BA BỆNH VIỆN GẦN 1.000 TỶ ĐỒNG “CỬA ĐÓNG THEN CÀI”
Tỉnh Bình Dương đã chi gần 1.000 tỷ đồng để xây dựng 3 công trình bệnh viện. Sau khi hoàn thiện, những công trình này lại bị bỏ hoang.
Cụ thể, công trình Khoa sản thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương có quy mô 300 giường, nằm trong khuôn viên bệnh viện tỉnh có vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng. Công trình hoàn thành từ đầu năm 2019, được trang bị, lắp đặt máy lạnh, giường bệnh và một số máy móc thiết bị. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Bình Dương là đơn vị thực hiện việc bàn giao cho Sở Y tế Bình Dương. Tuy nhiên, phía Bệnh viện Đa khoa Bình Dương không tiếp nhận nên công trình “cửa đóng then cài” từ đó đến nay.
Ngoài công trình Khoa sản, Bình Dương còn có 2 công trình khác rơi vào cảnh tương tự. Đó là công trình Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần (quy mô 300 giường, vốn đầu tư 250 tỷ đồng) và công trình Bệnh viện Lao, phổi Bình Dương (quy mô 150 giường vốn đầu tư 280 tỷ đồng). Cả hai bệnh viện cùng đóng trên địa bàn phường Phú Chánh (thị xã Tân Uyên). Giữa năm 2013, hai công trình trên đã được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt và đến 2018 thì được xây dựng xong nhưng bỏ hoang cho đến nay.
Theo bà Cao Thị Bích Thuận, Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Dương, sau khi kiểm tra, thấy một số hạng mục của những công trình này chưa thực hiện theo thiết kế ban đầu, trong khi hạng mục hoàn thiện thì chưa đạt yêu cầu nên chưa thể nhận bàn giao. Sở Y tế Bình Dương đã tổ chức cuộc họp vào giữa năm 2020 với Ban Quản lý dự án tỉnh và Ban lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương để xem xét việc khắc phục và tiếp nhận công trình.
TRƯỜNG NGHỀ TRĂM TỶ ĐỒNG, HOẠT ĐỘNG 5 NĂM
Công trình Trường Trung cấp nghề 26/3 tỉnh Đồng Nai được xây dựng đưa vào sử dụng từ năm 2013, với số vốn đầu tư trên 114 tỷ đồng, gồm văn phòng chính, hội trường trung tâm với sức chứa 200 chỗ ngồi, phòng học lý thuyết, nhà xưởng thực hành, ký túc xá dành cho sinh viên nội trú...
Lãnh đạo trường kỳ vọng sẽ đào tạo ra một lượng lớn công nhân kỹ thuật cung ứng cho các doanh nghiệp. Thế nhưng, chỉ sau 5 năm hoạt động, trường Trung cấp nghề 26/3 bị giải thể, vì hoạt dộng kém hiệu quả do không tuyển được học viên, kinh phí đào tạo và hoạt động bộ máy phụ thuộc lớn và ngân sách cấp hằng năm. Hiện tại tỉnh Đồng Nai đang tìm phương án giao cho đơn vị phù hợp để quản lý cơ sở. Các thiết bị đã đầu tư thì giao cho các trường cao đẳng nghề khác. (Mạnh Thắng – Tiền Phong 18/12/2020)
CHỢ, TRƯỜNG “ĐẮP CHIẾU”, CĂN HỘ BỎ HOANG
Tại TP Hồ Chí Minh, hàng chục nghìn tỷ đồng được đầu tư để xây trường học, làm chợ, xây dựng các dự án tái định cư nhưng không ít công trình sau khi hoàn thành lại bị bỏ hoang, dần xuống cấp, hư hỏng… trong nỗi xót xa, trăn trở và bức xúc từ phía người dân.
Xuống cấp, hư hỏng...
Cách quốc lộ 1A vài trăm mét, chợ Tân Phú (quận 9) bề thế khang trang một thời với quy mô gần 350 ki ốt trên mặt bằng diện tích gần 4.000 m2 đang dần xuống cấp sau 16 năm bị bỏ hoang.
