Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Đỗ Thiết Khiêm cho rằng, thiệt hại do bão, lũ gây ra trên địa bàn huyện là rất lớn với hàng trăm điểm trường bị tốc mái, tường đổ; nhiều chợ bị sập, tốc mái hoàn toàn; hàng chục công trình giao thông, thủy lợi sạt lở; hàng trăm nhà dân, công sở bị tốc mái, xiêu vẹo và hàng trăm ha cây ăn quả, hoa màu hư hại… với tổng thiệt hại trên 862 tỷ đồng.
Cán bộ, chiến sĩ huyện đội Bình Sơn giúp dân thu dọn nhà sập sau bão. |
“Với những tan hoang sau bão, lũ, huyện đang gồng mình huy động mọi nguồn lực khắc phục thiệt hại để sớm khôi phục lại sản xuất, đảm bảo trường lớp cho học sinh học tập và nơi ở cho người dân. Trước mắt, huyện tập trung ưu tiên sửa chữa lại nhà ở cho dân và những công trình khẩn cấp như trường học, chợ, giao thông, thủy lợi, trạm y tế bằng nguồn kinh phí dự phòng tại chỗ và nguồn hỗ trợ của tỉnh, Trung ương, cùng nguồn tiền, hàng cứu trợ của các đơn vị và mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh” - Chủ tịch huyện Đỗ Thiết Khiêm nhấn mạnh.
Chợ Bình Châu, huyện Bình Sơn hư hại nặng sau bão. |
Đường đi đến những vùng bị bão, lũ tàn phá ở huyện Bình Sơn những ngày này có những đoạn còn sình lầy bùn đất, dòng sông Trà Bồng vẫn cồn cào giận dữ và những cánh đồng, khu dân cư ven sông vẫn còn chìm trong biển nước. Cơn bão mạnh vừa đi qua, thì lũ dữ tràn về để lại khung cảnh tan hoang và những câu chuyện đau lòng.
Người dân xã Bình Hải, huyện Bình Sơn đang thu dọn nhà sập. |
Bà Tiêu Thị Tuyết, thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải (Bình Sơn) chia sẻ: “Do ảnh hưởng bão số 12, đêm qua chúng tôi đi sơ tán tới nơi an toàn, khu vực này sát biển nên mọi người ai cũng đi hết. Lúc về, thấy nhiều nhà bị tốc mái, đồ đạc trong nhà ngấm nước biển bởi triều cường lên cao nhưng vẫn còn thấy may. Nếu chúng tôi không sơ tán, có lẽ không tránh khỏi thương tích, bị gạch ngói, cây cối rơi trúng. Giờ dù có thiệt hại, nhưng thôi, còn người, còn của”.
Lực lượng dân quân xã Bình Hải, huyện Bình Sơn giúp dân sửa lại mái nhà hư hại sau bão. |
“Mất hết rồi chú ơi, cả trang trại lợn, gà, cá, rau, quả đến ngày thu hoạch đã bị “Đại phong” và “Hà Bá” cướp rồi. Tôi chỉ kịp ôm đứa con cùng vợ chạy thoát chết. Bây giờ gia đình tôi biết sống sao khi khối tài sản mà hai vợ chồng tôi xây dựng bằng mồ hôi, nước mắt và cả vay ngân hàng đã tan tành rồi...” - Một gia đình ở thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn khóc.
Ghi nhận của PV, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn là địa phương ven biển bị bão số 9 tàn phá nặng nhất. Toàn xã với hàng chục ngôi nhà bị tốc mái, xiêu vẹo; khu chợ Bình Châu hư hại hoàn toàn, nhiều điểm trường, trạm y tế và trụ sở làm việc của xã đã hư hỏng nặng. Sau khi trở về nhà từ nơi sơ tán tập trung, nhiều người dân đã không nhận ra ngôi nhà của mình. Trường học vẫn đang ngổn ngang tôn sập, tường đổ. Hiện chưa thể đánh giá hết được những thiệt hại và mất mát to lớn do liên tiếp bị ảnh hưởng nặng nề bởi “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ”.
