Mới đây ghi nhận được tại Nhật Bản, bà Tanaka Kane đã trở thành một trong những ngoại lệ vĩ đại của nhân loại. Vào ngày 2 tháng 1 vừa qua, bà Tanaka đã trở thành một trong số 3 người bước sang tuổi 118.
Bà cũng là công dân Nhật Bản đầu tiên đạt cột mốc này, nhưng có thể sẽ không phải người cuối cùng. Nhật Bản là quốc gia có tuổi thọ cao nhất trên thế giới, với hơn 80.000 người hơn 100 tuổi.
Người Nhật sống thọ không phải vì họ ăn kiêng. |
Tuy nhiên trường hợp của bà Tanaka Kane đặc biệt là một ngoại lệ vì lý do khác. Bà cho biết mình là người rất thích ăn sô cô la và uống nước có gas, khác rất nhiều so với những người đồng hương khác của bà. Nhật Bản từ lâu đã là một trong những nước có tỷ lệ tiêu thụ đường thấp nhất trong khối OECD (chủ yếu là các nước giàu có).
Các nhà khoa học phương Tây vẫn thường cho rằng tuổi thọ cao bất thường tại Nhật Bản là do chế độ ăn uống. Tuy nhiên ý tưởng rằng việc kéo dài tuổi thọ của người Nhật là do họ tránh xa những thú vui ẩm thực như kẹo sô cô la hay đồ uống có gas, dường như là một quan niệm sai lầm.
Thống kê cho thấy rằng lượng tiêu thụ đường của mỗi một người dân Nhật Bản, không thấp hơn nhiều so với các nước khác như Hàn Quốc, Mỹ hay Đức. Tuy nhiên có sự khác biệt lớn hơn ở lượng tiêu thụ trứng và sản phẩm từ bơ sữa, cùng với lượng tiêu thụ thịt. Bên cạnh đó, người Nhật cũng ăn rất nhiều cá.
Thống kê kượng tiêu thụ các loại đồ ăn trên từng người của các quốc gia trong hai giai đoạn 1961-1970 và 2000-2013. |
Nhật Bản phần lớn đã cấm sử dụng thịt trong vòng 1.200 năm, vẫn tiêu thụ khá ít thịt và sữa cho đến ngày nay. Đây được cho là những loại thực phẩm chứa nhiều axit béo bão hòa, có liên quan đến bệnh tim. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ăn nhiều thịt đỏ chế biến sẵn sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Tuy nhiên quá ít cũng không phải tốt, vì chúng cung cấp cholesterol cần thiết cho thành mạch máu. Trong một nghiên cứu trên 48.000 người tại Anh, những người ăn chay có khả năng chống bệnh tim cao hơn, nhưng lại dễ bị đột quỵ hơn.
Về lý thuyết, việc khan hiếm thực phẩm làm từ động vật có thể đã góp phần làm tăng tỷ lệ tử vong do vỡ mạch máu não tại Nhật Bản, đó là trước năm 1960. Trong những năm từ 1960 đến 2013, khi số lượng tiêu thụ thịt hàng năm tại Nhật tăng từ 0 lên 52 kg/người (bằng 45% so với Mỹ), tỷ lệ tử vong vì đột quỵ cũng giảm xuống.
Vào năm 1970, tỷ lệ người Nhật chết vì vỡ mạch máu não cao nhất trong khối OECD, đến gần đây mới giảm xuống mức trung bình. |
Tiến sĩ Tsugane Shoichiro thuộc Trung tâm Ung thư Quốc gia ở Tokyo cho biết rằng, người dân Nhật cần tăng thêm lượng thịt và sữa tiêu thụ để giữ cho mạch máu của họ khỏe mạnh, nhưng cũng không được quá nhiều để khiến các mạch máu bị tắc nghẽn và gây ra các bệnh về tim.
Trong quá khứ, Nhật Bản không phải lúc nào cũng là nhà vô địch về tuổi thọ. Những năm 1970, tỷ lệ tử vong theo tuổi của Nhật Bản ở mức trung bình trong khối OECD. Mặc dù tỷ lệ ung thư và bệnh tim ở mức thấp, nhưng tỷ lệ tử vong do vỡ mạch máu não lại ở mức cao nhất trong OECD.
Người Nhật ăn nhiều thịt hơn và giữ ở mức cân bằng, chính là bí quyết để có tuổi thọ cao hơn. |
Trong những năm 1970 - 1990, tỷ lệ tử vong do vỡ mạch máu não của Nhật Bản đã giảm xuống mức trung bình của khối OECD. Vởi tỷ lệ tử vong do ung thư và bệnh tim vẫn ở mức thấp, người dân Nhật Bản nhờ đó đã có tuổi thọ rất cao.
Trên thực tế, Nhật Bản có tuổi thọ cao là nhờ sự thay đổi trở nên giống các nước phương Tây nhiều hơn, thay vì là ăn kiêng nhiều hơn như các nhà khoa học vẫn lầm tưởng. Họ ăn thịt nhiều hơn và giảm tỷ lệ tử vong do đột quỵ, nhưng chỉ ăn ở mức vừa phải và không quá nhiều. Chính sự cân bằng là bí quyết sống lâu của người Nhật Bản./.
Theo cafef.vn
0 nhận xét