Thứ ba, 06/09/2022 15:18 (GMT+7)
-Sáng 6.9, tại Trung tâm hội nghị quốc tế Bái Đính, tỉnh Nình Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới
Tham dự Lễ kỷ niệm có: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc...
Về phía khách mời quốc tế có: Tổng Giám đốc Tổ chức UNESCO Audrey Azoulay; Ban Thư ký UNESCO, Lãnh đạo Trung tâm di sản thế giới, Hội đồng Di tích và di chỉ quốc tế, Hội đồng bảo tàng quốc tế; Đại sứ các nước có cơ quan đại diện tại Việt Nam đang là thành viên Ủy ban Di sản Thế giới và các tổ chức quốc tế, trung tâm văn hoá nước ngoài tại Việt Nam; Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam...
Phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh,Công ước 1972 có thể xem như là "hòn đá tảng", đặt nền móng vững chắc cho công tác bảo vệ di sản, là Công ước quốc tế duy nhất kết hợp giữa việc bảo vệ di sản văn hóa và di sản thiên nhiên, có ảnh hưởng sâu rộng, được các quốc gia thành viên nghiên cứu áp dụng trong việc bảo vệ và quản lý di sản thế giới.
Là thành viên của Tổ chức UNESCO từ năm 1976, chính thức phê chuẩn tham gia Công ước 1972 từ ngày 19.10.1987, 35 năm qua, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh gia là thành viên có trách nhiệm, uy tín, luôn thực hiện tốt các quy định của Công ước.
Với nguồn tài nguyên văn hóa đồ sộ, phong phú, đặc sắc, Việt Nam đã lựa chọn, lập hồ sơ 8 di sản văn hóa, thiên nhiên tiêu biểu và được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Thế giới. Cùng với đó, kể từ khi tham gia Công ước 1972 đến nay, Việt Nam đã 5 lần đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO và là một trong 21 thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2013-2017. Để xứng đáng với sự tin tưởng, bầu chọn của các quốc gia thành viên, những năm qua Việt Nam luôn nỗ lực, đóng góp các kinh nghiệm, sáng kiến nhằm thực hiện sứ mệnh của UNESCO trong việc thúc đẩy công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới trên phạm vi toàn cầu.
Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Di sản văn hóa, Chính phủ ban hành Nghị định quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam tiệm cận với tinh thần của Công ước 1972, Hướng dẫn thực hiện Công ước và mục tiêu Phát triển bền vững của UNESCO, tạo hành lang pháp lý hết sức quan trọng để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các Di sản Thế giới ở Việt Nam. Giai đoạn 2021 - 2025, hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO tiếp tục được củng cố thông qua việc hai bên đã ký Bản ghi nhớ nhằm nâng cao năng lực quản lý và tăng cường mạng lưới các Khu Di sản Thế giới, đảm bảo tính phù hợp và tiếp tục đóng góp cho các chiến lược phát triển quốc gia, cũng như các chiến lược phát triển của địa phương.
Trải qua 35 năm tham gia, thực hiện Công ước 1972, bằng tất cả sự trân quý của mình đối với các di sản nói chung, di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới nói riêng, công tác xây dựng và thực thi các kế hoạch quản lý, quy hoạch và đầu tư, hỗ trợ kinh phí tại các Di sản Thế giới ở Việt Nam luôn được Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương của Việt Nam quan tâm.
Các Di sản Thế giới ở Việt Nam được tu bổ, phục hồi, chống xuống cấp, đồng thời bảo tồn được các giá trị nổi bật toàn cầu, tính xác thực, tính toàn vẹn theo hướng bền vững; bộ máy, nguồn nhân lực quản lý Di sản Thế giới từ Trung ương đến địa phương ngày càng được củng cố, kiện toàn; các nguồn lực để bảo vệ Di sản Thế giới được ưu tiên, huy động tối đa; các Ban/Trung tâm quản lý Di sản Thế giới, các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, doanh nghiệp địa phương cùng tham gia bảo vệ, tu bổ (đóng góp công sức, kinh phí, tâm huyết) cũng như chia sẻ những lợi ích đem lại từ Di sản Thế giới, tạo ra sự gắn kết xã hội bền vững; cộng đồng địa phương được hưởng lợi trực tiếp từ các hoạt động du lịch, dịch vụ tại Di sản Thế giới.
