LTS: Họ là những người lặng lẽ trồng vài chục hecta rừng sản xuất làm giàu cho mình, tạo công ăn việc làm cho bà con; duy trì rừng thay thế để luôn có bóng mát, cảnh quan, cung cấp ô xy cho sự sống vốn đã quá mệt mỏi vì hiệu ứng nhà kính này.
Có người trồng rừng không phải để khai thác, mà chỉ đơn giản là trả nợ rừng, chuộc lỗi với rừng. Có người ước ao tôn vinh giá trị của rừng bằng cách mở đường phục vụ giới trẻ thưởng lãm thiên nhiên tuyệt bích, sau cả đời họ bỏ tiền túi, đổ mồ hôi sôi nước mắt trồng và giữ rừng.
Đáng chú ý, có cả cộng đồng người "vác tù và hàng tổng", nhiều năm giữ các triền cổ thụ to như cột chống trời, tỏa ra một vòm trời cây lá xanh mơ màng khiến khách bộ hành lướt qua ai cũng phải sững sờ…
Loạt bài của báo NTNN/Dân Việt sẽ giúp bạn đọc hình dung phần nào công việc, cuộc sống và cả tâm tư của những con người đang ngày đêm an ủi Mẹ Rừng bằng chính tấm lòng, trái tim của mình. Những con người bằng tâm huyết của mình đang góp một phần vào nỗ lực bảo vệ Mẹ Rừng - cũng là tấm áo giáp giúp con người chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, với bão lũ, sạt lở đất đầy rẫy ẩn hoạ...
Kỳ 1: 94ha rừng huyền thoại và lời tuyên bố "phải bước qua xác tao"
Sinh năm 1965, dựng vợ xong cho cả hai cậu con trai và đã làm ông nội lâu lắm rồi, anh Đoàn Công Oánh tóc vẫn xanh rì, vâm váp, ăn sóng nói gió, đi rừng như sơn dương. Quê gốc Nam Định, 17 tuổi, theo ông bác lên xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang sinh sống, rồi làm công an viên của xã, anh Oánh đã gắn bó với đôi bờ sông Lô ngót nửa thể kỉ rồi. Lâu đến mức, hai cô con dâu anh đều là người Tày bản xứ cơ mà.
Tiền của đổ hết lên núi
Hồi mới lên, anh và cô vợ tảo tần dựng lều ở ven sông Lô để trồng rau, nuôi gà lợn, rồi làm đậu phụ bán cho cả mấy xã, lãi lờ chả bao nhiêu, nhưng cốt lợi lộc ở cái bã nuôi lợn. Anh chị tảo tần, chăm chỉ đến mức cả xã Đạo Đức ai cũng phải coi là hiện tượng lạ. Thấy việc là làm. Ba giờ sáng mỗi ngày dậy làm đậu phụ, ngày rét mướt, nước Lô giang dềnh lên suýt ngập cả lều, anh chị vẫn cố lo toan, gánh đậu phụ chạy vào chợ bán nốt hàng.
Hay lam hay làm, quần xắn móng lợn, tay vâm váp thấy việc là xông vào, bất kể việc nhà mình hay nhà hàng xóm, anh Oánh được cả khu vực quý mến. Anh Oánh tính hào sảng và thẳng như ruột ngựa, thẳng đến mức có người bảo "ông này đầu gấu lắm", bởi thấy kẻ nào hà hiếp hay gian dối là anh sẵn sàng lên gồng xông vào, có khi bạt tai cho mấy cái để dạy dỗ. Anh là người đầu tiên trong khu vực đứng ra bới đất lật cỏ trồng rau sạch theo VietGAP. Anh đi khắp nơi, lên Internet gõ Google tìm thông tin trồng dưa lưới. Thất bại mãi rồi cũng thành công. Giờ thu nhập ngót tỷ rưỡi đồng một năm với hơn 4.000m2 nhà lưới của Israel và Nhật Bản. Tưới nước theo công nghệ nhỏ giọt, dinh dưỡng thủy canh.
