11 các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng (tính đến hết 31/12/2021). Kết quả này chưa tương xứng với một tỉnh phát triển như Vĩnh Phúc, đòi hỏi cần có các giải pháp đồng bộ để nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.
Tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch thấp
Trong bối cảnh gia tăng dân số, KT-XH phát triển kéo theo hàng loạt các vấn đề cần được quan tâm, trong đó, nước sạch, nhu cầu thiết yếu của cuộc sống càng trở lên bức thiết. Người dân ở vùng đô thị Vĩnh Yên, Phúc Yên có hệ thống nước máy cung cấp; trong khi ở vùng nông thôn, nhiều địa phương vẫn chưa được sử dụng nước sạch mà phải chấp nhận sử dụng nguồn nước chưa được xử lý an toàn!
Gần 188 nghìn/226 nghìn hộ dân nông thôn chưa được sử dụng nước sạch!
Theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, từ năm 2013-2018, toàn tỉnh đã đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác vận hành 5 công trình cấp nước sạch sinh hoạt tập trung từ chương trình Nước sạch và Vệ sinh nông thôn (NS&VSNT) bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) tại 20 xã, thị trấn của 3 huyện: Lập Thạch, Yên Lạc và Vĩnh Tường. Giai đoạn 2006- 2021, Ban Dân tộc tỉnh làm chủ đầu tư 32 công trình nước sạch theo Chương trình 134 của Chính phủ về hỗ trợ nước sinh hoạt cho đồng bào miền núi.
Hiện, toàn tỉnh có 57 công trình, nhà máy cung cấp nước sạch tập trung, với tổng công suất thiết kế gần 163 nghìn m3/ngày.đêm; tuy nhiên, công suất khai thác thực tế mới đạt 64,05%, riêng vùng nông thôn đạt gần 46% công suất thiết kế. Điều đó cho thấy, số hộ dân được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung vẫn thấp!
Theo số liệu của UBND tỉnh Vĩnh Phúc trong báo cáo đánh giá kết quả thực hiện việc quản lý, cung cấp và sử dụng nước sạch trên địa bàn tỉnh mới đây, đến hết 31/12/2021, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có gần 188 nghìn/226 nghìn hộ gia đình nông dân chưa được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung.
Theo “Bộ chỉ số theo dõi - đánh giá nước sạch nông thôn” năm 2021, tính đến hết 31/12/2021, Vĩnh Phúc có 105 xã, với tổng số 226.125 hộ dân nông thôn, số hộ dân được sử dụng nước sạch đạt “Quy chuẩn Việt Nam” mới đạt 66,09 %, tăng 5,53% so với năm 2019, nhưng tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung chỉ đạt 17,18% tương ứng với 38.847 hộ. Trong đó 3 huyện Sông Lô, Lập Thạch, Bình Xuyên tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt dưới 10%.
So sánh với các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng, tính đến 31/12/2021, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung tại Thái Bình là 100%, Hải Phòng 99,7%, Hải Dương 99,22%, Hà Nam 68%, Nam Định 67,7%, Bắc Ninh 64,81%, Ninh Bình 63%, Hưng Yên 54,09%, Quảng Ninh 50,74%, Hà Nội 48% và Vĩnh Phúc là 17,18%.
Như vậy, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung của Vĩnh Phúc thấp nhất.
Không chỉ nghịch lý nước sạch nông thôn, mà còn nghịch lý cả cấp nước sạch đô thị. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 7 đô thị loại 5 đã có công trình cấp nước tập trung, nhưng tỷ lệ bao phủ dịch vụ cũng rất thấp! Ở thị trấn Đại Đình (huyện Tam Đảo) tỷ lệ dân cư sử dụng nước sạch chỉ đạt 3,5%, thị trấn Yên Lạc (huyện Yên Lạc) chỉ đạt 5,68%, thậm trí ở các thị trấn: Gia Khánh (Bình Xuyên), Hợp Châu (Tam Đảo) còn chưa có công trình cấp nước tập trung.
