Thứ hai, 04/07/2022 08:36 (GMT+7)
-Việt Nam đã ghi nhận các ca nhiễm biến thể phụ BA.5, do đó trong thời gian tới các ca nhiễm biến thể phụ BA.5 có thể sẽ tăng ở nước ta.
Hơn 9,7 triệu bệnh nhân COVID-19 ở nước ta đã khỏi
Bộ Y tế cho biết ngày 3/7 cho biết có 511 ca mắc COVID-19, giảm 219 ca so với ngày trước đó đây là số ca mới thấp nhất trong 12 tháng qua; Số khỏi bệnh gấp gần 20 lần số mắc mới; Tiếp tục không có F0 tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.748.639 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.487 ca nhiễm).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi là 9.708.984 trường hợp; trong số Số bệnh nhân đang thở ô xy là 29 ca, gồm: Thở ô xy qua mặt nạ: 23 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 3 ca; Thở máy xâm lấn: 3 ca. Nhiều ngày nay cả nước không còn bệnh nhân COVID-19 nặng phải can thiệp ECMO.
Các ca COVID-19 nhiễm biến thể phụ BA.5 có thể ghi nhận nhiều hơn ở nước ta
Trên thế giới, nhiều nước đã gia tăng ca mắc COVID-19 nhiễm biến thể phụ BA.5 của Omicron. Việt Nam đã ghi nhận các trường hợp mắc COVID-19 nhiễm biến thể phụ BA.5 của Omicron, do đó trong thời gian tới các ca nhiễm biến thể phụ BA.5 có thể ghi nhận nhiều hơn ở nước ta. Như vậy, số ca mắc có thể gia tăng trong thời gian tới do sự xuất hiện của biến thể phụ BA.5.
GS.TS Phan Trọng Lân- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, theo nghiên cứu, khả năng miễn dịch của vaccine hay sau khi đã mắc bệnh sẽ giảm dần theo thời gian, cụ thể sau 4 đến 6 tháng. Do đó, nếu chúng ta tiêm nhắc lại sẽ duy trì được miễn dịch. Đây là một trong những biện pháp tốt nhất để phòng các biến thể mới xâm nhập như là BA.4, BA.5 và kể cả những biến thể khác.
Minh chứng rõ ràng nhất là sự thay đổi từ chủng gốc cho đến chủng Anpha, Beta, Delta và Omicron thì đến nay vaccine vẫn rất hiệu quả.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng nêu rõ, tiêm vaccine COVID-19 là yêu cầu phòng chống dịch, nên người dân cần đi tiêm phòng. Tiêm phòng là bảo vệ cho bản thân, bảo vệ cho gia đình và cả xã hội, đặc biệt là những người có nguy cơ cao. Trong bối cảnh biến thể mới lây lan nhanh, chúng ta giảm bớt lây nhiễm, giảm nhập viện tử vong thì giảm đi được gánh nặng cho xã hội.
"Mong rằng mỗi người dân thấy trách nhiệm của mình trong việc tiêm ngừa để giúp xã hội bình yên hơn như những ngày qua và hướng đến không chỉ phục hồi mà phát triển kinh tế-xã hội. Giống như về sức khỏe, không chỉ là trạng thái không bệnh tật mà còn thoải mái về thể chất, tinh thần và xã hội"- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh.
Về phía Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên, tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng.
0 nhận xét