Chợ Tân Phú được đầu tư xây dựng vào năm 2004 với tổng kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng. Theo ghi nhận của PV ngày 16/12, các ki ốt trong chợ bắt đầu hư hỏng. Hệ thống thoát nước và phòng cháy chữa cháy mất công năng sử dụng. Một số người dân cho biết, do bất cập trong quy hoạch nên chợ không thu hút được tiểu thương. Chỉ có một con đường độc đạo đi vào, không có đường đi ra nên chợ cũng không thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Đại diện UBND phường Tân Phú cho biết, đã kiến nghị UBND quận 9 cho thay đổi công năng, tiến hành xã hội hóa nguồn lực khai thác chợ, cho các doanh nghiệp, cá nhân thuê lại nhằm sử dụng hiệu quả mặt bằng nhưng đến nay chưa thực hiện được.
Vừa qua, Sở Xây dựng đã đề xuất UBND TPHCM tháo dỡ một phần hoặc toàn bộ công trình Trường Tiểu học Trần Văn Kiểu (phường 10, quận 6) để đầu tư xây dựng lại theo hình thức xã hội hóa. Đây là công trình được đầu tư xây dựng với kinh phí khoảng 19 tỷ đồng nhưng đã nhanh chóng xuống cấp và bị bỏ hoang trong nhiều năm.
Đại diện UBND quận 6 cho biết, công trình Trường Tiểu học Trần Văn Kiểu đưa vào sử dụng từ ngày 1/9/2004. Sau 4 năm, ngôi trường bị lún sụt nền, gây hư hỏng kết cấu chịu lực, công trình phụ trợ như sân nền, nhà vệ sinh, cầu thang thoát hiểm… nên để đảm bảo an toàn, toàn bộ học sinh phải chuyển sang học ở cơ sở khác. Trường bị bỏ hoang từ đó. Ban Quản lý dự án quận 6 (chủ đầu tư) đã cho khảo sát và tiến hành sửa chữa. Sau gần 8 năm với 2 lần thực hiện khắc phục sự cố và qua 15 chu kỳ quan trắc lún, công trình tiếp tục lún sụt và chưa có dấu hiệu ổn định nên chính quyền địa phương thống nhất đề xuất tháo dỡ.
Theo Sở Xây dựng TPHCM, tính đến hết năm 2019, nguồn nhà ở, đất ở phục vụ tái định cư thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn TPHCM là 9.434 căn hộ và 2.254 nền đất chưa sử dụng tại 163 dự án. Trong số đó, Khu tái định cư Bình Khánh (quận 2) có diện tích 38,4 ha và hàng chục block chung cư cao tầng, quy mô 12.500 căn hộ được hoàn thành từ năm 2015 nhưng đến nay còn hơn 5.300 căn hộ bỏ trống thuộc các lô từ R1 đến R7. Sau 5 năm, hàng nghìn căn hộ đã bắt đầu xuống cấp.
Tương tự, Khu tái định Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) với 45 block chung cư 5 tầng (1.939 căn hộ) được đưa vào sử dụng từ năm 2011 nhưng đến nay còn gần 1.000 căn hộ bỏ trống. Theo một số hộ dân sống tại khu tái định cư Vĩnh Lộc B, do không có người ở và không được duy tu nên sau 9 năm “đắp chiếu”, các block chung cư đã xuống cấp, hư hỏng. Hành lang và lối đi bị sụt lún. Hệ thống phòng cháy chữa cháy hư hại, cái mất cái còn. Nhiều căn hộ đã bắt đầu bị nứt…
Thiệt hại lớn
Để xây dựng 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư, TPHCM vay khoảng 12.000 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng. Mỗi ngày, tiền lãi phát sinh khoảng 2,9 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong năm 2015, số tiền lãi thành phố phải trả là hơn 902 tỷ đồng. Năm 2016, nợ gốc đến hạn phải trả là hơn 5.200 tỷ đồng và lãi vay phát sinh 829 tỷ đồng. Dù bỏ hoang, hàng ngày, ban quản lý chung cư tái định cư Bình Khánh vẫn phải tốn kinh phí quản lý, bảo vệ, làm vệ sinh, thắp sáng... cho các block chung cư.
Tương tự, Khu tái định cư Vĩnh Lộc B do Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TPHCM làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư ban đầu là 542,68 tỷ đồng, sau nâng lên 847,76 tỷ đồng. Tiến độ xây dựng dự kiến thực hiện trong 2 năm 2004-2005 nhưng dự án chậm tiến độ, làm tăng phát sinh tối thiểu 519 tỷ đồng, bằng 195,7% tổng mức đầu tư ban đầu.