Anh Oánh bên một cây chè cổ thụ, anh say mê thiên nhiên một cách lạ kì. (Ảnh: Hoàng Chiên) |
Được động viên tham gia làm công an xã, thực hiện nhiệm vụ thì thôi, chứ về đến nhà là vợ chồng anh lại xoay trần đủ thứ việc. Đào ao, thả cá. Trồng lúa. Múc cát sông. Học nghề trồng dưa lưới, trồng rau sạch công nghệ cao. Đặc biệt là trồng rừng và ước nguyện theo chứng chỉ "FSC" của châu Âu - cung cấp ô xy vá tầng ô zôn cho địa cầu. Hai bố con đều là "điển hình" của tỉnh.
Tuấn Anh, con trai anh Oánh được đeo vòng "nguyệt quế" bằng hoa tươi, ngồi bàn luận thế sự trong không ít cuộc tọa đàm và vinh danh người khởi nghiệp trước sự chứng kiến của quan đầu tỉnh. Giờ lái xe bán tải thương hiệu Nhật, đời mới nhất, xây nhà lầu tráng lệ ven dòng Lô, anh Oánh vẫn đặc sệt nông dân tính. Vui, thẳng, thật và thích quảng giao. Ai hỏi bí kíp làm ăn, anh Oánh tông tốc kể hết.
Nhà anh lãng mạn sau bóng núi, sương mơ và khói làm chiều cuốn lẫn vào nhau, không tài nào phân biệt nổi, đi vài bước là thụt chân xuống cỏ ướt bờ sông Lô. Gần nửa thế kỉ bắt cá, bơi từ bờ nọ sang bờ kia sông Lô, đêm ngày nghe nước ì oạp lan man trôi mãi từ địa đầu cực Bắc về nơi chôn nhau cắt rốn Nam Định, anh Oánh vẫn ấp ủ một điều thầm kín. Ấy là làm sao để được "tái sinh" cuộc sống thơ mộng và tử tế với rừng.
Sương phủ khắp nơi, rừng già như vừng trán tổ tông trầm mặc trên các rông núi. Nước nguồn dào dạt trong ngần. Anh tắm mình trong cuộc sống đó và luôn nghĩ rằng, nếu có thứ cổ tích tuyệt diệu nhất của quả đất này thì đó chính là tay nôi Mẹ Rừng với sự nhiệm màu bảo bọc cuộc sống con người ta. Thoắt cái, rừng bị phá thê thảm, núi trơ khấc như cái cằm người đàn ông vừa bôi bọt trắng và cạo râu tinh tươm xong.
Anh Oánh làm công an viên, đi sâu vào bản Dao, bản Tày, nói được tiếng của bà con. Hóa ra, từ thượng cổ, bà con miền núi đã có câu, dịch ra tiếng miền xuôi như thế này: Mạnh và dữ như con hổ con báo, độc và lạnh như con rắn, chúng cũng không phá rừng. Trong các loài đi ra từ rừng, chỉ có con người là quay lại xóa sổ chính tay cái nôi đã che chở mình. Anh nghe mà lạnh gáy, toát mồ hôi hột.
Kể cả với diện tích rừng mới trồng, anh Oánh cũng chăm sóc sao cho thật đẹp và xanh mát nhất. |
Độ ấy, tức là khoảng 30 năm trước, lâm trường có chính sách giao rừng cho các nông hộ trông coi. Giám đốc lâm trường và Chủ tịch UBND xã đến từng nhà vận động bà con nhận khoán rừng. Không ai thèm nhận, người ta cứ đạp xe, buộc sau một cái cưa tay, lên rừng đẵn gỗ về làm nhà sàn, làm củi, kiến tha lâu cũng đầy tổ, cò cưa kí cưa vài năm mà tiệt không còn một bóng cây xanh.
Vốn mê đắm với rừng, anh Oánh đứng ra nhận 94,5 hecta để bảo vệ và trồng thêm. Một diện tích khổng lồ, nó trùm từ chân lên đỉnh núi và vắt sang thung lũng bên kia. Riêng "mặt tiền" ven quốc lộ 2, dọc bờ sông Lô, rừng anh Oánh nhận đã dài hơn một cây số, diện tích tràn ngược lên các rông núi thì đi bộ vài ngày mới hết. Anh Oánh nhận, giữ gìn rừng thông cổ thụ, trồng thêm cây keo và nhiều loại cây lấy gỗ khác. "Ba mươi năm trôi qua, 25ha rừng thông đại thụ không bị mất cây nào. Rừng tôi trồng, thì nhiều cây sồi đã tỏa bóng như cổ tích. 70ha rừng keo và rừng sản xuất, tôi trồng mà rất ít thu hoạch, chúng cũng "cổ thụ" lắm rồi".
