Thứ sáu, 07/01/2022 08:59 (GMT+7)
-Chiều 6/1, Trường Đại học Kinh tế TP HCM công bố phương án tuyển sinh năm 2022 (khoá 48). Cơ sở chính TP HCM có 6.550 chỉ tiêu với 31 chương trình đào tạo, phân hiệu Vĩnh Long có 600 chỉ tiêu với 12 chương trình.
Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) chính thức công bố phương án tuyển sinh đại học năm 2022. Cụ thể, trường tăng 10% chỉ tiêu tuyển sinh, trong đó gồm 6.550 chỉ tiêu với 31 chương trình đào tạo tại cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh (KSA) và 600 chỉ tiêu cho 12 chương trình đào tạo tại Phân hiệu Vĩnh Long (KSV).
Tại cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh, trường mở 2 chương trình mới là Công nghệ và đổi mới sáng tạo, Truyền thông số và thiết kế đa phương tiện.
Đối với Phân hiệu Vĩnh Long, trường tuyển sinh 600 chỉ tiêu với 12 chương trình đào tạo, trong đó 6 chương trình tuyển sinh toàn quốc gồm: Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Thương mại điện tử, Luật kinh tế, Kinh doanh nông nghiệp, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Tiếng Anh thương mại.
Trong năm 2022, trường bổ sung 2 chương trình đào tạo mới là Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Tài chính.
Năm nay, ĐH Kinh tế TP.HCM tiếp tục giữ ổn định 6 phương thức là xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT, xét tuyển đối với thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài và có chứng chỉ quốc tế, xét tuyển học sinh giỏi, xét tuyển quá trình học tập theo tổ hợp môn, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, và xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, cụ thể như sau:
Phương thức 1, xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường dành khoảng 1% chỉ tiêu cho phương thức này.
Phương thức 2, xét tuyển đối với thí sinh tốt nghiệp chương trình trung học phổ thông nước ngoài và có chứng chỉ quốc tế, chiếm 1% chỉ tiêu.
Thí sinh có một trong các bằng tú tài, chứng chỉ quốc tế sau: Bằng tú tài quốc tế IB (International Baccalaureate) đạt từ 26 điểm trở lên; Chứng chỉ quốc tế của Trung tâm Khảo thí Đại học Cambridge (Anh) đạt từ C đến A; Chứng chỉ BTEC (Business & Technical Education Council, Hội đồng Giáo dục Thương mại và Kỹ thuật Anh) Level 3 Extended Diploma đạt từ C đến A.
Thí sinh tốt nghiệp chương trình trung học phổ thông nước ngoài và có một trong các chứng chỉ sau: Chứng chỉ IELTS từ 6.0 trở lên; Chứng chỉ TOEFL iBT từ 73 điểm trở lên; Chứng chỉ SAT (Scholastic Assessment Test, Mỹ) với mỗi phần thi từ 500 điểm trở lên; Chứng chỉ ACT (American College Testing) từ 20 điểm (thang điểm 36) trở lên.
Đối với thí sinh có quốc tịch khác quốc tịch Việt Nam và tốt nghiệp trung học phổ thông nước ngoài thì trường xét tuyển theo Thông tư số 30/2018 về Quy chế quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam.
Thời hạn các chứng chỉ quốc tế còn hiệu lực tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.
Phương thức 3, xét tuyển học sinh giỏi, áp dụng 40 - 50% chỉ tiêu các ngành. Điều kiện đăng ký xét tuyển là học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 của chương trình trung học phổ thông theo hình thức giáo dục chính quy, tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022.
Phương thức 4, xét tuyển quá trình học tập theo tổ hợp môn, áp dụng 30 - 40% chỉ tiêu ngành (chương trình chuẩn, chất lượng cao) và 40 - 50% chỉ tiêu (chương trình cử nhân tài năng). Điều kiện là học sinh có điểm trung bình tổ hợp môn (A00, A01, D01 hoặc D07) đăng ký xét tuyển từ 6.5 trở lên cho các năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 của chương trình trung học phổ thông theo hình thức giáo dục chính quy và tốt nghiệp trung học phổ thông.
Phương thức 5, xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực, lấy 10 chỉ tiêu theo ngành. Trường chỉ xét điểm của học sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành Phố Hồ Chí Minh tổ chức đợt 1 năm 2022 và tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Phương thức thứ 6, xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, áp dụng cho chỉ tiêu còn lại.
Các ngành đào tạo tại Phân hiệu Vĩnh Long, phương thức và chỉ tiêu cụ thể gồm: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục Đào tạo và (chỉ tiêu 1% theo ngành). Xét tuyển đối với thí sinh tốt nghiệp chương trình trung học phổ thông nước ngoài và có chứng chỉ quốc tế (chỉ tiêu 1% theo ngành). Bên cạnh đó, phương thức xét tuyển học sinh giỏi (20% theo ngành), xét tuyển quá trình học tập theo tổ hợp môn (40% theo ngành), xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực (10% theo ngành). Cuối cùng, phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 (chỉ tiêu còn lại).
Đối với các phương thức 2, 3, 4, 5, trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến mở hệ thống cho thí sinh đăng ký xét tuyển từ 8 giờ ngày 15/3/2022 đến 16 giờ ngày 29/4/2022. Hai phương thức còn lại, trường sẽ thực hiện theo kế hoạch xét tuyển và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tháng 10/2021, Đại học Kinh tế TP HCM thành lập 3 trường trực thuộc theo đề án tái cấu trúc trường giai đoạn 2021 - 2025, gồm trường Kinh doanh; trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước, trường Công nghệ và Thiết kế.
0 nhận xét