Theo Trung tâm quản lý nhà và giám định xây dựng, năm 2020, UBND TPHCM ghi vốn chi khoảng 71 tỷ đồng để duy tu, bảo dưỡng số lượng căn hộ tái định cư bỏ hoang này. Báo cáo kiểm toán “hoạt động đầu tư xây dựng, mua nhà, đất phục vụ tái định cư và công tác quản lý, bố trí quỹ nhà, đất tái định cư giai đoạn 2016-2020 của TPHCM” vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố đã chỉ ra TPHCM đang lãng phí hàng nghìn tỷ đồng với hơn một nửa số lượng quỹ nhà đất tái định cư dôi dư. Một số dự án có thời gian đầu tư kéo dài, việc bố trí tái định cư chậm, chi phí vận hành cao, hiệu quả thấp, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách.
QUY MÔ HOÀNH TRÁNG, HOẠT ĐỘNG CẦM CHỪNG
Nhà thi đấu thể dục thể thao tỉnh Hà Nam được đầu tư hoành tráng, đưa vào sử dụng từ cuối năm 2014, hướng tới tổ chức các sự kiện thể thao trong nhà tầm vóc trong nước, khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, quá trình hoạt động gặp nhiều khó khăn, không nhiều giải đấu được đăng cai, tổ chức.
Giữa tháng 12/2020, phóng viên Tiền Phong tìm về Nhà thi đấu thể dục thể thao tỉnh Hà Nam. Nằm cách trung tâm thành phố Phủ Lý khoảng 4km, với tầm vóc “khủng”, nhà thi đấu nổi bật giữa khung cảnh hoang vắng xung quanh. Từ hướng cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, tòa nhà thường được mọi người ví như “đĩa bay” của tỉnh Hà Nam.
Theo tìm hiểu, được khởi công từ cuối năm 2012, nhà thi đấu hoàn thành cuối năm 2014 bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và một số nguồn khác lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nhà thi đấu quy mô khán đài khoảng hơn 5.000 khán giả; mặt sàn hàng chục nghìn mét vuông trên khu đất rộng đến hàng chục ha. UBND tỉnh Hà Nam giao Sở VHTT&LD Hà Nam tiếp nhận quản lý công trình từ năm 2014.
Nhà thi đấu tỉnh Hà Nam - Nhà thi đấu hơn 1.000 tỷ đồng hoạt động cầm chừng (Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet) |
Trong vai một người có nhu cầu thuê địa điểm tổ chức sự kiện, phóng viên phải gọi điện và được sự cho phép của người được cho là quản lý Nhà thi đấu, các nhân viên bảo vệ mới đồng ý cho vào tham quan, khảo sát để thuê mặt bằng. Tòa nhà khá lớn, nhân viên bảo vệ phải nhắc “đi xe máy một vòng, chứ nếu đi bộ phải mất cả tiếng”.
Theo quan sát, bên trong tòa nhà còn khá mới, nhưng nhiều nơi như hành lang, nhà vệ sinh, phòng phụ trợ bám bụi bẩn, vương vãi rác. Các cửa vào sân khấu hầu hết đóng kín, chỉ có cửa vào từ khán đài D là mở. Phía cầu thang lên khán đài D, nhiều đồ dùng như nồi cơm điện, dây điện, đồ đạc sinh hoạt cá nhân để bừa bộn. Vài công nhân đang sửa chữa trong khuôn viên Nhà thi đấu.
Trong phía sân khấu vẫn treo tấm biển Giải võ thuật tỉnh Hà Nam năm 2020 diễn ra trong các ngày 28,29/11/2020. Nhiều khu vực bụi bẩn, có lẽ chưa được quét dọn một thời gian. Dưới sân, một vài chú dê thả rông đi lại tự do ăn cỏ trong khuôn viên. Nhiều khu vực vương vãi phân dê. Cây xanh được trồng khá nhiều. Toàn bộ khuôn viên Nhà thi đấu được quây kín bằng tường cao khoảng 2 mét. Chu vi bên ngoài tòa nhà có đường khá rộng. Nhân viên bảo vệ quản lý rất chặt, ra vào đều phải đăng ký thời gian, mục đích đến làm việc…
Nằm chờ... các giải đấu
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Chánh văn phòng Sở VHTT&DL tỉnh Hà Nam Nguyễn Ngọc Thanh cho rằng, từ khi đưa vào hoạt động năm 2014 đến nay, Nhà thi đấu thể dục thể thao tỉnh Hà Nam chủ yếu dùng để tổ chức các giải, gồm cả cấp quốc tế, toàn quốc và các giải cấp tỉnh. “Nhà thi đấu này đủ tiêu chuẩn khu vực và thế giới”, ông Thanh nói.