Anh trồng, hết bao nhiêu tiền giống, tiền phân bón, mỗi lần mua ghi cả vào. Cứ nai lưng ra trồng cấy, cả buôn bán đủ thứ, để một mực có tiền trồng rừng. Phát bớt cây dại, mua cây giống, lưu lượng người trồng rừng thuê cho anh thường xuyên có hơn 20 người. Thoạt nhìn thì đơn giản, nhưng mở sổ của anh Oánh ra mới biết: 30 năm qua, anh đầu tư vào rừng vài tỷ đồng rồi.
"Cứ tính công, mỗi người hai trăm nghìn đồng/ngày; mà tôi thuê 20 người", anh trợn mắt, rót thêm một ly rượu mời khách, "tôi tính để chơi thôi, chứ có thanh toán với ai đâu, vợ tôi còn phản đối rầm rầm. Toàn giấu diếm vợ để đầu tư. Cô ấy đi bán từng bó rau, bán từng bìa đậu phụ ngoài chợ làng, rồi về lo con cái ăn học. Còn lại, tiền trâu bò lợn gà cá mú tôi đầu tư lên rừng hết. Có lần, vợ tôi lên rừng, thấy rừng tốt um, nhìn chả thấy bóng mặt giời, cô ấy gào lên, hóa ra, bao năm qua, tiền của tôi ông đem đổ hết lên núi thế này ư. Suýt bỏ nhau mấy bận vì rừng đấy, ông tưởng ngon ăn à?".
Tôi nhẩm tính, mới khâm phục cái sự công phu của "rừng Ông Oánh". Nhiều hơn tiền tỷ, là công sức "cả tuổi thanh xuân cống nạp cho rừng" của anh. "Tôi ở trên rừng không muốn về, dựng lều ở đó và ngắm thiên nhiên bát ngát. Nể vợ thì tôi về thôi". Anh tin là hơn 94 hecta rừng của anh, ngay khu vực cây số 7 và 8 trên quốc lộ 2 Hà Giang – Hà Nội (tức là cách trung tâm tỉnh lỵ Hà Giang khoảng 8 km) góp phần gìn giữ tư cách thành phố biên thùy cho Hà Giang. Bởi miền địa đầu cực Bắc nồng say, thành phố với đôi bờ sông Lô mướt xanh kì diệu năm nao giờ hầu như không còn tán rừng nào ra hồn.
Rừng của ông Oánh nhiều người đến đây có cảm nhận như lạc vào một khu rừng nguyên sinh nhiều tầng lớp |
Dọc đường quốc lộ 2 cũng hết rừng, bờ sông Lô thì bị san đất lập nền dựng nhà cửa hàng quán búa xua. Giờ cán bộ muốn giữ thể diện, rằng rừng Hà Giang vẫn còn. Muốn thế phải giữ tốt cái "mặt tiền". Mà trước khi vào hoặc ra khỏi thành phố Hà Giang, rừng "Ông Oánh" trải rộng suốt mấy cây số, nhìn lên thăm thẳm, bạt ngàn, ai chẳng thích. Anh Oánh giữ rừng thông, mỗi cây chu vi gốc hai người lớn ôm mới hết, cây cành cao vút tận trời xanh. Còn rừng trồng thì vài chục đến cả ba chục năm tuổi, thừa tuổi khai thác từ lâu.
Anh Oánh muốn giữ để bảo vệ màu xanh, để ngắm, để sau này mở con đường lên cho bà con thỏa thích vui chơi. Từ lưng chừng hay đỉnh rừng ông Oanh mà nhìn xuống sông Lô xanh mơ màng thì tuyệt bích. Chúng tôi đi bộ cả ngày ròng xuyên rừng già "ông Hâm", chợt thấy biết ơn cuộc đời với những rông núi huyền thoại ấy.