Chỉ riêng năm 2019, các Di sản Thế giới ở Việt Nam đã đón trên 18,2 triệu lượt khách đến thăm quan, tìm hiểu, trải nghiệm, với tổng doanh thu từ vé tham quan, dịch vụ đạt 1.800 tỷ đồng, là minh chứng sống động cho việc phát huy giá trị của di sản, khẳng định sự đóng góp tích cực, hiệu quả của các di sản thế giới tại Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tạo sinh kế cho cộng đồng nơi có di sản, góp phần cân bằng, bảo vệ môi trường, củng cố hòa bình và an ninh theo hướng phát triển bền vững cho Việt Nam và thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về nhiệm vụ chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam, các chính sách về đối ngoại, các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong đó có Công ước 1972, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng các địa phương đang tập trung thực hiện mục tiêu toàn cầu về tăng cường bảo vệ và bảo đảm an toàn cho các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới và Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại “Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững”, hướng tới việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp quốc và Chính sách của UNESCO về việc lồng ghép quan điểm phát triển bền vững vào các quy trình của Công ước Di sản Thế giới.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cho rằng, đây là sự kiện có ý nghĩa biểu tượng, vừa kỷ niệm 50 năm Công ước 1972 vừa kỷ niệm 35 năm Việt Nam phê chuẩn Công ước này.
Theo Tổng Giám đốc UNESCO, 35 năm qua, mối quan hệ đối tác giữa UNESCO và Việt Nam luôn được duy trì, phát triển và vận động cùng thời đại. Chỉ riêng 5 năm qua, UNESCO đã dành hỗ trợ đối với ưu tiên của Việt Nam trong việc hoàn thiện khung pháp lý về di sản cũng như công tác kiểm kê các di sản phi vật thể của Việt Nam. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phát huy đầy đủ tiềm năng của Công ước. Sau 35 năm phê chuẩn Công ước, Việt Nam đã có tới 8 di sản được ghi danh là Di sản Thế giới, từ quần thể di tích Cố đô Huế được ghi danh đầu tiên năm 1993 tới các di sản Tràng An, Phố Cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Thành Nhà Hồ và Hoàng thành Thăng Long Hà Nội... Mỗi di sản, theo cách riêng của mình, đã góp phần thể hiện bề dày lịch sử của Việt Nam và sự giàu có, đa dạng của văn hóa Việt Nam.
Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc UNESCO cũng nêu 2 thử thách lớn trong việc thực thi Công ước. Trong đó, thửtháchđầu tiên là dung hòa giữa phát triển với bảo tồn các di sản thiên nhiên và văn hóa – vấn đề có tính quyết định tới việc gìn giữ địa cầu. Việt Nam là quốc gia từng đạt tốc độ phát triển kinh tế vào nhóm cao nhất thế giới trong vòng 20 năm qua, nhưng đồng thời cũng là một quốc gia thực hiện rất nhiều nỗ lực để đảm bảo không hi sinh việc bảo vệ di sản cho phát triển. Khu Di sản Tràng An đã kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên. Đây chính là lý do khiến UNESCO chọn Tràng An, cùng với 3 di sản khác trên thế giới để thí điểm một dự án về du lịch bền vững, nhằm tăng cường lợi ích cho cộng đồng ở địa phương, đặc biệt là cho phụ nữ.
“Trong thế giới hiện nay, chúng ta cần đảm bảo rằng những nỗ lực dung hòa giữa du lịch và phát triển bền vững với bảo tồn thiên nhiên như vậy được thực hiện tại tất cả các khu Di sản Thế giới tại Việt Nam để gìn giữ vẻ đẹp của từng khu di sản ấy, cũng như đối với tất cả các Khu Di sản thế giới trên toàn cầu”, Tổng Giám đốc UNESCO nói.