Được biết, Nhà thi đấu đã tổ chức một số giải đấu như giải bóng chuyền các câu lạc bộ nữ châu Á 2015, VTV cup 2016; giải bóng chuyền nam châu Á 2017. Ông Thanh tiết lộ, năm nay, nếu không có dịch COVID-19, Nhà thi đấu sẽ đăng cai Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV cup. Nói về ý kiến cho rằng, nhà thi đấu nghìn tỷ “lãng phí” khi tổ chức được rất ít sự kiện, ông Thanh cho rằng, hiệu quả cao hay không tùy vào nhận định.
“Vì nó là thiết chế thuộc Trung tâm nên kinh phí thường xuyên chi trả, không tách bạch ra được”, ông Thanh nói, đồng thời cho biết, ông “không nắm được cụ thể mỗi năm hết bao nhiêu tiền” để quản lý, vận hành. “Nó cũng không phải là đơn vị sự nghiệp, có con dấu riêng để có bộ máy, con người. Vì nó là một thiết chế, nên hôm có sự kiện thì Trung tâm điều người đến phục vụ, cần duy tu, bảo dưỡng thì cử người đến; có người trông coi, bảo vệ”, ông Thanh nói thêm.
Đại diện Sở VHTT&DL tỉnh Hà Nam cũng cho rằng “sau này khu vực nhà thi đấu sẽ đẹp hơn”, hướng tới phục vụ cho sinh viên khu Đại học Nam Cao; khu công nghiệp Đồng Văn; tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao của các Cty, doanh nghiệp khu vực lân cận. Ông Thanh cho biết, theo quy hoạch trước đây các khu hành chính công, các sở, ban, ngành cũng chuyển về khu vực này. “Nhưng do đầu tư công giai đoạn 2015 - 2020 bị cắt giảm đi nên chưa hoàn thành được”, ông Thanh nói.
Hiện nay, ông Thanh cho biết, hàng năm Sở đều có kế hoạch báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh, đề xuất với Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ VHTT&DL) để có định hướng xin đăng cai các giải thể thao quốc gia, khu vực, quốc tế tại nhà thi đấu của tỉnh. Trước mắt, trong quý I/2021, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch đăng cai thi đấu nội dung Futsal nam, nữ SEA Games 2021. “Một năm cũng chỉ có khoảng 20 giải thi đấu nội dung trong nhà, phân chia ra hơn 40 nhà thi đấu đủ tiêu chuẩn khắp cả nước nên cùng lắm một năm chỉ đăng cai được 1 - 2 giải là cùng”, ông Nguyễn Ngọc Thanh nói.
NGUY CƠ “VỠ TRẬN” Ở DỰ ÁN BỆNH VIỆN NGHÌN TỶ
Dự án Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An - giai đoạn 2 được đầu tư theo hình thức công - tư lớn nhất Bắc Trung Bộ. Tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng, dự án được khởi công đầu năm 2016 nhưng sau gần 5 năm vẫn chưa hoàn thành và có nguy cơ “vỡ trận”.
Chậm tiến độ
Ngày 6/11/2015, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An - giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng, quy mô 600 giường bệnh, tổng diện tích sàn gần 55.000 m2. Dự án được đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công - tư), trong đó vốn Nhà nước chiếm 40%. Số vốn này do Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An làm đại diện, góp vốn bằng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), lợi thế vị trí địa lý và thương hiệu của bệnh viện. Công ty CP Đầu tư Cotec HealthCare nắm giữ 51% vốn điều lệ. Công ty CP Đầu tư Cotec Group nắm giữ 9% vốn điều lệ, cả 2 cổ đông này góp vốn bằng tiền mặt. Đây là dự án được đầu tư theo hình thức công - tư lớn nhất Bắc Trung Bộ.