"Đứa nào phá rừng thì cứ phải bước qua xác tao"
Vừa nhâm nhi ly rượu nồng, anh Oánh vừa kể chuyện bảo vệ rừng "đổ mồi hôi, sôi nước mắt" ra sao. "Người quanh đây bao năm đi phá rừng, phá trụi núi non. Nó thành tập quán rồi, nên tôi không trách họ được. Trước, tôi cũng phá rừng ác lắm. Từ ngày cóp tiền, vay tiền đi mua cây giống, chăm bẵm từng bầu cây, tôi không chấp nhận cho ai phá rừng của tôi nữa. Các rừng thông già của lâm trường trước kia, tôi giữ suốt 30 năm qua, không cây nào bị chặt. Cây ngã đổ thì mục nát thành đất, cây chưa mục vẫn nằm ngang dọc trong rừng".
"Tôi dựng lều trong rừng. Dân đi lấy măng, tôi thu dao, dân đi vào bắn thú, tôi thu súng. Tôi khỏe, tôi tinh tường, tôi là công an viên của xã. Buồn cười nhất là mấy cậu đi bẫy chim. Nó bảo có đại bàng núi, có cả con hươu, đặc biệt nhiều là cầy hương. Tôi bảo, vào rừng tôi, tôi chặt chân. Cán bộ kiểm lâm, hồi đó bảo tôi, đứa nào vào cứ đánh cho một trận no đòn, tiền trảm hậu tấu. Tội đâu bọn tôi chịu".
"Thế là tôi dữ đòn lắm. Có người bị tôi thu cưa máy, tài sản cả chục triệu đồng của họ, tôi đưa ra công an truy tố tội phá rừng cổ thụ, họ đưa cả họ đến cạy cục xin tôi tha tội. Có người bị tôn bắt trong rừng, họ gọi thân nhân mang súng đến đòi bắn tôi. Tôi quật ngã thu luôn súng. "Muốn phá rừng này phải bước qua xác tao", thế là họ sợ lắm. Giờ thách đố không ai dám phá nữa. Thật ra tôi không ác với ai, chả đầu gấu đầu mèo gì đâu, tôi chỉ muốn "giơ cao đánh khẽ" để trị những kẻ cứng đầu thôi.
Các bạn trẻ lên rừng do anh Oánh quản lý và con trai anh vui vẻ giao lưu với họ |
"Tôi là dân lao động, tay nó sần chai tơ tướp ra, cầm đồng tiền xương máu của mình nó xít lại và không rơi ra được đâu. Bao năm, thuê hàng nhiều vạn ngày công (mỗi ngày 20 lượt nhân công) để trồng rừng. Những đứa hay vào rừng ăn trộm, nó sợ tôi hơn cọp. Có tay đi bẫy chim, bảo đây có chim công, có gà rừng, có trăn to bằng bắp đùi, hoẵng thì nhiều. Thế là đem chim mồi, đem súng vào săn. Tôi ở trong bụi cây bắt hết chim mồi. Chim đó đắt và quý. Thế là họ sợ lắm. Bảo nhau, vào rừng Ông Oánh hâm gàn ấy mà bẫy chim thì không những trắng tay mà còn ăn đòn. Không những bị đuổi đánh mà lại còn mất cả chim mồi".
Rừng bây giờ, mênh mông các triền thông. Cả tỉnh Hà Giang, trừ những chỗ đi vài ngày mới tới và lại là trong khu Bảo tồn Thiên nhiên tôi không biết. Nhưng các chỗ đến thăm được, thì không nơi nào thông nhiều và cây to đẹp như "rừng Ông Oánh". Người ta tự túc đến cắm trại du lịch, tôi rất ủng hộ, dù mình không thu gì của họ cả. Tôi thích phục vụ những người lãng mạn và yêu rừng như thế.
Tôi ước mơ, có tiền mở một con đường xe máy, ô tô từ đúng vị trí cái "Cổng chào Hà Giang", cũng là chân rừng của tôi, ngược lên sườn núi. Trên đó, bà con vui chơi, ngắm cảnh, cắm trại, nghỉ cuối tuần. Rừng phòng hộ, rừng kinh tế - sản xuất đủ cả. Tôi nhìn rừng của mình và mãn nguyện lắm rồi. Tôn trọng quy định bảo vệ rừng, song cũng không nên để rừng già rậm rịt bít hết lối mòn chuột chạy như hiện nay, bởi để như thế thì thành ra "em như cây quế giữa rừng/ thơm tho ai biết, ngát lừng ai hay".
