Tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu FOUR PAWS đã lần đầu tiên thành công trong việc đóng cửa nhà hàng thịt mèo và lò giết mổ ở Việt Nam vào ngày 15/12, giải cứu 25 con vật, trong đó có 5 con chó đang chờ giết thịt.
Nhà hàng nằm ở thành phố Thái Bình, nổi tiếng về tiêu thụ thịt mèo, phục vụ khoảng 240 con vật mỗi tháng cho thực khách, phần lớn là thịt mèo.
FOUR PAWS đã đưa những con chó, mèo được giải cứu về Cơ sở bảo tồn gấu của tổ chức ở Ninh Bình, nơi các bác sĩ thú y đã kịp thời chăm sóc y tế khẩn cấp cho những con vật này. Sau khi được điều trị và phục hồi chức năng, chúng sẽ được nhận về làm vật nuôi trong các gia đình. Mỗi năm, khoảng năm triệu con chó và một triệu con mèo bị giết mổ dã man để lấy thịt ở Việt Nam, phần nhiều trong số đó là vật nuôi bị đánh cắp.
Không giống như buôn bán thịt chó, buôn bán thịt mèo không được đề cập nhiều, mặc dù, việc buôn bán này sinh lợi cao vì đây được coi là một món ăn ngon ở Việt Nam.
Theo nghiên cứu của FOUR PAWS, một kg thịt chó có giá từ 7,3 đến 10,9 đô la Mỹ. Trong khi đó, giá một kg thịt mèo có thể lên đến 13,3 đô la Mỹ - và thịt mèo đen thậm chí lên đến 24,3 đô la Mỹ. “Mỗi năm có hàng triệu con chó và mèo - cả khỏe mạnh và ốm yếu, mèo nhà lẫn đi lạc - bị bắt một cách thô bạo từ các đường phố ở Việt Nam, nhồi nhét vào những chiếc lồng nhỏ và vận chuyển khắp đất nước, với hành trình thường kéo dài nhiều ngày.
Để phục vụ nhu cầu ăn thịt chó, mèo, chúng cũng được nhập khẩu từ các nước láng giềng Trung Quốc và Lào. Điều này không chỉ vô cùng tàn ác mà còn vi phạm một cách trắng trợn các khuyến nghị về sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trong những thời điểm như hiện nay”, Tiến sĩ Katherine Polak, bác sĩ thú y và Trưởng nhóm chăm sóc động vật đi lạc ở Đông Nam Á chia sẻ.
Các điều kiện mất vệ sinh trong quá trình vận chuyển cũng như trong các lò giết mổ và nhà hàng, nơi thường nuôi nhốt nhiều loài động vật để thịt, tạo điều kiện cho sự xuất hiện của các bệnh lây truyền từ động vật, như COVID-19. Ngoài ra, loại hình buôn bán này có liên quan đến việc bùng phát bệnh dại và dịch tả. Tiến sĩ Polak cho biết thêm: “Nếu Việt Nam thực sự nghiêm túc trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, và thực hiện cam kết chấm dứt bệnh dại trên cả nước, thì Chính phủ cuối cùng cũng sẽ phải chấm dứt buôn bán thịt chó và mèo”.
Quán thịt mèo nổi tiếng chuyển đổi thành cửa hàng xe máy
Nhà hàng ở Thái Bình - chuyên về các món thịt chó, mèo - lần đầu tiên được Tổ chức FOUR PAWS chú ý đến sau hoạt động nghiên cứu toàn quốc về việc buôn bán thịt mèo, bắt đầu vào năm 2019. Chủ nhà hàng, một cặp vợ chồng người Việt, bày tỏ sự tuyệt vọng của họ khi muốn dừng nghề buôn bán này do không muốn giết hại động vật nữa. Tổ chức FOUR PAWS và Quỹ thay đổi vì động vật đang giúp hai vợ chồng mở một cửa hàng bán xe máy cũ với điều kiện là họ sẽ không bao giờ quay lại buôn bán thịt chó, mèo; và sẽ hỗ trợ FOUR PAWS làm điều tương tự với các nhà hàng thịt chó, mèo trong khu vực.