Đề án được phê duyệt, các bên thỏa thuận liên doanh thành lập Công ty Cổ phần Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa (HNĐK) Nghệ An - giai đoạn 2 với số vốn điều lệ là 260 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Bệnh viện HNĐK Nghệ An gồm có 3 thành viên. Trong đó, ông Đào Đức Nghĩa - Chủ tịch HĐQT là người đại diện theo pháp luật của công ty; Ông Nguyễn Văn Hương, (hiện là Giám đốc Bệnh viện HNĐK Nghệ An) làm Phó Chủ tịch HĐQT và là người đại diện phần vốn góp 40% của Nhà nước trong công ty; Ông Goh Hsien Ming là thành viên Hội đồng quản trị.
Được biết, trong cổ phần của Công ty Cổ phần Bệnh viện HNĐK Nghệ An, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An góp 104 tỷ đồng (tương đương 40% vốn điều lệ), Công ty CP Đầu tư Cotec HealthCare góp 132,6 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư Cotec Group góp 23,4 tỷ đồng. Toàn bộ số vốn còn lại (hơn 1.000 tỷ đồng) vay ngân hàng. Hiện tại, Ngân hàng BIDV chi nhánh Nghệ An cũng đã giải ngân cho Chủ đầu tư dự án hơn 700 tỷ đồng.
Nợ thuế, nhà thầu phụ viết đơn kêu cứu
Thông tin từ Cục Thuế Nghệ An còn cho biết, đến thời điểm này, Công ty Cổ phần Bệnh viện HNĐK Nghệ An đã nợ tiền thuế, tiền phạt lên đến 2.164.405.275 đồng. Để giải quyết, Cục Thuế Nghệ An đã thực hiện cưỡng chế tài khoản nhưng không thu được tiền thuế nợ. Cụ thể, ngành thuế Nghệ An đã ra quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với đơn vị này. Được biết, Công ty Cổ phần Bệnh viện HNĐK Nghệ An còn tồn 499 hóa đơn chưa sử dụng. Nếu đơn vị này sử dụng hóa đơn nêu trên kể từ ngày quyết định cưỡng chế có hiệu lực thi hành (từ ngày 19/11/2020 đến ngày 18/11/2021) được coi là sử dụng hóa đơn không hợp pháp.
Ngoài ra, vào tháng 7/2020, 5 nhà thầu phụ đồng loạt ký đơn gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An để kêu cứu vì nhà thầu chính là Công ty COTEC LAND không thanh toán tiền dù các nhà thầu phụ này đã hoàn thành tiến độ thi công theo lộ trình dự án. Tổng số tiền nợ 5 nhà thầu phụ theo phản ánh là gần 15 tỷ đồng.
Trước đó, UBND thành phố Vinh cũng đã xử phạt hành chính đối với Công ty Cổ phần Bệnh viện HNĐK Nghệ An vì đã vi phạm tổ chức thi công xây dựng công trình sai với nội dung giấy phép xây dựng do Sở Xây dựng tỉnh Nghệ An cấp. Với lỗi vi phạm này, Công ty Cổ phần Bệnh viện HNĐK Nghệ An đã bị xử phạt 40 triệu đồng.
ĐỂ VỈA HÈ BỀN ĐẸP
Như Tiền Phong đã thông tin, chuyên gia vật liệu đá tự nhiên nói rằng, nguyên nhân sâu xa của hiện tượng nứt vỡ đá vỉa hè là chất lượng đá không đảm bảo, sản xuất không đúng quy trình. Qua khảo sát thực tế, PGS. TS Dương Vân Phong giảng viên bộ môn Trắc địa Cao cấp, Đại học Mỏ Địa chất đánh giá, đá được chọn để lát vỉa hè tại các tuyến phố ở Hà Nội nhìn chung không đồng đều về chủng loại, chủ yếu là đá vôi, chưa đạt chất lượng để lát, bó vỉa hè. Rất nhiều viên đá xuất hiện vết rạn ngang theo thớ, hoặc những màu đá khác xen lẫn.
Quét nước xi măng?
Sau khi Tiền Phong có bài phản ánh đá chưa thi công có hiện tượng rạn nứt, mấy ngày qua, những kiện đá trên một số tuyến phố được quét vôi, nước xi măng pha loãng. Như trên phố Tăng Bạt Hổ quận Hai Bà Trưng những kiện đá được quét vội lớp xi măng trắng che đi vết nứt. Theo dõi những ngày sau đó, những viên đá được quét nước xi măng này vẫn được đưa vào thi công lát vỉa hè. Còn trên tuyến phố Trần Khánh Dư (quận Hoàn Kiếm) ngay sau khi Tiền Phong phản ánh, không còn thấy công nhân thi công. Các kiện đá trên cả một tuyến phố trung tâm được quét sơn, xi măng đánh dấu và dán biển chữ “đá loại, trả về”.