Tôi muốn rừng của tôi tươi mới hơn, phục vụ cuộc sống nhiều hơn nữa, ngoài cái việc ngăn mưa lũ, chống sạt lở hay cung cấp ô xy cho quả đất này. Rừng đẹp đến ngơ ngẩn, sông Lô giờ tĩnh hơn rộng hơn và xanh hơn do tích nước hồ thủy điện, đường quốc lộ 2 chỗ này hơi uốn lượn qua xanh thắm rừng của tôi. Phải "thức giấc" cái nàng công chúa ngủ trong rừng kia, cho bà con mình, cho người muôn nơi biết đến và lấy kinh tế du lịch ấy tiếp tục nuôi rừng. Chứ tôi cũng phải già yếu, không lẽ cứ vâm váp và tóc xanh mãi thế này để cặm cụi giữ rừng được ư? Ước gì có ai cam kết được với tôi rằng, sau mấy chục năm tôi chăm sóc, trước khi tôi không leo núi lên đỉnh rừng được nữa, thì người ta chắc chắn sẽ tiếp tục bảo vệ rừng. Chứ không thể nào lại phá hủy nó đi.
Nhấp ngụm rượu trong tiếng côn trùng rỉ rả và tiếng con gì quẫy đạp ngoài bờ nước sông Lô, chìm sâu vào hoài niệm và các khát vọng không kém phần mộng mơ, anh Đoàn Công Oánh lại trở về nguyên hình một cậu học sinh yêu văn chương, thích phim ảnh lãng mạn cách mạng năm nào. Anh bảo, tôi thăn thớ u bắp, da đen sạm vì làm việc quần quật đêm ngày. Làm ngày làm đêm, làm thêm lúc gà gáy
Con trai anh Oánh bên một cây thông bị đổ tại vị trong rừng do mưa bão, anh Oánh bảo tồn nguyên trạng các cánh rừng suốt 30 năm |
Vợ tôi cũng thế. Các cháu cũng mở nhà hàng nổi ngoài mặt nước sông Lô. Làm đủ nghề trong cuộc mưu sinh. Tuy nhiên, nghề rừng cho tôi được là chính tôi nhất. Tôi làm cho mình, cho giấc mơ màu xanh bất tận và sương khói mơ màng của riêng mình. Tôi xem tivi của Tây, thấy họ nói có cái bệnh nghiện thiên nhiên, nghiện rừng núi hoang vu. Tôi là con nghiện dựng lều trên núi không muốn về như thế đấy…
"Tôi dạy các con tôi, rằng trồng và bảo vệ rừng phải có cái Tâm. Ta bảo con lên núi chặt cây làm cái cán xẻng, con vác rựa chặt phăng cây đứng một mình, thì rừng chỗ đó trống hoác, nhìn buồn quá. Con phải chọn chỗ nào cây túm tụm, tỉa bớt một cái cán xẻng thôi, thế mới không là kẻ phá hoại. Cứ chỗ nào chim hót nhiều và hót thật hay, là chúng nó lên bẫy chim về bán và ăn thịt, tôi rình tịch thu mất cả chì lẫn chài, bọn thợ săn khóc như ri. Đi lạc vào "Rừng Ông Oánh" đã gọi điện xin lỗi anh, em vô tình lạc vào chứ không có ý xấu gì".
Rừng ông Oánh bảo vệ có rất nhiều cây thông lớn |
Một cây thông cổ thụ hàng chục năm tuổi |
Một góc rừng của ông Oánh trong tổng diện tích hơn 94ha ông bảo vệ hàng chục năm qua |
Trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Liên, Chủ tịch UBND xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên khẳng định: "Anh Đoàn Công Oánh ở địa phương là người có trách nhiệm rất cao trong công tác bảo vệ rừng, trồng rừng. Ngoài ra anh Oánh còn hoàn thành tốt các công việc được Ủy ban giao. Những năm gần đây anh Oánh là một trong những trụ cột của hộ gia đình đi đầu phát triển kinh tế từ mô hình trồng dưa lưới mỗi năm thu hàng tỷ đồng, từ hộ gia đình anh Oánh đã nhân rộng ra 6 hộ dân khác. Riêng về trồng rừng và bảo vệ rừng có rất nhiều người đến gặp và học kinh nghiệm. Đây là một tấm gương xứng đáng để nhiều người học hỏi, và là niềm tự hào của xã nhà".
Theo Lãng Quân - Hoàng Chiên/Dân Việt
0 nhận xét