Open top menu
Thứ Hai, 26 tháng 10, 2020

Trần Thế Vĩnh sinh năm 1986, người làng Phúc Lộc, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, hiện sống tại Sài Gòn. Từ khi 3-4 tuổi anh đã đắm say hội họa, luôn cầm phấn sáp nguệch ngoạc khắp nơi. Cha Vĩnh là thợ vẽ trang trí, nên anh thừa hưởng truyền thống nghệ thuật của cha mình, say mê sắc màu, học hỏi theo cha, hầu như ngày nào cũng tập vẽ.

Lớn lên, theo tiếng gọi mỹ thuật nồng nàn, Vĩnh chọn hội họa tại Trường đại học Nghệ thuật - Đại học Huế, thay vì theo khiếu ngôn ngữ, từng được giải tiếng Anh tại Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn, Quảng Trị.

Tại buổi ra mắt sách trước ngày diễn ra triển lãm “Vọng”, hoạ sĩ Trần Thế Vĩnh cho biết, để hoàn thành cuốn sách, anh đã phải mất 2 năm ấp ủ và thực hiện.

Những nhân vật mà Vĩnh chọn trải dài từ Bắc chí Nam và mỗi tác phẩm của họ phải tạo được cảm hứng cho Trần Thế Vĩnh vẽ, nên Vọng có thể “sót” nhiều người, nhưng vẽ ai thì đều xuất phát tự sự đồng điệu.

Sách ảnh “Vọng” tập hợp 51 chân dung văn nghệ sĩ tài hoa mà anh ngưỡng mộ, cảm phục: Tuệ Sỹ, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Nguyễn Đức Sơn, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Phạm Duy, Đoàn Chuẩn, Phạm Đình Chương, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Xuân Tiên, Lê Uyên Phương, Cung Tiến, Lam Phương, Trầm Tử Thiêng, Nguyễn Ánh 9, Trúc Phương, Y Vân, Hoàng Thi Thơ, Trần Thiện Thanh, Nguyễn Hiến Lê, Trần Đức Thảo, Quang Dũng, Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Phùng Cung, Phùng Quán, Trần Dần, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Tất Nhiên, Nguyễn Bính, Nguyễn Bắc Sơn, Du Tử Lê, Nguyên Sa, Minh Đức Hoài Trinh, Hàn Mặc Tử, Đỗ Long Vân, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Vũ Trọng Phụng, Trần Vàng Sao, Nguyễn Giá Trí, Vĩnh Phối.

Chia sẻ về lý do đặt tên cuốn sách là “Vọng”, hoạ sĩ Trần Thế Vĩnh cho biết: “Để đặt tên cuốn sách, mình cũng phải suy nghĩ một thời gian rất dài, cũng có rất nhiều ý trong đầu. Nhưng đến lúc quyết định in thì mình quyết định đặt tên cuốn sách là “Vọng”. Vọng ở đây là sự ngưỡng vọng, sự hướng về xa, bởi vì những nhân vật mình vẽ là người xưa, có những nhân vật mất đi thì mình chưa sinh ra, chỉ biết họ qua tác phẩm, thì ở trong tâm tưởng có sự ngưỡng vọng đối với họ. Ngoài ra, chữ Vọng còn nằm trong tiếng vang vọng, những nhân vật, tài năng đó, âm vang của họ đã vọng đến tận bây giờ và mãi về sau. Vì những gì họ làm, cống hiến đã trở thành giá trị để cho lớp sau học hỏi”.

Trừ họa sĩ Vĩnh Phối là thầy dạy ở đại học, còn lại Vĩnh chưa gặp bất kỳ ai trong 50 nhân vật, vài người đã qua đời trước khi cha mẹ của Vĩnh sinh ra, nên ký ức của Vĩnh là những dư âm từ lịch sử, từ sách vở, từ tinh thần văn nghệ, từ sự ngưỡng mộ… được truyền lưu qua năm tháng. Bằng trí nhớ gián tiếp, sự tưởng tượng dạt dào cũng như kiến văn tự thân, Vĩnh đã thành công trong việc lột tả thần thái. Chính điều này làm cho các tranh chân dung - mới nhìn tưởng giống nhau- nhưng lại có được hồn cốt riêng và câu chuyện sâu sắc.

Dù Trần Thế Vĩnh tự nhận mình vẽ nhân vật bằng sự đồng điệu “không áp đặt”, “vẽ trong vô thức”, nhưng khi xem tranh của Vĩnh, người xem vẫn đọc được những “mật ngữ” và thông điệp ẩn giấu trong mỗi bức chân dung nhân vật. Đó là cuộc đời, thân phận và cả tác phẩm của họ thăng trầm theo chuyển biến của thời cuộc. Có những cuộc đời được nhìn nhận lại, nhưng cũng có người bị khuất lấp trong lớp bụi thời gian và sự định kiến... Vì vậy, vẽ cũng là cách để Trần Thế Vĩnh đưa những tài hoa ấy đến gần với công chúng hơn.

Ngày nào tôi cũng vẽ, và thường vẽ vào buổi chiều đến đêm khuya. Vẽ cần sự tĩnh lặng bên trong lẫn bên ngoài và cùng với đó là sự nhập tâm. Dù trước lúc ấy, tôi đã đọc và nghiên cứu nhiều tác phẩm của họ, hiểu thơ ca và tư tưởng, nhưng khi vẽ, tôi quên mọi ngôn ngữ ấy đi để tập trung vào ngôn ngữ của chính mình. Không áp đặt. Vẽ trong vô thức. Và chính lúc này là khoảnh khắc diệu kỳ tạo nên trạng thái thăng hoa để đạt được một tác phẩm tốt.