26/41 công trình cấp nước tập trung không hoạt động
Căn cứ vào Quyết định số 716/2022 của UBND tỉnh về chỉ số hoạt động bền vững của công trình cấp nước tập trung thì trong số 41 công trình chỉ có 10 công trình hoạt động bền vững, chiếm 24,39%; 2 công trình hoạt động tương đối bền vững, chiếm 4,88%; 3 công trình hoạt động kém bền vững, chiếm 7,32% và có 26 công trình không hoạt động, chiếm 63,41%. Đây là một sự lãng phí tài sản của Nhà nước không nhỏ!
Có một nghịch lý nữa, đó là có những nơi đã được đầu tư công trình cung cấp nước sạch nhưng tỷ lệ hộ dân đấu nối, sử dụng nước lại rất thấp. Như tại công trình cấp nước tập trung thị trấn Yên Lạc có công suất 2.500m3/ngày đêm, hoàn thành từ năm 2007, nhưng khai thác chỉ đạt 160m3/ngày đêm, tỷ lệ dân cư sử dụng nước sạch mới đạt 5,68%...
Năm 2009, Công ty cổ phần Cấp thoát nước số 1 Vĩnh Phúc tiếp nhận Nhà máy nước Yên Lạc từ UBND huyện Yên Lạc và đầu tư hàng tỷ đồng sửa chữa, cải tạo máy móc, bể chứa, lắp đặt hệ thống lắng, lọc, đường ống dẫn nước được đấu nối tới tận từng nhà dân...
Theo công suất thiết kế, Nhà máy đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho toàn bộ các hộ dân của thị trấn Yên Lạc (hơn 3.000 hộ) và một số hộ dân của xã Tam Hồng, Trung Nguyên (Yên Lạc); nhưng khi đi vào hoạt động, khai thác (năm 2010) thì chỉ có hơn 300 hộ dân tại thị trấn đăng ký sử dụng nước sạch.
Trong khi đó, dân cư một số xã gần kề như Yên Phương, Văn Tiến, Nguyệt Đức có nhu cầu cấp thiết sử dụng nước sạch lại chưa có công trình nước sạch.
Bà Nguyễn Thị Phúc, Trưởng thôn Tiên Đài, xã Văn Tiến, huyện Yên Lạc cho biết: “Người dân ở thôn chủ yếu sử dụng nước giếng khoan phục vụ sinh hoạt gia đình. Tuy nhiên, nguồn nước ngầm ngày càng bị ô nhiễm do chất thải sinh hoạt và chăn nuôi. Vì vậy, chúng tôi rất mong tỉnh, huyện quan tâm đầu tư công trình cấp nước tập trung để người dân Văn Tiến được sử dụng nước sạch”.
Để khuyến khích, đầu tư cho nước sạch nông thôn, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 19/2020 về chính sách hỗ trợ đầu tư dự án cung cấp nước sạch và hỗ trợ giá nước sạch cho vùng nông thôn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, việc triển khai còn chậm, chưa kịp thời. Một số dự án đầu tư với quy mô, công suất lớn bằng nguồn vốn doanh nghiệp (DN) nhưng chưa hoặc chậm triển khai như nhà máy nước Phúc Bình và nhà máy nước cấp cho địa bàn huyện Tam Đảo và Lập Thạch.
Việc đầu tư công trình cung cấp nước tập trung tại nông thôn, một số xã miền núi chưa hiệu quả. Ban Dân tộc tỉnh được giao làm chủ đầu tư 32 công trình theo chương trình 134 đã bàn giao được 30 công trình. Trong đó 23/30 công trình đã bàn giao nhưng không hoạt động. Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư 15 công trình, có 1 công trình hoạt động chưa hiệu quả và 2 công trình không hoạt động…
Nhìn tổng thể bức tranh cung cấp và sử dụng nước sạch rõ ràng là có quá nhiều nghịch lý. Vấn đề đặt ra là trách nhiệm của các cấp, các ngành ở đâu để xảy ra tình trạng đó? Cần phải có các giải pháp tháo gỡ! Đây là đòi hỏi bức thiết của nhân dân khi mà chất lượng nguồn nước mặt và ngầm đang suy giảm...
0 nhận xét