Việc này, cán bộ Ban QLDA quận Hai Bà Trưng cho biết, việc quét xi măng để che vết rạn nứt trên đá là “rất lạ” và sẽ cho người kiểm tra ngay. “Việc này nếu xảy ra đương nhiên chưa được nghiệm thu về mặt kỹ thuật vì vẫn đang trong quá trình thi công”, ông này nói.
Còn ông Trịnh Hoàng Tùng, Giám đốc Ban QLDA quận Hoàn Kiếm khẳng định, đối với các dự án đang triển khai trên địa bàn quận, việc kiểm tra chất lượng vật liệu đầu vào diễn ra thường xuyên. Quan điểm là kiên quyết loại những vật liệu không đảm bảo yêu cầu. Những kiện đá tại phố Trần Khánh Dư qua kiểm tra không đảm bảo yêu cầu khi đưa đến công trình. Ban QLDA đã không nghiệm thu và không cho tiếp tục thực hiện lát đá vỉa hè nữa. Tuy nhiên, các kiện đá này chưa được di chuyển ngay do nhà thầu chưa bố trí được máy móc và phương tiện vận chuyển. Để thể hiện rõ quan điểm, Ban QLDA quận Hoàn Kiếm đã thực hiện việc đánh dấu và ghi rõ đối với những lô đá không đảm bảo chất lượng và yêu cầu chuyển trả sớm.
Với thông tin các tuyến phố thi công không có thông tin kỹ thuật và đơn vị chịu trách nhiệm, sau khi PV Tiền Phong phản ánh, một số đoạn tuyến đã dần được gắn biển.
Từ năm 2019 đến nay, sau khi hạ ngầm đường dây điện, viễn thông, nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội đã và đang được cải tạo lát đá vỉa hè. Rút kinh nghiệm từ việc thi công trước đây, thành phố đặt ra yêu cầu cao hơn về chất lượng, đồng thời phân cấp cho các quận tăng cường quản lý sau khi đưa vào sử dụng.
Tuân thủ quy định
Chiều 16-12, khảo sát tại các tuyến phố đã được cải tạo, lát đá tự nhiên vỉa hè như: Lý Thường Kiệt, Dã Tượng, Trần Bình Trọng, Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm), Trần Nhân Tông, Nguyễn Đình Chiểu, Hàng Chuối (quận Hai Bà Trưng)..., phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận đường phố khang trang, sạch đẹp hơn. Chị Nguyễn Thu Hương (số 47 Hàng Chuối, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: Hè phố sau khi lát đá không còn tình trạng gồ ghề, người dân đi lại dễ dàng hơn. Tuy vậy, tại một số vị trí, như đoạn gần ngõ 44 phố Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng, dự án mới triển khai năm 2019-2020); cổng ra vào trụ sở Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (số 62 Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, dự án triển khai cách đây đã 3-4 năm), có tình trạng đá lát bị bong tróc, nứt vỡ.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hai Bà Trưng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay: Việc lát đá vỉa hè tại tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu, đoạn từ ngã 3 phố Tô Hiến Thành đến Đại Cồ Việt do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố làm chủ đầu tư, phần còn lại do quận triển khai. “Ban đã kiểm tra, xác định đoạn vỉa hè gần ngõ 44 Nguyễn Đình Chiểu thuộc dự án của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố, vẫn đang trong quá trình bảo hành”, ông Hùng thông tin.
Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, sau khi UBND thành phố ban hành Quyết định số 1303/ QĐ-UBND (ngày 21-3-2019) về thiết kế mẫu hè phố đô thị trên địa bàn, UBND quận Hai Bà Trưng đã và đang triển khai 35 dự án cải tạo vỉa hè. Đến nay, bên cạnh việc đã cơ bản hoàn thành 30 dự án, quận đang rà soát, kiểm tra, bảo đảm yêu cầu chất lượng theo quy định.
Với quận Cầu Giấy, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Phạm Thị Kim Liên chia sẻ: Thực hiện theo Quyết định số 1303/QĐ-UBND, quận đã triển khai 5 dự án lát hè sử dụng vật liệu gạch giả đá. Các dự án sau khi đưa vào sử dụng đến nay vẫn bảo đảm chất lượng.