Thử thách thứ hai là biến đổi khí hậu. Tháng 7 vừa qua, Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. Khẳng định, UNESCO đồng hành với Việt Nam trong lĩnh vực này, Tổng Giám đốc UNESCO chỉ rõ, sự gián đoạn của biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học không chỉ là mối đe dọa với môi trường sống trên trái đất mà còn đối với cả văn hóa. Theo nghiên cứu mới nhất, cứ mỗi 5 khu di sản thế giới thì đã có 01 khu mà rủi ro về biến đổi khí hậu là một thực tế đối. Do đó, “tất cả chúng ta phải hành động. Và phải hành động nhanh. Chúng ta phải tăng cường nỗ lực nếu chúng ta muốn đạt được mục tiêu chung là bảo vệ 30% hành tinh của chúng ta vào năm 2030... UNESCO muốn tăng cường hợp tác xây dựng năng lực cho các cán bộ quản lý các khu di sản, để có thể dự báo tốt hơn về hệ quả lâu dài của biến đổi khí hậu và giải quyết các tình huống khẩn khấp một cách hiệu quả hơn.
“Bảo tồn di sản không phải là chuyện xa xỉ. Đó là điều kiện tiên quyết để đảm bảo rằng thế giới của chúng ta không bị sụp đổ thêm nữa. Đó là sự kết nối giữa quá khứ và tương lai của chúng ta. Chúng ta phải đặt văn hóa và di sản đúng tầm quan trọng mà chúng đáng có. Chúng ta cần phải coi các chính sách văn hóa là đòn bẩy mạnh mẽ cho các hành động của quốc gia, như ví dụ ở Việt Nam, và như mô hình mẫu mực của Tràng An. Đó chính là thông điệp tôi muốn truyền tải ngày hôm nay. Đây cũng chính là thông điệp mà UNESCO sẽ bảo vệ vào cuối tháng này tại Hội nghị Mondiacult năm 2022 do UNESCO và Mexico tổ chức, với sự tham dự của 140 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam”, Tổng Giám đốc UNESCO nhấn mạnh.
Trước đó, phát biểu chào mừng các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc nêu rõ, Ninh Bình là vùng đất cố đô, nơi phát tích của 3 triều đại: Đinh, Tiền Lê, Lý, có truyền thống lịch sử, văn hóa hàng ngàn năm, nơi có cảnh quan thiên nhiên kỳ thú cùng các giá trị văn hoá nổi bật toàn cầu, nơi chứa đựng các thông tin về sự tương tác giữa con người và môi trường từ thời tiền sử đến ngày nay.
Ở thế kỷ thứ X, nơi đây ghi dấu một bước ngoặt lịch sử quan trọng của dân tộc với sự kiện Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, lập nên nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam. Dấu vết của kinh đô Hoa Lư xưa đã và đang được các nhà khảo cổ học làm rõ, từng bước bổ sung thêm các giá trị văn hoá nổi bật, làm dày sâu thêm giá trị của di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới - Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO ghi danh.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình khẳng định, các giá trị di sản văn hoá, thiên nhiên ở Ninh Bình là nguồn lực, trụ cột và động lực quan trọng trong xây dựng văn hoá, con người Ninh Bình đáp ứng yêu cầu mở cửa, hội nhập quốc tế, là cơ hội để Ninh Bình phát triển bền vững, mở rộng giao lưu văn hoá, kinh tế với các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Vì vậy, việc gìn giữ, bảo vệ di sản văn hoá và thiên nhiên luôn được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, đòi hỏi sự tập trung cao của các cấp uỷ đảng, chính quyền, của từng người dân trực tiếp sở hữu di sản, chung sống với di sản, phát huy cùng di sản.
Tuấn Anh (T/h)
0 nhận xét