Sự định tâm vô cùng quan trọng trong nghiệp sáng tác của người họa sĩ. Quá khứ của anh ta có thể băng qua nhiều biến cố, với những vết sẹo chưa lành, nhưng anh ta phải chấp nhận rằng mọi chuyện đã trôi vào dĩ vãng, lắng đọng và sắp xếp lại, thì lúc này anh ta có thể nhìn thấy chính mình qua những gì anh ta đã trải qua.

Vẽ xong thì thật sự sung sướng, y như tôi đang đối diện với chính mình, thích có người bạn cụng ly bia và ngồi với nhau tâm sự, chia sẻ. Hoặc không, tôi sẽ châm điếu thuốc và ngâm bức hình trong trạng thái miên man, say đắm”- Trần Thế Vĩnh chia sẻ.

Nhận xét về “Vọng”, hoạ sĩ Ngô Kim Khôi cho biết: “Dự án vẽ chân dung văn nghệ sĩ của Trần Thế Vĩnh hình thành từ 2018, với mục đích “để lại tiếng vọng cho đời từ con người đến tác phẩm của mình”. Đó là những con người tuy lạ nhưng quen, đáng ngưỡng mộ và truyền cảm hứng vào đời sống. Họ gần gũi, thân ái với chúng ta vì chúng ta từng khóc cười vui buồn với họ, cũng như hít thở theo những quy nghĩ triết lý của họ. Những nét cọ mạnh mẽ, tràn đầy sức sống của Trần Thế Vĩnh chan chứa tâm tình, như sợi dây dẫn lối đưa khách thưởng tranh đến gần cái nhìn ngơ ngác của Bùi Giáng, khoé mắt trầm tư của Văn Cao, Y Vân…, trên những cái phông nhạt nhoà, có những đường cọ tràn lấn lên gương mặt, như níu kéo quá khứ, kết liền hiện tại…”.

Họa sĩ Lương Lưu Biên nhận định về Vọng: “Hầu hết chân dung Vĩnh vẽ đều đạt đến những sắc thái sinh động, chân thật này, cộng với bút pháp khoáng đạt, linh hoạt, người xem thích thú với những cá tính sáng tạo khác biệt và mạnh mẽ được thể hiện. Đồng thời, sự tung tẩy của những vệt sơn cũng làm giảm đi độ chuẩn xác chi tiết, gây cảm giác xóa nhòa của thời gian, mang tính gợi ý hay tạo ra những khoảng trống để một lần nữa đến lượt người xem sẽ tự mình lấp đầy bức tranh một cách tự do bằng những cảm xúc và hiểu biết riêng tư của họ với nhân vật được vẽ. Họ sẽ như lần đầu được gặp lại những người quen đã xa cách lâu ngày với đầy tình cảm qua tác phẩm các nhân vật để lại”.

Còn với nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng, thì: “Những gì chúng ta nhìn và thấy được từ những chân dung này qua ý thức nghệ thuật không chỉ tái hiện diện mạo nhân vật, mà ngụ ý sự đồng hiện cuộc đời, phẩm cách và tác phẩm của họ như một toàn thể. Mẫu số chung của những chân dung này là họ đều gánh chung một vận mệnh trong cái đêm dài lịch sử, và nếu ghép những gương mặt này lại, ta có được bức chân dung chung cho một thời đại nhiều biến thiên, “rằng lời bạc mệnh cũng là lời chung”.

Trần Thế Vĩnh quan niệm: “Vẽ chân dung là một chủ đề cơ bản của bất cứ ai khi bước chân vào nghiệp họa sĩ. Nhưng cái khó nhất của vẽ chân dung là lấy được thần thái của nhân vật. Khi bạn nhìn thấy ánh mắt Bùi Giáng trông như mắt thật, ấy chính là linh hồn tranh. Phải nghiên cứu về họ, đọc về họ, thấu cảm với họ, tôi mới có thể vẽ họ sống động như thế theo cách riêng của mình.

Phần sáng tạo của chân dung nằm ở bút pháp, bạn có thể thấy những “nét phá”, tưởng chừng như linh tinh trong tranh, lại là cái đặc biệt và đắt nhất của tác phẩm. Để đạt được điều đó, người nghệ sĩ phải biết buông, biết chấm, biết phá và biết thả. Đó chính là bản lĩnh.

Cũng có thể gọi đây là cách vẽ theo trực giác. Trực giác không có nghĩa là cảm giác suy đoán, phán đoán không cần cơ sở nào, mà là nhận thức mang tính trừu tượng. Người nghệ sĩ thường sở hữu trực giác quyết liệt, họ vẽ bằng trực giác ấy và lấy đó làm cơ sở tạo nên phong cách riêng của mình”.

Hiện Trần Thế Vĩnh đang là một họa sĩ tự do, sống và vẽ tại Sài Gòn. Từ năm 2005 đến nay anh đã có hàng chục triển lãm mỹ thuật khác nhau. Trần Thế Vĩnh cũng giành giải đặc biệt Dogma vào năm 2013.

Cuốn sách và triển lãm Vọng giới thiệu 51 tranh chân dung văn nghệ sĩ của Họa sỹ Trần Thế Vĩnh sẽ khai mạc lúc 18h ngày 28/10/2020 tại Mai House Saigon- Đường Ngô Thời Nhiệm, phường 6, quận 3, TP Hồ Chí Minh.

Let's block ads! (Why?)

Different Themes
Written by Lovely

Aenean quis feugiat elit. Quisque ultricies sollicitudin ante ut venenatis. Nulla dapibus placerat faucibus. Aenean quis leo non neque ultrices scelerisque. Nullam nec vulputate velit. Etiam fermentum turpis at magna tristique interdum.

0 nhận xét