Ông Ðỗ Bá Dân, Chủ tịch HÐQT Công ty CP Tập đoàn Trí Nam (Công ty Trí Nam), khẳng định nếu được UBND TP.HCM chấp thuận, doanh nghiệp này sẽ lập tức triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng Mobike với 388 chiếc đặt tại 43 vị trí trên địa bàn quận 1, TP.HCM.
5.000 đồng cho 30 phút đạp xe dạo phố
Theo ông Ðỗ Bá Dân, đề xuất của doanh nghiệp hướng đến giải pháp hỗ trợ đi lại chặng ngắn, kết nối các điểm đón xe buýt, metro, điểm tham quan du lịch và khách có thể trả xe ở ngay điểm đó. Qua đó, tạo điều kiện cho người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng một cách thuận tiện nhất và hơn cả là giảm ô nhiễm môi trường.
"Công ty chúng tôi đã sẵn sàng chuẩn bị nguồn kinh phí hơn 10 tỉ đồng, chỉ chờ UBND TP có văn bản chấp thuận là lập tức nhập xe cũng như sơn sửa, cải tạo lại 43 vị trí đỗ xe; đồng thời thiết lập hệ thống tổng đài hỗ trợ khách, bố trí nơi bảo trì, sửa chữa phương tiện…" - Chủ tịch HÐQT Công ty Trí Nam nhấn mạnh.
Theo đó, sẽ có 6 vị trí đỗ xe đạp trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, 5 vị trí trên đường Hàm Nghi, 4 vị trí trên đường Lê Thánh Tôn, 23 vị trí trên đường Lê Duẩn, 3 vị trí trên đường Tôn Ðức Thắng, 3 vị trí trên đường Nguyễn Huệ, 2 vị trí trên đường Võ Văn Kiệt; các tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thị Nghĩa, Phạm Ngũ Lão; Phạm Ngọc Thạch…, mỗi tuyến đường 1 vị trí.
Mỗi vị trí đỗ xe có diện tích 20-30 m2 cho 10-20 xe đậu thành 2 dãy, bề rộng tối thiểu cho một xe là 1m. Số lượng xe đặt tại mỗi trạm chiếm 60% sức chứa để chừa lại khoảng trống cho khách trả xe. "Giá thuê xe được đề xuất 5.000 đồng cho 30 phút. Thời gian đầu (từ 1 đến 3 tháng) sẽ miễn phí trong 15 phút đầu để khuyến khích người dân sử dụng" - ông Dân cho biết.
Việc thí điểm xe đạp công cộng ở quận 1 (TP.HCM) sẽ giúp kết nối các điểm đón xe buýt, metro, điểm tham quan du lịch thuận tiện hơn. Ảnh: Giang San |
Xe đạp cho thuê được gắn loại khóa thông minh, có tính năng định vị GPS, đóng hoặc mở khóa thông qua kết nối mạng 2G, 3G, 4G hoặc bluetooth trên điện thoại di động. Người dùng cài đặt ứng dụng Mobike trên điện thoại rồi quét xung quanh, tìm trạm có xe đạp gần nhất. Sau đó, dùng ứng dụng này quét mã code mở khóa xe sử dụng, khi hoàn tất chuyến đi thì người dùng đậu xe đúng nơi quy định để khóa. Ðể sử dụng và thanh toán tiền, người dùng nạp tiền trước qua tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, ATM có liên kết với ứng dụng Mobike.
Tuy chuẩn bị khá kỹ nhưng ông Ðỗ Bá Dân cũng nhìn nhận thời gian triển khai thí điểm sẽ có một số khó khăn như các bãi đỗ xe chưa phủ đều, chưa thu hút khách thuê, khách chưa quen thao tác trên các ứng dụng… "Thế nhưng, với quyết tâm góp phần thay đổi hành vi đi lại, giảm ô nhiễm môi trường, hy vọng sau thời gian thí điểm, các địa phương nhìn nhận hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng các bãi đỗ, phủ đều hơn khu vực nội đô TP" - Chủ tịch HÐQT Công ty Trí Nam mong muốn.
Còn đó những lo ngại
Khi nghe Sở GTVT TP đề xuất thí điểm xe đạp ở quận 1, chị Trần Thu Tâm, nhà ở đường Võ Văn Tần - quận 3, nói nếu mô hình này được triển khai, chị chỉ cần đi bộ ra đường Nguyễn Thị Minh Khai (đoạn thuộc quận 1) là có thể vi vu khu trung tâm bằng xe đạp! "Nghĩ tới thôi đã thích rồi. Tôi tin mình sẽ là khách hàng thường xuyên của dịch vụ này" - chị Tâm hào hứng.
Là tín đồ mê dạo phố bằng xe đạp, anh Nguyễn Tấn Hưng (quận Tân Phú) hoàn toàn ủng hộ chủ trương thí điểm nhưng theo anh, nếu có làn riêng là tốt nhất. Tương tự, PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, nguyên Trưởng Khoa Đô thị học Trường ÐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM, lưu ý tính an toàn, khả năng cung ứng dịch vụ, tiện ích của đơn vị thực hiện. "Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy muốn triển khai mô hình hiệu quả, an toàn, thu hút người dân đi xe đạp thì phải có làn đường riêng cho nó. Chưa kể, đơn vị cung ứng dịch vụ phải giải quyết nhanh các sự cố khi xe hỏng hóc giữa đường, ngoài ra các bãi xe đạp phải phủ đều, không cần tập trung khu trung tâm TP mà phải kết nối nhiều hơn đến các khu đô thị, các điểm du lịch…" - ông Hòa góp ý.
PGS-TS Phan Thị Hồng Xuân, Trưởng Khoa Ðô thị học Trường ÐH KHXH&NV, đề xuất đơn vị thực hiện nên lưu ý khâu bảo quản phương tiện phải thực sự tốt, xử lý các trường hợp phá hoại, làm hư hỏng phương tiện. "Bởi kinh nghiệm triển khai mô hình này tại một số nước Ðông Nam Á cho thấy nếu bảo quản không tốt thì những bãi xe đạp công cộng sẽ trở thành "những bãi rác" gây mất mỹ quan đô thị. Ngoài ra, không chỉ chọn bãi đỗ xe ở mặt tiền đường mà nên kết nối các tuyến hẻm lớn để hỗ trợ người dân tiếp cận xe buýt, metro…" - PGS-TS Phan Thị Hồng Xuân phân tích.
Phù hợp quy hoạch Trong đề án hoàn chỉnh trình UBND TP.HCM ngày 8.1.2021, Sở GTVT nhấn mạnh việc thí điểm mô hình xe đạp công cộng phù hợp với chủ trương của Chính phủ, là giải pháp được xác định trong đề án "Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP". Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng Ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM, cho rằng xe đạp có tính cơ động cao khi vẫn di chuyển được lúc mưa ngập, đường ùn tắc cũng có thể xách lên lề hoặc băng qua lối tắt. Chạy xe đạp cũng giúp người sử dụng vận động, cải thiện sức khỏe... "Ðây là bước khởi đầu và nếu vận hành tốt, những người thường xuyên sử dụng phương tiện công cộng sẽ được thuê xe đạp đến chỗ làm và về nhà, hạn chế đáng kể xe cá nhân" - ông Tường nhìn nhận. |
Thu Hồng/Báo Người lao động
0 nhận xét