Thứ ba, 12/07/2022 10:25 (GMT+7)
-Thời gian qua, công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp tiếp tục được tăng cường. Tuy vậy, việc phá, lấn chiếm đất, rừng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc chưa xử lý kịp thời.
Số vụ vi phạm tăng
Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR), phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, đề ra nhiều biện pháp bảo vệ. Tuy nhiên, tình hình vi phạm lâm luật vẫn diễn biến rất phức tạp. Theo Chi cục Kiểm lâm, 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh xảy ra 92 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tăng 70 vụ so với cùng kỳ năm ngoái.
Địa phương có số vụ vi phạm nhiều nhất là Lục Ngạn với 50 vụ, trong đó có 39 vụ phá rừng. Có thể kể ra một số vụ như: 2 vụ khai thác gỗ rừng trái phép của các đối tượng Nguyễn Quang Điệp, Nguyễn Quang Tùng, Triệu Văn Xuân và Tống Văn Dũng, cùng trú tại thôn Vĩnh Hồng, xã Lục Sơn (Lục Nam), diễn ra vào các ngày 12, 13 và 15, 16/2/2022 tại thôn Vĩnh Hồng.
Khối lượng gỗ vi phạm 12,4 m3 gỗ tròn thông thường. Hay vụ tàng trữ lâm sản trái pháp luật của ông Trần Hữu Trọng, thôn Ngoài, xã Tiên Lục (Lạng Giang) bị phát hiện, lập biên bản ngày 17/6/2022. Khối lượng gỗ vi phạm hơn 1,1 m3 thuộc nhóm VII (gỗ quý hiếm). Ngoài các vụ khai thác, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái phép, gần đây xuất hiện nhiều vụ phá rừng tự nhiên nghèo kiệt quy mô lớn tại xã Sa Lý và Phong Minh (Lục Ngạn).
Tại Sa Lý, các đối tượng còn thuê ô tô chở người nơi khác đến để phá rừng. Thượng tá Nguyễn Văn Duân, Trưởng Công an huyện Lục Ngạn cho biết, cuối tháng 4 vừa qua, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện đã ra quyết định khởi tố vụ án “hủy hoại rừng” tại các thôn: Cả, Nũn, Na Lang (cùng xã Phong Minh), tổng diện tích hơn 10 ha.
Hiện cơ quan chức năng vẫn đang trong quá trình điều tra để khởi tố bị can. Cùng đó, Hạt Kiểm lâm Lục Ngạn khởi tố 1 vụ phá rừng tại xã Sơn Hải, đang hoàn tất hồ sơ để khởi tố vụ án hủy hoại rừng tại xã Sa Lý.
Đặc biệt, thời gian qua cũng diễn ra nhiều vụ tranh chấp đất rừng giữa người dân địa phương với Công ty TNHH hai thành viên Lâm nghiệp Lục Ngạn và Công ty TNHH Lâm nghiệp Mai Sơn. Do đó đã dẫn đến nhiều vụ cháy rừng trồng và đốt phá rừng tự nhiên do Công ty TNHH Lâm nghiệp Mai Sơn quản lý.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do lợi ích kinh tế từ rừng trồng cao. Trong khi đó, trình độ dân trí của đồng bào sinh sống tại vùng giáp ranh với rừng thấp, còn nhiều hộ nghèo, cận nghèo, thiếu đất sản xuất.
Chính quyền cấp xã tại nhiều địa phương đã buông lỏng công tác quản lý, BVR và PCCCR. Một số cán bộ kiểm lâm địa bàn chưa chủ động trong công việc, trách nhiệm chưa cao, chưa sâu sát địa bàn, trình độ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ yếu, nắm bắt thông tin chậm. Dẫn đến việc tham mưu cho UBND xã xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch quản lý, BVR, PCCCR hạn chế.
