Thứ năm, 06/01/2022 08:18 (GMT+7)
-Hàng vạn m3 đất thải tại dự án xây dựng trường THCS ở ô quy hoạch A.5/THCS phường Thượng Thanh (quận Long Biên, Hà Nội) bị “lạc trôi” khắp nơi gây ô nhiễm môi trường, có dấu hiệu thất thoát nguồn thu lớn để tái đầu tư dự án.
Theo tìm hiểu, dự án thi công công trình xây dựng trường THCS tại ô quy hoạch A.5/THCS (sau đây viết tắt là Dự án) có vị trí tại địa chỉ: phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội do Ban quản lý đầu tư xây dựng quận Long Biên làm đại diện chủ đầu tư. Tổng giá trị đầu tư dự án là: 111.550.652.000. Đơn vị trúng thầu thi công là Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Hồng Hà (sau đây viết tắt là Công ty Hồng Hà).
Quy mô dự án có tổng diện tích mặt bằng là: 8228m2; diện tích xây dựng là: 2878m2, bao gồm 4 tầng nổi và 1 tầng hầm.
Mặc dù dự án mới đang trong giai đoạn thi công phần móng nhưng đã tạo ra hệ luỵ lớn về môi trường, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân trên nhiều địa bàn khác nhau tại Hà Nội, thậm chí còn liên đới cả sang tỉnh ngoài.
Cụ thể, trong thời gian qua, đơn vị thi công dự án đã huy động hàng loạt máy móc cơ giới, cùng với cả đoàn xe tải ben 4 chân đến công trường để múc khối lượng lớn đất, bùn thải đi đổ và tiêu thụ cho nhiều cá nhân, tổ chức xuyên tỉnh thành.
Đáng chú ý, đơn vị thi công dự án có dấu hiệu đổ đất, bùn thải không đúng quy định về điểm đổ thải gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, tàn phá hệ thống công trình giao thông trong quá trình vận chuyển.
Trước thực trạng trên, nhiều người dân sống quanh khu vực dự án đã bức xúc phản ánh sự việc đến Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam đồng thời đề nghị cử PV tiến hành xác minh, phản ánh sự việc.
Liên tiếp trong hai ngày mùng 4 và 5 tháng 1/2022, nhóm PV đã trực tiếp có mặt tại khu vực thi công dự án để ghi nhận thực tế.
Quan sát ban đầu chúng tôi dễ dàng nhận thấy nhiều phương tiện cơ giới và ô tô tải cỡ lớn đang ồ ạt ra vào công trường để múc đất thải thi công móng công trình và vận chuyển đi đổ, tiêu thụ.
Cũng theo quan sát, phần lớn công nhân và người lao động tại đây chỉ được trang bị mũ bảo hộ; riêng quần áo, ủng và găng tay bảo hộ thì đa số là không có. Việc đảm bảo an toàn lao động tại dựa án dường như được chủ đầu tư và đơn vị thi công “ít” quan tâm.
Trở lại vấn đề người dân phản ánh về tình trạng gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động múc đất thi công và vận chuyển đi đổ và tiêu thụ. Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng đơn vị thi công có dấu hiệu bán “lậu” một khối lượng lớn đất thải cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu gây thất thoát nguồn kinh phí lớn để tái đầu tư dự án.
Sau khi đợi khoảng 10 phút, đúng 15h35’, chúng tôi bám theo chiếc xe tải thương hiệu HOWO 3 chân, mang BKS: 89C – 09449. Sau khi “ăn no đất” và rời khỏi công trường, chiếc xe này có dấu hiệu quá khổ, quá tải khi “cõng” trên thùng hàng chục m3 đất thải rồi băng băng di chuyển trên Quốc lộ 5. Do chỉ được che chắn sơ sài nên trong quá trình di chuyển đất thải rơi lả tả khắp mặt đường.
Tiếp đến, sau khi chạy qua Khu công nghiệp Hanel chiếc xe này lao vút lên tuyến đê tả sông Hồng hướng về tỉnh Hưng Yên.
Đáng chú ý, quá trình di chuyển, chiếc xe này đã qua mặt nhiều điểm chốt giao thông của lực lượng tuần tra, kiểm soát giao thông như chốt giao thông tại Khu đô thị Ecopar. Sau khi thông chốt an toàn, điểm cập bến cuối của chiếc xe trên là tại một bãi tập kết đất ở thôn 7, xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Theo ghi nhận thực tế, toàn bộ tuyến đường bê tông tại xã Xuân Quan đều có biển cấm tải trọng trên 10 tấn nhưng lái xe vẫn ngang nhiên cho xe lao đi với tốc độ cao, lạng lách gây mất an toàn giao thông mà không gặp bất cứ trở ngại nào của cơ quan chức năng liên quan và chính quyền sở tại.
Bà Nguyễn Thị H, người dân sinh sống tại mặt đường xã Xuân Quan bức xúc nói: Suốt thời gian qua, hàng loạt xe tải cỡ lớn chở đầy đất chạy khắp làng tôi. Đoàn xe này đổ đất hết nhà này đến nhà khác, ai có nhu cầu mua đất thì cứ ra liên hệ với lái xe và ra giá thì chỉ vài tiếng là có đất ngay. Tôi không biết họ lấy đâu mà nhiều đất thế?!
“Nhà tôi không có nhu cầu mua đất nên việc họ mua bán đất tôi không quan tâm, nhưng tôi chỉ mong chính quyền làm thế nào để có biện pháp ngăn chặn, hạn chế đoàn xe này chạy cho “tử tế” hơn để dân đỡ khổ, không phải chịu cảnh khói bụi mù trời nữa. Đặc biệt, mỗi khi trời mưa thì cả tuyến đường nhầy nhụa đất, con đường bê tông qua nhà tôi giờ nứt, vỡ hết cả rồi!” bà H phân trần
Để thông tin khách quan, chính xác về sự việc, PV đã liên hệ với đại diện chính quyền xã Xuân Quan. Trao đổi qua điện thoại, vị Chủ tịch xã này cho biết: Chúng tôi hoàn toàn không nhận được bất kỳ một văn bản nào từ phía UBND quận Long Biên về việc cho phép cấp điểm đổ đất thải của dự án nào tại địa bàn. Cho đến thời điểm này, địa bàn xã không có bất cứ điểm đổ đất thải nào !?
“Còn tại thôn 7, khi chúng tôi cho anh em kiểm tra thì đúng là có bãi tập kết đất nhưng khi hỏi có phải là đất thải không thì người dân nói đấy không phải là đất thải mà là đất có hàm lượng tốt, làm được phân vi sinh và họ phải mua của đơn vị thi công” – vị Chủ tịch xã Xuân Quan cho biết thêm.
Việc hàng vạn m3 đất thải tại dự án có giá trị đầu tư hơn 110 tỷ đồng nay “lạc trôi” sang tận tỉnh Hưng Yên và nhiều khu vực khác tại Hà Nội. Vậy lãnh đạo UBND quận Long Biên; Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Long Biên và đơn vị tư vấn giám sát có nắm bắt và kiểm soát được thực trạng này. Ngoài hệ luỵ về môi trường thì nguồn tiền không nhỏ thu được từ việc bán đất trên có được quyết toán, sử dụng làm kinh phí tái đầu tư dự án hay chảy vào túi ai? Tất cả những băn khoăn, thắc mắc này của người dân cũng như dư luận xã hội chúng tôi xin kính gửi đến lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội và chính quyền quận Long Biên để tìm câu trả lời.
Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin sự việc.
0 nhận xét