Là người nhiều năm sống ở xã ven biển, ông Nguyễn Minh Hùng, thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, nói: “Bão, lũ liên tiếp thế này đã tàn phá nhiều công trình hạ tầng, sản xuất kinh doanh bị đình trệ thì người dân chỉ nghèo khổ quanh năm. Trong cơn bão số 9 vừa qua, sóng cao đến 3 mét đập vào bờ đã nhấn chìm nhiều tài sản, nhà cửa, vườn tược của bà con ở đây. Nó là mất mát, đau thương mà mấy ngày qua, khi nhắc lại cơn bão số 9, chúng tôi vẫn thấy sợ, rất may mắn là cả gia đình đều bình an”.
Nhiều điểm trường ở huyện Bình Sơn bị bão đánh tốc mái, tường đổ không thể sửa chữa. |
Rời nhà ông Hùng, chúng tôi đi xem thực tế ở các nơi khác. Đứng ở điểm trường THCS Bình Châu, chúng tôi ghi nhận toàn bộ các dãy phòng học bị tốc mái hoàn toàn. Nhiều dàn đà, kèo và mái tôn đã đổ sập, nằm ngổn ngang chưa thể khắc phục một sớm một chiều. Hiện BGH nhà trường đang tạm thu xếp, sửa chữa lại một số phòng và mượn cơ sở sinh hoạt của thôn để đảm bảo cho học sinh đến trường học tập sau bão.
Trụ sở làm việc của UBND xã Bình Châu, huyện Bình Sơn bị hư hại. |
Qua kiểm tra thực tế, Chủ tịch UBND xã Bình Châu Nguyễn Văn Hải cho biết: “Hiện tại, cuộc sống của nhiều hộ dân sau bão gặp rất nhiều khó khăn. Trước mắt, xã triển khai biện pháp 4 tại chỗ, kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm và bố trí nơi ăn, ở tạm thời cho bà con. Đặc biệt, chỉ đạo Trạm y tế xã khẩn trương tổ chức khử trùng vệ sinh để dịch bệnh khỏi bùng phát. Về lâu dài, xã chúng tôi sẽ nghiên cứu xin Trung ương, tỉnh hỗ trợ kinh phí để đầu tư lại chợ Bình Châu đang xuống cấp, những điểm trường cũ bị xiêu vẹo, sập mái hoàn toàn và làm lại nhà ở bị sập cho những hộ đặc biệt nghèo khó, không nơi nương tựa”.
Trường THCS Bình Châu, huyện Bình Sơn bị bão đánh sập mái hoàn toàn. |
Cũng theo ghi nhận của PV, những ngày qua, dưới cơn mưa tầm tã, có nơi ngập lụt trên diện rộng, nhưng bà con huyện Bình Sơn cùng với chính quyền luôn gồng mình chống lũ và khắc phục hậu quả sau bão. Chính trong cơn nguy biến do thiên tai, tình đồng chí, nghĩa đồng bào đã trở thành sức mạnh để người dân vùng bão lũ vượt qua cơn hoạn nạn. Nhờ đó, hiện nay, một số nhà dân, điểm trường đã được sửa chữa tạm thời, đảm bảo cho học sinh đến trường sau bão, lũ.
Nhiều dãy phòng học tan hoang sau bão. |
Bình Sơn rồi sẽ vượt qua những ngày bão, lũ để đón nắng bình minh. Những tổn thất nặng nề do thiên tai tàn phá đang trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm, lo lắng của nhiều người ở địa phương và trong nước. Được biết, huyện Bình Sơn vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về thăm, tặng quà và động viên chính quyền và nhân dân địa phương sớm vượt qua khó khăn, thử thách sau bão. Hiện tại, cùng với sự quan tâm, kịp thời chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh và các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh..., huyện Bình Sơn đang gồng mình khắc phục sau bão, lũ nhằm sớm khôi phục sản xuất và đem lại cuộc sống ổn định cho người dân.
0 nhận xét