Nhà hàng ở Thái Bình đã từng buôn bán rất tốt, được người dân địa phương và công nhân ưa chuộng nhờ những hộp cơm trưa mang đi. Do ăn thịt chó, mèo thường gắn với nhiều mê tín dị đoan và theo lịch âm nên nhu cầu về thịt chó, mèo biến động tùy theo đó.
Buôn bán thịt chó mèo: Một khu vực pháp lý màu xám
Trái ngược với việc buôn bán thịt chó, việc săn bắt, giết mổ và tiêu thụ mèo đã bị cấm rõ ràng ở Việt Nam cho đến tháng 1/2020. Tuy nhiên, luật đã được bãi bỏ và nhu cầu về thịt mèo hiện đang cao hơn bao giờ hết - đặc biệt là ở miền Bắc. Tuy nhiên, việc buôn bán này là bất hợp pháp và tàn bạo. Do nhu cầu ngày càng tăng không thể đáp ứng được nếu chỉ bắt động vật đi lạc, nên những người buôn bán thịt chó mèo cũng thường trộm vật nuôi. Từ đó, các cuộc đối đầu bạo lực giữa chủ vật nuôi và kẻ trộm thường xuyên xảy ra, thậm chí đã từng gây tử vong.
Hơn một triệu người trên thế giới phản đối việc buôn bán thịt chó mèo
Để đóng cửa nhà hàng, giải cứu và tìm mái ấm mới cho các con vật này thành công, Tổ chức FOUR PAWS và Quỹ thay đổi vì động vật đã làm việc với các thành viên địa phương của liên minh Cats Matter Too, bao gồm Trung tâm Giải cứu vật nuôi Hà Nội (Hanoi Pet Rescue), Trạm cứu hộ động vật Paws for Compassion và Tổ chức Phúc lợi mèo Việt Nam. Nhằm chấm dứt một cách bền vững nạn buôn bán thịt chó, mèo tàn ác ở Đông Nam Á, FOUR PAWS cũng đã phát động một chiến dịch ở cấp độ quốc tế và quốc gia. Hơn một triệu người trên thế giới đã ký vào bản kiến nghị chấm dứt buôn bán thịt chó, mèo, trong đó có 200.000 người Việt Nam. “Thông qua giáo dục và hợp tác với các cơ quan có trách nhiệm và Hiệp hội Du lịch, chúng tôi muốn thúc giục các Chính phủ ban hành và thực thi luật cấm buôn bán thịt chó, mèo, bảo vệ cả động vật và sức khỏe cộng đồng. Việc đóng cửa nhà hàng này chứng tỏ tình hình đang thay đổi ở Việt Nam, ngày càng có nhiều chủ sở hữu thú cưng và người trẻ ở Việt Nam lên tiếng phản đối việc buôn bán, và ngay cả bản thân các chủ nhà hàng cũng không còn muốn tham gia vào ngành nghề kinh doanh này. Chúng tôi hy vọng việc đóng cửa nhà hàng và lò mổ này là bước khởi đầu cho các nhà hàng tiếp theo ở Việt Nam”, Tiến sĩ Karanvir Kukreja, Bác sĩ thú y và Giám đốc dự án của chiến dịch quốc tế FOUR PAWS giải thích.
Ngoài ra, tại Việt Nam, FOUR PAWS hỗ trợ các cộng đồng địa phương với các chương trình quản lý chó, mèo bền vững và nhân đạo. FOUR PAWS cũng là một phần của các liên minh vì quyền lợi động vật bao gồm DMFI (Liên minh Indonesia Không Thịt chó) và ACPA (Liên minh Bảo vệ chó, mèo châu Á), tổ chức vận động chống lại việc buôn bán thịt chó và mèo ở Đông Nam Á.
0 nhận xét