Xác định rõ trách nhiệm
Mặc dù từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm các huyện đã xử lý được 84 vụ, thu giữ nhiều tang vật là lâm sản và phương tiện vận chuyển, phát phá rừng nhưng vẫn còn tồn đọng một số vụ hủy hoại rừng nghiêm trọng, quy mô lớn chưa được làm rõ. Theo đồng chí Phạm Văn Cường, Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm Lục Ngạn, vì các đối tượng có hành vi rất tinh vi, lợi dụng đêm tối hoặc những ngày lễ, tết, ngày nghỉ để phát, phá rừng nên lực lượng chức năng khó điều tra.
Nghị quyết 249-NQ/TU ngày 01/11/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh nêu rõ, các địa phương khi để xảy ra vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp phải: “Chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm tập thể cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên trách quản lý rừng và người đứng đầu để xảy ra vi phạm thường xuyên, vi phạm nghiêm trọng trong BVR, đất lâm nghiệp thuộc thẩm quyền hoặc địa bàn quản lý”.
Để làm rõ trách nhiệm, nâng cao năng lực trong quản lý, BVR, giữa tháng 6 vừa qua, xã Lục Sơn (địa bàn trọng điểm xảy ra các vụ vi phạm lâm luật tại Lục Nam) đã thành lập lại tổ BVR, PCCCR do UBND xã quản lý và điều hành. Đầu tháng 7 vừa qua, Huyện ủy, UBND huyện Lục Nam tổ chức kiểm điểm, phê bình lãnh đạo UBND huyện phụ trách lĩnh vực lâm nghiệp.
6 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 92 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tăng 70 vụ so với cùng kỳ năm trước. Địa phương có số vụ vi phạm nhiều nhất là Lục Ngạn, với 50 vụ, trong đó có 39 vụ phá rừng, tiếp đó là Sơn Động 14 vụ, Lục Nam 13 vụ…
Huyện Lục Ngạn tổ chức kiểm điểm Bí thư, Chủ tịch UBND các xã Phong Minh và Sa Lý. Điều này cho thấy, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã có động thái chấn chỉnh khi liên tục xảy ra các vụ đốt, phá, lấn chiếm đất rừng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, các huyện cần quy trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân để xảy ra vi phạm, có hình thức kỷ luật nghiêm khắc, không mang tính hình thức.
Lực lượng kiểm lâm, các chủ rừng là doanh nghiệp cũng cần kiểm điểm và có hướng xử lý phù hợp với những cá nhân, tổ chức để xảy ra vi phạm Luật Lâm nghiệp kéo dài.
Thực tế cho thấy, cấp ủy, chính quyền và chủ rừng địa phương nào quan tâm đến công tác quản lý BVR thì rừng ở đó được bảo vệ tốt. Ví như, xã An Bá (Sơn Động) đã thành lập tổ BVR và PCCCR với 30 thành viên, mỗi thôn có từ 4-5 người tham gia tổ BVR và duy trì hoạt động thường xuyên. Nhờ đó, các diện tích rừng ở đây được bảo vệ tốt. Hay huyện Yên Thế, 2 năm trở lại đây không có vi phạm về đốt, phá rừng tự nhiên.
Để công tác quản lý, BVR hiệu quả thì đội ngũ cán bộ kiểm lâm phải đóng vai trò then chốt, vì đây là lực lượng có trách nhiệm tham mưu, thực hiện các phương án quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp. Lực lượng kiểm lâm phối hợp với UBND các xã, công an, chủ rừng lớn tăng cường tuyên truyền, yêu cầu người dân không tham gia phát phá, lấn chiếm đất rừng tự nhiên.
Đồng thời, sớm điều tra, làm rõ, xử nghiêm các trường hợp vi phạm. Các địa phương phát huy vai trò của ban quản lý, chi bộ, ban công tác mặt trận thôn. Bởi đây là đội ngũ gần với người vi phạm nhất, nắm chắc tình hình và đối tượng vi phạm. Có như vậy thì rừng mới được bảo vệ, phát triển bền vững.
0 nhận xét