Để công trình bền vững
Phó Chi Cục trưởng phụ trách Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) Nguyễn Quang Huy cho biết, qua kiểm tra 21 dự án lát hè được thực hiện từ đầu năm 2020 đến nay, về cơ bản chủ đầu tư, các đơn vị thi công tuân thủ thiết kế được duyệt và các quy định về quản lý chất lượng công trình. Tuy nhiên, tại một số dự án, việc vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị còn chưa được bảo đảm như: Thi công dàn trải; tập kết vật tư, thiết bị chiếm dụng lòng đường, vỉa hè; thi công gây bụi bẩn...
Về tình trạng một số tuyến phố, như tuyến Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) lát đá tự nhiên, tuyến Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) lát gạch giả đá, mặt hè phố bị hư hỏng được báo chí phản ánh gần đây, ông Nguyễn Quang Huy cho hay, đây là những tuyến phố được lát gạch, đá từ trước năm 2018, theo thiết kế mẫu hè phố đô thị ban hành tại Quyết định số 4340/QĐ-UBND ngày 20-8-2014. Ngày 21-3-2019, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1303/QĐ-UBND thay thế Quyết định 4340/QĐ-UBND, trong đó, rút kinh nghiệm quá trình triển khai lát vỉa hè trước đây, kỹ thuật thi công lát hè cũng như chất lượng vật liệu đã được chấn chỉnh, hướng dẫn cụ thể, nhất là về độ cứng vạch bề mặt, độ chịu mài mòn, cường độ nén uốn của loại đá hoa.
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Cao Thắng, ngày 4-12, Sở Xây dựng đã có văn bản đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện đúng Quyết định số 1303/QĐ-UBND; rà soát, lựa chọn chủng loại vật tư, vật liệu lát hè phù hợp cho từng tuyến phố. Đối với các dự án sử dụng vật liệu đá lát vỉa hè, Sở Xây dựng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã quản lý chất lượng ngay từ khâu lập hồ sơ mời thầu, tổ chức quản lý, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc các loại đá lát. Sở Xây dựng cũng lưu ý các quận, huyện thực hiện các văn bản hướng dẫn kỹ thuật của Sở Xây dựng, trong đó lưu ý công tác nghiệm thu tại 3 bước thi công (bước thi công mặt nền hè, bước đổ bê tông lót, bước thi công lát đá).
Về một số tuyến phố lát đá vỉa hè xảy ra tình trạng gạch lát nứt vỡ sau một thời gian đưa vào sử dụng, ông Hoàng Cao Thắng cho biết, theo quy định phân cấp quản lý, UBND cấp huyện cần kiểm tra rà soát, duy tu, sửa chữa kịp thời để bảo đảm chất lượng sử dụng công trình và cảnh quan đô thị. UBND các phường, các đơn vị liên quan cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng mặt hè bền đẹp, bảo đảm đúng công năng và thiết kế; nghiêm cấm việc sử dụng mặt hè trái công năng, như việc đỗ xe ô tô, gây hư hỏng, xuống cấp Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện đường lối, thể chế, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xử lý và giải quyết có hiệu quả những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, yếu kemsd từ nhiều năm trước của nền kinh tế. mặt hè.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được đặc biệt coi trọng và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và đạt được nhiều kết quả rõ rệt; tình trạng tham nhũng bước đầu được ngăn chặn và có thuyên giảm”.
“Nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp, nhạy cảm đạt ra và tồn tại từ nhiều năm trước nhưng đến nhiệm kỳ này chúng ta đã giải quyết được, đạt kết quả quan trọng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.
“Cụ thể, việc thể chế hóa, cụ thể hóa một số nghị quyết của Đảng còn chậm; tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về KT – XH, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường còn một số hạn chế, bất cập. Việc triển khai một số công trình trọng điểm, giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm; đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn. Có lúc, có nơi việc xây dựng tổ chức thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật và thực thi công vụ vẫn còn là khâu yếu; kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi chưa nghiêm”.
“Những thiếu sót, khuyết điểm nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng chủ yếu là do hoạt động, phương thức lãnh đạo của Ban chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trên một số lĩnh vực còn hạn chế; chưa tập trung, quyết liệt, kịp thời trong lãnh đạo tổ chức thực hiện nghị quyết; người đứng đầu trong một số lĩnh vực, địa phương chưa phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm, tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của mình”./.
PGS.TS Nguyễn Đức Khiển
Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội
0 nhận xét